“Cá chết” là một
trong những từ mục được truy cập nhiều nhất trên Google mấy tuần qua và cũng là
một trong những đề tài, câu chuyện được theo dõi nhiều nhất từ hơn tháng nay
trên các phương tiện truyền thông của người Việt trong và ngoài nước. Tin về sự
kiện cá chết hàng loạt dọc bờ biển miền Trung Việt Nam và những cuộc biểu tình
dậy sóng tại các thành phố lớn trong cả nước trở thành một trong những tin thời
sự “nóng” nhất của người Việt, và ngày càng có vẻ nóng hơn lên như cái nóng hừng
hực của thành phố Sài Gòn vào mùa này.
Những cuộc xuống đường
tuần hành, biểu tình dưới hình thức nào đều là cách người dân thể hiện công
khai tiếng nói, nguyện vọng của mình hoặc bày tỏ thái độ, phản ứng trước sự kiện
nào liên quan đến tình hình đất nước hay đời sống mình. Lượng người tham gia
vào các cuộc biểu tình càng đông càng cho thấy sự đồng lòng, hợp nhất của quần
chúng và “tiếng nói” của người biểu tình càng có trọng lượng, càng lan rộng
vang xa.
Cá chết, chỉ là chuyện nhỏ
Thử đọc qua ít biểu
ngữ, khẩu hiệu của người biểu tình để “nghe” được tiếng nói người dân qua các
cuộc biểu tình có đến hàng ngàn người này. Từ các khẩu hiệu hiền lành bày tỏ
nguyện vọng thiết tha, thành khẩn:
“Tôi yêu môi trường
biển và tôm cá” / “Trả lại biển sạch cho dân” / “Biển chết! Dân chết!” / “Biển
sắp chết, xin đừng vô cảm” / “Cá chết, dân chết theo” / “Chúng tôi muốn sống”
(nghe như tên một cuốn phim hay ở miền Nam thuở trước)…, đến các khẩu hiệu mạnh
mẽ, tỏ thái độ dứt khoát, quyết liệt:
“Tôi chọn tôm cá,
không chọn gang thép” / “Dân cần cá, không cần nhà máy ô nhiễm” / “Hãy trả Vũng
Áng cho nhân dân tôi” / “Biển sạch! Chính quyền sạch!” / “Cá cần nước sạch, dân
cần minh bạch”…, hoặc nêu đích danh những tên tuổi, “Formosa hủy diệt môi trường
là tội ác” / “Formosa hãy cút khỏi Việt Nam” / “Yêu cầu Bộ Trưởng Tài Nguyên –
Môi Trường từ chức”…
Có khẩu hiệu là câu
hỏi nhiều người muốn biết, “Ai đầu độc biển miền Trung?” hoặc (có vần vè như
thơ lục bát) “Miền Trung đang rất nguy nan / Bốn vị lãnh đạo lang thang chỗ
nào?”
Bên cạnh đó, lác đác
những khẩu hiệu vu vơ, lạc lõng, trong một cố gắng lái mục tiêu biểu tình sang
hướng khác, như “Đi tắm biển, đừng để lại gì ngoài dấu chân” (đề nghị người dân
đừng… xả rác ngoài bãi biển).
Nội dung các khẩu hiệu
cho thấy, mặc dù đến nay nhà nước vẫn đang truy tầm thủ phạm vụ thảm sát hàng
loạt cá biển ở miền Trung, người biểu tình đã hướng con mắt ngờ vực và chỉ ngón
tay trỏ về phía nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh, thuộc Tập đoàn Formosa
Plastics của Đài Loan, cho rằng chính nguồn nước thải dưới lòng biển của nhà
máy đã gây ra thảm họa này. Các giới chức lãnh đạo Công ty TNHH gang thép Hưng
Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, trong một cuộc họp báo, đã ngỏ lời xin lỗi người dân Việt
Nam, nhưng không phải lỗi gây ra vụ cá chết thảm mà là lỗi phát ngôn “gây tổn hại
đến mối quan hệ tốt đẹp giữa Tập đoàn Formosa và chính phủ, nhân dân Việt Nam”
của người phụ trách đối ngoại của công ty (phát ngôn rằng người Việt chỉ có thể
chọn một trong hai: hoặc phát triển ngành công nghiệp gang thép, hoặc đánh bắt
tôm cá, và người biểu tình đã nhanh chóng đáp trả bằng khẩu hiệu “Tôi chọn cá.
Formosa hãy cút về nước!”).
Về hệ thống xả nước thải công nghiệp đặt ngầm dưới lòng biển, công ty Formosa
nói rằng đã làm theo đúng quy trình và đường ống xả thải nằm trong bản thiết kế
đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt (không tin thì đi hỏi người nào
đã… cấp giấy phép).
Trong khi đó, hơn một
tháng sau ngày cá chết trắng bờ biển miền Trung, giới lãnh đạo nhà nước vẫn
chưa có công bố chính thức nào về nguyên do cá chết, ngoài câu trả lời “chung
chung” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sau quá trình nghiên cứu kỹ
các mẫu cá chết và mẫu nước biển: “Các nhà khoa học nghiên cứu đã chỉ ra rằng,
có hai nhóm nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt: thứ nhất do
tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền
và biển; thứ hai, do hiện tượng dị thường của tự nhiên kết hợp với tác động của
con người tạo nên hiện tượng ‘tảo nở hoa’ mà thế giới gọi là ‘thủy triều đỏ’.”
Câu trả lời về “hai nhóm nguyên nhân” này kém sức thuyết phục vì không
trưng ra được chứng cớ cụ thể nào, nhất là không chịu nói rõ “độc tố hóa học”
nào, khiến dân tình hoang mang càng thêm hoang mang.
Một đất nước vốn tự
hào tập trung nhiều đỉnh cao trí tuệ, nhiều chất xám của một lực lượng đông đảo
Tiến sĩ, Phó Tiến sĩ thì dễ gì chịu “bó tay” vì chuyện nhỏ cá chết, ngoài câu
trả lời thông thái trên có thể kể thêm ít câu tuyên bố khá “vô tư” về nguyên do
cá chết như:
“Cá chết hàng loạt
là do sức ép của âm thanh gây ồn ào.”
Người phát ngôn câu
trên là ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Môi Trường” (không
nói rõ loại “âm thanh gây ồn ào” nào, có thể là tiếng ồn ào của người biểu
tình).
“Cá chết trôi dạt
vào bờ là chuyện bình thường, nguyên nhân do trong quá trình khai thác của ngư
dân, một số cá có thể bị thương ngoài biển.”
Câu tuyên bố trên đọc
được trong “Thông Cáo Báo Chí” của Sở Thông Tin và Truyền Thông Đà Nẵng ngày
27/4/2016. Cũng trong thông cáo này:
“Các tàu cá thu hồi
ngư cụ bị thất thoát cá dẫn đến một số cá bị chết, lâu ngày dạt vào bờ.”
Cứ theo lối giải
thích này thì cá bị thương, bị tai nạn, hoặc tự sát tập thể, hoặc chiến tranh
giữa các loài cá do tranh chấp lãnh hải… vân vân đều có thể là những nguyên
nhân dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt.
Ngoài ra, để trấn an
người dân trước những tin đồn nhảm, báo Tuổi Trẻ tường thuật lời của Chi
cục trưởng Chi cục Thủy sản Đà Nẵng, ông Lưu Quang Khánh, cho biết ông đã cùng
lãnh đạo các địa phương đi kiểm tra ven biển sau khi ngư dân nói phát hiện nhiều
cá chết trôi dạt vào bờ biển Đà Nẵng, thuộc quận Liên Chiểu, nhưng “không thấy
gì cả, chỉ có một, hai con cá chết đã lâu ngày, do nắng nóng hoặc bị rơi xuống
trong quá trình vận chuyển đến các chợ hải sản, chứ hoàn toàn không có vụ cá
nhiễm độc mà chết.”
Một cuộc kiểm tra
khác về cá chết được lập biên bản: sau quá trình kiểm tra thực tế, đếm đi đếm lại,
đếm tới đếm lui cẩn thận, tình hình cá chết ở biển Đà Nẵng được cán bộ Chi cục
Thủy sản ghi nhận “tổng cộng có 17 con cá bị chết trôi dạt vào bờ trong tình trạng
đã phân hủy mạnh” (có phân loại từng loài cá và ghi rõ: gồm 1 con cá nóc, 1 con
cá đuối, 3 con cá nhồng…).
Các báo cáo này cho
thấy vụ cá chết chỉ là “chuyện không có gì mà ầm ĩ thế”.
Về đường ống xả thải
khổng lồ của nhà máy gang thép Formosa chôn ngầm dưới lòng biển Vũng Áng được
ngư dân phát hiện, không thiếu những phát ngôn “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”
như:
“Đến nay, Formosa
chưa được cấp phép xả thải xuống biển. Hiện các cơ quan chức năng của Bộ vẫn
đang tiến hành các bước thủ tục kiểm tra, thẩm định cần thiết. Nếu hệ thống xử
lý nước thải, xả thải đạt tiêu chuẩn mới được cấp phép hoạt động,” Phó Tổng cục
trưởng Tổng cục Môi trường, ông Hoàng Dương Tùng, khẳng định.
“Đường ống xả thải
ra biển chạy ngầm dưới đáy biển của Formosa là hoàn toàn hợp pháp, có trong thiết
kế, có quy trình xử lý và được Bộ cho phép, chứ không phải lắp đặt lén lút,”
phát ngôn cùng ngày 23/4 của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Võ Tuấn
Nhân.
Cũng ông Thứ trưởng
này, trong cuộc họp báo về nguyên nhân cá chết ở miền Trung, đã khoát tay lia lịa
cắt ngang câu hỏi của một cô nhà báo về vụ nước biển vùng cá chết bị nhiễm kim
loại nặng, “Tắt máy! Tắt máy ngay! (ý nói đừng thu hình, thu âm câu hỏi này).
Không, không…, đừng hỏi câu đó! Em hỏi câu đó làm tổn hại cho đất nước của
mình. Ra ngoài nói chuyện…”
Dứt câu Thứ trưởng vội
vàng đứng dậy với vẻ bực dọc, không họp hành gì nữa khiến cô nhà báo hụt hẫng,
chỉ biết nói “Ok, ok…” (không cho hỏi thì… thôi, làm gì quạu quọ vậy!).
Cô nhà báo chắc
không dè ông Thứ trưởng lại “dị ứng” với câu hỏi của cô, câu hỏi “làm tổn hại
cho đất nước” khiến ông đau lòng và không tiện trả lời (cũng gọi là “họp báo” để
rộng đường dư luận mà cung cách không giống như họp báo ở các nước tự do, dân
chủ).
Trong khi đó, để giải
tỏa nỗi “bức xúc” của người dân vì thảm họa môi trường biển miền Trung và để “giải
độc” (do bọn xấu tuyên truyền, kích động), nhân ngày lễ 30/4 Bí thư thành ủy,
Chủ tịch UBND Đà Nẵng và các quan chức nảy ra sáng kiến táo bạo là biểu diễn một
màn dắt díu nhau xuống biển, vừa tắm táp thoả thích, vừa triển lãm những cái bụng
bự, sau đó lại dắt díu nhau lên bờ gọi tôm cua cá ăn nhậu thả dàn để chứng tỏ
cho bà con thấy là biển vẫn sạch, hải sản vẫn an toàn, cán bộ vẫn sống nhăn, chẳng
chết… con cá nào cả.
Sáng kiến hay ho này
cho thấy các cán bộ nhà nước rất thương dân và vui tính.
Dân chọn cá, lãnh đạo chọn
gì?
Có điều, mặc ai nói
gì thì nói, làm gì thì làm, cá chết vẫn chết tức tưởi, các thôn xóm ven biển miền
Trung vẫn hắt hiu, tiêu điều. Ngư dân vẫn thất nghiệp nằm nhà dõi mắt trông ra
biển vắng trong lúc hàng chục tấn cá chết vẫn tiếp tục được mang đi tiêu hủy.
Những phiên chợ cá vẫn vắng tanh gợi nhớ nạn dịch cúm gia cầm những năm trước.
Mới đây ngư dân phát hiện thêm nhiều tầng cá chết xếp lớp dưới đáy biển Quảng
Bình, gấp nhiều lần lượng cá chết trên bờ. “Chuyện dài cá chết” xem ra vẫn chưa
thấy dấu hiệu kết thúc, như những cuộc biểu tình cá chết vẫn chưa kết thúc và
còn hứa hẹn nhiều màn gay cấn trong những ngày chờ đón ngài Tổng Thống Hoa Kỳ đến
thăm đất nước và dân tộc gánh chịu nhiều tai ương này.
Đề tài “cá chết miền
Trung” cũng tạo nhiều cảm xúc và cảm hứng cho các văn nghệ sĩ người Việt trong
và ngoài nước. Sáng ngày 29/4 tại Huế có màn trình diễn nghệ thuật “Nỗi đau của
những con cá” của nhóm nghệ sĩ hóa trang Viet Art Space nhằm kêu gọi bảo vệ môi
trường biển, đặc biệt gây ấn tượng qua cách thể hiện của một nghệ sĩ bán khoả
thân, sơn trắng khắp người, vẻ mặt buồn bã, miệng ngậm một con cá chết đi lang
thang qua các đường phố dọc hai bờ sông Hương trong tiếng nhạc thê lương. Màn
trình diễn ngẫu hứng thu hút đông đảo khán giả đường phố nhưng không được công
an địa phương hoan nghênh, các diễn viên được mời về bót “làm việc” vì không có
giấy phép trình diễn và gây mất trật tự giao thông.
Các thành viên ban
nhạc rock Microwave được yêu thích trong nước cũng đã xuống đường cùng người biểu
tình, đàn hát vang vang ca khúc “Tìm lại” nổi tiếng của ban nhạc được viết lại
lời mới với nội dung kêu gọi trả lại môi trường biển trong lành, và cũng được
công an “chiếu cố” tận tình.
Nhiều bài thơ, câu
thơ rưng rưng cảm xúc phổ biến trên nhiều trang báo, trang mạng về thảm họa cá
chết miền Trung.
“Nguyên cớ nào em chết?” Giá
mà loài cá nói được như trong câu chuyện cổ tích “Nàng tiên cá”, những chú cá
còn thoi thóp sẽ tiết lộ cho ta biết kẻ nào đã xuống tay hạ độc thủ. Tin rằng,
dẫu có khéo che giấu tung tích cách nào, sớm muộn gì kẻ sát thủ cũng bị vạch mặt
chỉ tên để cái chết oan khuất của loài cá tội tình sớm được “minh bạch”.
“Tại sao và vì sao?”
Câu hỏi trong bài thơ trên được lặp lại trong một ca khúc quen thuộc, có chút
thay đổi về lời ca cho phù hợp tình hình thực tế, mượn điệu nhạc buồn khóc
thương cá miền Trung chết thảm.
Chỉ cần gọi cá là
“em” và cho vào một chữ “tình” là có ngay một bài tình buồn xót xa, xao xuyến
những nỗi niềm. Có điều, “tình” ở đây là tình tự dân tộc, là tình cảm thắm thiết
của người dân hiền hòa với tôm cá, với sông biển, với nguồn tài nguyên thiên nhiên
biển mà thượng đế ban tặng cho dân mình, cho đất nước mình. “Tôi yêu môi
trường biển và tôm cá”, người dân đã chẳng nói vậy sao?
Những sáng tác của
các văn nghệ sĩ về chủ đề này cũng gợi nhớ bức ảnh nữ diễn viên điện ảnh người
Anh xinh đẹp Helena Bonham Carter bán khoả thân ôm chú cá ngừ lớn vào lòng, vuốt
ve âu yếm với vẻ trìu mến trong chiến dịch hỗ trợ quỹ Đại Dương Xanh (Blue
Marine Foundation) nhằm bảo tồn môi trường biển và các loài sinh vật biển.
“Chuyện dài cá chết” không
chỉ là thảm họa miền Trung mà còn là thảm họa của đất nước ngày nào biển vẫn
chưa sạch, chính quyền vẫn chưa minh bạch để nêu đích danh thủ phạm. “Biển
chết! Dân chết!” Khẩu hiệu nghe được trong cuộc biểu tình cá chết. Liệu thân phận
người dân lành có như loài cá hiền lành chết tức tưởi bên bờ biển miền
Trung? Liệu số phận đen đủi còn đeo đuổi người dân “xứ dân gầy” cho đến
bao giờ? Đến bao giờ biển mới hồi sinh, mới xanh lại một màu “nước biếc
mênh mông như đôi tay ôm của Mẹ trùng dương” cho “tôm to, cá lớn tươi ngon đầy
thuyền…” (*) “Mẹ trùng dương” hẳn xót xa nhiều vì đôi tay Mẹ không
che chở được các con mình.
“Tôi chọn cá!” người
dân đã dứt khoát bày tỏ thái độ. Còn lại là thái độ của những người lãnh đạo đất
nước. Liệu những người lãnh đạo có đồng hành với dân, có chọn cá, có chọn dân?
Câu hỏi người dân vẫn đang chờ đợi được trả lời.
“Dân chọn cá, lãnh đạo
chọn gì?”
Lê Hữu
(*)“Mẹ trùng dương”
(trong trường ca Mẹ Việt Nam), Phạm Duy
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.