Các nhà lãnh đạo G7
đã đồng thuận về sự cần thiết phải chi tiêu để thúc đẩy tăng trưởng nhưng thời điểm
và số tiền còn tùy thuộc từng nước.
Lãnh đạo các nước
Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật và Mỹ hôm 26-5 bày tỏ quan ngại về hiện trạng của
các nền kinh tế mới nổi tại ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh
nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) tại Ise-Shima, tỉnh Mie - Nhật Bản.
Nỗi lo về kinh tế
Thủ tướng nước chủ
nhà Shinzo Abe thậm chí còn đưa ra dữ liệu cho thấy giá hàng hóa cơ bản trên
toàn cầu đã giảm 55% trong giai đoạn từ tháng 6-2014 đến tháng 1-2016. Tỉ lệ
này cũng tương tự như giai đoạn từ tháng 7-2008 đến tháng 2-2009, tức sau khi xảy
ra vụ sụp đổ ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ) dẫn đến khủng hoảng tài chính
toàn cầu.
Tuy nhiên, không phải
ai cũng bi quan như nhà lãnh đạo Nhật Bản. “Các nhà lãnh đạo G7 đánh giá thực
trạng các nền kinh tế đang phát triển là nghiêm trọng nhưng vẫn có quan điểm
cho rằng tình hình kinh tế lúc này không phải là một cuộc khủng hoảng” - phó
chánh văn phòng nội các Nhật Bản Hiroshige Seko nói với các phóng viên sau ngày
làm việc đầu tiên.
Dù vậy, theo ông
Seko, các nhà lãnh đạo G7 đồng thuận phải thúc đẩy chi tiêu để tạo động lực cho
tăng trưởng thế giới nhưng thời điểm và số tiền còn tùy thuộc từng nước.
Anh và Đức cho đến giờ vẫn không đáp lại lời kêu gọi tung ra ngân sách kích
cầu tài chính.
Các nhà lãnh đạo G7
tại Nhật Bản hôm 26-5
Ngoài kinh tế, những
nội dung khác được thảo luận tại hội nghị là chủ nghĩa khủng bố, khủng hoảng di
cư, an ninh mạng và an ninh hàng hải, nhất là sự hung hăng của Trung Cộng tại biển
Đông và biển Hoa Đông. Theo ông Seko, các nhà lãnh đạo G7 nhất trí về tầm
quan trọng của việc phát đi tín hiệu rõ ràng về những gì xảy ra tại các vùng biển
trên. Quan chức này nói thêm cái tên Trung Cộng đã được nhắc đến trong các cuộc
thảo luận về vấn đề an ninh hàng hải hôm 26-5.
Phớt lờ sức ép của Trung
Cộng
Phát biểu bên lề hội
nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhấn mạnh G7 cần có lập trường “rõ
ràng và cứng rắn” về những yêu sách chủ quyền gây tranh cãi của Trung Cộng.
“Chính sách của G7
là rõ ràng: bất kỳ tranh chấp lãnh thổ hoặc hàng hải nào cũng cần được
giải quyết bằng biện pháp hòa bình và dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Các
hành động đơn phương, ép buộc hoặc sử dụng vũ lực sẽ không được chấp nhận” -
ông Tusk khẳng định.
Tổng thống Mỹ Barack
Obama cũng nhấn mạnh Washington muốn thấy giải pháp hòa bình cho tranh chấp biển
Đông sau cuộc gặp Thủ tướng Abe hôm 25-5. Trong khi đó, Thủ tướng Anh David
Cameron giục Trung Cộng tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường
trực (PCA) về vụ Philippines kiện “đường lưỡi bò” sai trái của Bắc Kinh ở biển
Đông.
Những phát biểu trên
cho thấy Trung Cộng đã thất bại trong việc vận động một số thành viên G7, như
Ý, ngăn Mỹ và Nhật đưa vấn đề biển Đông ra thảo luận tại hội nghị. Trước thềm hội
nghị, Trung Cộng còn tìm đủ mọi cách gây sức ép lên G7.
Ngoại trưởng Vương Nghị
hôm 26-5 kêu gọi G7 phải duy trì “lập trường khách quan và công bằng”, không
nên leo thang căng thẳng. “Chúng tôi không muốn thấy bất kỳ cuộc thảo luận hoặc
hành động nào có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực” - ông Vương
nhắc G7.
Cứ như cuộc chạy đua
tiếp sức, Tân Hoa Xã cùng ngày cũng lớn tiếng cảnh báo các thành viên G7 không
nên “can thiệp” vào vấn đề tranh chấp ở biển Đông.
Bài viết còn cáo buộc Nhật Bản
“lèo lái hội nghị thượng đỉnh G7 theo ý đồ của mình nhằm thu hút thêm nhiều đồng
minh để cô lập Trung Cộng”. Bất chấp sức ép này, theo hãng Kyodo, các nhà lãnh
đạo G7 dự kiến ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ hành vi xây đảo nhân tạo và quân
sự hóa các tiền đồn ở biển Đông sau khi hội nghị kết thúc.
Huệ Bình
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.