Ngay trước giờ toà
PCA ra phán quyết, một số người ủng hộ đơn kiện của Philippines tụ tập trước cổng
toà tại Điện Hoà Bình, The Hague, hô vang các khẩu hiệu phản đối Trung Cộng
Vào lúc 11 giờ trưa
ngày 12/7, Tòa Trọng tài Thường trực tại Hague (PCA) ra phán quyết chung cuộc vụ
Philippines kiện Trung Cộng về 'Đường Chín Đoạn', hay còn gọi là 'Đường Lưỡi
Bò' trên Biển Đông.
Trung Cộng từ 1949 tới
nay đã đưa yêu sách đối với vùng biển rộng lớn, nơi Philippines, Việt Nam,
Brunei, Malaysia và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền.
Philippines hôm
22/2/2013 đã đệ đơn kiện Trung Cộng, theo đó yêu cầu toà xác định rằng yêu sách
của Bắc Kinh là vô hiệu và là vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển
(UNCLOS).
Cụ thể, Philippines
nói rằng những thực thể đá và bãi đá ngầm rải rác mà Trung Cộng kiểm soát ở Biển
Đông không thể là căn cứ để tính vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), là vùng được
phép tính tối đa là 200 hải lý từ các thực thể đó trở ra.
Một số nội dung
chính trong phán quyết của PCA
Trong phán quyết
công bố hôm 12/7/2016, PCA đề cập tới năm trong số 15 vấn đề pháp lý mà Manila
nêu ra.
Cụ thể, PCA ra phán
quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền và đường chín đoạn của Trung Cộng trên
Biển Đông:
“Tòa kết luận không
có căn cứ pháp lý để Trung Cộng đòi quyền lịch sử với các vùng biển nằm trong
‘đường chín đoạn’.”
“Tòa xác định rằng,
mặc dù các nhà hàng hải TC và ngư dân của họ, cũng như những người như vậy từ
các Quốc gia khác, đã từng trong lịch sử sử dụng những hòn đảo này ở Biển Nam
Trung Hoa, hiện không hề có chứng cứ gì rằng Trung Cộng đã thực thi về mặt lịch
sử sự kiểm soát đặc quyền trên toàn vùng nước hay tài nguyên. Vì thế, Tòa kết
luận rằng không có căn cứ pháp lý cho việc Trung Cộng nêu quyền lịch sử với
các tài nguyên nằm trong vùng biển trong Đường Chín Đoạn.”
Hồng Nga và giáo sư
Jonathan London tường thuật trực tiếp trên trang Facebook của BBC Tiếng Việt
ngay cạnh các nhóm người biểu tình của cả bên ủng hộ Philippines lẫn bên ủng hộ
Trung Cộng, trước cổng toà PCA
Về vấn đề pháp lý của
"các hòn đảo" mà Trung Cộng đã cơi nới mở rộng nhân tạo dựa trên
các bãi cạn, đá ngầm, cùng vùng biển xung quanh, toà kết luận "không có thực
thể nào ở Quần đảo Trường Sa đáp ứng được các điều kiện để làm căn cứ tính những
vùng biển nới rộng".
Toà cũng lưu ý về việc
có sự hiện diện của con người trên một số điểm, nhưng xác định việc đó không
làm thay đổi bản chất "không thể là nơi con người có thể sinh sống hoặc tự
nó có giá trị kinh tế" của các thực thể này, bởi sự tồn tại của con người
tại đó hoàn toàn "phụ thuộc vào sự hỗ trợ bên ngoài chứ không phải dựa vào
khả năng tự có".
Do đó, toà cũng xác
định rằng Trung Cộng không thể lấy các thực thể đó làm căn cứ từ đó xác định
vùng EEZ của mình.
Không những vậy, toà
tuyên bố rằng "những vùng biển cụ thể đó nằm trong vùng EEZ của
Philippines, bởi chúng không hề chồng lấn lên bất kỳ khu vực nào có thể thuộc về
Trung Cộng".
Về tính pháp lý của
'đường chín đoạn' mà Trung Cộng đưa ra làm căn cứ cho các tuyên bố chủ quyền
của mình, PCA nói rằng bởi một số những vùng biển có tranh chấp là hoàn toàn
thuộc EEZ của Philippines, nên toà xác định là Trung Cộng đã vi phạm chủ quyền
của Philippines tại khu vực này.
Ngoài ra, PCA nhắc tới
vấn đề Trung Cộng gây hại cho môi trường biển trên diện rộng qua việc
bồi đắp đảo nhân tạo, và nói các hành động của Trung Cộng đã làm trầm trọng thêm
xung đột ở Biển Đông.
Giá trị pháp lý và
thực tiễn
Phán quyết của PCA
có giá trị ràng buộc pháp lý đối với các bên liên quan và phải được tuân thủ
ngay lập tức.
Tuy nhiên, hiện chưa
có cơ chế nhằm cưỡng chế thi hành phán quyết của toà.
Chỉ ít phút sau khi
PCA ra phán quyết, Trung Cộng đã tuyên bố phán quyết này là "vô căn cứ",
trong lúc Tân Hoa xã nói đây là một phán quyết "không có giá trị".
Bắc Kinh từ trước tới
nay luôn tuyên bố bác bỏ vụ kiện, không chấp nhận quyền tài phán của PCA và
cũng không công nhận giá trị phán quyết mà toà này đưa ra.
Phái đoàn
Philippines tại toà PCA, tháng Bảy 2015
Bắc Kinh cũng coi vụ
kiện là một âm mưu do Hoa Kỳ giật dây nhằm cạnh tranh quyền lực, trang tin
time.com viết.
"Ngay từ ban đầu,
vụ kiện đã là một cái bẫy do Hoa Kỳ đặt ra nhằm duy trì vị thế thống trị của mình
tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương," time.com trích bài xã luận ngày 8/7
trên Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Cộng. "Một
trong những mục đích sâu xa là nhằm chia rẽ Trung Cộng với các nước láng giềng
bằng cách nhân danh luật quốc tế phỉ báng Trung Cộng."
Chỉ ngay trước khi
PCA ra phán quyết, truyền thông Trung Cộng hôm 11/7 chạy một loạt các tin bài
theo đó nói ngọn hải đăng thứ năm mà Bắc Kinh cho dựng lên tại Đá Vành Khăn sẽ
sớm đi vào hoạt động tại Biển Đông.
Trước đó, Trung Cộng
đã hoàn tất và cho vận hành bốn hải đăng tại Đá Châu Viên, Gạc Ma, Subi, Đá Chữ
Thập tại Quần đảo Trường Sa, là các điểm Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
PCA là gì?
PCA là tổ chức liên
chính phủ lâu đời nhất thế giới, chuyên xử lý các vụ tranh chấp quốc tế thông
qua biện pháp trọng tài "và các biện pháp hoà bình khác".
PCA được thành lập
năm 1899 trong Hội nghị Hoà bình Hague, do Sa Hoàng Đệ Nhị của Nga tổ chức. Cơ
quan này dẫn chiếu tới các hợp đồng, các thoả thuận đặc biệt, và nhiều hiệp ước
khác nhau của Liên hợp quốc để phân xử tranh chấp.
PCA cũng hiện diện
thường trực tại Mauritius, và có thể tiến hành các phiên tranh tụng trên toàn
thế giới.
"Đường Chín Đoạn"
là gì?
Bắc Kinh tuyên bố
"chủ quyền không thể chối cãi" đối với khoảng trên 85% diện tích Biển
Đông, tương đương 3 triệu trên tổng số 3,5 triệu cây số vuông toàn bộ vùng biển
này.
"Đường Chín Đoạn"
chạy có những chỗ cách xa khỏi Trung Hoa lục địa tới 2.000km và vào sát bờ biển
Philippines, Malaysia và Việt Nam vài trăm cây số.
"Đường Chín Đoạn"
ban đầu xuất hiện trên một bản đồ của Trung Cộng hồi 1947 với 11 đoạn đứt
quãng, khi lực lượng hải quân của Trung Hoa Dân Quốc thuộc Quốc Dân đảng khi đó
kiểm soát được một số đảo vốn do Nhật chiếm đóng trong thời Đại chiến Thế giới
lần thứ hai.
Khi Cộng hòa Nhân
dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949 và Quốc Dân đảng phải bỏ chạy ra Đài
Loan, chính quyền cộng sản đã tự tuyên bố mình là đại diện hợp pháp duy nhất của
Trung Cộng và thừa kế toàn bộ các tuyên bố về biển đảo của nước này trong khu vực.
Sau đó, đầu thập
niên 1950, hai "đoạn đứt quãng" được bỏ đi ở khu vực Vịnh Bắc Bộ như
một hành động thân thiện của Bắc Kinh với chính quyền miền Bắc Việt Nam.
Nhóm phóng viên tại Hague
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.