Wednesday, April 9, 2025

Trump chơi ván bài thuế quan _ đó chỉ là 'khởi đầu'

Swearing In Donald Trump GIF by GIPHY News

Trước thời điểm các mức thuế "đối ứng" của Mỹ dự kiến có hiệu lực, Tổng thống Donald Trump dường như đang tham gia vào một trò thi gan đầy rủi ro khi nền kinh tế thế giới đang chơi vơi bên bờ vực.

Một số quốc gia bị coi là "những kẻ vi phạm tồi tệ nhất" đang vội vã tìm cách xoa dịu Nhà Trắng để kết thúc trò chơi trước khi nó đạt đến một cao trào thảm khốc.

Ngược lại, Trung cộng đang chơi một trò chơi khác - trò chơi trả đũa và chống cự.

Trong khi đó, ông Trump vẫn kiên định với nước đi của mình, ngay cả khi một số đồng minh của ông ở Quốc hội và Phố Wall đang tự hỏi rằng liệu tổng thống có đang đi quá xa hay không.

Vào hôm 6/4, khi được hỏi rằng thị trường sụt giảm tới mức nào thì ông sẽ chấp nhận đổi hướng, ông Trump đã gắt gỏng, nói rằng đó là một "câu hỏi ngu ngốc".

Liệu đây chỉ là chiêu bài đàm phán như kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư và chính trị gia, hay là một chiến lược dài hạn nhằm tái định hình trật tự kinh tế toàn cầu và vị thế của Mỹ?

Trong thế giới mới này, một quốc gia được coi là đồng minh hay kẻ thù của Mỹ phụ thuộc vào lợi ích quốc gia đó có thể mang tới cho Mỹ.

Vào chiều 7/4, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, lãnh đạo quốc gia đầu tiên tới gặp ông Trump sau buổi công bố thuế quan mới, đã có bước đi của mình trong trò chơi của ông Trump.

Ông Netanyahu tuyên bố rằng Israel - trước mức thuế mới 17% - sẽ bỏ rào cản thương mại và hướng tới cân bằng thương mại với Mỹ.

"Chúng tôi tin rằng đây là bước đi đúng đắn," ông Netanyahu nhấn mạnh. "Israel có thể trở thành hình mẫu cho các quốc gia khác noi theo."

Các quốc gia khác dường như cũng đang theo đuổi chiến lược tương tự với hy vọng đạt được kết quả tích cực.

Sáng thứ Hai 7/4, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã gọi điện cho ông Trump, dẫn tới tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent rằng Washington đang bắt đầu đàm phán với Tokyo để "triển khai tầm nhìn của tổng thống [Trump] về Thời đại Vàng son mới của Thương mại Toàn cầu".

Chủ tịch ủy ban Liên minh châu Âu (EU) Ursula von der Leyen nói rằng châu Âu đã "sẵn sàng đàm phán" với Mỹ, đề xuất giảm thuế song phương về 0% đối với hàng hóa công nghiệp một đề xuất mà ông Trump đã khen ngợi trong bài phát biểu tại Phòng Bầu dục, nhưng cũng đồng thời nói rằng nó vẫn "chưa đủ".

Trung cộng thì không làm vậy. Sáng hôm 7/4, đối thủ kinh tế hàng đầu của Mỹ đã tuyên bố rằng họ sẽ đáp trả mức thuế 34% của ông Trump bằng cách áp dụng thuế 34% đối với hàng Mỹ.

Điều này khiến ông Trump đe dọa sẽ tăng thêm thuế 50% đối với Trung cộng nếu Bắc Kinh họ không rút lui vào thứ Ba 8/4.

"Trung cộng đã lựa chọn cô lập chính mình bằng cách trả đũa và tăng cường thái độ tiêu cực đã có từ trước," ông Bessent viết trên X.

"Hơn 50 quốc gia đã phản ứng tích cực và công khai trước hành động lịch sử của ông Donald Trump nhằm tạo ra một hệ thống thương mại toàn cầu công bằng và thịnh vượng hơn."

Phản ứng của Trung cộng trước động thái mới nhất của ông Trump cũng thẳng thừng không kém.

"Chúng tôi đã nhấn mạnh nhiều lần rằng việc gây áp lực hoặc đe dọa Trung cộng không phải là phương thức đúng đắn để giao thiệp với chúng tôi," người phát ngôn Đại sứ quán Trung cộng tại Mỹ Lưu Bằng Vũ nói với CBS News đối tác tại Mỹ của BBC.

"Trung cộng sẽ kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình."

Hàng loạt phản ứng và đòn trả đũa từ Trung cộng và Mỹ dường như chính là những gì các nhà đầu tư lo sợ vào tuần trước, khi các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm hai con số.

Tới hôm 6/4, hàng loạt lãnh đạo của các doanh nghiệp, bao gồm cả các nhà tài chính Phố Wall vốn là những người ủng hộ mạnh mẽ chính quyền đương nhiệm, đã lên tiếng phản đối kế hoạch thuế quan ông của Trump.

Dường như họ đang cố gắng dùng sức mạnh ‎‎ ý chí thuần túy của mình để buộc tổng thống phải rút lui.

Trong khi đó, thị trường Mỹ sẵn sàng tăng vọt, nếu có bất kỳ điều gì có thể gieo hy vọng.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã tăng vọt khi một bài đăng trên mạng xã hội vào sáng hôm 6/4 cho thấy Tổng thống Trump đang cân nhắc trì hoãn thời điểm áp thuế mới thêm 90 ngày có lẽ do hiểu sai những bình luận của Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng Kevin Hassett trên Fox News.

Chỉ số S&P 500 tăng thêm 2.400 tỷ USD giá trị thị trường trong khoảng 10 phút, nhưng tất cả đều biến mất khi Nhà Trắng nhanh chóng phủ nhận việc tổng thống đang cân nhắc động thái đó.

Ông Trump tiếp tục đóng sập cánh cửa vào chiều 7/4, khi nói rằng sẽ không "cân nhắc" bất kỳ sự trì hoãn nào. Thế giới vẫn hướng tới thực tại thuế quan mới với tốc độ tối đa.

"Chúng ta sẽ có một cơ hội duy nhất cho việc này," ông nói.

Có lẽ thông điệp đáng lo ngại nhất đối với các nhà đầu tư và các nhà lãnh đạo nước ngoài đang hy vọng vào một sự trì hoãn vào phút cuối và một lối thoát tới viễn cảnh ổn định đến từ ông Peter Navarro, một trong những cố vấn thương mại hàng đầu của ông Trump.

"Đây không phải là một cuộc đàm phán," ông viết trong một bài bình luận trên tờ Financial Times được xuất bản vào chiều 7/4.

"Tổng thống Trump luôn sẵn sàng lắng nghe. Nhưng đối với những nhà lãnh đạo trên thế giới, những người sau nhiều thập kỷ gian lận, đột nhiên đề nghị giảm thuế quan hãy biết điều này: đó chỉ là khởi đầu."

Vậy nếu đây là khởi đầu của một thay đổi hệ thống to lớn hơn thì mục tiêu cuối cùng là gì mà đáng để đánh cược nền kinh tế toàn cầu?

Một giả thuyết nói rằng ông Trump đã có một kế hoạch với một số cố vấn hàng đầu của mình được gọi là "Hiệp định Mar-a-Lago" với mục tiêu cuối cùng là buộc các đối tác thương mại của Mỹ làm suy yếu đồng đô la Mỹ trên thị trường ngoại hối quốc tế.

Việc này sẽ làm cho giá hàng xuất khẩu của Mỹ trở nên phải chăng hơn đối với thị trường nước ngoài và làm giảm giá trị trữ lượng lớn đồng tiền đô la Mỹ mà Trung cộng đang có.

Dù đã phủ nhận rằng đây là chính sách hiện tại của chính quyền, ông Stephen Miran, cố vấn kinh tế của ông Trump, vẫn thúc đẩy kế hoạch này.

Giả thuyết trên là một trong những lời giải thích khả thi cho sự hỗn loạn hiện tại của thị trường chứng khoán mà ông Trump gây ra có chủ đích điều mà hàng loạt nhà kinh tế có tiếng khác cảnh báo là rủi ro.

Còn rất nhiều cách giải thích khác.

Kể từ khi ông Trump gây sốc cho thế giới bằng kế hoạch thuế quan sâu rộng của mình, các quan chức Nhà Trắng đã lan tỏa trên các phương tiện truyền thông những thông điệp rao giảng về sự kiên nhẫn và đưa ra một loạt các giải thích đôi khi mâu thuẫn về chiến lược đằng sau cuộc chiến thương mại toàn cầu của ông Trump.

Ông ấy làm điều đó để tăng doanh thu và bảo vệ ngành công nghiệp Mỹ hoặc là công cụ đàm phán.

Thuế quan là vĩnh viễn hoặc là tạm thời. Chúng sẽ thúc đẩy các thỏa thuận riêng lẻ với các quốc gia khác hoặc buộc một thỏa thuận đa phương lớn được đưa ra.

Ông Trump không hề có dấu hiệu rút lui khi vẫn đẩy mạnh chính sách thuế quan mà không hề do dự. Dường như ông rất sẵn lòng để cả thế giới đoán già đoán non.

Mỹ áp thuế 104% hàng Trung cộng, ông Trump và ông Tập ai sẽ nhượng bộ trước?

Nhà Trắng đã xác nhận thuế quan của Mỹ áp lên hàng hóa Trung cộng tăng lên 104%, chính thức có hiệu lực theo giờ Washington. Liệu Trung cộng có cầm cự được trước đòn trả đũa này của Mỹ?

Theo tuyên bố từ Nhà Trắng, động thái này được đưa ra "nhằm phản ánh thực tế rằng Trung cộng đã tuyên bố sẽ trả đũa Hoa Kỳ."

Sau khi ông Trump công bố mức thuế 34% được gọi là "đối ứng" đối với hàng hóa Trung cộng, Trung cộng cũng lập tức đáp trả khi áp mức thuế đối ứng 34% lên hàng hóa nhập từ Mỹ.

Chỉ có một số sản phẩm như ô tô, chất bán dẫn, thép và nhôm được hưởng mức thuế thấp hơn trong đợt mới này.

Bắc Kinh không có dấu hiệu nhượng bộ trước đòn thuế của ông Trump và cam kết sẽ áp mức thuế riêng đối với hàng nhập khẩu của Mỹ.

Các mức thuế quan đánh lên hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ khoảng 60 quốc gia, được Tổng thống Donald Trump gọi là "những kẻ vi phạm tồi tệ nhất", đã chính thức có hiệu lực.

Trung cộng hiện phải đối mặt với mức thuế quan lớn nhất là 104%. Đây là sự kết hợp của mức thuế 20% đã áp dụng trước đó, mức thuế 34% đối ứng được công bố vào tuần trước và phần tăng thêm 50 điểm phần trăm do ông Trump áp dụng chỉ mới vài giờ sau khi Bắc Kinh từ chối rút lại mức thuế trả đũa đối với hàng hóa của Mỹ.

Kịch bản xấu nhất

Một số nhà phân tích cho rằng thuế quan sẽ ảnh hưởng nặng nề đến Trung cộng, buộc nước này phải tái cấu trúc nền kinh tế và phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng nội địa.

Trên thực tế, bất kỳ mức thuế nào trên 35% sẽ ăn sạch toàn bộ lợi nhuận mà các doanh nghiệp Trung cộng kiếm được từ việc xuất khẩu sang Mỹ hoặc Đông Nam Á, theo lời bà Dan Wang từ công ty tư vấn Eurasia Group.

"Bất kỳ mức thuế nào cao hơn mức đó chỉ mang tính biểu tượng", bà nói, trích dẫn số liệu của ngành.

Bà cũng cảnh báo rằng Trung cộng có khả năng sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng hàng năm khoảng 5% nếu nền kinh tế của nước này đóng cửa thương mại.

"Mức tăng trưởng sẽ thấp hơn nhiều vì ngành xuất khẩu đóng góp từ 20% đến 50% vào mức tăng trưởng kể từ đại dịch Covid".

Ông Tim Waterer từ công ty môi giới KCM Trade cho biết thuế nhập khẩu 104% sẽ không "bền vững đối với Trung cộng, xét đến động lực xuất khẩu của nền kinh tế Trung cộng".

"Trong ngắn hạn, họ có thể cầm cự, nhưng để vượt qua mức thuế quan này trong dài hạn, Trung cộng sẽ phải thực hiện những thay đổi về về mặt cấu trúc, chẳng hạn như tái cân bằng nền kinh tế của họ", ông nói thêm.

Kinh tế gia tại công ty Oxford Economics, bà Louise Loo, nói với BBC rằng "hành động trả đũa và phản đòn từ Trung cộng gần như là điều chắc chắn trong giai đoạn này".

Nhà kinh tế học có trụ sở tại Singapore này cho biết các biện pháp đáp trả của Trung cộng có khả năng sẽ "người tám lạng kẻ nửa cân" và cho rằng Bắc Kinh vẫn đang "để ngỏ cánh cửa cho đàm phán thương mại".

"Chúng tôi nghĩ rằng giữa Trump, Tập và... Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ thì ông Trump có khả năng sẽ là người nhượng bộ trước tiên", bà Loo nói thêm.

"Kịch bản tệ nhất - nếu dòng chảy thương mại song phương biến mất hoàn toàn giữa hai nước - thì sẽ khiến Trung cộng mất 3% GDP", bà Loo nhận định.

"Có thể Trung cộng không có đủ phương tiện tài chính để bù đắp hoàn toàn cho con số 3% đó trong năm nay, nhưng về dài hạn, thương mại của Trung cộng vẫn đang tiếp tục mở rộng sang các thị trường mới nổi khác, điều này sẽ giúp giảm nhẹ hậu quả."

"Kịch bản xấu nhất" nói trên được các chuyên gia đánh giá là không có khả năng xảy ra ở thời điểm này.

Nhà Trắng cũng đã xác nhận rằng các kiện hàng nhỏ, giá rẻ của Trung cộng sẽ không còn được miễn thuế bắt đầu từ ngày 2/5, theo một sắc lệnh hành pháp sửa đổi của ông Trump được công bố hôm nay.

Những mặt hàng này sẽ phải chịu mức thuế là 90% giá trị hoặc 75 đô la cho mỗi món hàng, mức thuế này sẽ tăng lên 150 đô la sau ngày 1/6.

Trước đây, hàng hóa từ Trung cộng và Hồng Kông có giá trị dưới 800 đô la được hưởng chính sách miễn thuế theo ngưỡng de minimis - nghĩa là được phép nhập khẩu vào Hoa Kỳ mà không phải chịu thuế.

Sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng đáng kể nhất đến các lô hàng từ các thương hiệu thời trang nhanh như Shein và Temu.

Phóng viên Stephen McDonell tại Trung cộng cho biết rằng Bắc Kinh vẫn giữ lập trường cứng rắn trước những lời đe dọa mới nhất từ ông Trump, đồng thời cáo buộc Mỹ là "một lũ bắt nạt."

Trước khi mức thuế 104% được áp xuống, ngày 8/4, Thủ tướng Trung cộng Lý Cường cho biết nước này có đầy đủ các công cụ chính sách để "bù đắp hoàn toàn" mọi cú sốc tiêu cực từ bên ngoài, đồng thời tái khẳng định sự lạc quan về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2025.

Bộ Thương mại Trung cộng ngày 8/4 cũng đã tuyên bố sẽ không bao giờ chấp nhận động thái "tống tiền của Mỹ" và thề "chiến đến cùng".

Các quốc gia đua nhau đàm phán

Mức thuế đối ứng mà ông Trump áp lên các nước, trong đó có Việt Nam chịu 46%, được cho là theo hướng "đo ni đóng giày" với từng quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết gần 70 quốc gia đã liên lạc với Mỹ nhằm hy vọng khởi động quá trình đàm phán để giảm thiểu ảnh hưởng từ chính sách thuế quan mới của Tổng thống Trump, theo Reuters.

Các quốc gia châu Á đang có phản ứng khác nhau trước các loại thuế nhập khẩu mới. Trong khi Trung cộng đã đáp trả bằng cách ăn miếng trả miếng thì nhiều nước khác lại chọn cách gọi điện đàm phán, trong đó có Việt Nam.

Ngày 4/4, trên mạng xã hội Truth Social của mình, Tổng thống Donald Trump viết:

"Tôi vừa có cuộc gọi rất hiệu quả với ông Tô Lâm, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, người đã nói với tôi rằng Việt Nam muốn cắt giảm Thuế quan xuống mức KHÔNG nếu họ có thể đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ. Tôi đã thay mặt đất nước cảm ơn ông và nói rằng tôi mong muốn có một cuộc gặp trong tương lai gần."

Ông Tô Lâm, trong khi đó, nói trong cuộc điện đàm rằng ông sẵn sàng giảm thuế hàng Mỹ về 0%, và "đề nghị Mỹ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam," theo Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn trên đài CNBC của Mỹ vào 7/4, cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro nói rằng đề nghị của Việt Nam về việc xóa bỏ thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ sẽ không đủ để chính quyền Mỹ dỡ bỏ các mức thuế mới vừa được công bố vào tuần trước.

Trong khi đó, Việt Nam tuyên bố sẽ mua thêm hàng hóa của Mỹ, bao gồm các sản phẩm quốc phòng và an ninh.

Những ví dụ về hành vi "gian lận" phi thuế quan mà ông Navarro nêu ra gồm: hàng hóa Trung cộng trung chuyển qua Việt Nam, hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ và thuế giá trị gia tăng (VAT). Ông Navarro cũng cho rằng "về cơ bản thì Việt Nam là một thuộc địa của Trung cộng cộng sản".

"Trung cộng dùng Việt Nam làm điểm trung chuyển để né thuế," ông nói.

Ông Trump áp thuế: Việt Nam đàm phán ra sao?

Ngoài Việt Nam, ông Trump chia sẻ trên Social Truth rằng ông đã có một "cuộc gọi tuyệt vời" với ông Han Duck-soo, quyền tổng thống Hàn Quốc, và cho biết hai bên "đang trong khuôn khổ và có khả năng đạt được một THỎA THUẬN tuyệt vời cho song phương".

Tổng thống Mỹ cũng tuyên bố rằng: "Trung cộng cũng rất muốn đạt được một thỏa thuận, nhưng họ không biết bắt đầu từ đâu. Chúng tôi đang chờ cuộc gọi từ họ. Điều đó sẽ xảy ra!"

Trong khi đó, hãng tin Reuters cho biết Ấn Độ cũng đang đàm phán với Nhà Trắng, và có thể sẽ cắt giảm mức thuế lên tới 23 tỷ đô la đối với hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào nước này - như một phần trong nỗ lực giảm chi phí xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ.

 

Anthony Zurcher


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.