Saturday, February 11, 2012

Tù nhân đáng thương hay đáng ghét

image



Nói đến tù nhân là hầu hết nhiều người trong chúng ta đều có những thành kiến xấu đối với tù nhân và đôi khi người ta còn ghê sợ không dám đến gần những cựu tù nhân, vì họ coi thành phần này là cặn bã bất hảo và nguy hiểm trong xã hội. Nếu những ai có thành kiến như thế không phải là họ sai mà cũng không phải hoàn toàn đúng như họ thường nghĩ. Chẳng hạn cùng một tội phạm giết người nhưng 2 trường hợp xảy ra mang nội dung khác biệt nhau: Một kẻ giết người vì trong giây phút quá tức giận, trở thành hung dữ, không kìm hãm nổi hành động giết người của mình, để trả thù và để thỏa mãn cơn ghen tức của mình, vì chồng hay vợ của mình đã phạm tội ngoại tình; Trái lại, một kẻ khác giết người với mục đích duy nhất là để vơ vét hết vàng bạc của cải của người bị giết, để làm mưu kế sinh nhai cho đời sống riêng tư của mình. Như vậy, chúng ta nhận xét thấy trường hợp thứ nhất, tội nhân không phải là người bất hảo hay nguy hiểm cho xã hội. Nhưng trường hợp thứ hai, tội nhân thuộc thành phần bất hảo cho xã hội, vì lòng tham của con người vô tận, tội nhân này có thể vẫn còn tiếp tục đi giết người khác, để lấy thêm được của cải, làm giầu cho mình nếu tội nhân không bị bắt giam vào tù. Lẽ dĩ nhiên ở đây chúng tôi không hề dám đề cập đến những cựu tù nhân chính trị Việt-Nam nói riêng, vì những vị tù nhân này thuộc thành phần độc nhất hy hữu, không tiền khoáng hậu, đương nhiên họ là những vị tù nhân đáng kính và đáng thương xót nhất trên thế giới, không có bút mực nào có thể tả hết được những nỗi thống khổ, cực hình, sức chịu đựng bền bỉ của những vị cựu tù nhân chính trị Việt-Nam, khi họ còn bị giam giữ trong ngục tù cộng sản vì tội cầm súng để bảo vệ sự tự do dân chủ và hạnh phúc cho dân tộc Việt-Nam.

image
Hình minh họa

Nhân dịp ghi nhớ hơn 17 năm liên tục lãnh nhận nhiệm vụ Tuyên Uý Trại Tù và đồng thời cũng là năm kỷ niệm lãnh nhận chức Phó Tế tại Hoa Kỳ đã được 30 năm qua, nên nhân dịp này tôi xin được phép chia sẻ cùng độc giả về những kinh nghiệm của riêng tôi được tiếp xúc trực tiếp với các anh chị em tù nhân, không biệt tù nhân thuộc bất cứ một quốc gia nào, mà trong tổng số các tù nhân do tôi viếng thăm, thì tù nhân Mỹ chiếm đa số tới 90%, số 10% còn lại, bao gồm những quốc gia khác, trong đó có một số ít người Việt của chúng ta nữa, vào những ngày cuối tuần trong các trại tù, từ cấp Tiểu Bang cho đến cấp Liên Bang.
Tôi vẫn còn nhớ ngày đầu tiên, khi Đức Tổng Giám Mục gọi tôi đến văn phòng của Ngài để chỉ định tôi làm Tuyên Uý Trại Tù cho Tổng Giáo Phận Công Giáo Oklahoma City. Tôi vâng lệnh Ngài nhưng trong thâm tâm tôi lúc đó, tôi bất chợt tự hỏi lòng mình rằng: Không biết nhiệm vụ được giao phó này, tôi sẽ thi hành được bao nhiêu lâu, rồi tôi sẽ phải xin ĐTGM cho phép tôi rút lui để nhận lãnh nhiệm vụ khác, vì nhiều năm trước đây, trong thâm tâm tôi lúc nào cũng mang nhiều thành kiến ghê sợ đối với những tù nhân tội phạm. Tôi coi những kẻ tội phạm cho dù bất cứ vì lý do gì, đều xứng đáng phải lãnh nhận những hình phạt tù đầy và nếu tội nặng thì nên giam họ chung thân, trong các trại tù biệt lập tại các hải đảo nhỏ cách xa đất liền, cho đến khi họ chết vì tuổi già sức yếu hoặc chết vì bệnh tật, để cho những người tốt lành được sống an ninh hạnh phúc với nhau, được yên ổn  làm ăn, không còn bị lo sợ những kẻ bất hảo nguy hiểm này sống chung với chúng ta nữa. Nhưng sau khi đã thi hành nhiệm vụ này được gần 1 năm, những thành kiến này của tôi đã hoàn toàn thay đổi, có nghĩa là tôi cảm thấy thương xót cho họ đều là những nạn nhân của những tệ đoan xã hội, trong khi họ cũng là con người có trái tim nhân bản như chúng ta. Tuy nhiên chỉ có một số ít tù nhân trở thành nguy hiểm, vì những tù nhân này không còn giữ được bản chất bình thường của con người, có những lúc họ có thái độ phản ứng như những con thú dữ bị nhốt ở trong chuồng.

Trước khi tôi đi sâu vào chi tiết về những nguyên nhân sâu xa nào, khiến cho tôi không còn có thành kiến xấu đối với các tội nhân nữa, tôi xin được phép trình bầy cùng quý đọc giả sơ qua về Hệ Thống Tổ Chức Trại Tạm Giam của Hoa Kỳ (US Structural System of Jail), để quý vị sẽ có một khái niệm tổng quát về trại tạm giam, là nơi tôi đang phục vụ cho các tù nhân.
Hầu hết các Tiểu Bang Hoa Kỳ đều có một hệ thống tổ chức các trại tạm giam tương tự giống nhau, từ cấp Tỉnh Thành (Town Jail), cấp Thành Phố (City Jail) lên đến cấp Quận Lỵ (County Jail). Mặc dù vấn đề diều hành và thủ tục hành chánh của các trại tạm giam có thể khác biệt nhau đôi chút, tùy theo luật lệ của một số ít Tiểu Bang. Nếu các can phạm bị tạm giam giữ trong các trại tạm giam của cấp tỉnh thành hay cấp thành phố trong vòng 3 ngày, mà Công Tố Viên (District Attorney) không có đủ bằng chứng xác thực để truy tố can phạm ra Tòa xét xử, thì bắt buộc phải trả lại sự tự do cho đương sự; còn nếu có đủ bằng chứng xác thực, can phạm sẽ được giải giao đến trại tạm giam của quận lỵ, để chờ đợi ngày trình diện Tòa. Do đó, trại tạm giam cấp quận lỵ (County Jail) là nơi tổng hợp tạm giam giữ những can phạm có bằng chứng tội phạm hoặc những can phạm đã lãnh án ở tù tại các trại tù (Prisons), nhưng được chuyên chở lại đây để chờ đợi Phiên Tòa tái xét xử.

image
Hình minh họa


Những can phạm bị tạm giam ở đây thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội: Già trẻ có, trí thức hay vô học có, các giới chức cao cấp trong chính quyền cho đến thường dân, gồm đủ mọi tội phạm như giết người, hiếp dâm, cướp của, lái xe say rượu, ăn cắp vặt, mãi dâm, đánh đập vợ con, biển thủ công quỹ, kích thích tình dục trẻ em, buôn bán cần sa ma túy, cờ bạc bất hợp pháp, hành hung gây thương tích, di dân bất hợp pháp để chờ ngày bị trả về nguyên quán v.v… Hiện nay trong trại tạm giam là nơi tôi đang phục vụ, có khoảng hơn 2400 phạm nhân, trong số đó có khoảng hơn 400 phụ nữ, hơn 200 người Mễ và khoảng 15 người Việt, số còn lại là người Hoa Kỳ. Nói chung tất cả các phạm nhân ở đây, hầu hết 90% là chờ đợi tới ngày ra hầu Tòa xét xử, chỉ còn lại 10% là đã lãnh án tù ở, nhưng còn phải chờ đợi thủ tục hành chánh từ 1 tuần đến 2 tuần lễ, để sẽ được giải giao đến các trại tù (Prisons), được chia làm 3 cấp: Cấp an ninh tối đa (Maximum security), cấp an ninh trung bình (Medium security) và cấp an ninh tối thiểu (Minimum security). Những trại tù này, có một số của tư nhân xây cất, tại các tỉnh nhỏ ở cách xa thủ đô Oklahoma City, từ 40 cho đến 200 dặm. Vì các phạm nhân ở các trại tạm giam, chưa được Tòa Án xét xử để xác định xem tội phạm nào nguy hiểm nhất hay ít nguy hiểm nhất, nên các biện pháp bảo vệ an ninh cho các phạm nhân ở đây, cũng như cho các than nhân được phép đến thăm nom các phạm nhân, kể cả cho các Luật Sư, Linh Mục, Mục Sư đến tiếp xúc với các phạm nhân, đều phải qua các thủ tục khám xét hết sức nghiêm ngặt và tất cả mọi người đến viếng thăm phạm nhân, chỉ được nhìn thấy mặt phạm nhân qua cửa kính, và chỉ được nói chuyện với nhau qua ống điện thoại, trong vòng 15 phút cho đến tối đa 30 phút. Nhưng riêng đối với những vị Tuyên Uý Trại Tù thuộc các giáo phái khác nhau, chúng tôi được quyền tiếp xúc trực tiếp với các phạm nhân, nhưng chỉ được tiếp chuyện với từng phạm nhân, chứ không được tập trung nhiều phạm nhân trong một Nhà Nguyện (Chapel) để nói chuyện như trong các trại tù.

image
Hình minh họa

Nhưng cũng chính nhờ vào chỉ được phép tiếp chuyện riêng từng người một, nên các phạm nhân cảm thấy có được những phút riêng tư kín đáo, để dốc hết bầu tâm sự của mình cho chúng tôi nghe về lý lịch đời tư của họ và những lý do tại sao họ phạm tội. Qua những câu chuyện họ kể cho riêng tôi nghe về đời tư của họ, thì tôi cảm thấy tới 80% phạm nhân thuộc các gia đình đổ vỡ, Cha Mẹ của họ bỏ nhau, đi lấy vợ hay lấy chồng khác, có người lấy tới 2,3 đời chồng hoặc 2,3 đời vợ, và có nhiều con riêng của mỗi đời chồng mỗi đời vợ, cộng thêm con chung của hai người. Khi họ còn ít tuổi, đều là nạn nhân bị đánh đập bởi Mẹ ghẻ hay Cha ghẻ, bị sai bảo làm những công việc nặng nhọc, quá sức lao động của tuổi trẻ, nên phải bỏ nhà, bỏ học, ra đi theo với những đám trẻ bụi đời, đi ăn cắp ăn trộm. Khi tới tuổi khôn lớn, họ vẫn tiếp tục có những hành động phạm pháp như buôn bán sì ke ma túy, cướp của giết người, hiếp dâm v.v… Sau đây tôi xin kể tóm lược hai câu chuyện tù nhân phạm pháp, để quý đọc giả đọc và suy ngẫm cùng với chúng tôi:

image
Hình minh họa


Câu chuyện thứ nhất của một tù nhân 32 tuổi phạm tội hiếp dâm. Hồi anh còn thơ ấu, khoảng 5 tuổi, cứ mỗi lần Cha anh đi công tác xa nhà từ một đến hai tuần lễ, thì Mẹ anh lại rủ bạn trai về nhà và cứ mỗi lần như vậy, Mẹ anh đều cho anh tiền để anh mua bánh kẹo ăn và bảo anh không được kể chuyện Mẹ anh đưa bạn trai về nhà cho Cha anh nghe. Vì cứ mỗi lần bạn trai của Mẹ đến nhà là anh có tiền đi mua kẹo, nên mỗi lần Cha trở về nhà, anh không tiết lộ chuyện này cho Cha biết như lời Mẹ dặn. Đến năm anh 18 tuổi, anh có bạn gái và hai người yêu thương nhau thắm thiết. Anh hứa với cô bạn gái là sẽ cưới cô sau khi anh ra trường 4 năm đại học. Nhưng một hôm, vị giáo sư bị đau ốm bất thình lình, không có lớp học, nên anh liền lái xe đến thăm người yêu tại  một chung cư. Anh có chìa khóa riêng để mở cửa phòng và vừa mở cửa bước vào, anh muốn té xỉu vì thấy người bạn thân của anh đang làm tình với người yêu của anh. Kể từ ngày đó đến nay, anh không bao giờ quên được hình ảnh đau thương mà anh đã thấy tận mắt, nên anh rất căm thù đàn bà, anh cho rằng tất cả đàn bà đều không chung thủy với người yêu như trường hợp người yêu của anh đã phản bội anh và không chung thủy với chồng như trường hợp của Mẹ anh phản bội Cha anh. Hình ảnh dĩ vãng của Mẹ anh, dẫn trai về nhà âu yếm mỗi khi Cha anh phải đi công tác xa nhà, thỉnh thoảng vẫn hiện rõ trong trí nhớ của anh và sau khi từ giã người yêu, anh bắt đầu quyết tâm trả thù đàn bà, bằng cách mỗi năm anh phải hiếp dâm ít nhất một cô gái, để thỏa mãn nổi căm thù đàn bà của anh. Sau hơn 5 tháng, tôi đến an ủi tinh thần và giải thích những điều sai lầm của anh, chỉ vì uất hận người yêu phản bội mình, mà anh đã có thành kiến sai lầm, vơ đũa cả nắm đối với tất cả đàn bà, nên anh đã tỏ ra biết ăn năn sám hối về những hành động vô luân lý của anh, anh đã xưng tội rước lễ hàng tuần trong trại tạm giam trước ngày anh lãnh án 20 năm tù.

image
Hình minh họa


Câu chuyện thứ hai là cả 3 cặp vợ chồng đều bị tống giam cùng một lúc, nhưng bị biệt giam mỗi người mỗi nơi, về tội buôn bán cần sa ma túy. Thực sự ra, chỉ có cặp vợ chồng Cha Mẹ là người tích trữ buôn bán cần sa ma túy, còn 2 cặp vợ chồng kia là hoàn toàn bị hàm oan, đúng là tình ngay nhưng lý gian, xẩy ra như sau: Cặp vợ chồng Cha Mẹ buôn bán cần sa này đã khá lớn tuổi, người chồng 60 tuổi, còn người vợ 58 tuổi. Vì cả hai Cha Mẹ đều nghiện hút cần sa, nên cả 2 người phải buôn bán cần sa, để đủ lợi tức mua thuốc hút. Hai vợ chồng, mỗi người đều có 1 người con trai riêng nhưng không có con chung với nhau. Hai người con trai này đều lập gia đình cũng chưa có con. Một hôm cặp vợ chồng con trai của người Mẹ lái xe từ Corolado đi Florida để nghỉ hè và trên đường đi có gọi điện thoại báo tin cho Mẹ biết là sẽ ghé thăm Mẹ vài giờ đồng hồ. Cùng ngày hôm đó, cặp vợ chồng con trai của người Cha cũng điện thoại báo cho người Cha biết là sẽ ghé thăm Cha vài giờ đồng hồ trên đường lái xe từ Kansas đi California cũng để nghỉ hè. Hai ông bà này lại không tiếp đón hai cặp vợ chồng con riêng của mỗi người tại nhà của mình như trước kia, mà lại hẹn chúng nó ở một motel, nằm sát bên xa lộ xuyên bang của Oklahoma City. Cả hai cặp vợ chồng con trai này đều không biết lý do tại sao Cha Mẹ mình không tiếp họ ở tại nhà, nhưng nghĩ lại chỉ gặp mặt Cha Mẹ vài giờ đồng hồ rồi phải lên đường, nên không còn thắc mắc, gặp Cha Mẹ ở đâu cũng được. Ngay buổi chiều hôm ấy, hai cậu con trai cùng hai cô con dâu đều có mặt ở Motel như đã hẹn trước. Trong lúc hai ông bà đang vui vẻ hàn huyên với hai cậu con trai và hai cô con dâu được gần 2 tiếng đồng hồ, thì bất chợt nghe thấy tiếng gõ cửa và người Cha đứng lên ra mở cửa, thì thấy có 4 người cảnh sát mặc đồng phục, đeo súng, đứng ngay trước cửa phòng và một người cảnh sát nói cho ông biết là họ có trát tòa cho phép lục soát căn phòng này. Sau một hồi lục soát, 4 người cảnh sát đã tìm thấy một số lượng cần sa và bạch phiến khá nhiều trong một cái vali của ông và một dụng cụ dùng để hút trong túi xách tay lớn của bà. Tiếp theo đó, hai ông bà, 2 người con trai và 2 cô con dâu đều bị còng tay và tất cả 6 người đều được đưa về trại tạm giam, là nơi tôi đã gặp tất cả 6 người này. Mặc dù 2 con trai và 2 con dâu không hề biết gì về việc buôn bán cần sa của Cha Mẹ mình, nhưng vì sự hiện diện của họ ngay tại nơi có tang chứng cất giấu cần sa bạch phiến và dụng cụ dụng để hút nên 4 người con vẫn bị giam giữ như tội đồng lõa, phải chờ ngày ra tòa xét xử. Hơn thế nữa khi Cha Mẹ được thẩm vấn, ông bà không chịu khai thật là 4 người con của ông bà không hề hay biết gì về vấn đề này, mà hai ông bà cứ giữ thái độ im lặng. Sau khi tôi đến thăm hỏi từng người theo lời yêu cầu của 6 người này và lẽ dĩ nhiên họ bị giam giữ riêng biệt, mỗi người mỗi phòng ở khác từng lầu, để không thể nói chuyện với nhau được, ông bà xác nhận với tôi là cả hai người đều buôn bán cần sa như tôi vừa kể trên và ông bà cũng cho biết là: Hai người con trai với hai người con dâu đã không đến thăm ông bà hơn 1 năm nay và chúng nó chẳng biết gì về chuyện buôn bán bất hợp pháp của ông bà, nhưng chẳng hiểu tại sao hai ông bà vẫn không chịu khai sự thật về điều này. Trong nhiệm vụ là một Tuyên Uý, tôi đã cố gắng thuyết phục ông bà nhiều lần là nên khai sự thật đó ra, để duy trì tình cha con, tình mẹ con được tốt đẹp và để 2 con trai và 2 con dâu được trả tự do, để chúng được tiếp tục lái xe trên con đường đi nghỉ hè của chúng; nhưng hai ông bà vẫn không chịu nói gì hết. Sau đó, tôi đến thăm 2 người con trai của ông bà và cho hai người biết là Cha Mẹ của họ vẫn không chịu nói gì hết. Nghe xong, cả 2 người con trai đều tỏ ra hết sức tức giận và nói với tôi: Nếu tôi có súng trong tay và gặp được Cha Mẹ tôi ngay bây giờ, tôi sẽ bắn chết hai người ngay tại chỗ, không hề thương tiếc.

image
Hình minh họa


Vì tiền đóng thế chân để được tại ngoại hầu tra quá cao, nên cả 4 người con không có đủ tiền để đóng, họ đành phải ở lại trại tạm giam, chờ tới ngày được đưa ra Tòa xét xử. Sau này, do hai người con trai cho tôi biết lý do tại sao hai ông bà không chịu khai sự thật về 4 người con là, để có thêm nhiều người bị buộc tội đồng lõa với ông bà, thì tội phạm của ông bà sẽ được xét xử nhẹ đi, cho dù những người này đều là con trai, con dâu của mình, trong khi chúng hoàn toàn vô tội. Gần 8 tháng sau, nội vụ mới được Tòa xét xử và 2 cặp vợ chồng con trai này được Tòa tha bổng vì có bằng chứng vô tội, còn hai ông bà, nếu nhớ không lầm, thì bị lãnh 40 năm tù ở cho mỗi người.

image
Hình minh họa


Trong câu chuyện này làm cho tôi mất ngủ mấy đêm để suy nghĩ về tình Phụ Tử và Mẫu Tử. Cha Mẹ nào mà không thương yêu con cái, nhất là cha mẹ người Việt-Nam chúng ta nói riêng, có khi con cái phạm tội mà cha mẹ lại nhận tội thay cho con cái trong nhiều trường hợp. Đằng này con cái không phạm tội mà cha mẹ phạm tội, trong khi chỉ cần cha mẹ nói ra sự thật thôi, mà cũng không chịu nói, để con cái vô tội bị vạ lây với hành động phạm tội của cha mẹ. Tôi hy vọng có lẽ đây cũng là một trường hợp hy hữu và độc nhất xẩy ra đối với ông bà tội phạm người Mỹ này. Có thể vì trong cơn ghiền thuốc, hai ông bà không có thuốc hút, trí óc không còn sáng suốt, mất hẳn nhân tính con người nên mới có thái độ ích kỷ như thế. Vì có một tù nhân đã tâm sự cho tôi nghe nguyên do tại sao anh ta giết mẹ của anh ta, là vì trong cơn ghiền thuốc hút, không có tiền để mua thuốc, anh ta xin mẹ tiền mua thuốc nhưng mẹ không cho, anh ta liền giết mẹ để lấy tiền đi mua thuốc hút và sau khi đã có thuốc hút, anh ta mới hối hận là đã lỡ tay giết mẹ của mình rồi, nhưng lúc cơn ghiền lên, anh ta chỉ nghĩ làm sao có tiền để mua thuốc, chứ không nghĩ đây là mẹ của mình.
Khoảng 2 tháng sau ngày ông bà lãnh án, tình cờ tôi gặp lại hai người con trai vào thăm bố mẹ tại trại giam và họ nhắc lại câu nói: nếu họ có súng ngay bây giờ, họ sẽ bắn chết cha mẹ. Nhưng câu nói đó chỉ là trong lúc họ tức giận. Sau khi họ được thả tự do về nhà, họ cảm thấy hối hận và vẫn thương yêu cha mẹ như trước, sẵn lòng tha thứ cho cha mẹ, là đã làm cho họ bị tạm giam gần 8 tháng. Họ nói với tôi rằng: mất cha mất mẹ sẽ không bao giờ có thể có lại được nhưng mất vợ mất con vẫn có thể có lại.


Phó Tế Nguyễn Mạnh San

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.