Saturday, December 8, 2012

Nghèo sặc gạch, giàu nứt vách

image

Hồi khuya nằm chiêm bao, tui thấy nhỏ Hồng nhỏ Oanh.

Ủa, sao lạ vậy? Bữa hổm viết về thời gian học trung học ở trường Nguyễn V. K., tui có nhắc về hai đứa bạn nầy mà hổng thể nào nhớ tên tụi nó, bây giờ tự nhiên cái nhớ lại, mà nhớ rõ ràng từ chi tiết nữa chớ. Trí nhớ lạ lùng thiệt. Thôi tui biết rồi. Chắc tại vì bữa trước đi Bolsa mua băng nhạc, gặp bà đó bận cái áo kiểu, cổ lật màu cam đào, rất tươi rất nổi, làm sáng làn da mặt, ngó xuống cái quần tây màu đen, y chang! làm tui giựt mình. Nhỏ Oanh chuyên môn ăn bận như vậy, hồi năm Đệ Tứ Bê Bối (B 4). Nhờ gặp cái màu áo cam hồng đào làm tui nhớ tên nhỏ Oanh liền. Mà hể nhớ tên nhỏ Oanh lôi theo tên nhỏ Hồng vì hai đứa cùng trụ ngay hai cái đầu bàn ngang bàn tui ngồi.

Oanh, tên đẹp, người xinh, tánh tình cũng dễ thương. Đã con nhà giàu, đẹp, dễ mến lại học giỏi mới đáng nói chớ. Hổng phải chỉ giỏi môn nầy môn nọ đâu, đằng nầy nó giỏi tất cả. Toán, việt văn, lý hoá, hình học đại số, môn nào cũng giỏi hết. Kêu bằng nó “giỏi đều”, rõ ràng là “cái đầu nó nằm thăng bằng trên hai cái vai thon”. Từ hành lang đứng ngay cửa lớp ngó vô, bên tay trái là bục gổ với bảng đen trên tường. Tấm bảng rất lớn chiếm gần hết chiều ngang bức tường, trên cái ngấn bảng có để sẳn một hàng phấn cục màu trắng và đồ lau bảng. Đứng trên bục ngó xuống những bàn và băng ghế học sinh thì bên tay trái là bàn giáo sư. Tui và ba đứa bạn thân, rất thân, từ năm đệ thất lận, trụ trì. Năm nào lên lớp bốn đứa tôi đều dành ngồi ở cái bàn ngay dưới mũi của giáo sư như vầy. Hẳn có lý do, nhỏ Cảnh nói “ngồi gần bàn giáo sư phải ráng học giỏi. Với lại, được thầy thương.”


image


Thương đâu không biết, riêng cá nhân tui, chỉ thấy toàn là đổ lệ mỗi giờ toán với thầy V. (với những đứa dốt toán như tui, tui nhận thấy thầy dữ vô cùng, bây giờ nhớ lại, thương thầy quá).

Những hàng bàn ghế học sinh chia ra ba phần. Phần gần cửa, phần chính giữa và phần sát vách tường kế cửa sổ. Oanh ngồi ngay đầu bàn, khu chính giữa, ngang nó, tui cũng ngồi đầu bàn cùng với ba đứa bạn thân, Loan Phụng Cảnh.  Bàn tụi tui đối diện bàn giáo sư, kế cửa sổ. Bàn giáo sư trên bục cao, bàn tụi tui dưới thấp cho nên cứ bị thầy, nhứt là thầy V. dạy toán, vói tay cú đầu hoài (tui bị nhiều nhứt).

Thấy “tứ quái náo Giang Nam” là bốn đứa tui đó, (theo tựa cuốn phim kiếm hiệp Bát quái náo Giang Nam, nói về tám cô nữ hiệp sĩ liếng khỉ khỉ khọt làm tàng xách kiếm bén đi qua tiểu bang Giang Nam mà múa mà chém… hành lá). Thường hay nhìn qua bàn tụi tui, chí choé chích choè vừa cầm chùm củ sắn nhỏ tí ti như củ năng lột vỏ bỏ vô miệng vừa nhai lách nhách vừa tía lia như lũ quỷ sứ, Oanh cười cười, giọng nói hiền từ:

- Bàn của bồ vui quá há.

Nó thì không bao giờ tui thấy ăn tạp nhạp như tụi tui đâu. Lúc nào cũng mắt sáng thông minh, chỉ lo làm bài tại chỗ, học tại chỗ, quên tất cả mọi vui đùa. Có vài đứa nhiều chuyện trong lớp, ganh ghét hay sao mà nói lén sau lưng: “Nhỏ Oanh con nhà bán cá. Má nó vựa cá bên chợ bởi vậy mới giàu thấy cha. Coi bộ diện le vậy chớ mà tanh cá thấy mồ!...”

Xạo quá. Tui ngồi ngang nó, có bao giờ nghe mùi gì đâu nà.

Ối. Mấy nhỏ nhiều chuyện ganh tị. Thấy ghét. Mình hổng chơi với tụi nó là vừa.

Nhỏ Oanh ăn bận đẹp lắm. Lúc nào cũng quần tây đen, áo sơ mi kiểu với cổ lật. Đủ màu. Mỗi ngày bận một màu. Màu tui nhớ nhứt là màu cam hồng đào vì màu đó làm nổi bật nước da trắng hồng của nó. Tui còn nhớ tui hỏi nó áo may tiệm hả nó nói ừ may tiệm rẻ lắm tiền công có có bốn chục đồng một cái áo hà. (Trời. Bốn chục mà nó nói rẻ. Bốn chục tui may được cái áo dài bằng tơ bận được bốn mùa nắng mưa). Môi nó lúc nào cũng đỏ, tuy nó có một cái mụt ruồi, hay thẹo? ngay bên màng tang trái. Khi nó day qua nói chuyện với tui thì thường tui thấy bên mặt của nó thành ra tui hổng có hỏi hay dòm cho thiệt kỹ. Cặp mắt hai mí, tóc hớt ngắn kiểu tóc tém văn minh một cây của thời đó. Tui đi học bận áo dài trắng đội nón lá coi cù lần thấy mồ.  Nó lại khen chớ. Ngồi bên bàn nó, cứ xây qua dòm tui từ đầu xuống tới chân rồi khen:

image
“Nhìn bộ áo dài trắng của bồ thấy mát con mắt, nhu mì quá hà.”

Lúc đó tui nghĩ là nó khen tử tế vậy thôi. Nó đâu có biết chuyện bên lề cái áo trắng đó, tui bận áo trắng vì chỉ có hai cái thay đổi mà thôi, cái nầy giặt cái kia bận, chớ có cái áo màu nào đâu mà bận?

Hết thẩy giáo sư thương nó lắm. Một bài toán khó, hổng ai giải được, hỏi cả lớp hổng ai nhúc nhích, mắt làm bộ ngó chỗ khác, bụng đánh lô tô sợ thầy kêu lên bảng chọc quê thì có nước đội...? !? !... thì may phước quá, chỉ mình nó dơ tay cao lên quơ quơ khẩn thiết quá thầy đành phải kêu nó lên. Lên bảng nó cầm cục phấn viết trơn tru giải ngon lành mau lẹ dễ dàng không giọt mồ hôi. Chững chạc như một cô giáo sư. Khi lớn lên chắc chắn nó phải thành công trên đường sự nghiệp.

Ngồi ngay sau lưng nó là nhỏ Hồng. Nhỏ nầy cũng học giỏi tàn bạo. Nhà cũng giàu tàn bạo. Tánh tình cũng dễ thương tàn bạo. Nhỏ Hồng thì có mái tóc bum bê, đen huyền như màu mắt với hàng lông mi rậm sụp bóng lên hai gò má hồng hào sức sống mà có một giáo sư còn trẻ lắm, đã nói nhỏ nhỏ với tụi tui là “Hồng có một nét đẹp man dại” (?!?!???) (Người giáo sư nầy bị tụi con trai đồn rùm là thầy chịu chơi thầy chưa vợ thầy hay đi phòng trà, đi mỗi đêm) Chính miệng thầy cũng đã khoe với tụi tui là “bữa đó thầy lên Kontum, Ban Mê Thuộc, nghe nhạc và có nhảy đầm với ca sĩ… Thấy ngừơi đẹp đẽ nổi tiếng vậy mà hôi nách thấy bà!?!?!???” (ca sĩ nầy nổi tiếng lắm, đang sống tại Mỹ nên xin dấu tên).

image
Nghe thầy nói làm tụi tui nhăn mũi ngó xuống mắc cở muốn chết. Cũng chính thầy nầy đã có lần hỏi nhỏ Phụng có biết nhảy hông? Nhỏ Hồng mê nhạc. Giờ nghỉ tụi tui thường hay vừa ăn hàng vừa dỡ mấy bản nhạc ra rống lên, khi thì đơn rống, khi song rống, khi đồng cả đoàn rống lên cho cả lớp cùng thưởng thức. Vậy mà có khi được vỗ tay mới chết chớ. Bị vậy mà tụi tui tưởng mình hay ho lắm, cứ giờ nghỉ là tụ lại rồi rống tiếp. Ngày nầy qua ngày khác.!!! Có lúc còn tính chuyện lập ban nhạc nữa chớ! Nhỏ Hồng phục dữ dội. Cô nàng hay xề qua chiêm ngưỡng.

Một ngày nọ, nó mời tui thứ bảy tuần đó lại nhà nó dự tiệc sinh nhựt. Nó có mời ban nhạc sống tới để chơi nhạc, dặn tui nhớ đem bản ruột tới ca. Riêng nó yêu cầu tui đừng quên ca bản “Buồn trong kỷ niệm” đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn… cả đám mê tàn canh giá lạnh. Tuổi trổ mả mơ mộng. Nó mê “Đôi khi nhầm lỡ đánh mất ân tình cũ...”

Y lời hứa, bữa đó tới nhà nó, mới thấy nó giàu bực nào. Đó là một căn nhà mặt tiền xi măng cốt sắt cao mấy từng lầu. Nó dành nguyên một từng để mở tiệc. Vô là thấy nguyên dàn trống, ghi ta điện, âm pli micro đàng hoàng. Có một cậu giữ trống, đang đánh thùng thùng cắt cắt cắt thùng thùng, in là bản “Portion number 9” một cậu đệm đàn và phần tui biết chắc chắn là sẽ cầm micro ca. Đám bạn của Hồng, đa số biết nhảy, đỡ khổ cho tui nhờ biết ca nên hổng bị tụi nó lôi ra sàn.

Thời đó nhạc twist đang tưng bừng khắp nơi. Tuị nó ra nhảy thấy dẻo hết sức, đã vậy còn có vụ hai đứa cầm cái cây chận ngang cho mấy đứa kia “te” từ từ hạ thấp gần sát sàn nhà để chui để lạng dưới cái cần chận nữa chớ.

Tui nhớ rõ ràng, Hồng bận áo đầm màu xanh cây có sọc, khúc trên ôm sát một cơ thể nở nang khoẻ mạnh, eo thắt dây nịt, phần dưới rộng, khi nó quay vòng theo điệu nhạc thì cái thùng xòe phùng rộng ra, đẹp như cô tiên. Đang vui vẻ thì bác trai ba của Hồng bước vô bưng một cái bánh thiệt bự mừng nó rồi bác nói “Các cháu cứ tự nhiên vui vẻ nghe, cần thêm thức ăn nước uống gì cho chị hai hay chỉ đem lên cho nghe…”.

Nghe bác nói chuyện rất giản dị bình dân như vậy, tại sao Hồng có một lần tâm sự với tui là, Ba nó lúc nào cũng ân hận, cũng tự trách mình, Bác nghĩ là vì lúc làm ăn thương mại bác gây thù kết oán dữ lắm, cũng phải mánh mung, có thể đã làm hại người khác, bởi vậy chắc bị Trời trả báo, con Hồng bị tật nguyền. Nó bị một chân cụt một chân dài. Tui có khuyên nó là hổng phải vậy đâu, mà Hồng cứ buồn hoài vì cái chân tật của nó.

image
Một ngày rất vui với bạn bè đó, càng làm cho tui hiểu ra, sao trên đời, người nghèo thì nghèo sặc gạch còn người giàu thì giàu nứt vách vậy há."




Trương Ngọc Bảo Xuân

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.