Lâu lắm rồi,
người dân mới được nghe một vị “cán bộ cao cấp” có một lời tố cáo cụ thể về
tình trạng tham nhũng tại VN. Không cần mở ngoặc đơn, ngoặc kép, ai cũng hiểu
đây chỉ là một trong muôn hình vạn trạng những “kịch bản” tham nhũng lâu nay
người dân nào cũng biết, biết nhiều quá đến nỗi phải thốt lên như cụ Cố Hồng
trong tiểu thuyết Số Đỏ: “Biết rồi khổ lắm, nói mãi”.
Nhưng đây lại
là chuyện không phải người dân nào cũng biết, chỉ có “một bộ phận cán bộ” không
nhỏ biết rất rõ, song không bao giờ dám nói ra. Bởi các vị này đã từng phải thi
để được vào “biên chế cán bộ nhà nước”. Xin nói rõ thêm câu trên có nghĩa là
được công nhận chính thức là công chức nhà nước, một thứ chức sắc thời đại, có
quyền hành chưa biết tới đâu và tất nhiên có quyền lợi cũng như thế, tùy theo
“vai vế” to nhỏ và tùy theo cái sự “phục vụ” của anh đến đâu. Lại nói về “cái
sự phục vụ” ở đây không có nghĩa hoàn toàn là phục vụ người dân, phục vụ đất
nước mà còn nhiều hình thức phục vụ khác nữa như phục vụ cấp trên, đôi khi
“phục” luôn cả các phu nhân và gia quyến các sếp nữa, từ đám cưới đến đám ma
nhà sếp cũng phải lo. Hoặc phục vụ những chủ trương đường lối của “đoàn thể,
của tổ chức”, không cần biết đúng sai, cứ phục vụ trước cái đã, đừng ý kiến ý
cò gì là “ngoan” nhất và dễ sống nhất. Sự tận tụy ấy được trả giá bằng sự thăng
cấp nhanh. Nói thẳng ra ở nhiều cơ quan, cơ sở công hay công ty tư cũng có
“tiêu chuẩn” này. Nhưng ở các cơ quan công lập thì hầu hết sự phục vụ đó là
thước đo cho “năng lực” của nhân viên.
Ông Trần Viết Hoàn: “Tham
nhũng làm suy sụp đất nước, làm xấu quốc thể”.
“Một
bộ phận cán bộ” là cái chi chi?
Có một câu nói
mà các vị quan chức lớn thường dùng, thí dụ như “một bộ phận cán bộ suy thoái
đạo đức…” . Nóí lơ mơ như thế khiến người dân chẳng hiểu “một bộ phận cán bộ”
là cái gì. Xin nêu ngay một dẫn chứng cụ thể:
Ngày 1/12 vừa
qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tiếp xúc với cử tri, hàng chục vị lão thành
đã bày tỏ tâm tư về “một bộ phận không nhỏ cán bộ thoái hóa, biến chất”. Băn
khoăn về vấn đề này, cử tri Nguyễn Khắc Thịnh (phường Giảng Võ, Ba Đình) chất
vấn Tổng bí thư:
“Tôi xin hỏi,
bộ phận không nhỏ chiếm bao nhiêu phần trăm? Bộ phận không nhỏ ấy nằm ở đâu?
Trung ương bảo như vậy nhưng về các tỉnh thành chúng tôi chẳng thấy bộ phận
không nhỏ ấy nằm ở đâu cả”.
Chuẩn bị sẵn
bài phát biểu công phu, cử tri Trần Viết Hoàn, nguyên Giám đốc khu di tích Phủ
Chủ tịch bày tỏ nhiều tâm tư. Theo ông, Nghị quyết trung ương 4 khóa 11
của Đảng đã chỉ rõ bộ mặt thật của một “bộ phận không nhỏ” những kẻ tranh thủ
một thời làm quan, cậy quyền vơ vét, đục khoét tiền của dân, của nước.
“Lớp người này
lấy đồng tiền làm cứu cánh, làm cái đà cho danh vọng, làm cái lọng che thân,
làm cái cân cho công lý, làm cái cần cho lý trí và tiền với họ là hết ý. Vì
vậy, đó là những kẻ quá giàu có, giàu hơn cả thời địa chủ, tư bản. Đảng, Nhà
nước, và nhân dân coi đây là giặc nội xâm, giặc quốc nạn”.
Đã có đề nghị cần phải có
camera theo dõi hoạt động của cán bộ ở các cơ quan.
Hòa
cả làng
Vị này cho
rằng, chưa bao giờ có nghị quyết của Đảng mà dân coi Tổng bí thư là kiến trúc
sư và được dân chúng đón nhận, tranh luận như “trời hạn gặp mưa rào”. Song, ông
lo ngại cho Nghị quyết này cũng như Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, bởi
“nếu không làm triệt để thì mọi thứ lại trở về như cũ, thậm chí còn tồi tệ hơn”.
Ông Hoàn nói
tiếp:
"Đảng
chắc không còn nghị quyết nào hơn nữa, Quốc hội chắc không còn Luật Phòng chống
tham nhũng nào hơn nữa. Và như vậy, Đảng, Nhà nước gặp gian nguy gấp bội phần.
Theo dõi bước tự phê bình, phê bình vừa qua thì như hòa cả làng, chẳng biết ai
tốt ai xấu. Theo dõi những buổi chất vấn được truyền hình trực tiếp tại kỳ họp
quốc hội vừa rồi, cử tri hài lòng bao nhiêu với chất vất thì lại không hài lòng
bấy nhiêu với trả lời chất vấn”.
Ông Hoàn kết
luận:
“Chẳng lẽ diễn
ra tình hình như bây giờ, tham nhũng hàng trăm nghìn tỷ chỉ cần một lời xin lỗi
là xong hay sao? Nếu vậy muôn thuở không chống được tham nhũng mà chỉ mở đường
cho tham nhũng hơn”, ông Hoàn bày tỏ: “mong mỏi của người dân là phải trị bằng
được quốc nạn này”.
Người dân đến làm thủ tục
tại bộ phận tiếp nhận
Mất
một miếng ăn lộn gan lên đầu
Trước chất vấn
của các cử tri về “một bộ phận không nhỏ cán bộ thoái hóa, biến chất”, Tổng bí
thư nói: “Trả lời câu hỏi này không đơn giản”. Dù điều này đã được nói đến từ
lâu nhưng chỉ rõ ra bộ phận không nhỏ là bao nhiêu thì “khó” và “trừu tượng”.
Tuy nhiên, ông khẳng định, phải tìm cho ra những yếu tố trọng tâm trọng điểm,
nếu không sẽ “hòa cả làng”.
Ông Nguyễn Phú
Trọng nói tiếp:
“Nói xây dựng
Đảng, tổ chức thì điều quan trọng nhất vẫn là xây dựng con người. Miếng ăn là
miếng tồi tàn, mất ăn một miếng lộn gan lên đầu. Chả bao giờ mình thấy khuyết
điểm của mình đâu. Đụng đến lợi ích của mình là phản ứng, nhất là lợi ích nhóm
khi đã móc ngoặc với nhau thì vô cùng phức tạp”.
Theo Tổng bí
thư Nguyễn Phú Trọng, yêu cầu trước mắt đối với cán bộ, đảng viên trước hết
phải cảnh tỉnh, đánh thức những người lâu nay bỏ quên những nguy cơ đối với sự
sống còn của Đảng. Tiếp đó, là cảnh báo, răn đe và ngăn chặn, cuối cùng mới xử
lý kỷ luật.
Đến làm thủ tục tại cơ quan
thuế
Chuyện
chạy “làm công chức” mất 100 triệu
Trở lại với
chuyện một “cán bộ cao cấp” có lời tố cáo cụ thể về một trong những kiểu tham
nhũng “cơ bản” dễ thấy ở VN. Sáng 7-12 vừa qua, trong buổi họp bàn về Nghị
quyết phân bổ biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2013, ông Trần Trọng Dực,
Trưởng ban Kiểm tra thành ủy Hà Nội lên tiếng tố cáo:
“Tôi xin mách
với lãnh đạo quận huyện là Trưởng phòng Nội vụ quận, huyện đang là đầu mối tiếp
nhận hồ sơ nhận tiền “chạy” của các thí sinh để đỗ công chức, số tiền
không dưới 100 triệu đồng”.
Lời tố cáo rõ
ràng minh bạch, chỉ ra cơ quan nào, ai đang nhận hối lộ. Một thái độ quá dễ
dàng, quá đường hoàng, chỉ là lời nói thật của một quan chức cấp cao, nhưng ở
VN lại quá hiếm hoi. Người dân thường chỉ dược nghe toàn những lời kết tội mù
mờ như “một bộ phận” không tên không tuổi, không đầu không cuối mà người dân
thường bị nghe sau các “hội nghị”, các “diễn đàn”, các cuộc “kiểm điểm nghiêm
túc”.
Nhiều
cán bộ yếu kém nhưng không thể cho nghỉ việc!
Trưởng ban
Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực cho rằng thời gian qua, việc tuyển chọn
cán bộ có chất lượng hơn, song mục tiêu giảm biên chế chưa thực hiện được. Bộ
máy không được tinh giản mà năm sau cao hơn năm trước. Ông kể:
“Cơ quan tôi
có khoảng 30% cán bộ làm việc tốt, 35% làm việc khá và trung bình, còn lại là
giao việc không yên tâm. Điều này cho thấy khoảng 40% cán bộ đang hưởng lương
nhà nước không đáp ứng được công việc, nhưng không thể cho nghỉ vì động chạm
đến quyền lợi của một bộ phận cán bộ”.
Lại vì “một bộ
phận cán bộ” mà không thể cho nghỉ việc những anh lười, anh dốt. Tiền của dân
cứ phải nuôi báo cô mấy anh ăn hại đái nát. Chỉ vì sợ những anh này là tay
chân, là đàn em, là họ hàng hang hốc của “một bộ phận cán bộ”, tất nhiên “bộ
phận” này là những ông quyền cao chức trọng. Và những “ông lớn” ấy tất nhiên là
cũng thuộc loại hách xì xằng, mưu đồ riêng tư nên mới dung túng một loai đàn em
như vậy trong các cơ quan nhà nước. Đôi khi, lại do chính các “thủ trưởng” cơ quan
đó sợ bóng sợ vía thế thôi nên không dám đuổi thẳng cánh những con sâu trong cơ
quan mình.
Ông Dực còn
chỉ ra nhiều bất hợp lý trong biên chế công chức, như UBND quận Long Biên có
230 biên chế thì thanh tra chiếm 70. Tương tự, huyện Sóc Sơn có 274 biên chế
thì có tới 121 thanh tra xây dựng.
Theo ông Dực,
thí điểm thành lập thanh tra xây dựng để quản lý trật tự xây dựng trong bối
cảnh đang đô thị hóa nhanh, nhưng thành phố vẫn có nhiều công trình xây
dựng sai phép. “Thanh tra xây dựng chiếm một nửa hay 1/3 biên chế”.
Người dân
không thể hiểu trong một huyện làm gì mà cần nhiều thanh tra xây dựng đến thế,
hơn một trăm ông! Nhiều thanh tra mà công trình nào cũng làm sai, làm ẩu. Càng
nhiều thanh tra công trình xây dựng càng nhiều sai sót, dân chỉ có chết oan.
Một ngôi nhà, một cây cầu, một ngôi trường, ngôi chợ chỉ toàn cát và sắt vụn là
dựng lên một tai nạn chực chờ sẵn ngày sụp đổ chụp lên đầu nhân dân.
Ôi! Tai hại
thay là cái “một bộ phận không nhỏ” này.
Người dân đến làm thủ tục
tại bộ phận “một cửa” ở 3-4 cửa.
Thi
công chức còn loạn hơn
Ông Dực cho
biết: “Thời gian qua một số quận huyện tổ chức thi biên chế tốt, song một số
nơi chạy chọt để vào, có nơi người xin vào biên chế chi không dưới 100 triệu
đồng. Ông kể về việc ông đi chấm thi tuyển công chức:
“Tôi từng chấm
thi và phát hiện 2 giáo viên tự ý lấy bài của thí sinh để chấm. Tôi yêu cầu
Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong phải kiểm điểm giáo viên này. Ví dụ này cho
thấy chất lượng tuyển công chức của chúng ta không ổn tý nào. Trưởng ban Kiểm
tra Thành ủy Hà Nội còn nhận xét, chất lượng thi công chức có nhiều vấn đề, bài
thi của một số công chức không sai so với đáp án một dấu phẩy.
Cũng theo ông
Trưởng ban Kiểm tra: “Nhiều người nói chi dưới 100 triệu đồng không có chuyện
đỗ. Nói đến điều này là rất đau lòng, nhưng đây là thực trạng đang tồn tại”.
Rõ ràng là
việc thi cử để được vào làm công chức nhà nước chỉ là chuyện làm cho các quan
chấm thi, được ăn hối lộ vô tội vạ. Tất nhiên là có sự chia chác với các giới
chúc có thẩm quyền khác tại địa phương. Không thiếu những người dân lương thiện
cũng xách bút nghiên đi thi và họ rất giỏi nhưng chẳng bao giờ đậu nếu không có
đủ 100 triệu và không phải là loại CCC (tức con ông cháu cha). Những thí sinh
VIP có bài mẫu sẵn nên cứ việc chép vô, dốt quá thì thầy đến tận nơi đọc cho mà
chép hoặc thầy mang bài của thí sinh về nhà, thay bài khác vào là xong. Bởi vậy
nên bài thi mới không sai một dấu phẩy, anh có giỏi đến đâu cũng không thể
thuộc nguyên văn như thế được. Chỉ những anh dốt mới “thuổng” nguyên văn mà
thôi. Chuyện thi cử, bằng cấp ở VN đã loạn, thi công chức còn loạn hơn. Như thế
thì làm sao tìm ra những công chức giỏi được, hầu hết là những anh kém mới đậu.
Số tiền 100
triệu bỏ ra, tất nhiên là anh công chức ấy sẽ phải lấy lại trong túi dân khi
ngồi vào “bàn làm việc” của cán bộ. Không chỉ lấy lại đủ số tiền đã “đầu tư” mà
số tiền đó còn sinh lời triền miên đến hết đời công chức… phục vụ nhân dân!!!
Có
nhiều nơi còn phải chạy nhiều hơn 100 triệu
- Bạn Nguyễn
Hạnh: (vntradere…@..) viết trên báo Dân Trí:
“Theo như tôi
thấy thì ngoài một số ngành như Điện lực, Ngân hàng, Dầu khí... có cơ chế lấy
con em người đã phục vụ trong tổ chức cơ quan thuộc bộ máy chính quyền, nhà
nước đã công tác lâu năm. Còn hiện tại, các cơ quan Bộ hoặc ngang Bộ hay các cơ
quan nhà nước được quyền tuyển dụng cán bộ công chức, đều có giá trên 100 triệu
hết. Đơn cử như vào Kho Bạc Nhà nước, Tổng Cục Thuế, Tổng Cục Hải quan, với các
đơn vị hành chính sự nghiệp thì tiền lót tay để vào theo tôi được biết là
khoảng từ 200 triệu trở lên. Muốn vào các đơn vị có thu, có thu nhập được trích
riêng thì lại càng phải lót tay nặng hơn quãng 400-500 triệu VNĐ. Gần đây có
Tổng Cục Hải quan, Kho Bạc và Thuế cùng thi, các nhà báo cứ mạnh dạn hỏi xem
người ta muốn vào được thì phải chi bao nhiêu tiền. Bây giờ kinh tế khó khăn,
nhiều gia đình muốn con cái, người nhà vào được các cơ quan nhà nước để vừa
nhàn, vừa ổn định, thôi thì đành chấp nhận đóng một cục tiền như thế để yên tâm
hơn so với việc làm ngoài vì chả biết họ đuổi lúc nào, nợ lương ra sao. Chưa kể
còn đầy rẫy các tiêu cực xã hội nhăm nhe với những tâm hồn non trẻ”
- Độc giả
Thuy Nga: (thuynga….@....) viết:
“Vấn đề này
tồn tại lâu rồi mà, nhưng dù sao cũng đáng khen ngợi ông Dực không ngại ngần
thẳng thắn đề cập tới nó. Nhưng không làm thế thì các vị có chức quyền làm sao
có tiền mà tiêu xài xông xênh như vậy? Lương công chức thì thấp mà cứ nhà lầu,
xe hơi ầm ầm. Một số người giỏi thực sự thì không nói làm chi nhưng đó chỉ là
thiểu số, còn đa số mà không bằng cách này cách kia lót tay thì vô sao
nổi. Học thì dốt toàn chạy điểm kiếm cái bằng đẹp ra trường, nhà lại có cơ thì
còn gì phải lo nữa. Vậy nên, nếu các vị để ý vụ mà dân phản đối ầm ĩ thời gian
gần đây như với nghị định 71 được đưa vào áp dụng đã bộc lộ rất nhiều điểm
yếu. Phải chăng đó cũng là hệ quả của một số thành viên soạn thảo không có
trình độ (do chạy chọt mà lên), để rồi khi ban hành ra rồi lại rút đi rút lại,
dư luận cũng chả hiểu họ làm ăn kiểu gì mà a bờ cờ (ABC) đến vậy???”
- Độc
giả Nguyen Van A: (tronghoi….@....com) viết:
“Nếu 100 triệu
ở Hà Nội còn là quá rẻ. Ở một huyện nghèo thuộc Nghệ An mà muốn vào công chức
xã cũng hết hơn 100 triệu, nhiều khi còn mất tiền oan nữa chứ” .
Tại sao người
đứng đầu không tự mình giải quyết tệ nạn này?
Có một điều
người dân thắc mắc là tại sao ông Trần Trọng Dực, người đứng đầu cơ quan có
nhiệm vụ bảo đảm sự trong sạch của đội ngũ công bộc lại chọn cách phát biểu
theo kiểu khuyến cáo tại một phiên họp toàn thể của Hội đồng Nhân Dân (HĐND) mà
không phải là tự mình, với chức năng quyền hạn được giao giải quyết vấn đề? Và
ngay sau phát biểu này, báo chí bằng nhiều cách mong làm rõ thông tin đều chỉ
nhận được cái lắc đầu không chỉ của một mình ông Dực. Tại sao các vị có trách
nhiệm, có quyền hành lại phải “tránh né” như tránh bom vậy? Thì ra vị nọ còn sợ
vị kia ở trên nhìn xuống.
Cũng bởi cái
kiểu tuyển chọn công chức như vậy nên trình độ của công chức quá kém, vì quá
kém nên mới “tham mưu” cho cơ quan đẻ ra nhiều luật lệ, nhiều quy định lạ đời
khiến người dân choáng váng. Tôi sẽ đề cập đến những quy định đó trong một bài
sau.
Có lẽ, khi nào
phải chỉ ra được một công chức đã làm được những gì, làm như thế nào thì mới
hết cảnh phải chạy tiền cả trăm triệu và người dân mới biết được “một bộ phận
cán bộ là cái chi chi”. Bà con cứ đợi nhé!
Văn Quang
13-12-2012
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.