
Tiền chiến, cùng Đặng
Thế Phong, Hoàng Quý rất tài hoa, có tài năng thiên phú nhưng yểu mệnh và qua đời
rất sớm khi tuổi mới ngoài đôi mươi, để lại nhiều thương tiếc. Nếu cuộc đời ông
kéo dài thêm được vài năm, chúng ta sẽ được thưởng thức thêm nhiều ca khúc bất
tử nữa, chứ không chỉ vỏn vẹn Cô Láng Giềng. Nhạc sĩ Phạm Duy viết trong hồi
ký: “Đánh giá Hoàng Quý không nên chỉ thu hẹp vào những sáng tác của ông, bởi
vì hoạt động cho nền nhạc hùng còn là một điều khiến chúng ta phải ghi nhớ và
ghi ơn. Ông là linh hồn của nhiều nhạc sĩ trẻ Hải Phòng, thúc đẩy mọi người
sáng tác và làm cho những sáng tác đó có một đời sống hẳn hoi, nghĩa là in ra,
hát lên trong những sinh hoạt hướng đạo hay học sinh”.
Nhạc sĩ Hoàng Quý sinh năm 1920 tại Hải Phòng. Ông từng theo học nhạc sĩ Lê
Thương tại trường trung học Lê Lợi, sau đó theo nữ giáo sư Âm nhạc Lepérète dạy
nhạc ở các trường trung học khác. Nhờ có năng khiếu và ham học, ông tiếp thu âm
nhạc tốt, chỉ một thời gian đã trở thành giáo viên dạy nhạc chính thức của trường
Bonnal. Sau này, chính nhạc sĩ Văn Cao đã nói, 2 nhạc sĩ Lê Thương và Hoàng Quý
có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp của ông. Hoàng Quý cũng là anh trai của nhạc
sĩ Hoàng Phú, tức Tô Vũ – tác giả của Tạ Từ, Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa, Tiếng
Chuông Chiều Thu.
Trước 1945, Hoàng Quý đã quy tụ được những tên tuổi lớn của nền Tân nhạc bấy giờ
là Đỗ Nhuận, Văn Cao, Lưu Hữu Phước và cả em trai Hoàng Phú để thành lập nhóm
nhạc sĩ Đồng Vọng rồi cùng nhau sáng tác. Đây là nhóm nhạc sĩ đầu tiên sáng tác
những bài hùng ca, như Bên Sông Bạch Đằng, Nước Non Lam Sơn, Tiếng Chim Gọi
Đàn, Bóng Cờ Lau (1), Nắng Tươi, Chiều Quê (2, Của Hoàng Quý), Về Đồng Quê (Của
Văn Cao), Ngày Xưa (Của Hoàng Phú). Đồng Vọng đã sáng tác và ấn hành khoảng
trên 60 ca khúc, chủ yếu theo xu hướng nhạc hùng có nội dung ca ngợi đất nước,
ca ngợi truyền thống anh hùng của dân tộc. Song song với sáng tác Hùng ca, thời
kỳ này Hoàng Quý còn viết ca khúc nổi tiếng nhất sự nghiệp của mình: Cô Láng Giềng.
“Cô láng giềng” trong bài hát này sau đó cũng là người vợ yêu dấu của ông, tên
Hoàng Oanh, một hoa khôi nức tiếng ở Hải Phòng (3) vốn nổi danh có nhiều người
đẹp khắp cả nước.
Không chỉ Hoàng Quý si mê Hoàng Oanh, mà hầu hết các chàng trai tuổi đôi mươi ở
đất cảng năm đó đều thầm thương trộm nhớ nàng, trong đó có chính Văn Cao. Năm
1995, khi nhắc về hoàn cảnh sáng tác ca khúc bất hủ Bến Xuân, ông kể lại: “Ngày
xưa tôi có thầm yêu một người con gái mà không dám nói ra. Nhưng người ấy hiểu
lòng tôi và đến với tôi. Vì thế nên mới có câu hát Em đến tôi một lần”. Người
con gái ấy chính là Hoàng Oanh, tuy nhiên nàng chỉ đến thăm Văn Cao có một lần
duy nhất mà thôi, có lẽ vì trái tim nàng đã chọn trao cho Hoàng Quý.
Nhạc sĩ Hoàng Phú (Tô Vũ) lúc sinh thời từng kể lại: Vào khoảng năm 1942 –
1943, Hoàng Quý phải rời Hải Phòng, xa người yêu để lên Sơn Tây làm thư ký cho
một trang trại nuôi bò của một người họ hàng. Ông vóc người dong dỏng cao và điển
trai, xung quanh luôn có nhiều bóng hồng, nhưng ông chỉ say mê Hoàng Oanh. Khoảng
6 tháng ở Sơn Tây, có lẽ không chịu nổi những nhớ nhung ngăn cách nên ông bỏ về
Hải Phòng.
Trên đường về, ông
ghé thăm Hoàng Phú đang ở tại Hà Nội và cho em trai xem qua bài Cô Láng Giềng vừa
mới sáng tác ở Sơn Tây. Vì xa cách lâu ngày, người nhạc sĩ luôn mơ về một ngày
được dừng gót để trở về thăm người yêu:
Ca khúc Cô Láng Giềng
sau đó cũng là món quà cưới đầy ý nghĩa, vì ngay sau khi trở về Hải Phòng,
Hoàng Quý đã làm đám cưới với Hoàng Oanh. Đáng tiếc thay, hạnh phúc của chính
ông và Hoàng Oanh quá ngắn ngủi vì chỉ đến năm 1946, ông đã qua đời vì bạo bệnh.
Một điều xin nhắc thêm, bài Cô Láng Giềng nguyên tác có kết thúc rất đẹp, khi
người lữ khách chân bước rộn vui trên đường về để gặp lại người yêu, khi “bóng
hoa bên thềm đã thắm rồi”, nghĩa là tình kia cũng đã đến hồi đơm hoa kết quả:
Tuy nhiên khi Hoàng Quý đưa cho Hoàng Phú xem ca khúc này ở Hà Nội trên đường về
Hải Phòng, vì quá thích giai điệu bài hát, Hoàng Phú đã đề nghị anh mình cho viết
thêm lời 2 và chính phần lời 2 này trở thành điều tai hại, vì nó đã làm cho nhiều
thế hệ khán giả suốt 80 năm qua luôn trách nhầm “cô láng giềng”.
Phần lời 2 do Hoàng Phú thêm vào là câu chuyện tình dang dở rất buồn, khi cô
láng giềng đã bỏ rơi chàng trai để lên xe hoa cùng người khác:
Hoàng Phú luyến tiếc: “Thật ra, lời 2 này không phải là tâm tư của
anh Hoàng Quý mà do tôi hư cấu và anh ấy đã đồng ý. Xem như là một tác phẩm nghệ
thuật chứ không phải là sự miêu tả một mối tình có thật, vì thực tế Hoàng Quý
không gặp một bi kịch về tình yêu như nội dung của lời 2!”.
Nay thì tất cả những người xưa ấy đã cùng không còn nữa. Chỉ biết viết lại
đây để “minh oan” cho chính Cô Láng Giềng một thời!

(1) Ta cùng nhau đi, thăm nơi Hùng xưa, oai linh đứng muôn đời giữa nơi sông
cùng núi, và sân đá tường rêu dãi gan sương cùng mưa…
(2) Quê nhà tôi chiều khi nắng êm đềm, chạy dài trên khóm cây, đàn chim ríu rít
ca. Bao người ra ngồi hay đứng bên thềm, đợi chồng đôi mắt trông về phía Trời
xa…
(3) Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước, em đến tôi một lần, bao lũ chim rừng họp
đàn trên khắp bến Xuân. Đây là Hoàng Oanh của Văn Cao, của Kim Tiêu và cuối
cùng, nàng đã chọn Hoàng Quý. Không phải Hoàng Oanh của trường Gia Long, về sau
thường song ca với Trung Chỉnh…
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.