Tuesday, July 12, 2011

Trồng cần sa hai năm ‘trả đứt căn nhà’

image
Tệ nạn trồng cần sa của băng nhóm châu Á tại Úc đang gây lo ngại cho cộng đồng.

Cảnh sát tiểu bang New South Wales, Australia cho hay người Việt chiếm ưu thế trong các đường dây trồng cần sa trong nhà, với đa số ngập trong nợ nần, trồng cần sa thuê để có tiền trả nợ.
Liên hệ giữa băng đảng châu Á, trong đó có người Việt, và các trại cần sa trong nhà vừa được một sĩ quan cảnh sát New South Wales (NSW) ở nước Úc nhắc đến.
Hồ sơ cảnh sát NSW nhắc đến chi tiết rất nhiều công nhân chăm tưới cây thuê cho chủ thực ra là các ông bố, bà mẹ thường ngày.
“Phần lớn trong độ tuổi cha mẹ, những người dính nợ nhiều do thua cờ bạc,” ông Scott Cook, chỉ huy biệt đội loại trừ tội ác Á châu tiểu bang NSW, Scott Cook cho báo Sunday Telegraph hay.

“Đa số họ không có tiền án, tiền sự.”
Màn lừa đảo, mà cảnh sát cho là khá tinh vi, nhắm đến người dễ bị tổn thương bắt đầu bằng việc nhờ ‘tân binh’ mới nhập hội - đứng tên căn nhà sắp mua.
Băng đảng chuyên trồng cần sa sẽ tìm mua nhà ở tại một vùng dân cư nào đó. Sau đó họ sẽ chọn những ai nghiền cờ bạc, đang ngập trong nợ nần, đứng tên giùm.
Người này, cùng vợ và con, sẽ dọn đến địa chỉ mới. Thông thường căn nhà sẽ được chuyển thành trại trồng cần sa năng suất cao, với hệ thống đèn thắp sáng, đường dẫn nước hiện đại để thúc cây mau lớn.
Điều mà ‘tân binh’ trong đường dây trồng cần sa phải làm là... sống cùng nhà, tưới cây mỗi ngày.
Tới thời điểm thu hoạch loài thảo mộc gây nghiện, người chăm cây được chia 10% lợi nhuận.

'Mua đứt'
Cảnh sát cho hay số tiền này sẽ giúp họ trả bớt nợ nần. Và cơ hội sở hữu căn nhà một vài năm sau đó.
Chỉ huy Scott Cook nói thêm, sau hai năm trồng tỉa thuê, người ở mướn có thể tích lũy đủ tiền để mua đứt căn nhà họ đang canh gác.
Theo ông, người Việt chiếm đa số trong các đường dây trồng cần sa tại Sydney.
Các trại trồng cần sa trong nhà được nhân rộng theo mô hình ‘nhượng quyền thương mại’ (franchising), ông Cook nói.

image

Khi chọn được người làm, đồng ý lưu trú và chăm bón cây, người của băng đảng sẽ lo toàn bộ thiết bị trồng cây trong nhà. Đó là quạt thông khí, đèn thắp sáng, hệ thống tưới tiêu tự động. Kể cả cây cần sa trong chậu.
Vì lượng điện tiêu thụ quá lớn, người ta sẽ tìm cách câu trộm điện lưới, không qua công tơ, tránh gây sự chú của công ty điện lực, tờ Sunday Telegraph đưa tin.
Kể từ tháng Giêng 2010 cảnh sát NSW đã tiến hành vây bắt 56 địa chỉ trồng cần sa tại các quận khác nhau ở Sydney.
Trước đó, giai đoạn từ 2007 đến 2010, cảnh sát phá vỡ 76 ‘trang trại’ trồng cần sa tự tạo.


Úc truy quét băng đảng cần sa

image
Hàng ngàn cây cần sa bị thu giữ (hình minh họa)

Cảnh sát Úc bắt giữ 42 người và thu giữ 7200 cây cần sa trong cuộc bố ráp ma túy lớn nhất trong lịch sử tiểu bang Victoria.
Báo Úc The Age nói cảnh sát đã lục soát 68 ngôi nhà vào hôm 23/11, với cáo buộc liên quan một tổ hợp buôn cần sa trị giá 400 triệu đôla Úc (395 triệu đôla Mỹ).

630 viên cảnh sát đã tham gia chiến dịch Entity.
Trước đó, cảnh sát cũng bố ráp 50 địa điểm ở bang Victoria và New Zealand, tịch thu tài sản trị giá 20 triệu đôla Úc.
Theo báo The Age, mục tiêu chính là các thành viên trong cộng đồng người Việt.
Cảnh sát nói một số tiền lời từ việc trồng cần sa lại được dùng để mua heroin từ Việt Nam, để rồi nhập vào Úc.

image

Tờ báo Úc dẫn lời các thanh tra viên nói các băng nhóm nhắm vào những công dân người Việt mắc nợ vì đánh bạc để buộc họ vận chuyển hàng lậu.
Số liệu của chính phủ cho biết có 25 công dân Úc đang ngồi tù ở Việt Nam vì các tội liên quan ma túy.
Cảnh sát nói mỗi tuần lại có nhiều người đưa heroin từ Việt Nam về thành phố Melbourne. Những người đưa hàng có thể được trả tới 24.000 đôla để nhập bốn viên heroin, mỗi viên nặng 70 gram.
Trong số các thủ lĩnh tội phạm có một phụ nữ tuổi khoảng 30, đã bỏ ra 3.7 triệu đôla để chơi bài trong sáu tháng.
Một nhân vật khác chơi 12 triệu đôla trong các sòng bài ở Úc trong vòng hơn 5 năm.



Đăng Khoa
Nhà báo tự do, từ Sydney, Úc


Nạn trồng cần sa và người Việt ở Anh
Tiến sĩ Daniel Silverstone

image
Cảnh sát phát hiện cần sa ở London

Năm 2006, cảnh sát Anh mở chiến dịch Keymar, chiến dịch toàn quốc đầu tiên nhắm vào các xưởng sản xuất cần sa. Kể từ đó, đã có nhiều hàng tin gây lo ngại gắn kết giới tội phạm người Việt với vấn nạn nở rộ này.
Cứ theo báo chí thì tội phạm người Việt đã cách mạng hóa cả thị trường cần sa nội địa. Đến mức Vương quốc Anh nay là nhà xuất khẩu ròng cần sa và ngành này tàn bạo đến mức có cả “nô lệ trẻ em 13 tuổi”.
Từ năm 2006, là một nhà tội phạm học, tôi có cơ hội xem xét tính chân thực của những cáo buộc này khi phỏng vấn những người nhập cư lậu Việt Nam hiện đang sống ở Anh. Tôi cũng thăm Việt Nam để gặp các cơ quan thi hành pháp luật nội địa và quốc tế có nhiệm vụ đối phó vấn đề.
Điều tôi tìm thấy là, mặc dù những hàng tít giật gân không chính xác, nhưng đúng là một số trong cộng đồng người Việt đã có vai trò quan trọng trong ngành cần sa và làm thay đổi cả quan hệ của một cộng đồng kiêu hãnh và tuân thủ luật pháp.

Người mới đến
Cộng đồng Việt ở Anh còn nhỏ và đa số người nhập cư bắt đầu với đủ loại khó khăn khi họ đến Anh trong chương trình tái định cư cuối thập niên 1970. Chưa có nghiên cứu lớn nào về trải nghiệm của họ, nhưng rõ ràng nhiều người đã trở nên giàu có, đặc biệt trong ngành làm móng tay và cung cấp thực phẩm.
Tuy nhiên, trong 10 năm qua, bộ mặt cộng đồng thay đổi khi có đến hàng ngàn người mới đặt chân đến bất hợp pháp. Chủ yếu họ đến từ châu Âu lục địa, từ Cộng hòa Czech và Đức, và cũng cả từ Việt Nam (chủ yếu Hải Phòng, nhất là từ hai quận Thủy Nguyên và huyện Kiến Thủy.)

Chi phí hành trình do những kẻ đưa người lậu từ Việt Nam sang Anh rất khác nhau tùy theo thời gian. Hiện nay, người ta ước tính nó đã tăng từ 15.000 đến 17.000 bảng. Chuyến đi có thể nhờ vào giấy tờ giả cùng một chuyến bay thẳng, hoặc thông dụng hơn là một đoạn đường gian khổ và kéo dài qua ngả châu Âu.
Với những ai đi theo tuyến đường bộ, thường họ phải trải qua khá nhiều thời gian, trong điều kiện chật chội, ở các nước châu Âu mà điểm đến cuối là nước Anh. Chỉ có thị trường cần sa Anh mới đủ tạo ra tiền bạc để bù đắp cho chuyến đi.

Những đợt mới đến, được cộng đồng gọi là ‘người rơm’, muốn mau chóng lấy lại khoản chi phí đi lậu và thường thì chuyến đi của họ được yêu cầu bởi chính những người thân sở hữu các doanh nghiệp nhỏ cả hợp pháp và phi pháp. Từ mệnh lệnh của gia đình, họ hầu như không có lựa chọn ngoài cách làm việc phi pháp trong nghề làm móng hoặc trong ngành cần sa.
Để trồng thành công cần sa trong nhà, những kẻ đầu tư sử dụng nhiều loại người.

Một số là thợ điện có thể câu trộm để đem điện vào nhà trồng cây. Những người khác thì chăm chỉ nhưng không có kỹ năng gì, được giao nhiệm vụ kín đáo chăm sóc cây.
Các mạng lưới này cũng cần những chủ nhà cố tình nhắm mắt nhận tiền cao hơn giá thị trường để mặc cho người thuê, hoặc họ sử dụng những người thuê nhà kín đáo không gây chú ý. Chỉ ở chặng cuối cùng này, các mạng lưới mới có thể không cần nhờ đến người Việt.
Phương pháp trồng cần sa này từ lâu đã được cả những người nghiệp dư và những tội phạm có tổ chức sử dụng. Tuy nhiên, người Việt đã gia tăng năng suất bằng cách liên tục đưa ‘nông dân’ vào để trồng cây, và cũng thận trọng không phô trương lợi nhuận và nhờ thế giảm bớt rủi ro bị bắt.

Vì không có kỹ năng gì, nhiều người mới đến khởi đầu là những ‘nông dân’ theo dõi cây. Điều kiện làm việc chật chội, nóng bức, và họ buộc phải chăm sóc cây cho đủ cả vụ mùa. Nhưng công việc có thể được thưởng hậu hĩnh và các ‘nông dân’ có thể được trả theo tuần hoặc một phần lợi nhuận sau đợt thu hoạch đầu tiên.

Những mạng tội phạm thường xuyên cố gắng bảo đảm sao cho quá trình được hiệu quả. Thời gian thu hoạch được giảm bớt và sau vụ đầu tiên, mà vẫn có thể tốn tám tuần lễ, các vụ sau được thu hoạch sáu tuần một lần.
Từ chi phí ban đầu được cho là tương đương việc lập một quán làm móng tay nhỏ, mỗi vụ có thể có ba lần thu hoạch trong thời gian thuê nhà sáu tháng. Tiền của lần thu hoạch đầu tiên dành để chi cho phí tổn ban đầu, và hai vụ sau là tiền lời. Nhu cầu có thể khiến nó được bán ngay ở London với giá 3500 bảng một kg.
Không có bằng chứng rằng người Việt hoạt động trong mảng bán nhỏ lẻ ít tiền của thị trường, mà họ chỉ bán buôn mà thôi. Vì thế, những người quản lý các xưởng cần sa được nói là kiếm được ít nhất 100.000 bảng một năm.
Chủ các xưởng này thường đầu tư vào nhiều địa điểm. Tiền thu được sẽ chuyển về nhà thông qua những dịch vụ chuyển tiền phi chính thức, hoạt động bên ngoài các siêu thị và cửa hàng Việt Nam.

Những địa điểm này, mặc dù đắt hơn một chút so với các dịch vụ hợp pháp như Western Union, có thể chuyển tiền đến tận cửa nhà gia đình. Người thân biết ơn tiền chuyển về và dù Việt Nam đã phát triển nhanh, vẫn còn nhiều nơi rất nghèo.

Quan hệ cộng sinh
Nghiên cứu của tôi cho thấy đa số người dính líu đến từ miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, những gia đình giàu có hơn, thường là người Nam, cũng dính líu.
Nói chung, giữa cộng đồng đã ổn định hơn và những người mới đến có mối quan hệ cộng sinh trong khi cơ hội kiếm tiền mới gia tăng. Những ai sống ở Anh hợp pháp có thể giúp người mới đến thuê những cơ sở làm ăn hợp pháp như tiệm làm móng, bán đồ ăn; họ cũng cho thuê phòng trọ, chuyển tiền và sắp đặt các cuộc hôn nhân giả.
Nếu đợt thu hoạch thành công, có thừa các băng đảng người Anh mua lại với giá sỉ. Sau khi tiền đã trao tay, quá trình được lặp lại. Nếu người ‘nông dân’ có phần ăn chia hoặc đã trả đủ tiền phí, họ có thể đầu tư vào một xưởng mới.
Trong 10 năm qua, nhiều tội phạm thành đạt đã chuyển tiếp từ kẻ làm vườn thành nhà đầu tư. Họ lại bắt đầu một quá trình nhập cư mới khi đưa gia đình, bằng hữu vào để giúp việc.

image

Nhu cầu dùng cần sa của người Anh khiến nhiều băng tội phạm tham gia ngành này
Nhưng cũng có những người kém may mắn hơn. Số lượng gia tăng các tù nhân và người bị trục xuất chứng tỏ cũng có những trục trặc. Có những vụ bạo lực và ít nhất một vụ giết người liên quan chuyện cần sa bị mất. Nhưng khi ta xét số lượng tiền của thu được và tầm mức tội phạm, ta phải nhận rằng bạo lực tương đối hiếm xảy ra.

Nói chung, các băng nhóm người Việt không có tiền sử tội phạm dày đặc và động cơ của họ là tiền bạc, chứ không phải là sự kính trọng hay quyền lực vốn là tham vọng truyền thống của tội phạm có tổ chức.
Nói thế không có nghĩa đây là thứ tội phạm không nạn nhân. Tôi thường chứng kiến cái nhìn thất vọng trong mắt những lãnh đạo cộng đồng. Họ có khát vọng chính đáng và cố gắng duy trì vị trí được nể trọng. Họ cảm thấy tường thuật tiêu cực của báo chí và tác động ghê gớm của sự trừng phạt hình sự rõ ràng hủy hoại danh tiếng của người Việt.
Còn buốt nhói hơn là chuyện những gia đình và cuộc hôn nhân tan vỡ vì tham vọng kiếm tiền nhanh, khiến thế hệ già ngày càng mất khả năng buộc nhiều người trẻ vâng lời.

Khó khăn
Cảnh sát Anh và Bộ Công an Việt Nam đã có nhiều nỗ lực theo dõi những kẻ liên quan ở cả hai nước. Mặc dù có một biên bản ghi nhớ, nhưng một yếu tố ngăn ngừa quan trọng – việc tịch thu tài sản để chặn dòng lợi nhuận – vẫn khó thực thi.
Trở lại chuyện nước Anh, khả năng di chuyển trên toàn quốc của các băng nhóm và chi phí ban đầu thấp đến nay vẫn là khó khăn cho cảnh sát. Cảnh sát Anh đến nay đã lập ra một nhóm chuyên trách quốc gia và sử dụng cả thiết bị phát hiện sức nóng trên không và cầm tay.
Trong bối cảnh suy thoái, các thống kê mới cho biết phương pháp trồng trong nhà đang được các nhóm tội phạm mới nổi sử dụng. Luật Quốc tịch Tị nạn và Di dân 2006 nhằm ngăn việc thuê mướn người lậu đang đẩy những người nhập cư lậu vào vòng tay của các cơ sở phi pháp.
Bên trong cộng đồng người Việt, việc trồng cần sa nay đã là một nghề vững chãi, dẫu chỉ là thiểu số.
Dẫu vậy, chìa khóa để hiểu động cơ của họ thứ nhất chính là việc ma túy bị xem là bất hợp pháp khiến giá đẩy lên cao, và thứ hai, như một người liên quan mật thiết tiết lộ cho tôi, là nhu cầu cần sa rộng rãi và dường như không bao giờ cạn của người Anh.

Tiến sĩ Daniel Silverstone hiện dạy ở Đại học London Metropolitan, với quan tâm nghiên cứu về tội phạm có tổ chức.

1 comment:

  1. Đây là loại cây mà người Việt định cư ở úc trồng để kiếm tiền bất hợp pháp. Thật đáng buồn

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.