Trong
một chuyến viếng thăm tỉnh Kiên Giang vào hai ngày 6 và 7 tháng 4 năm 2006, ông
Seth Winnick, tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn, đã tìm hiểu qua giới chức địa
phương về thân thế một nhân vật từng có thời niên thiếu ở vùng này, đó là ông
Nguyễn Tấn Dũng, khi đó là phó thủ tướng Việt Nam.
Những
dữ kiện thu thập trong chuyến đi được ông Seth Winnick tường trình trong công
điện ngày 13 tháng 4 năm 2006, gửi về cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Ðốn,
vẽ nên chân dung ông Dũng như một người con yêu của Kiên Giang, và giải thích
lý do tại sao sự nghiệp chính trị của ông Dũng chỉ trong một thời gian ngắn đã
lên như diều gặp gió.
Theo
một công điện của Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ Sài Gòn gửi về Hoa Thịnh Ðốn, Thủ Tướng
Nguyễn Tấn Dũng là người có sự nghiệp chính trị rất thuận buồm xuôi gió, vì
được sự hậu thuẫn của cả Lê Ðức Anh, cựu chủ tịch nước, thuộc thành phần bảo
thủ, và Võ Văn Kiệt, cựu thủ tướng và là nhân vật có khuynh hướng cải tổ nặng
ký nhất.
Người
con Kiên Giang
Công
điện cho biết, theo lời ông Bùi Ngọc Sương, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Kiên
Giang, ông Dũng ra đời tháng 11 năm 1949 ở tỉnh Cà Mau, và sau đó theo gia đình
dọn hẳn về Kiên Giang.
Ông
Sương cho hay, cha của ông Dũng là một lãnh đạo cao cấp của Mặt Trận Giải Phóng
Miền Nam (MTGPMN), bị giết chết khi ông Dũng còn tấm bé. Sau cái chết của cha,
ông Dũng cũng gia nhập MTGPMN. (Lý lịch của ông Dũng ghi rằng ông gia nhập Quân
Ðội Nhân Dân Việt Nam vào năm 1961, khi mới được khoảng mười hai, mười ba tuổi,
và gia nhập đảng Cộng Sản vào năm 1967.)
Vẫn
theo lời chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Kiên Giang, ông Dũng từng là y tá cứu
thương cho MTGPMN, và trong thời kỳ chiến tranh, được lên chức đội trưởng đội
phẫu thuật Kiên Giang. Ðịa bàn hoạt động của ông Dũng lúc đó là rừng U Minh,
nơi một thời là thành trì vững chắc của MTGPMN.
Sau
20 năm phục vụ trong quân đội, ông Dũng giải ngũ năm 1981 với chức vụ thiếu tá,
rồi được đưa về đào tạo ở Học Viện Chính Trị Nguyễn Ái Quốc của đảng CSVN tại
Hà Nội, nơi ông đã lấy được bằng cử nhân luật và bằng tốt nghiệp về nghiên cứu
chính trị.
Sau
khi tốt nghiệp Học Viện Chính Trị, ông Dũng được bổ nhiệm làm phó Trưởng Ban
Cán Bộ và Tổ Chức Tỉnh Ủy Kiên Giang.
Một
đoạn trong công điện viết:
“Dũng
nhanh chóng thăng quan tiến tiến chức trong hàng ngũ đảng cấp tỉnh. Chỉ trong
vòng một thập niên, ông được bổ nhiệm làm bí thư Tỉnh Ủy Kiên Giang, đồng thời
là thành viên Ðảng Ủy Quân Khu 9.
Năm
1986, tại Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ 6, Dũng được bầu là ủy viên của Ban
Chấp Hành Trung Ương Ðảng. Cuối năm 1994, ông được chuyển về Hà Nội để nhận
chức thứ trưởng Bộ Nội Vụ (sau này được đổi tên thành Bộ Công An).”
Công
điện cũng cho biết, với Kiên Giang, ông Dũng luôn là người con gắn bó với nơi
chôn nhau cắt rốn.
Theo
giới chức tỉnh Kiên Giang, ông Dũng thường xuyên về thăm quê và cắt cử nhiều
người gốc Kiên Giang, hay thuộc đồng bằng Sông Cửu Long vào những vai trò quan
trọng tại Hà Nội.
Công
điện tiết lộ:
“Một
nguồn tin đáng tin cậy tại Kiên Giang nói với Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ rằng, Ủy viên
Bộ Chính Trị kiêm Bộ Trưởng Bộ Công An Lê Hồng Anh cũng là người được Dũng đỡ
đầu và giúp trở thành người kế nhiệm ông làm bí thư tỉnh Kiên Giang, rồi sau đó
ra Hà Nội.”
Cũng
theo công điện, một vài người Kiên Giang khác được ông Dũng nâng đỡ.
“Dũng
còn bổ nhiệm ông Huỳnh Vĩnh Ái, cựu phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Kiên Giang vào
chức phó chủ tịch của Ủy Ban Thể Dục Thể Thao quốc gia, một chức tương đương
với Thứ trưởng. Ở chức vụ này, Ái được trao trách nhiệm điều hành việc hợp pháp
hóa một số những hình thức cá cược thể thao. Ngoài ra, Dũng cũng đưa cựu giám
đốc Sở Y Tế tỉnh Kiên Giang là ông Trần Chí Liêm ra Hà Nội, và giờ đây Liêm là
thứ trưởng Bộ Y Tế.”
Tả
phù hữu bật
Giải
thích con đường quan lộ thuận lợi của Nguyễn Tấn Dũng, Tổng Lãnh Sự Seth
Winnick dùng những cụm từ như “Ties of Blood” hay “Blood Debt” để mô tả thâm
tình giữa Nguyễn Tấn Dũng với cả hai cánh tả lẫn hữu của đảng CSVN.
Ông
Seth Winnick viết trong công điện:
“Một nguồn tin ở đồng bằng sông Cửu Long cho biết, cha của Nguyễn Tấn
Dũng tử nạn vì bị Hoa Kỳ hay quân đội VNCH tấn công ngay giữa lúc đang họp với
hai lãnh đạo của lực lượng nổi dậy lúc đó là Lê Ðức Anh và Võ Văn Kiệt.”
Công
điện giải thích:
“Vẫn
theo nguồn tin này, cả Lê Ðức Anh và Võ Văn Kiệt tin rằng họ nợ Dũng một món
‘ân oán’, và có bổn phận phải đền bù cho Dũng.
Ðó là lý do tại sao, dù có lập trường đối nghịch nhau, cả
hai, Lê Ðức Anh thuộc thành phần bảo thủ, từng giữ chức chủ tịch nước từ năm
1992 đến 1997, và sau khi về hưu vẫn có rất nhiều thế lực; và Võ Văn Kiệt, cựu
Thủ Tướng và là nhân vật có khuynh hướng cải tổ nặng ký nhất, đều cùng tiếp tay
hỗ trợ cho sự nghiệp chính trị của Dũng.”
Công
điện còn cho biết các giới chức đồng bằng sông Cửu Long, “dù không lạm bàn về
khuynh hướng chính trị của Dũng,” tỏ ra “rất hãnh diện về người con yêu xứ Kiên
Giang.”
Công
điện ghi rõ nhận xét của người Kiên Giang về Nguyễn Tấn Dũng: “Dũng là một
người bộc trực thẳng thắn, dám nói, dám làm, không ngại có những quyết định táo
bạo. Thí dụ, ông là người đầu tiên trong nhóm lãnh đạo cao cấp dám gửi con qua
học đại học tại Hoa Kỳ.”
Các
viên chức Kiên Giang cũng đánh giá rằng, liên hệ của ông Dũng với cả cựu Chủ
Tịch nước Lê Ðức Anh và cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt “giúp ông có thế để chống
chỏi với áp lực từ cả hai phía bảo thủ và cấp tiến.”
Ngoài
thân thế của Nguyễn Tấn Dũng, một công điện khác, từ tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ
tại Sài Gòn, gửi về cho Bộ Ngoại Giao, ngày 5 tháng 6, năm 2009, cho thấy rõ
hơn về con người này, khi mô tả việc Nguyễn Tấn Dũng từng chiếm độc quyền trang
nhất của các tờ báo in cũng như báo mạng lớn, để dành cho bài ai điếu của ông,
viết trong dịp giỗ đầu của cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt.
Giành
giựt chức thừa kế
Công
điện cho biết, “chỉ một năm sau cái chết của vị cựu Thủ Tướng cấp tiến Võ Văn
Kiệt, giới ủng hộ ông Kiệt than phiền là lãnh đạo đảng cộng sản đương thời hoàn
toàn phớt lờ những cải tổ mà ông Kiệt đề nghị, dù muốn bảo vệ di sản của ông.”
Cũng
theo công điện, thì mặc dù tỏ ra không mấy tin tưởng vào viễn ảnh của việc cải
tổ, giới trí thức Sài Gòn, kể cả những người đã dấy lên phong trào phản đối rầm
rộ chính sách khai thác Bô Xít của đảng, cũng công nhận rằng “chủ trương cởi mở
và sự thẳng thắn của Kiệt tiếp tục tạo cho họ nguồn cảm hứng để tiếp tục con
đường cải cách, và dân chủ hóa Việt Nam mà ông đã vạch ra.”
Tuy
nhiên, điều này không có nghĩa là họ đánh giá cao nỗ lực của Nguyễn Tấn Dũng
trong việc “dùng hoài niệm Võ Văn Kiệt” để “làm hồi sinh hình ảnh của mình như
một nhà lãnh đạo có khuynh hướng cải tổ.”
Thay
vào đó, công điện nhận định rằng, người ta (giới trí thức Sài Gòn) “nói về một
khoảng trống trong phe cải cách, bởi vì ngày nay, ngoài ông Kiệt ra, không ai
hội đủ cả tinh thần cách mạng lẫn uy tín về cải tổ.”
Một
đoạn trong công điện viết:
“Ở
Việt Nam ,
ngày giỗ là một cột mốc quan trọng, và theo truyền thống, trách nhiệm cử hành
nghi lễ giỗ hàng năm được trao cho người thừa kế.”
Vì
vậy, công điện cho biết, vào ngày 28 tháng 5, giới quan tâm tại Sài Gòn đã
“chau mày” trước việc Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ra chỉ thị cho tất cả những báo
in và các trang báo điện tử lớn, hai ngày trước ngày giỗ của Võ Văn Kiệt, phải
đăng một bài viết của Dũng nhân dịp này.
Công
điện nêu rõ:
“Tổng
Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn được cho biết là giới truyền thông nhận chỉ thị trực
tiếp từ phủ Thủ Tướng, là bài điếu văn của ông phải được đăng ở trang nhất, và
không bài viết nào được đi trước bài của ông.”
Theo
nhận định của đại diện Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, bài viết của thủ tướng “chẳng đặc
sắc gì hơn một bài tán dương lãnh đạo tiêu biểu, ca tụng ông Kiệt như một chiến
sĩ giải phóng nhiệt thành, nhiều sáng kiến, đi tiên phong trong việc hòa giải
dân tộc và cải cách kinh tế.”
Thế
nhưng, sau khi bài viết của Dũng được công bố, “một loạt các bài viết khác đua
nhau xuất hiện.”
Và,
“rất nhiều bài viết cả trên báo ‘lề phải’ lẫn cộng đồng blog, mô tả ông Kiệt là
vị lãnh đạo cuối cùng của ‘thế hệ đổi mới’: một nhà cải cách vĩ đại, hòa giải;
nhưng trên tất cả, là một người ủng hộ dân chủ ở một vị trí độc đáo, có nhiều
uy tín và dám công khai kêu gọi cải cách.”
Công
điện cho biết thêm là những nhà quan sát chính trị tại Sài Gòn nói với tòa lãnh
sự Hoa Kỳ là họ “đánh giá hành động của Dũng là một nỗ lực “khôi phục lại hình
ảnh của mình như là một người ủng hộ cải cách.” Và, đặc biệt là để “thu hút sự
ủng hộ của giới trí thức cổ xúy cải cách, trong thời gian gần đây đã liên tục
chỉ trích chính sách khai thác bauxite tại Tây Nguyên của chính quyền.”
Tuy
nhiên, công điện kết luận:
“Trong
bối cảnh mà ước nguyện và tư tưởng của Võ Văn Kiệt không được mấy tôn trọng
trong năm qua, mánh khóe của Dũng không những đã chẳng giúp ông kiếm được tí
điểm nào trong giới trí thức mà còn phản tác dụng.”
Hà
Giang
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.