Thursday, June 5, 2014

Bản nhạc điạ ngục xưa 600 năm, xăm trên mông người.

image
Thật là kỳ diệu khi ngày nay chúng ta có thể nghe được điệu nhạc của âm ty sau 600 năm kể từ khi hoạ sĩ Hieronymus Bosch hoạ bức tranh lừng danh The Garden of Earthly Delights vào năm 1504. Không ai có thể ngờ rằng những nốt nhạc bé li ti trong một bản nhạc thời Tiền Phục Hưng (Renaissance) được cây cọ bậc thầy của trường phái siêu thực Bosch ghi lại trên mông bị xăm của một tội phạm, nay bỗng dưng sống dậy và trổi nhịp phát âm.

image
Ý kiến tuyệt vời này do Amelia, một blogger, một sinh viên ngành âm nhạc của đại học Oklahoma Christian University nghĩ ra. Sở thích lạ lùng của cô là hay nghiên cứu những gì kỳ quái. Một hôm, trong khi cô và người bạn, Luke, quan sát hoạ phẩm bộ ba “Khu vườn hưởng lạc trần tục” (The Garden of Earthly Delights) của Hieronymus Bosch (1504), họ đã khám phá ra điều đặc biệt kỳ thú.

image
Tác phẩm này miêu tả tội tổ tông của nhân loại và quá trình buông thả sa ngã của con người. Nó gồm ba bức miêu tả ba cảnh sống ở ba không gian: thiên đàng, trần gian, và địa ngục. Bức bên trái có thể gọi tạm là “Vườn điạ đàng”, bức giữa, “Vườn khoái lạc trần gian” và bức bên phải “ Vườn điạ ngục”.  (220 x 97,5cm). Hiện chúng được lưu giữ ở bảo tàng Prado, Madrid.

image
Trong quang cảnh hỗn độn của điạ ngục với những hình ảnh khủng khiếp của những tội đồ bị tra tấn hay bị ném vào lửa đỏ, và các khổ hình con người phải cam chịu, con mắt sắc bén của cô sinh viên đại học đã bắt được hình ảnh một nhạc phổ được xăm trên mông người. Cô quyết định chép và thâu lại bản nhạc của thế giới âm ty này. Cô biết nó thuộc dạng những bài thánh ca thuộc kỷ nguyên Gregorian vào khoảng thế kỷ thứ 9 hay 10 gì đó.  Nhờ sự hợp tác của một blogger khác là Wellmanicuredman, một bản thánh ca do họ hợp soạn đã được làm sống lại.(xin nghe trong link bên dưới)

image
Quan sát kỹ bức điạ ngục trong bộ ba sáng tác này, nếu bạn sở hữu một bộ óc thích cảm giác lạ, hẳn bạn phải ngạc nhiên với không gian và những hình ảnh đáng sợ của các nhân vật trong tranh Bosch. Trí tưởng tượng của bạn có thể được thoả mãn với hình tượng một người đàn ông đang bị một con heo đội khăn choàng của một nữ tu hôn hay cưỡng dâm. 

image
Trên cao là một người cây cổ quái trổ gai nhọn đâm xuyên qua chiếc bụng hình vỏ trứng trắng hếu mà trong bụng là một bàn tiệc người và rượu thịt ê hề. Những lá bài, con xúc xắc nằm lăn lóc bên cạnh các dụng cụ âm nhạc như đàn, trống, kèn xuyên qua cơ thể, hậu môn và từng cơ phận con người.

Ở phương Tây, thời trung cổ, khi nhắc tới thiên thần, các hoạ sĩ thường vẽ các em bé khoả thân bụ bẫm với đôi cánh trắng thật dễ thương, còn quỷ sứ người ta hay phác hoạ ra những con quỷ mặt người với răng nanh, có đuôi và sừng. Những mụ phù thủy thì tượng trưng cho ma quái phù phép, các vị thần hoá thân nửa người nửa thú. Đặc biệt trong cõi âm u siêu thực của Bosch lại có rất nhiều quái thú kỳ lạ biến thể từ những con vật  như rắn độc, chó, chim, chuột, cú, bướm, khỉ, dơi .. v..v… Chúng thay phiên nhau đâm con người bằng gươm, giáo, dao, hay bằng các vật nhọn, thâm chí bằng cả các dụng cụ âm nhạc hoặc ăn tươi nuốt sống họ.

image
Có lẽ Bosch đã thay mặt các đấng tối cao trao cho thú vật và cây cỏ những uy quyền của các vì vua, hoàng tử, linh mục và thần thánh để đọc kinh cứu rỗi, trừng trị hay hành xử con người. Vương quốc động vật trong thế giới u linh này đầy bạo lực và quyền năng. Hay ông muốn cảnh cáo con người rằng tất cả dục vọng, thậm chí cả những thứ dường như “ở ngoài dục vọng” như là tình yêu hay âm nhạc, cũng có thể bị lợi dụng bởi ma quỷ.

image
Trên cùng bức hoạ địa ngục là hình ảnh những trận hồng thủy, lụt lội, hoả hoạn, chiến tranh, xác người trôi và những thân người trần truồng bị đóng đinh trên thập tự giá. Chúng như những câu chuyện kể theo thứ tự từ trên xuống dưới khiến chúng ta liên tưởng đến ngày tận thế cuối cùng.  Quả đất bị hủy diệt do sự phá hoại và tàn bạo của con người. Nơi đây, đầy dẫy những quỷ dữ ma vương hệt như 18 tầng địa ngục của Phương Đông. Tôi bỗng nẩy niềm cảm khái, có phải hai nền văn hoá Đông Tây gặp nhau ở đây không. Sự xắp xếp diễn biến của bức tranh đưa tôi đến suy tưởng về thuyết nhân quả và luân hồi trong Phật Giáo. Những cám dỗ của tiền bạc, quyền thế, dục, lạc đưa con người sa địa ngục. Biểu tượng của trần gian tội lỗi được Bosch minh hoạ  như rượu chè, cờ bạc, bạo lực, lạc thú, vui chơi, đàn hát, đồi trụy, sa đoạ, sát nhân, hại vật, tàn phá cây cỏ, thiên nhiên. Bao nhiêu tội ác của loài người khi còn sống phạm phải, khi chết, xuống địa ngục sẽ bị quỷ sứ là chính những người hay con vật bị hại hiện thân ra, trừng trị bằng các hình phạt, cắt tai, cắt cổ, đâm chém, khổ nhục đời đời.

image
Nói thêm về Hieronymus Bosch (1450 – 1516) và các tác phẩm của ông. Ông là một họa sĩ người Hà Lan, sinh ra tại Jheronimus nên có vài tác phẩm ông ký tên là Jheronimus Bosch, nơi ông mở mắt chào đời. Bosch được biết đến như là đại diện Bắc phái của thời kỳ văn nghệ tiền Phục Hưng hay hậu Gothic. Ông nổi tiếng với những tác phẩm kỳ dị và có màu sắc ma quái. Có người cho là man rợ, lệch lạc và rối loạn tâm thần. Nhà tâm lý học nổi tiếng Carl Jung từng gọi Bosch là “bậc thầy của sự kỳ quái.”

Người ta biết rất ít về Bosch cũng như ông ít được biết đến như các hoạ sĩ nổi danh cùng thời. Có lẽ cuộc sống khép kín và phong cách bí ẩn trong các tác phẩm của ông khiến tên tuổi Bosch bị bỏ quên trong một thời gian dài. Phần lớn chủ đề trong tranh của ông xoay quanh vấn đề tôn giáo. Đạo đức và tri thức được ông tôn lên hàng đầu trong thời điểm mà tín ngưỡng và tôn giáo đang lúc suy tàn. Chọn vẽ những khổ hình của chúa Jesus hay thực hiện những bộ tranh ba bức triptych để trên bệ thờ nơi thánh đường, Bosch đã thể hiện được niềm tin sâu sắc của ông vào đạo giáo và lẽ công bằng. Để giảng dạy và cải hoá con người, với ông, có lẽ chỉ bằng cách phô bày những hình phạt ghê rợn con người sẽ phải gánh chịu khi xuống địa ngục.

image
Các tác phẩm nổi tiếng của ông phải kể là: The Garden of Earthly Delights ( Khu vườn hưởng lạc trần tục), Haywain(Cỗ xe chở cỏ khô), Temptation of St. Anthony (Sự cám dỗ thánh Antoine), Ngày phán xét cuối cùng(Final Judgement)…Người ta không biết ông có bao nhiêu tác phẩm vì phần lớn những tác phẩm của Bosch nằm trong bộ sưu tập của những gia đình quyền quý tại Hà Lan, Áo và Tây Ban Nha. Sau này rất nhiều họa sĩ khác đã kế thừa phong cách của ông trong rất nhiều tác phẩm, nhất là vào thế kỷ 16, đặc biệt trong các tác phẩm của Pieter Bruegel.

Dưới con mắt sắc bén và nhanh nhạy của người nghệ sĩ, Bosch đã sử dụng trí tưởng tượng vô tận của mình để cho ra đời những sáng tác kỳ ảo rất đặc sắc và đầy ấn tượng. Chính những ý tưởng rất lạ trong tranh ông đã mở cánh cửa cho các hoạ sĩ đời sau bước vào thế giới siêu thực và khởi đầu một kỷ nguyên nghệ thuật vô cùng thú vị.

image
Tiếp nối Bosch, những hoạ sĩ lừng danh của trường phái siêu thực như Salvador Dali, Anna Chromy, Joan Miró, Marcel Duchamp, Max Ernst…đã làm sáng lên những lý tưởng, những bí mật và giấc mơ của con người bằng hình ảnh. Những tác phẩm của họ ghi chép được tất cả những trạng thái tâm lý luôn luôn chuyển biến trong tiềm thức, không phân biệt thực hay mộng, tỉnh hay điên, đúng hay sai. Mục đích ấy nhằm giải phóng con người khỏi mọi xiềng xích xã hội, thể hiện nội tâm và tư duy một cách tự nhiên, không bị gò bó bởi lý trí, logic, luân lý, mỹ học, kinh tế, tôn giáo. Với trường phái hội họa này, những chủ thể rất bình dị được đặt trong một phông màn hoặc bí ẩn, hoặc hùng vĩ, khiến cho những bức tranh mang một sức sống mới, ý nghĩa mới, như tồn tại trong mơ cùng những sự vật hiện thực trong trạng thái không thực.

image
Cuối cùng không gì thú vị bằng mời các bạn thưởng thức một khúc nhỏ của những âm điệu bản nhạc địa ngục, cách đây 600 năm của hoạ sĩ Hieronymus Bosch do Amelia và người bạn hoà âm bằng piano.

image



Trịnh Thanh Thủy


Tài liệu tham khảo

Hieronymus Bosch painted sheet music on a man's butt and now you can hear it
http://www.globalpost.com/dispatch/news/culture-lifestyle/140214/hieronymus-bosch-painting-music-butt-song-from-hell

Hieronymus Bosch Biography
http://en.wikipedia.org/wiki/Hieronymus_Bosch

Surrealism

http://en.wikipedia.org/wiki/Surrealism


image

Thư một người mẹ Mỹ dạy con dùng iPhone
Sự thu hút của Tiểu bang Texas
Các bà mẹ Thiên An Môn: Không muốn trả thù, nhưng ...
Báo Việt Nam 'rút bài Thiên An Môn'
Nhật Bản cô lập Trung Cộng
Chính quyền Việt Nam đang đối mặt với những nguy c...
TQ từ chối nộp bằng chứng minh định chủ quyền ở Bi...
Kỷ niệm 70 năm ngày đồng minh đổ bộ D-Day
25 lý do Thiên An Môn vẫn thời sự
15 quyển sách thiếu nhi nhân văn nhất mọi thời đại...
Trung Quốc khoan trúng 'núi lửa' ở Biển Đông
Tâm sự của cựu sinh viên Thiên An Môn
Tổng thống Obama thúc đẩy việc phê chuẩn Công ước ...
Nhiều người Mỹ hối tiếc vì Hoàng Sa 1974
Tố cáo hành vi tham nhũng của Phùng Quang Thanh
Công Hàm làm cong hàm
Thế nào là: Quan hệ chiến lược?
Thế liên kết Nga - Trung Hoa
Mỹ: Nhân quyền Việt Nam nằm rất cao trong nghị trì...
Hồi mã thương của phe Tàu
Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho bạn….
Tướng Thanh đưa Hoa Kỳ và Nhật Bản vào thế việt vị...
Phân tích bài phát biểu của Phùng Đại tướng tại Sh...
Công Hàm số 1, Công Hàm số 2, số 3…
Hoa Kỳ kết liễu sự mập mờ của Trung quốc về đường ...
Với Việt Nam, Biển Đông là sống còn
VN xích lại gần cựu thù Hoa Kỳ
Nhật sẽ 'ủng hộ tối đa' cho Đông Nam Á
Nước cờ hiểm của TQ với giàn khoan
Đã tới lúc VN thừa nhận mạng xã hội?
Thế cờ đang ở trong tay Trung Quốc
Lá thư của T/S Nguyễn đình Thắng: Tin vui cho VN
Chúa Jesus nói tiếng gì?
Cảnh sát đứng nhìn vợ tôi bị đánh chết
Kẻ thù của người Trung Quốc
Chính khách và lãnh tụ
TT Obama: Không nên làm ngơ ‘hành động gây hấn’ ở ...
VN cần 'bà con xa' hay 'láng giềng gần'?
Trung đoàn biệt kích Nhật Bản bị cá sấu xóa sổ
Con đường nào cho Việt Nam để gỡ thế bí?

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.