Thursday, June 12, 2014

Trung Cộng 'Quốc tế hóa' tranh chấp Biển Đông?

image
Tàu Trung Quốc đâm chìm tàu Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp
Trung Quốc hồi đầu tuần này đã nộp văn thư cho Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon để tố cáo Việt Nam gây phương hại cho hòa bình và ổn định khu vực qua việc cản trở những hoạt động của giàn khoan mà Bắc Kinh hạ đặt trong vùng biển Hà Nội cho là thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của mình. Đây là lần thứ nhì trong vòng chưa đầy 3 tuần Trung Quốc đưa vấn đề giàn khoan 981 ra trước Liên hiệp quốc, mặc dù Bắc Kinh lâu nay vẫn nhất mực đòi đàm phán song phương để giải quyết những vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Một số các nhà phân tích cho rằng sự việc này phản ánh mối lo ngại ngày càng nhiều của Trung Quốc đối với việc các nước láng giềng sử dụng luật pháp quốc tế để triệt tiêu ưu thế quân sự của Trung Quốc trong vụ tranh chấp Biển Đông.

image
Tàu Tuần duyên của Trung Quốc vây quanh giàn khoan Hải dương 981 của Trung Quốc, cách bờ biển Việt Nam khoảng 210 km 14/5/14
Hôm thứ hai (ngày 9 tháng 6) vừa qua, Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên hiệp quốc Vương Dân đã nộp một hồ sơ gọi là thông báo lập trường về vụ giàn khoan 981 cho Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon và yêu cầu nhà lãnh đạo Liên hiệp quốc chuyển hồ sơ này cho tất cả các nước hội viên.

Sau khi nộp hồ sơ có nhan đề “Giàn khoan 981: Sự gây hấn của Việt Nam và lập trường của Trung Quốc”, ông Vương Dân đã họp báo để tố cáo Hà Nội gây phương hại cho hòa bình và ổn định khu vực qua những hành động mà ông gọi là “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc”.
image
Theo Tân Hoa Xã, hồ sơ lập trường của Trung Quốc có kèm theo nhiều văn kiện để chứng minh điều mà Bắc Kinh gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với các quần đảo và vùng biển có tranh chấp với Việt Nam, trong đó có thông cáo về lãnh hải mà Trung Quốc công bố năm 1958 và công hàm cùng năm của Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng gởi cho Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai. Hồ sơ này nói rằng Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa (Việt Nam gọi là Hoàng Sa) từ nhiều thập niên trước.

image
Trước đó, Việt Nam cũng đã hai lần gởi hồ sơ cho Liên hiệp quốc để tố cáo Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền khi đưa giàn khoan đến hoạt động trong vùng biển mà Hà Nội cho là thuộc thềm lục địa và khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Đại sứ Việt Nam tại Liên hiệp quốc Lê Hoài Trung đã lên tiếng đòi Trung Quốc di dời giàn khoan và hơn 100 chiếc tàu ra khỏi hiện trường để tạo điều kiện cho việc tiến hành đàm phán. Tuy nhiên, ông Trung nói thêm rằng Bắc Kinh liên tục từ chối đối thoại và khăng khăng cho rằng vùng biển đặt giàn khoan “không hề có tranh chấp gì cả.”

Hôm thứ 3 (ngày 10 tháng 6), một ngày sau khi nhận hồ sơ của Trung Quốc, phát ngôn viên Liên hiệp quốc cho báo chí biết rằng cơ quan thế giới này sẵn sàng điều giải vụ tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam.

image
Ông Stephane Durrajic nói rằng ông Ban Ki Moon sẵn sàng đứng ra làm trung gian điều giải nếu có sự yêu cầu của các bên liên hệ. Nhà lãnh đạo Liên hiệp quốc cũng bày tỏ hy vọng là vụ tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Theo tường thuật hôm thứ 3 của tạp chí The Diplomat, xét theo bề ngoài thì việc Trung Quốc nêu ra vụ tranh chấp với Việt Nam tại Liên hiệp quốc là một việc khó hiểu, vì lâu nay Bắc Kinh vẫn nhất mực đòi thương thuyết song phương với các nước có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông và không ngớt chỉ trích điều mà họ gọi là “âm mưu quốc tế hóa” vụ tranh chấp này. Nhưng thật ra, việc nộp hồ sơ lập trường cho Liên hiệp quốc phản ánh mối lo ngại ngày càng nhiều của Trung Quốc đối với việc các nước láng giềng sử dụng luật pháp quốc tế để triệt tiêu ưu thế quân sự của Trung Quốc trong vụ tranh chấp Biển Đông. 


image
Đường 'lưỡi bò', vùng biển Trung Quốc đòi chủ quyền
Hồi tháng trước, sau khi xảy ra vụ đối đầu vì vụ giàn khoan, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cho biết Hà Nội đang xem xét tới việc tiến hành những hành động pháp lý để chống lại những hành vi của Trung Quốc mà nhiều người mô tả là có tính chất gây hấn và gây mất ổn định ở Biển Đông.

Philippines cũng đã kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài Liên hiệp quốc về Luật Biển, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh. Các nhà quan sát cho rằng nếu Việt Nam kiện Trung Quốc, quyết định đó có phần chắc sẽ nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của nhiều nước, kể cả Hoa Kỳ, Nhật Bản và Australia

Các nhà phân tích cho rằng qua việc chủ động nêu vấn đề Biển Đông tại một tổ chức quốc tế và trình bày yêu sách chủ quyền của mình, Trung Quốc có thể đang tìm cách làm cho Việt Nam không thực hiện lời đe dọa mà ông Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra.

image
Theo nhận xét của nhà bình luận Zachary Keck của tờ The Diplomat, chiến lược mới của Trung Quốc có tính chất hợp lý đối với vụ tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, nơi mà ông cho là Trung Quốc có những luận cứ tương đối vững chắc. Ông Keck cho rằng Bắc Kinh đang hy vọng là mối rủi ro thua kiện sẽ khiến Việt Nam từ bỏ ý định đưa vấn đề này ra trước tòa án trọng tài quốc tế, và như thế, các nước khác có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông cũng sẽ cảm thấy ngần ngại trong việc sử dụng luật pháp quốc tế để chống lại Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo ông Keck, chiến lược mới của Trung Quốc là một canh bạc nguy hiểm vì Trung Quốc đang quốc tế hóa vụ tranh chấp và nâng cao vị trí của luật pháp quốc tế như một cơ sở cho các yêu sách chủ quyền và giải quyết tranh chấp.

Ông Keck cho rằng tuy điều này có thể có lợi cho Trung Quốc trong vụ tranh chấp với Việt Nam về vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, nhưng đường lưỡi bò mà Bắc Kinh dùng để đòi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông hoàn toàn trái ngược với luật pháp quốc tế. Và do đó Trung Quốc sẽ gặp phải mối rủi ro là tạo ra một tiền lệ mà họ không muốn phải tôn trọng trong nhiều trường hợp tương tự.

image
Trong lúc Bắc Kinh và Hà Nội đưa vụ đối đầu về giàn khoan ra trước Liên hiệp quốc, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Đông Á đã nhắc lại lập trường của Washington là không nghiêng về bên nào trong vụ tranh chấp, tuy ông đã chỉ trích cách hành xử của Trung Quốc để củng cố yêu sách của mình.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Rangoon hôm thứ 3 vừa qua, ông nói rằng “Chúng tôi không có ý kiến đối với vấn đề yêu sách của Trung Quốc mạnh hơn hay yêu sách của Việt Nam mạnh hơn. Chúng tôi chỉ không tán đồng sự khẳng định thẳng thừng của cả Việt Nam lẫn Trung Quốc là yêu sách của họ là không thể tranh cãi.” Vị trợ lý ngoại trưởng Mỹ hối thúc Trung Quốc và Việt Nam rút toàn bộ tàu bè ra khỏi khu vực đang có đối đầu và yêu cầu Bắc Kinh dời giàn khoan đi nơi khác.

image
Ông Russel cũng khuyến khích Trung Quốc tham gia vụ kiện với Philippines tại Tòa án Trọng tài Liên hiệp quốc. Ông nói rằng đó là một cơ hội “để loại bỏ sự mơ hồ liên quan tới những yêu sách của Trung Quốc, những yêu sách đã góp phần làm gia tăng căng thẳng và bất trắc trong khu vực.”




Duy Ái


Tâm tình của ngư dân Hoàng Sa

image
Ngư dân tự sửa chữa tàu cá sau khi bị tàu cá trá hình có vỏ sắt của TQ đâm bể
Số tàu Việt bị tàu Trung Quốc đâm va, tấn công ở Hoàng Sa không ngừng gia tăng giữa lúc giàn khoan 981 của Trung Quốc vẫn chưa rút khỏi khu vực mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền.

Sau trường hợp một tàu cá Việt bị đâm chìm hồi tháng trước mà tới nay Bắc Kinh chưa nhận trách nhiệm, các vụ phun vòi rồng hay lao húc tại điểm nóng này tiếp tục gây chú ý truyền thông quốc tế với việc một tàu cảnh sát biển của Việt Nam bị đâm thủng hôm 1/6.

Va chạm liên tục và đều đặn trên khu vực ngư trường truyền thống lâu nay của Việt Nam đang đe dọa miếng cơm manh áo của ngư dân Việt và khiến nhiều người ngày càng cảm thấy bất an.

Trong câu chuyện với Tạp chí Thanh Niên VOA hôm nay, thuyền trưởng Lê Văn Xinh ở quận Sơn Trà (Đà Nẵng), chia sẻ tâm tình và những ghi nhận từ ánh mắt một ngư dân nối nghiệp tổ tiên trên 30 năm nay hành nghề đánh bắt trên ngư trường gần quần đảo Hoàng Sa. Cuộc trao đổi được thực hiện khi tàu của anh đang trên đường trở về đất liền sau chuyến đánh bắt đầy hiểm nguy mà một tàu cùng đoàn với anh đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm hôm 26/5 vừa qua.

Lê Văn Xinh: Chuyến này tôi đi 24 ngày. Tùy theo lúc có hải sản nhiều thì 17, 18 ngày. Còn hải sản ít thì cả tháng. Về nghỉ 5-6 ngày đi chuyến khác.

Trà Mi: Tàu anh trọng tải bao nhiêu, mỗi chuyến đi đánh bắt trung bình bao nhiêu?

Lê Văn Xinh: Tàu tôi 20 tấn, trung bình đánh được 12 tấn mỗi chuyến, kiếm được chừng 250 đến 300 triệu. Trừ chi phí còn 100-150 triệu. Mỗi chuyến đi 10 người. Ngư dân thu nhập trung bình 4-5 triệu/tháng. Công việc này nhiều cái khó lắm, chịu bão tố sóng gió rồi bây giờ chiến trường Biển Đông dậy sóng với Trung Quốc. Cho nên, bà con ngư dân vừa làm ăn vừa bấp bênh lo sợ. Cũng lo lắm nhưng phải đi làm chứ sao giờ.

Trà Mi: Ba mươi mấy năm bám biển ở vùng này, anh đã gặp những hiểm nguy nào từ phía Trung Quốc? 

image
Tàu hải giám của Trung Quốc phun vòi ròng vào tàu của Việt Nam
Lê Văn Xinh: Có chứ, lâu lâu gặp tàu quân sự Trung Quốc phun vòi rồng, mình sợ mình bỏ chạy.  Chuyện tàu Trung Quốc phun vòi rồng từ lâu rồi, cách đây 5-10 năm đã có rồi, chứ không phải bây giờ mới có đâu.

Trà Mi: Đi biển anh ghi nhận thực tế ra sao?

Lê Văn Xinh: Đúng ra chuyện phun vòi rồng trước đây cũng ít lắm, nhưng từ khi giàn khoan 981 vào Biển Đông thì ngư dân ra đó làm bị nó thị uy, ví dụ 2 tàu nó mở vòi rồng phun cho mình sợ mình bỏ chạy. Ngay cả tàu cá của nó cũng đàn áp tàu mình. Tàu cá của nó chưa thấy phun vòi rồng nhưng để trấn áp mình. Tàu cá nó vỏ sắt, công suất lớn, chạy nhanh. Nó lùa mình vào một chỗ như chiếc 90152 vừa rồi bị tàu Trung Quốc tông chìm. Còn mấy chiếc khác bị hư hại. Trong đoàn của tôi đi cũng có một hai chiếc bị phun vòi rồng. Cho nên, mình làm cách xa nhau mỗi chiếc chừng 10 cây số để giữ an toàn cho anh em về tài sản và tính mạng. Bây giờ lắm lúc mình không dám ra gần Hoàng Sa vì ở đó tàu chiến, hải giám, hải cảnh Trung Quốc nhiều. Mình sợ lắm. Ví dụ hồi xưa đi cách Hoàng Sa 50 hải lý, giờ phải cách 70, 80 hải lý để tránh Trung Quốc.

Trà Mi: Tránh như vậy có an toàn hơn nhiều không hay vẫn gặp họ?

Lê Văn Xinh: Cũng gặp nhưng thỉnh thoảng, chứ không gặp nhiều như ngoài Hoàng Sa.

Trà Mi: Việc này ảnh hưởng thiệt hại kinh tế thế nào cho anh?

Lê Văn Xinh: Ở Hoàng Sa thì hải sản nhiều hơn trong này. Trong này mình làm ít hơn nhưng an toàn hơn.

Trà Mi: Thường mỗi chuyến ra khơi anh chuẩn bị cho mình thế nào để tự vệ đối phó với những sự nguy hiểm đó?

image
Tàu của Việt Nam bị tàu Trung quốc đâm chìm gần quần đảo Hoàng Sa

Lê Văn Xinh: Giờ nhà nước cũng hỗ trợ cho ngư dân máy liên lạc để có gì  mình gọi về cho biên phòng hay bên cứu nạn-cứu hộ. Trước đây mình đi làm nghề không thôi, nhưng giờ phải trang bị phao cứu sinh và vật liệu nổi để có chuyện bám víu vào chờ tàu cứu hộ. Mình là ngư dân có chi đâu mà chống trả, tàu sắt của họ lớn hơn, nhanh hơn. Mình tàu gỗ sao chống chọi nó được?

Trà Mi: Từ ngày được trang bị máy có đỡ hơn phần nào không?

Lê Văn Xinh: Cũng giúp ích, ví dụ mình liên lạc cứu hộ-cứu nạn chạy ra không kịp thì liên lạc với các thuyền gần mình. Đồng đội mình cách nhau 5-10 cây số họ tới cứu mình. Bây giờ đã thành lập các tổ đội có gì hỗ trợ lẫn nhau. Nếu chiếc nào có chuyện gì mấy chiếc còn lại giúp.

Trà Mi: Tổ đội này là do ngư dân tự lập ra?

Lê Văn Xinh: Vâng ngư dân tự lập, nhưng có sự hỗ trợ của chính quyền. Họ hỗ trợ ngân sách chẳng hạn. Giờ riêng thành phố Đà Nẵng có chừng 60 tổ đội rồi.

Trà Mi: Với tình hình tàu cá Việt bị tấn công liên tục, anh có nghĩ đến chuyện chuyển nghề, đổi hướng mưu sinh?

Lê Văn Xinh: Không, làm nghề này mấy chục năm rồi, không thể chuyển nghề khác. Mấy mươi năm nay tích góp hùn vốn làm một con tàu để nuôi sống gia đình. Biển cả đã ăn vào máu thịt mình rồi, không thể nào làm nghề khác. Khi nào cảm thấy đi không được nữa mới nghỉ. Mình phải bảo vệ vùng biển của Việt Nam còn cho đời con cháu sau này nữa. Bây giờ mình bỏ thì con cháu mình sau này không còn chỗ nào để làm ăn nữa hết.

Trà Mi: Sự nguy hiểm từ phía Trung Quốc bắt đầu xuất hiện từ khi nào?

Lê Văn Xinh: Nguy hiểm thì lâu rồi, nhưng giàn khoan xuất hiện thì nóng nhất, bây giờ nó gây hấn nhiều quá nên bà con khó khăn nhiều. Kiểm ngư, cảnh sát biển cũng giúp mình nhưng Trung Quốc mạnh quá. Chúng tôi vừa đi chuyến này cỡ 30 chiếc tàu trong một tổ đội hoạt động gần giàn khoan 10-12 hải lý, cho nên gặp tàu cá Trung Quốc ra gây hấn. Nó dí mình chạy rồi, nó còn ép, còn tông bể tàu luôn, lật chìm luôn. Chiếc tàu bị chìm hôm 26/5 đó, khi thấy vậy mấy chục chiếc còn lại trong chúng tôi quay tới cứu. Có chết thì chết chung chứ không thể nào để nó làm mất người của mình được. Cuối cùng cứu được các thuyền viên trên tàu đó. Ngoài chiếc chìm còn 2 chiếc bị Trung Quốc tông sụp cabin và mấy chiếc bị gãy ống khói. Nó lùa mình lại một chỗ như bầy chuột, nó xung quanh dí cho mình chạy, tạo điều kiện cho mình tông nó, nhưng mình sợ không dám đụng vào nó. Cho nên, nó dí xong, nó lụi tàu chìm luôn.

Trà Mi: Trung Quốc nói tàu Việt chìm là do tự xâm nhập vào khu vực cấm đó, lao vào tàu Trung Quốc, và tự chìm.

Lê Văn Xinh: Tàu Việt không bao giờ dám lụi vào tàu Trung Quốc. Mình sợ nó mình đã bỏ chạy rồi nhưng nó vẫn đuổi theo, nó e lại không cho chạy nữa để nó quần, nó tông. Lúc đó mình có kêu cứu nhưng lực lượng kiểm ngư họ ở xa. Bà con tự lay dắt xuống một khu vực khác tránh xa giàn khoan đó rồi tàu kiểm ngư mới đến giúp, kéo vô bờ dùm. Khi giàn khoan đóng ở vị trí cũ, tôi đánh bắt cách đó cỡ 12 hải lý. Giờ nó dời giàn khoan ra hai mươi mấy hải lý nữa thì chúng tôi đánh bắt cách đó ba mươi mấy gần bốn chục hải lý. Ở vị trí cũ, tàu cá Trung Quốc vẫn ở đó để xua đuổi mình. Mình cũng sợ nên cách đó rất xa.

Trà Mi: Chuyến này anh có thu hoạch được gì không?

Lê Văn Xinh: Chuyến này Trung Quốc làm quá, tôi thu hoạch cũng đủ chi phí thôi. Chuyến này được có 5 tấn cá , khoảng 100 triệu đủ chi phí hoặc lỗ vài triệu, chẳng có gì cho anh em thuyền viên.

Trà Mi: Anh liệu chuyến sau sẽ như thế nào?

Lê Văn Xinh: Nếu gặp luồng cá thì vẫn đến đó, nếu không gặp luồng cá thì mình tránh xa đó cỡ 10 hải lý.

Trà Mi: Ngư dân có bày tỏ nguyện vọng với giới hữu trách yêu cầu được trợ giúp, bảo vệ thêm?

Lê Văn Xinh: Cũng có kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố. Giờ họ hỗ trợ cho mình một năm được mấy chuyến nhiên liệu tùy theo công suất máy tàu để anh em bám biển hoạt động. Nếu không có chắc làm biển tiếp không nổi.

Trà Mi: Ngư dân có yêu cầu được kiểm ngư hay cảnh sát biển tăng cường bảo vệ hơn nữa?

Lê Văn Xinh: Bà con cũng có ý kiến nhờ lãnh đạo các ban ngành giúp cho bà con được an toàn làm ăn trên biển. Nguyện vọng của tôi là chính phủ Việt-Trung làm sao cố gắng đàm phán để ngư dân được bình yên làm ăn trên vùng biển của mình, chứ đừng bao giờ gây hấn khổ cả người dân hai nước. Mong hai bên ngồi lại bắt tay nhau làm cho Biển Đông hòa bình, không chỉ cho hai nước mà cho các tuyến hàng hải quốc tế được nhộn nhịp như xưa, đừng để xảy ra vướng mắc gì hết.

Trà Mi: Giữa lúc Trung Quốc không nhượng bộ, quyết tâm dành chủ quyền trên vùng biển đó, ngư dân Việt có kiến nghị gì liên quan đến chuyện bảo vệ an toàn tính mạng cho ngư dân?

Lê Văn Xinh: Ngư dân ai cũng mong được bảo vệ an toàn để làm ăn trên biển lâu dài.

Trà Mi: Anh có suy nghĩ thế nào về cách đối phó của Việt Nam trước các hành động gia tăng gây hấn của Trung Quốc?

Lê Văn Xinh: Việt Nam là nước nhỏ, Trung Quốc là nước lớn. Việt Nam hoàn toàn thua Trung Quốc hết, không thể nào chống cự trực tiếp với Trung Quốc được. Cho nên, Việt Nam làm giải pháp hòa bình là rất hay cho chính quyền và cho cả người dân. Nó tạo điều kiện bình ổn để dân làm ăn lâu dài một tí. Nó gây hấn vậy mà Việt Nam thẳng thắn thì hai bên đối chọi với nhau, ngư dân như mình có thể khó làm ăn. Tính hòa bình thế giới Việt Nam đang theo đuổi, tôi thấy cũng hay. Tụi tôi làm cách Hoàng Sa 5-7 chục hải lý còn đỡ, chứ ngư dân Quãng Ngãi họ làm ngang qua đó, gần đó nên hay bị hải cảnh Trung Quốc bắt lắm. Ngư dân Lý Sơn, Quãng Ngãi hay bị mất tàu, bị đánh đập, có nhiều người bị trọng thương luôn. Ngư dân làm ở Trường Sa thì đỡ hơn ở Hoàng Sa nhiều vì tại Trường Sa Việt Nam có sự hiện diện của quân sự, dân sự. Kiểu này chắc có lẽ hoạt động của ngư dân Việt ở Hoàng Sa sẽ bị mai một lần đi. Cho nên, chúng tôi mong chính quyền có nhiều  giúp đỡ cho ngư dân để mình bám ngư trường vì vùng biển và Tổ quốc của mình. Giờ mình không làm ở đó thì con cháu đời sau của mình sẽ không còn biển để làm nghề nữa. Tôi mong chính phủ Việt Nam cố gắng bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương để bà con ngư dân còn ngư trường để tiếp tục làm ăn.

Trà Mi: Cảm ơn anh rất nhiều vì thời gian dành cho cuộc trao đổi này.


image

Cả Thế Giới ghét TC
Nếu phải đánh nhau.?
TC phản công ‘chiến dịch bôi nhọ’ của VN
Gần nửa bao cao su ở VN 'không chuẩn’
Một người Tàu làm Phó Chủ tịch Quốc hội VN
TC khó thoát khỏi Thiên La Địa Võng của Hoa Kỳ
VN không có nhiều lựa chọn trong vụ tranh cãi về b...
Ðảng Phá Sản
TQ giận dữ vì Canada hủy visa đầu tư
Khinh Dân và Sợ Dân
Tình già công viên ở Hàn Quốc
Chuyến đi Mỹ của Đức cha Nguyễn Thái Hợp
Sẽ có dân cử gốc Việt trong Thượng viện California...
Cái giá của sự tức giận
Người Việt các anh sẽ muôn đời khổ
Bực mình chính quyền, công dân Mỹ sơn nhà phản đối...
Trung Quốc đã lý giải về lai lịch đường lưỡi bò
Tóc bạc sớm
Dư âm từ diễn văn BT Quốc phòng VN
Việt Nam và cơ hội thoát Trung lần 4
Nhạc sĩ Tô Hải, 1 cựu ĐVCS, trở thành người Công G...
Báo chí Việt Nam ‘phá rào’, đưa tin về vụ Thiên An...
G7 quan ngại sâu sắc về tranh chấp chủ quyền ở Châ...
Thế hệ: Quả dâu Tây & Gà công nghiệp
Giả sử phương Tây lại cấm vận Trung Quốc lần nữa
Báo Nga phản bác Trung Quốc về chủ quyền quần đảo ...
Bản nhạc điạ ngục xưa 600 năm, xăm trên mông người...
Thư một người mẹ Mỹ dạy con dùng iPhone
Sự thu hút của Tiểu bang Texas
Các bà mẹ Thiên An Môn: Không muốn trả thù, nhưng ...
Báo Việt Nam 'rút bài Thiên An Môn'
Nhật Bản cô lập Trung Cộng
Chính quyền Việt Nam đang đối mặt với những nguy c...
TQ từ chối nộp bằng chứng minh định chủ quyền ở Bi...
Kỷ niệm 70 năm ngày đồng minh đổ bộ D-Day
25 lý do Thiên An Môn vẫn thời sự
15 quyển sách thiếu nhi nhân văn nhất mọi thời đại...
Trung Quốc khoan trúng 'núi lửa' ở Biển Đông
Tâm sự của cựu sinh viên Thiên An Môn
Tổng thống Obama thúc đẩy việc phê chuẩn Công ước ...

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.