Các nhà quan sát cho
rằng từ đầu năm 2012 đến nay, quan hệ Việt-Mỹ thực sự bắt đầu nóng dần lên theo
dòng thời gian.
Chỉ mới cách đây
chưa đầy hai tuần, hôm 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta vừa có
chuyến thăm ‘lịch sử’ đến vịnh Cam Ranh thì chiều 18/06 Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại
loan tin Trợ lý Ngoại trưởng Andrew J. Shapiro phụ trách Chính trị và Quân sự sẽ
đến Việt Nam trong hai ngày 19 và 20 trong khuôn khổ chuyến đi Đông Nam Á đến
Việt Nam, Brunei và Thái Lan từ 19 đến 23 tháng 6.
Bản tin báo chí của
Bộ Ngoại giao nói trên cho biết, tại Hà Nội, Trợ lý Ngoại trưởng Andrew J.
Shapiro sẽ dẫn đầu một đoàn Hoa Kỳ tham dự cuộc họp đối thoại song phương Việt-Mỹ
về các vấn đề chính trị, an ninh, và quốc phòng.
Cuộc họp này được
xây dựng trên sự thành công của cuộc đối thoại năm ngoái tại Washington, nhấn mạnh
đến lập trường tiếp tục giao tiếp của Hoa Kỳ tại khu vực và quan hệ song phương
ngày càng mạnh mẽ với Việt Nam.
Bản tin còn cho biết
thêm, hai phái đoàn Việt-Mỹ sẽ tập trung vào việc cải thiện quan hệ song phương
trong các lĩnh vực hoạt động gìn giữ hòa bình và huấn luyện, giúp đỡ nhân đạo
và thiên tai, tìm cứu nạn trên biển, an ninh khu vực, không phổ biến vũ khí hạt
nhân, nhân quyền và, hồi hương quân nhân Mỹ hy sinh, mất tích tại Việt Nam.
Tập trung vào nhân
quyền?
Trong thực tế thì cuộc
đối thoại lần này chỉ sẽ chủ yếu tập trung vào ba vấn đề chính đó là cải thiện
tình trạng nhân quyền Việt Nam để nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược và thúc đẩy
thương mại quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ.
Giới thạo tin cho rằng,
đây là một chuyến đi chuẩn bị sẵn sàng cho một trang sử mới trong quan hệ đặc
biệt giữa hai quốc gia cựu thù, tiếp theo cuộc viếng thăm của Bộ trưởng Quốc
Phòng Leon Panetta đến Việt Nam hồi đầu tháng 6/2012 và những trao đổi giữa ông
Panetta cùng Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và Thủ Tướng Nguyễn Tấn
Dũng về yêu cầu tháo gỡ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam.
Có dấu hiệu biểu hiện
giờ đây giữa Hà Nội và Washington sắp gần đạt được một số cơ sở đồng thuận nhất
định nào đó cho những thương vụ này.
Đối với Hoa Kỳ,
‘công việc mở rộng hợp tác an ninh với các đồng minh và đối tác... là rất quan
trọng đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và sự thịnh vượng kinh tế. Và đấy
cũng là một phần quan trọng của những nỗ lực quản trị kinh tế của Bộ Ngoại
giao. Công việc này cũng phục vụ lợi ích an ninh quan trọng của đất nước bằng
cách giúp các đồng minh và đối tác đảm bảo an ninh của mình và đóng góp vào các
nỗ lực an ninh quốc tế. Mục đích các thương vụ của chúng ta là để phục vụ các lợi
ích về an ninh quốc gia và chủ đề ấy sẽ bao trùm trong từng thương vụ mà chúng
ta tiến hành. Chúng ta đánh giá như thế từ những hỗ trợ về an ninh quốc gia và
lợi ích của chính sách đối ngoại mà công việc này mang lại.’ Trợ lý Ngoại trưởng
Hoa Kỳ đặc trách vấn đề Chính trị và Quân sự Andrew J. Shapiro đã tuyên bố như
thế hôm 14/6 trong buổi Họp Báo về những nỗ lực mở rộng Thương mại Quốc phòng của
Hoa Kỳ.
Ông Shapiro tiếp tục
thuyết trình làm sao để có thể tiếp cận vũ khí Hoa Kỳ và những điều kiện cần
thiết không ngoại lệ cho riêng bất cứ quốc gia nào: ‘Chúng ta chỉ cho phép
thương vụ sau khi đã cẩn thận kiểm tra các vấn đề như nhân quyền, an ninh khu vực,
mối quan tâm hạt nhân phổ biến và phải xác định thương vụ mua bán là có lợi nhất
cho chính sách đối ngoại và các lợi ích về an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.’
Trước sức ép ngày
càng lớn từ Trung Quốc, hầu hết các quốc gia trong khu vực Á châu - Thái Bình
Dương đang trông đợi vào sự có mặt mạnh mẽ hơn của Hoa Kỳ như một lực đối trọng
có hiệu quả đối với Trung Quốc.
Nhân quyền là một
chủ đề quan trọng trong quan hệ song phương
Dù ở trong một hoàn
cảnh đặc biệt về vị trí với Trung Quốc so với các nước khác và, dù ở trong sự
chồng chéo, lệ thuộc nhất định về chủ nghĩa, lịch sử hình thành, giới lãnh đạo
đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn cố dò dẫm đi dây căng thẳng trong mối quan hệ tay ba
với Hoa Kỳ trước sự tức giận của Trung Quốc, tất cả không ngoài sự an nguy của
chính bản thân giới lãnh đạo Hà Nội.
Cơ hội thay đổi
Nhiều người vẫn nhìn
sự trở lại châu Á của Mỹ và mối quan hệ tuy còn những bất đồng nhưng ngày càng ấm
hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là một cơ hội cho những thay đổi ở Việt Nam.
Và nếu "nhân
quyền" là chìa khóa vàng để mở được cánh cửa nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt, thiết
tưởng mọi người không quên lời gợi ý của Thượng Nghị sỹ John McCain qua lời
tuyên bố với đài BBC tại Malaysia hôm 31 tháng 5 vừa qua: "Chúng tôi (Hoa
Kỳ) mong đợi một sự tiến bộ chứ không phải một sự thay đổi tức thì" về
tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.
Lời mách nước này có
nghĩa là Hà Nội chỉ cần cải thiện (thêm nữa) tình trạng nhân quyền ở Việt Nam
(có thể như họ đã từng làm trước đây) là đã có thể đủ để đáp ứng với đòi hỏi của
hành pháp và lập pháp Hoa Kỳ.
Chuyến đi Việt Nam lần
này của ông Andrew J. Shapiro vô cùng quan trọng trong mối quan hệ giữa Việt
Nam và Hoa Kỳ, thiết lập một giai đoạn mới cho mối quan hệ này và thiết lập một
‘con đường tự do dân chủ cho Việt Nam’.
Hơn bao giờ hết,
‘con đường tự do dân chủ cho Việt Nam’ sắp đến gần với Việt Nam hơn, và với những
tình hình biến động ở Việt Nam từ những ngày qua và hiện tình kinh tế chúng ta
thấy rõ ràng rằng Hà Nội đang chuẩn bị cho một bước đi lịch sử.
Trong tình hình này,
lại có thêm những nguồn tin thân cận từ Tòa Bạch Ốc cho biết rằng, dù số phận
chính trị của Tổng thống Obama có như thế nào trong cuộc tranh cử tổng thống
vào tháng 11 năm nay, có thể Tổng thống Obama sẽ ghé thăm Việt Nam trong tháng
11 tới đây trên đường đi dự hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Phnom Penh của mình.
Trong tháng 5 vừa
qua, Trợ lý Ngọại trưởng Hoa Kỳ, ông Kurt Campbell đã xác nhận là Tổng thống Obama
có thể sẽ đến Phnom Penh trong tháng 11 này và ngay sau khi gặp Ngoại trưởng
Hillary Clinton, chính Ngoại trưởng Campuchia đã xác nhận với giới truyền thông
tại Washington hôm đầu tháng 6 là Campuchia đã chính thức mời Tổng thống Obama
đến dự hội nghị vào tháng 11/2012.
Nếu cuộc viếng thăm
lịch sử này xảy ra, chắc chắn Tổng thống Obama sẽ có một món quà đặc biệt cho
Hà Nội và đổi lại, Hà Nội cũng sẽ đáp lễ cho "kế hoạch chuyển trọng tâm và
tái cân bằng" của Hoa Kỳ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ngoài ra cũng theo
nguồn tin (thân cận) này, trước ngày bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ vào đầu tháng 11
năm nay, Tổng thống Obama sẽ chính thức tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát
thương với Việt Nam trước khi ông đến Hà Nội để công bố "Thông cáo chung
Việt-Mỹ" còn sẽ có tên gọi khác là "Thông cáo Hà Nội 2012" về
khu vực Biển Đông Việt Nam và ký "Tuyên bố Đối tác Chiến lược Việt-Mỹ".
Từ chuyến đi của Trợ
lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách vấn đề Chính trị và Quân sự Andrew J. Shapiro
đến Hà Nội trong hai ngày 19 và 20 tháng 6 đến chuyến đi có thể được thực hiện
của Tổng thống Obama vào tháng 11 này, cùng tất cả những chuyển biến dồn dập
trong khu vực, một ‘con đường Việt Nam’ ngày càng hy vọng cho dân chủ, nhân quyền
và thịnh vượng đang được mở ra.
Nếu không được những
người lãnh đạo Việt Nam khôn ngoan nắm lấy, ‘con đường Việt Nam’ ấy cũng sẽ được
khai mở bằng chính sự thức tỉnh của tất cả những người Việt Nam yêu nước chân
chính.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.