Lan Phương và
lời giã từ
Thưa quí vị,
thế giới thực phẩm quanh ta đầy những món hấp dẫn, ngọt ngào trong đó nào
đường, nào mật, mật mía, mật bắp, mật ong. Nhưng mật ngọt không những chỉ làm…
chết ruồi mà về lâu, về dài, còn có thể làm… chết người nữa. Câu chuyện Nước Mỹ
hôm nay do Lan Phương đem đến quí vị, sẽ nói về những cái hại của đường, cùng
chiến dịch của thị trưởng thành phố New York và công ty giải trí Disney chống
những thứ đồ ăn thức uống có hại cho sức khỏe dân chúng, một chiến dịch có thể
làm cho hãng nước ngọt Coca-Cola và các hãng tương tự… thót ruột!
Nhớ lại thời
còn bé tại Việt nam, mỗi lần nghe tiếng rao, vừa rao, vừa hát của ông bán kẹo
kéo, (mà không hiểu tại sao chỉ đàn ông mới bán kẹo kéo!), là trẻ con mừng rỡ
chạy ào đến, xúm đông xúm đỏ để quay số và mua kẹo. Bây giờ ở nước Mỹ, cứ buổi
chiều, từ mùa xuân đến hết hè, mỗi lần nghe tiếng xe kem với tiếng nhạc vui
tươi rộn rã tiến vào khu xóm và đám trẻ xếp hàng chờ mua, người Việt xa xứ lại
tìm thấy hình ảnh của chính mình ngày cũ: hạnh phúc cầm trên tay một món ăn
thật ngọt ngào, miếng kẹo kéo hay que kem đều có chung nguồn gốc: đường, đường
và đường!
Đường có nhiều
nguồn, chiết xuất từ mía, củ cải đường, bắp, thốt nốt hay các loại mật ngọt như
mật ong, mật bắp, mật cây Maple… nhưng đường nào mà người ta lạm dụng cũng gây
hại cho sức khỏe.
Tiến sỹ về
dịch vụ y tế Nancy Appleton trong tờ báo mạng Mercola.com đã đưa ra một danh
sách dài lê thê đến 70, 80 tai hại của việc ăn quá nhiều đường. Trong khuôn khổ
bài viết này, Lan Phương không thể kê khai hết, chỉ xin thu tóm những điểm
chính:
- Đường gây
nghiện (từ “hảo ngọt,” theo nghĩa đen, là vậy!), ăn quá nhiều bánh kẹo, chè
cháo làm lên cân, đưa đến những chứng bệnh đi kèm theo với bệnh béo phì. Nó còn
làm cho người tiêu thụ cứ thèm ngọt và tiếp tục lục kiếm đồ ngọt để… ăn tiếp!
- Ăn nhiều
đường có thể làm sâu răng và gây các chứng bệnh về nướu răng.
- Nó làm cho
người ta cảm thấy mệt và đau nhức bắp thịt.
- Gây chứng
đường máu thấp.
- Hủy hoại
thành mạch máu, gây chứng giãn tĩnh mạch.
- Quá nhiều
đường nạp vào cơ thể trong một thời gian dài có thể biến ta thành người cau có
khó chịu hoặc trầm cảm.
- Nó có thể
gây bệnh tim: đường bị liên kết với chứng sơ cứng động mạch, làm tăng huyết áp.
- Làm sưng gan
và thận, có thể gây sạn thận.
- Ăn quá nhiều
đường tinh chế có thể gây rối loạn giấc ngủ và gây chứng mất ngủ.
- Đường nuôi
dưỡng những tế bào ung thư làm chúng mau phát triển. Nó được liên kết với sự
phát triển của nhiều loại ung thư: ung thư vú, buồng trứng, tuyến tiền liệt,
hậu môn, tụy tạng, phổi, bàng quang và dạ dày.
- Làm cho ta
chóng già vì nó làm mất đi tính đàn hồi của các mô và có thể làm cho da sớm
nhăn (Quí bà, quí cô nhớ nhé, muốn giữ cho trẻ đẹp lâu thì ăn ít đường thôi!)
- Mỗi lần cơ
thể tiếp nhận đồ ngọt, mức đường trong máu tăng vọt, tụy tạng phải làm việc
tiết ra nhiều insulin để hạ lượng đường trong máu xuống mức bình thường. Thỉnh
thoảng thì không sao nhưng lạm dụng đường từ ngày nọ qua ngày kia sáng chiều
chè cháo, bánh kẹo là một cách hành hạ tụy tạng, bắt nó lao động quá sức, một
ngày nào đó nó… đình công, không làm việc nữa, không tiết insulin, hệ quả là
chứng tiểu đường.
39g
65g
108g
- Đường tiếp
sức cho sự sản sinh mau chóng của loại nấm Candida Albican, gây chứng nhiễm
trùng nấm.
- Nó ức chế hệ
thống miễn nhiễm, làm suy yếu hệ thống tự vệ của cơ thể chống lại các chứng
bệnh nhiễm trùng.
- Làm suy kém
khả năng theo dõi, thiếu tập trung tư tưởng, và khiến trẻ em náo động, đứng
ngồi không yên, hay quậy phá, ảnh hưởng đến khả năng học hỏi, tiếp thu kiến
thức.
- Làm yếu thị
lực, có thể dẫn tới chứng đục thủy tinh thể và cận thị.
- Nhiều đường
quá làm tăng nguy cơ các chứng bệnh về tự miễn như sưng khớp, hen suyễn, và đa
sơ cứng (bệnh thần kinh multiple sclerosis).
- Các chứng
bệnh về đường tiêu hóa, khó tiêu, ợ chua, loét dạ dày, lan tràn của nấm
candida, hấp thu kém, dị ứng với thực phẩm, bệnh Crohn và sưng ruột kết.
- Hấp thu kém
các chất khoáng: đường tinh chế gây trở ngại cho việc hấp thu các chất calcium,
magnesium, một yếu tố thêm vào nguyên nhân bệnh loãng xương. Nó cũng gây ra
tình trạng thiếu chromium và đồng.
Tờ Time số ra
ngày 18 tháng Sáu năm nay cho biết chính vì những tai hại này mà thị trưởng
thành phố New York Michael Bloomberg mới đây đã đề nghị cấm bán những ly nước
ngọt cỡ đại gần 1 lít cho khách tại các nhà hàng ăn và các nơi khác. Đề nghị
này đã gây nhiều phản ứng trong cư dân. Một người dân New York lên tiếng chống đối:
"Đây là
quốc gia dân chủ, chúng tôi có quyền chọn lựa thứ nước ngọt nào mà chúng tôi
muốn uống."
Ông David
Almasi thuộc Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu chính sách công, chỉ trích đề nghị
của Thị trưởng Bloomberg:
Thị trưởng
thành phố New York Michael Bloomberg
"Theo đề
nghị của ông thì người ta có thể mua một ly bia nặng đến 1134 gram nhưng không
được mua một ly coca lớn đến như vậy!"
Nhưng có những
người tán thành đề nghị của ông Thị trưởng, vì họ hiểu rằng đề nghị này nhắm
đến mục tiêu bảo vệ sức khỏe cho quần chúng. Một cư dân cho biết:
"Phải
thành thật mà nói, tôi nghiện uống Coca Cola. Giờ đây tôi cảm thấy khó mà bỏ
được."
Một cư dân
khác cũng đồng ý:
Đây không phải
là hành động đầu tiên tìm cách bảo vệ sức khỏe cho cư dân thành phố của thị
trưởng Bloomberg. Trong quá khứ ông đã thành công trong việc dẹp bỏ những điều
không lành mạnh cho sức khỏe dân chúng.
Thành phố New
York đòi các nhà hàng ăn và những sạp, quán bán thức ăn phải loại bỏ trans fat,
những chất mỡ béo bão hòa gây hại cho sức khỏe. Chiến dịch này đã mở đường cho
những thành phố khác là Philadelphia và San Francisco noi theo.
Ngoài ra từ
năm 2008 các nhà hàng ăn trong thành phố phải kê khai số calorie của mỗi món ăn
trên thực đơn. Đến nay thì điều này đã trở thành luật định toàn quốc áp dụng
cho các hệ thống bán thức ăn nào có hơn 20 cơ sở.
Và hiện nay
thuốc lá cũng đã bị loại bỏ ra khỏi những nơi công cộng như công viên, quảng
trường và những bãi biển của thành phố New
York . Những thành phố khác có thể sẽ theo chân là San Jose , bang California
và Boulder , bang Colorado .
Cũng ý thức
được vấn đề sức khỏe của công chúng, công ty giải trí Disney hiện đã đưa ra
những tiêu chuẩn gắt gao về dinh dưỡng áp dụng cho những quảng cáo về thực phẩm
trên các kênh truyền hình, đài phát thanh, các trang web và tại những công viên
giải trí của công ty như Disneyland và Disney World, để tìm cách bảo vệ sức
khỏe cho quần chúng và tập thói quen ăn uống tốt cho trẻ em.
Cả hai nỗ lực
này, hiện đang được truyền thông chú ý quảng bá, đều nhắm tới giải pháp giảm
bớt nạn mập phì tại nước Mỹ với tỉ lệ hiện nay của người lớn là 35% và thanh
thiếu niên dưới 19 tuổi là 17%.
Trước chiến
dịch bảo vệ sức khỏe cho cư dân của thị trưởng Bloomberg và cho quần chúng của
công ty Disney, những công ty như Coca-Cola và các hãng tương tự sản xuất những
thứ nước ngọt đóng chai cảm thấy bị dồn vào thế thủ và có lẽ cần chuẩn bị đón
chờ một sự sút giảm trong mức cầu.
Kính thưa quí
khán thính giả, độc giả, hôm nay, ngày cuối cùng, Lan Phương gửi đến quí vị Câu
Chuyện Nước Mỹ. Sau 25 năm có cơ duyên hiếm hoi được phục vụ quí vị tại Việt
Nam và khắp nơi trên thế giới qua đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, mang đến quí vị những
tin tức hàng ngày, các bài trường trình, phóng sự và Câu Chuyện Nước Mỹ hàng
tuần, nhịp cầu nối thính giả, độc giả với sinh hoạt, văn hóa, lịch sử Hoa Kỳ
qua làn sóng phát thanh lúc ban đầu rồi sau đó trên cả trang web và thỉnh
thoảng qua hình ảnh webcast, giờ đây đã đến lúc chia tay cho dù luật nước Mỹ
không bắt buộc các công chức liên bang phải về hưu ở một hạn tuổi nào đó.
Lan Phương
Lan Phương đa
tạ những đóng góp ý kiến xây dựng mà quí vị dành cho chuyên mục này từ nhiều
năm nay, đa tạ lòng quí mến của quí vị và cầu chúc quí vị dồi dào sức khỏe để
tiếp tục theo dõi, đóng góp ý kiến cho các bài vở của ban Việt ngữ. Tre già,
măng mọc, thế hệ đàn em với nhiệt huyết và đầy đủ khả năng sẽ nối tiếp sứ mạng
mang đến quí vị những tin tức trung thực và những tường trình mà quí vị mong
đợi.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.