Sunday, June 3, 2012

Chuyện Cô học sinh Diane Trần

image
Diane Trần


Trong hơn một tuần qua, khuôn mặt xinh đẹp với giọng nói nghẹn ngào và những giọt lệ lăn dài trên má của cô gái trẻ Á Đông tên Diane Trần được chiếu đi chiếu lại không những trên hệ thống truyền hình của Hoa Kỳ mà còn trên nhiều quốc gia khác.

Bị tù vì nghỉ học nhiều

Hình ảnh của một học sinh lớp 11, học những lớp của trình độ đại học, tên Diane Trần, đưa tay lau nước mắt khi kể lại chuyện cô bị giam 24 giờ trong nhà tù và bị phạt vạ 100 Mỹ kim vì tội đi học trễ và bỏ học đã làm hàng triệu người xúc động.

image
Sinh ra tại tiểu bang Florida, Diane Trần cho biết thân phụ của cô là người Việt và Mẹ là một phụ nữ Đại Hàn. Cha mẹ cô đã ly dị, Cô hiện sống với Cha tại Willis, một thành phố nhỏ cách Houston khoảng 50 dặm Anh. Cha cô thường phải đi làm xa nhà. Ngoài thời gian đi học, cô làm việc thêm để giúp gia đình. Những lúc thân phụ đi làm vắng nhà, Diane ở tại nhà cô bạn thân là Devin Hill và làm việc part time trong cơ sở chuyên lo về đám cưới của bà ngoại Devin, là bà Mary Elliot.

Trong khóa học vừa qua, Diane đã đi học trễ và nghỉ học tổng cộng 18 lần, vượt quá con số tối đa cho phép của luật giáo dục tiểu bang Texas là 10 lần trong vòng 6 tháng. Theo điều luật này thì học sinh đến trường sau 9 giờ sáng thì bị coi như không đến trường ngày hôm đó. Diane đã bị cảnh cáo trước đó nhưng cô cho biết là vì phải làm 2 công việc sau giờ học và bài vở của những lớp đặc biệt mà cô đang học quá nhiều, khiến cô quá mệt mỏi nên không nghe được tiếng đồng hồ báo thức vì vậy cô thường đến trường muộn.


image

Được hỏi cảm tưởng khi bị thẩm phán Lanny Moriarty phạt tù, Diane Trần cho biết là cô rất lo ngại sẽ có hồ sơ pháp lý không tốt trong tương lai vì bị án tù nhưng cô không trách thẩm phán Lanny vì ông đã không hề biết về gia cảnh của cô. Cô cũng nói thêm là nếu thẩm phán Lanny biết hoàn cảnh của cô thì có lẽ ông đã không phạt cô nặng như vậy.

Là người thân duy nhất của Diane Trần có mặt tại tòa ngày Diane trình diện với thẩm phán Moriarty, cô Devin Hill cho biết là cô rất bức xúc khi thấy bạn bị còng tay. Devin nói rằng Diane Trần không đáng bị bản án như vậy.

Cô Hill cũng nói thêm là theo cô thì thẩm phán Lanny Moriarty không công bằng vì dù Diane bị đi trễ hay nghỉ học nhiều như vậy thì ông thẩm phán cũng có thể phạt Diane bằng cách bắt đi phục vụ cộng đồng và bắt học bù lại những ngày cô bị thiếu chứ không thể cho cô một bản án hình sự như vậy.

image

Judge Moriarty

Bà Mary Elliot chia sẻ rằng có lẽ thẩm phán Moriarty phạt cô Diane là vì dưới mắt của ông Lanny thì cứ bỏ học hay đi trễ là học sinh xấu nhưng trường hợp của Diane thì không phải như vậy. Đáng lý thẩm phán Lanny phải tìm hiểu để xét xử riêng từng trường hợp, điển hình là trường hợp của Diane Trần.

Dư luận xúc động

Câu chuyện của Diane Trần cũng được truyền đi nhanh chóng trên hệ thống internet toàn cầu đã làm nhiều người bất mãn. Bà Samuel Oh của trang nhà Change.org đã có một thỉnh nguyện thư yêu cầu thẩm phán Lanny Moriarty xóa bỏ bản án cho Diane Trần. Với chỉ vài ngày, thỉnh nguyện thư này đã được cả vài trăm ngàn chữ ký. Và nhóm Children's Education ở tiểu bang Louisiana (Louisiana Children's Education Alliance) đã tự đứng ra quyên tiền để giúp Diane Trần. Chỉ trong vòng vài ngày, nhóm này đã gây quĩ được trên 100 ngàn Mỹ kim từ những người trên khắp nước Mỹ cũng như trên 18 quốc gia khác.


Có lẽ với sự ủng hộ Diane Trần nồng nhiệt từ khắp nơi và sự can thiệp của luật sư Brian Wice nên vào trưa ngày thứ Tư, 30 tháng Năm, thẩm phán Lanny Moriarty đã xóa bỏ bản án cho Diane Trần.

Trước tin vui này bà Mary Elliot nói rằng đó là việc thẩm phán Lanny Moriarty cần phải làm vì Diane là một học sinh rất giỏi và ngoan ngoãn.
Còn Devin Hill thì chia sẻ rằng cô rất vui mừng khi thấy nhiều người ủng hộ bạn cô. Họ không chỉ ký tên vào bản kiến nghị gửi thẩm phán Lanny mà còn giúp Diane tiền để đi học. Diane xứng đáng nhận sự trợ giúp của mọi người. Cô cho biết Diane cũng ảnh hưởng cô trong việc giúp đỡ người khác.

image

Trước sự ủng hộ nồng nhiệt của nhiều người trên thế giới dành cho mình, Diane Trần nói có quá nhiều người tốt trên quả đất này. Chuyện xảy ra cứ như trong phim ảnh. Cô cho biết cô sẽ chia sẻ số tiền cô nhận được với những người kém may mắn hơn cô. Cô cũng biết có những nơi xa xôi như ở Việt Nam nhiều trẻ em không có cơ hội đến trường. Cô luôn biết ơn nước Mỹ cho cô cơ hội tốt để học hỏi.

Trong cuộc phỏng vấn với đài VietfaceTV vào tối thứ Năm, 31 tháng Năm, tại Houston, luật sư Brian Wice nói rằng ông đã thảo luận với thẩm phán Lanny Moriarty rằng Diane là người học trò giỏi, ngoan ngoãn và đã làm việc quá sức của cô để phụ giúp gia đình trong hoàn cảnh khó khăn, thì cái án lệnh mà thẩm phán Moriarty dành cho cô là không nên có. Nếu chọn cô để trừng phạt, hầu răn đe những học sinh ưa trốn học khác thì ông thẩm phán đã chọn không đúng người.

image
Houston attorney Brian Wice Wednesday

Luật sư Brian Wice cũng nói rằng nếu cứng ngắt thi hành luật, kiểu "one size fit all" thì không thích hợp trong nhiều hoàn cảnh. Nhưng trường hợp của Diane Trần đã mang lại điều rất tốt là những người trong cuộc thấy được rằng phải nên uyển chuyển trong việc thi hành luật.

image
Diane Tran từ chối nhận 100.000 USD mà những người hảo tâm giúp đỡ.

Phần Diane Trần thì rất vui mừng trước nguồn tin thẩm phán Moriarty đồng ý hủy bỏ bản án mà ông đã ban cho cô. Được hỏi là muốn chia sẻ điều gì với các bạn trẻ đồng trang lứa với mình, Diane Trần nói rằng các bạn trẻ đừng dửng dưng với những việc xảy đến cho mình mà hãy nắm lấy cơ hội khi nó đến. Hãy đến trường và tự rèn luyện cho bản thân. Sự làm việc khó nhọc luôn luôn mang lại sự thành công.


Hiền Vy thông tín viên RFA.


Một quan tòa bất nhân hay là thiếu suy nghĩ chín chắn?

image
Hình minh họa: Thẩm phán Moriaty

Một vị thẩm phán, hay gọi một cách bình dân là một quan toà, là một người được chính quyền bổ nhiệm hoặc do người dân bầu lên để nắm chức vụ đại diện cho công lý. Đó là người biết cầm cân nẩy mực, biết suy xét thiệt hơn để phán đoán những vụ tranh tụng tại toà án trước khi đưa ra những phán quyết đem lại công bình trong xã hội. Quan toà cũng là người đại diện cho nhà nước để răn đe những kẻ phạm tội với những bản án thích đáng cho từng trường hợp tội phạm, cũng như sẵn sàng tha bổng cho những người bị hàm oan.

Vì thế nên khi gọi một quan toà là người thiếu suy nghĩ chín chắn, phải chăng đó là một lời cáo buộc nặng nề quá đáng, nếu như chưa có những bằng chứng xác đáng để có thể chỉ trích như vậy? Thế nhưng đó lại đúng là cảm nghĩ và lời nói đã được ghi lại trên hàng chục các diễn đàn truyền thông trên mạng Internet trong vài ngày qua để nhận xét về một vị quan toà tạiTexas có tên là Lanny Moriarty. Thậm chí gọi ông ta là một thẩm phán thiếu suy nghĩ chín chắn cũng còn là nhẹ, vì phần lớn người đọc đều không ngần ngại gọi ông là một quan toà ngu ngốc, nếu như chúng ta muốn dịch chữ ra từ chữ “stupid” hoặc “idiot” mà ông đã bị chỉ trích và chê bai không nương tay.

Ông Moriarty là một vị thẩm phán toà hoà giải, một chức vụ quan toà ở cấp thấp nhất trong hệ thống toà án tại Hoa Kỳ. Đây là toà để xử những tội hình sự hạng nhẹ hoặc những vụ tranh tụng dân sự không có thiệt hại đáng kể. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, thông thường nội vụ được đưa ra xét xử tại các toà sơ thẩm, trước khi có thể kháng cáo lên toà thượng thẩm và tối cao pháp viện.

Vào tuần trước, ông Moriarty đã xử phạt một em nữ sinh gốc Việt với một bản án gây chấn động khắp nơi không phải vì cái tội mà em này đã gây ra, mà vì cái tính bất nhân, xen lẫn với sự phán đoán có phần cứng đầu và ngu ngốc của một quan toà. Người bị kết tội là em Trần Diane, 17 tuổi, nữ sinh lớp 11, đã bị xét xử về tội trốn học, và sau đó lãnh án ngồi tù trong 24 giờ đồng hồ cũng như còn phải đóng thêm tiền phạt 100 Mỹ kim.


Bản tin được loan ra đầu tiên bởi nhà báo Sherry Williams thuộc một đài truyền hình tại Houston, và sau đó đã được các hãng thông tấn và cơ quan truyền thông lớn trên toàn quốc và thế giới tiếp tục loan tải, với nhiều lời bình phẩm có nội dung chê bai hoặc chỉ trích vị quan toà này. Đến hôm nay, nó tiếp tục là đề tài gây chấn động, với hàng chục ngàn người trên thế giới phẫn nộ sau khi đã đọc qua bản tin  rất quái gỡ này. Chỉ trong có vài ngày, bản tin địa phương này đã thu hút đến hơn 1 triệu 600 ngàn người trên khắp thế giới vào xem. Hàng chục ngàn người đã bầy tỏ cảm nghĩ, phần lớn là lên án vị thẩm phán này, đã thiếu độ lượng và khôn ngoan chín chắn của một quan toà, để thay vì tìm cách giúp đỡ cho một em nữ sinh đáng thương, nhưng lại đi đến phán quyết xử phạt một cách bất công.

Lý do đơn giản là vì em Trần Diane là một nữ sinh nằm trong bảng hạng danh dự tại trường trung học Willis High School ở gần thành phố Conroe nằm ở phía bắc Houston. Để được coi là học sinh hạng danh dự, em đã phải ghi danh các lớp học AP, thường gọi là Advance Placement; cũng như học thêm các môn Toán, Anh văn và Lịch sử tương đương với cấp đại học, mặc dù em chỉ đang theo học lớp 11 tại nhà trường. Những em học sinh ở trung học mà chịu ghi danh theo học các môn AP luôn được coi là những học sinh thông minh và xuất sắc, vì nó chứng tỏ rằng các em có học lực cao để dễ dàng theo đuổi các môn học khi bước vào bậc đại học.

Vì gia cảnh khó khăn khi ba mẹ cô nữ sinh họ Trần đột nhiên ly dị và bỏ đi xa khiến cho gia đình lâm vào cảnh ly tán, các anh em nhà này cũng bị rơi vào hoàn cảnh phải tự lập. Với bản tính siêng năng và bao dung rất đáng khâm phục của một cô gái 17 tuổi, em Trần Diane đã phải vừa đi làm vừa đi học, để kiếm thêm tiền phụ giúp đỡ cho 1 người anh đang theo học ở đại học Texas A&M và một cô em đang sống nhờ ở với gia đình bà con tại Houston.

Nhưng không phải chỉ là những công việc bình thường mà một em học sinh hay sinh viên đi làm thêm ngoài giờ học như chúng ta thường nghĩ. Theo lời của một cô bạn cùng lớp là Devin Hill thuật lại với nhà báo thì em Trần Diane đã làm đến 2 jobs, trong đó có một công việc toàn thời gian tại một tiệm giặt ủi khô, và còn làm thêm công việc thứ nhì tại một tiệm phụ trách dịch vụ cưới hỏi vào những ngày cuối tuần. Cũng nhờ gia đình người chủ này giúp đỡ nên em cũng có nơi trú ngụ trong lúc này. Cô Devin kể rằng cô bạn học của mình, sau khi đi rời khỏi nhà trường vào lúc 2 giờ chiều là đến ngay chỗ làm việc cho đến hết giờ thì mới về nhà. Sau đó, cô thường thức đêm để làm bài mỗi ngày đến 7 giờ sáng rồi mới chợp mắt đi ngủ. Vì lẽ đó nên em thường bị mệt mỏi vì thiếu ngủ, cũng như hay ngủ quên, không dậy sớm để đến trường đúng giờ nên thường bị phê chuẩn về tội vắng mặt, không khác gì tội bỏ bê trốn học; tuy rằng điều này đã không ảnh hưởng đến thành tích học vấn của em vẫn tiếp tục được điểm cao để xứng đáng được nằm trong bảng danh dự.

Theo tin của Khu Học Chánh Willis cho biết, luật lệ tại Texas quy định nếu một học sinh bị vắng mặt không có lý do chính đáng đến hơn 10 lần trong vòng 6 tháng, thì nhà trường có thể giao hồ sơ của học sinh đó sang toà án để thụ lý. Trong trường hợp này, nhà trường sẽ không còn thẩm quyền để giải quyết sự việc, mà phán quyết hoàn toàn do một quan toà định đoạt.

Vào tháng Tư vừa qua, khi sự việc được chuyển giao lên toà hoà giải tại Willis, thẩm phán Moriarty đã cảnh cáo em Trần Diane rằng nếu như còn vắng mặt trễ học một lần nữa thì ông ta sẽ cho ngồi tù để làm hình phạt noi gương. Mới đây, cô nữ sinh này lại bị vắng mặt và khi ra trình diện quan toà vào tuần qua, ông Moriarty đã làm đúng theo lời hăm doạ trước đó với bản án nặng nề như trên. Thật ra tội trốn học là tội tiểu hình (misdemeanor hạng C, tức là tội nhẹ nhất) không đáng để bị phạt ngồi tù. Lý do biện minh của quan toà là tội khinh mạn toà án (contempt of court) vì đã coi nhẹ lời cảnh cáo của ông ta.

Nhà báo Sherry Williams khi biết chuyện này đã tìm cách phỏng vấn những người trong cuộc để biết rõ thêm chi tiết. Cũng có thể vì cảm thấy bất nhẫn trước cái bản án khá kỳ quặc giành cho một nữ sinh đáng thương cần phải được nâng đỡ và thông cảm thay vì phải trừng phạt, cô Williams đã tìm gặp thẩm phán Moriarty để biết lý do nào khiến ông đi đến phán quyết trừng phạt như vậy. Nhất là khi cô Trần Diane vẫn tiếp tục là một học sinh xuất sắc với thành tích điểm học bạ rất cao để được xếp vào bảng danh dự chứ không phải là một học sinh cúp cua và trốn học để đi chơi hoang đàng hoặc sa vào những hoạt động phạm pháp như trộm cắp và ma tuý.

Thay vì biết suy nghĩ để nhận thức rằng có lẽ mình đã mạnh tay quá đáng, ông Moriarty còn ngoan cố biện minh cho phán quyết của mình bằng cách xác nhận rằng ông muốn dùng bản án này để làm một bài học răn đe cho cô nữ sinh họ Trần. Ông trả lời với nhà báo rằng chẳng lẽ cô muốn tôi cũng tha tội cho cô ấy giống như những kẻ trốn học khác hay sao? Nhà báo đã nêu lên vấn đề rằng nếu như quan toà không rút lại phán quyết của mình thì cô nữ sinh đáng thương này sẽ mang theo suốt đời một bản án đã từng ngồi tù trong hồ sơ và lý lịch của cô, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng trong tương lai. Tuy vậy, điều này đã không hề lay chuyển ý định của ông Moriarty. Ông nói rằng ông không muốn bỏ qua vì có thể ông sẽ bị chỉ trích là một quan toà quá dễ dãi, không dám có quyết định cứng rắn. Có lẽ ngạc nhiên trước sự quan tâm của một nhà báo không họ hàng thân thích gì với cô nữ sinh, ông Moriarty còn bình phẩm thêm rằng “một ngày nằm ở trong nhà tù thì đâu có gì ghê gớm như là bản án tử hình!”. Ông nói rằng ông cũng có cô con gái nên cũng biết và thông cảm đến những gì có thể xảy ra với các cô thiếu nữ. Đúng là “khẩu khí” của một quan toà, xem thường những hậu quả về hành động của ông, khi nhốt một cô nữ sinh vô tội ở chung với mọi thành phần tội phạm trong xã hội như đĩ điếm, say xỉn, cướp của giết người.


Không phải chỉ có một mình cô nhà báo Mỹ tự động thấy bất nhẫn mà gần như tất cả những nhà báo khác trên nhiều diễn đàn truyền thông đều thấy sự vô lý và bất nhân trong quyết định này nên đã loan truyền rộng rãi bản tin trong những ngày sau đó, thu hút đến hơn 1 triệu 600 ngàn người vào xem trên các trang mạng, với hàng chục ngàn độc giả khắp nơi trên thế giới đã góp ý để chỉ trích vị quan toà này.

Dĩ nhiên, trong vụ này cũng có nhiều người đáng lên án hoặc bị chỉ trích, chứ không riêng gì ông quan toà khá cứng đầu này. Thứ nhất là bố mẹ của em Diane, tức là ông bà Trần nào đó, sao nỡ lòng vì ly dị mà lại bỏ rơi 3 đứa con, trong đó có 2 cô con gái còn ở tuổi vị thành niên. Nhiều người cũng tự hỏi tại sao người anh ruột của cô là một sinh viên đại học lại để cho cô em gái của mình hy sinh vừa đi học vừa đi làm để phụ giúp tài chánh. Một số người khác thì đưa ra lời khuyên rằng với số tuổi 17, cô có thể xin nghỉ học để theo chương trình tự học ở nhà, thường gọi là home schooling. Nhưng cô nói rằng mình muốn tiếp tục theo học tại trường với niềm mơ ước rằng sẽ được xếp trong số 10 học sinh tốt nghiệp trung học xuất sắc nhất, theo như tấm gương của người anh ruột của cô.

Nhưng phần lớn phản ứng của những người muốn lên tiếng đều lên án phán quyết của quan toà Moriarty, với những chê bai khá nặng nề là ngu xuẩn hoặc ngu dốt, tức là stupid hoặc idiot. Nhiều người cũng kêu gọi tìm cách để bãi nhiệm ông hoặc là không nên tiếp tục bỏ phiếu cho ông trong kỳ bầu cử sắp tới. Một độc giả là Mian Guan ở Austin đã còn điều tra để biết rằng ông ta chỉ mới tốt nghiệp trung học. Ông được bầu vào chức vụ này vào năm 2010 vì lý do đơn giản là không có người nào khác ra tranh cử đối đầu. Và nhiệm kỳ của ộng sẽ kết thúc vào năm 2014. Hồ sơ lý lịch cho thấy ông ta cũng đã từng bị một uỷ ban về đạo đức của chính quyền Texas bắt đóng tiền phạt 2,800 Mỹ kim về một số những sai lầm trong các báo cáo của ông liên quan đến quỹ vận động tranh cử. Chỉ tiếc là đa số những người lên tiếng phản đối, trong đó có nhiều người Việt chúng ta, lại không sinh sống ở vùng Conroe để có thể đi bỏ phiếu loại trừ ông ta.  

Điều làm ấm lòng chúng ta là nhiều người đã tìm cách can thiệp để giúp đỡ cho cô nữ sinh đáng thương này. Một tổ chức từ thiện tại Louisiana đã phối hợp với 2 tổ chức khác để thiết lập một website mang tên là HelpDianeTran.com nhằm mục đích quyên góp tài chánh để giúp cho cô không bị thiếu thốn để phải vất vả vừa đi làm vừa đi học. Cho đến đầu tuần này, họ đã quyên góp được 28,000 Mỹ kim cho quỹ trợ giúp này. Ngoài ra, một tổ chức tranh đấu có tên là Change.org cũng đã cho luân lưu một thỉnh nguyện thư để xin yêu cầu quan toà hãy rút lại bản án bất nhân và bất công này. Cho đến nay, nó đã thu được khoảng 26,000 ngàn chữ ký. Một người ký tên trên thỉnh nguyện thư là Letitia Gutierrez viết rằng “cô thiếu nữ đặc biệt này đáng lý không thể bị xử phạt ngồi tù; đúng hơn, cô phải được tưởng thưởng một chiếc huy chương”.

Riêng với kẻ viết bài này, tuy chỉ là một nhà báo quèn trong làng báo tiếng Việt, sau khi đọc bản tin này vào tuần trước, đã không ngần ngại viết lên mấy câu phản hồi để bầy tỏ quan điểm của mình. Người viết đã nói rằng ông Moriarty đúng là một quan toà ngu xuẩn. Ông đã không ý thức được rằng một thẩm phán là phải biết suy xét chín chắn trước khi đưa ra phán quyết, chứ không phải chỉ biết áp dụng luật lệ một cách mù quáng. Ông cần phải biết những mục tiêu vì sao xã hội và nhà nước đã lập ra luật pháp, và một quan toà được ngồi vào ghế xét xử vì người ta tin rằng ông ta biết cầm cân nẩy mực, và sẽ chịu khó tìm hiểu thấu đáo vấn đề trước khi đi đến phán quyết sau cùng. Vì lẽ đó, luật lệ bao giờ cũng giành cho quan toà rộng đường trong các bản án, với hình phạt có thể từ mức nhẹ nhất như cảnh cáo hoặc tù treo, đến mức nặng nhất có thể là tù chung thân. Ông hãy tưởng tượng xem nếu như cô con gái ruột của ông bị đặt trong trường hợp của cô Trần Diane thì liệu rằng ông ta cũng sẽ xử án một cách cứng ngắc như vậy hay không. Đến giờ này, ông quan toà Moriarty chỉ biết đưa ra lời nhận định “No comment”, tức là miễn bình phẩm trước phản ứng bực tức và dữ dội của mọi người trên thế giới trước một bản án hết sức kỳ quặc của ông, khi nhà báo Sherry Williams đã trở lại toà để dò hỏi về phản ứng của ông liệu có chịu thay đổi ý định hay chăng.

Tục ngữ có câu “Cái áo không làm nên thầy tu”. Mặc dù ông Lanny Moriarty đã mặc chiếc áo choàng màu đen giành cho một vị quan toà khi đăng đường, điều này không có nghĩa là ông ta có trí thông minh và óc phán đoán chín chắn, suy xét kỹ lưỡng thiệt hơn trước khi đưa ra phán quyết theo như sự mong đợi của mọi người. Đây chính là điều đáng tiếc và cũng là một vết nhơ cho ngành tư pháp tại địa phương Willis nói riêng, và tại Texas nói chung. Chỉ tiếc rằng nạn nhân lại là một cô nữ sinh gốc Việt rất đáng thương và đáng được ca tụng.


Tuấn-Minh

Tái bút: Sau khi bài này được viết xong, sự việc đã biến chuyển một cách tốt đẹp. Thẩm phán Moriarty đã quyết định rút lại bản án này, sau khi đã nghe những lời trình bày của một luật sư nổi tiếng là Brian Wice nhận biện hộ miễn phí cho em nữ sinh tại toà. Điều này có nghĩa là hồ sơ lý lịch của em sẽ không còn có tiền án ngồi tù cũng như mang tội khinh mạn toà án. Ông Wice cũng ca ngợi hệ thống pháp lý tại Mỹ, với hành động của quan toà một khi biết được sự sai lầm của mình nên đã chịu sửa sai và thay đổi phán quyết.

Thật ra đó chỉ là lối nói khôn khéo của ông Wice vì còn đang hành nghề luật sư biện hộ tại toà án, nên không muốn gây phật lòng với các thẩm phán khi phê bình nặng lời với một quan toà. Có lẽ con số người bất nhẫn trước hành động của quan toà đã tăng vọt nhanh chóng trong vài ngày sau -- với số tiền quyên góp lên hơn 100,000 Mỹ kim và hơn 250,000 chữ ký trong thỉnh nguyện thư  -- đã khiến cho ông Moriarty không thể nào không thấy việc làm ngu xuẩn của ông đã bị mọi người nhìn thấy.

Điều đáng khen hơn nữa là cô Trần Diane còn nói rằng cô không muốn nhận số tiền đóng góp của bá tánh, mà sẽ dùng nó để trao tặng lại cho những người còn bất hạnh hơn cô.

Điều đáng chê trách là nhiều người trong giới truyền thông đã không tìm hiểu kỹ lưỡng vấn đề, mà chỉ chú trọng vào một số đề tài và nhân vật có tính cách “giật gân” (sensational) mà không nhìn thấy công lao của một nữ nhà báo Mỹ đen là cô Sherry Williams của đài KHOU-11 CBS tại Houston là người đã tận tâm điều tra và can thiệp ngay từ lúc đầu. Cái chê trách thứ hai là nhiều người còn ngu xuẩn và thiếu hiểu biết khi tìm cách điếu đóm hoặc nâng bi để lôi kéo tên tuổi của anh em luật sư Hoàng Duy Hùng và Teresa Ngọc Hoàng trong vụ này, với ngụ ý rằng họ cũng có công trong việc cứu giúp cho em Trần Diane.

Nhưng đây lại là một đề tài khác, có thể sẽ được bàn tiếp trong một dịp thuận tiện khác.

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.