Bố cục thông minh, sử
dụng ánh sáng, hình khối và độ sâu thích hợp sẽ giúp bạn chụp được những tấm hình
đẹp hơn.
Có nhiều nguyên tắc
bạn nên tuân theo khi chụp ảnh, và có nhiều nguyên tắc bạn có thể phá vỡ. Nhưng
điều quan trọng hơn cả là phải tạo ra được tấm ảnh đẹp.
Bạn hãy tham khảo
các tấm ảnh được dùng và tự hỏi xem tấm nào đẹp, thể hiện
được nội dung mà nó minh hoạ, tấm nào không.
Dưới đây là một số mẹo
hữu ích dành cho bạn - có một số mẹo đọc qua có vẻ như phức tạp, nhưng chúng rất
đáng để bạn dành thời gian nghiên cứu.
Bố cục khung hình
Điều quan trọng tạo
nên một bức ảnh đẹp là nội dung chính mà bạn đưa vào ảnh.
Tuy nhiên, điều đó
không có nghĩa là trong mọi bức ảnh, phần thân trên của nhân vật, nhất là phần
đầu, đều phải chiếm phần lớn khung hình.
Bạn cần đưa vào
khung hình các yếu tố có thể làm tăng sức mạnh, sức hấp dẫn, lôi cuốn cho bức ảnh.
Khi tới địa điểm,
hãy hình dung trong đầu về sự kiện và hãy để các yếu tố kém quan trọng khác,
không cần thiết, ra bên ngoài. Bạn sẽ sớm khoanh vùng được các chủ thể quan trọng
cần chụp.
Bằng việc sử dụng
các yếu tố gây tác động mạnh mẽ như hình khối, màu sắc và sự tương phản về ánh
sáng, bạn có thể biến một bức ảnh bình thường thành thứ lập tức thu hút sự chú
ý của người xem.
Điều quan trọng là cần
phải đặt thành phần chính vào trong khung hình và tìm vị trí thích hợp cho nó
trong khung hình đó, để chủ thể nổi bật lên giữa những thứ khác.
Hãy tạo độ sâu cho
các bức ảnh của bạn (như trong hình minh họa trên đây, chụp cảnh Chernobyl).
Đừng quên là hầu hết
các ảnh chụp cho trang web được đặt ở khung hình nằm ngang. Do đó nếu chụp với
khung hình dọc, bạn có thể gặp khó khăn khi biên tập và đăng tải lên mạng.
Ánh sáng
Nghe có vẻ như chuyện
đương nhiên, nhưng chất lượng ánh sáng đóng vai trò trung tâm tác động đến chất
lượng tấm ảnh bạn chụp.
Trong nhiều trường hợp,
nhất là khi dùng máy ảnh digital nhỏ, ảnh sẽ đẹp hơn khi chụp trong điều kiện
ánh sáng tự nhiên. Do vậy, bạn hãy tắt đèn flash đi.
Bức ảnh trên nên được
điều chỉnh thế nào để đạt chất lượng tốt nhất? Hiệu ứng của cảnh chụp lấy hình
khối đen (silhoutte) sẽ mạnh hơn, hay nên lấy góc rộng hơn để cho thấy cảnh người
phụ nữ sống trong căn hộ? Hay có lẽ nên cắt cúp để chỉ giữ lại chủ thể trong ảnh?
Hãy đảm bảo là bạn
không làm rung máy ảnh, khi đặt tốc độ chụp (shutter speed) chậm.
Nếu bạn chụp rất nhiều
ảnh và giữ chắc được máy ảnh thì bạn sẽ thu được kết quả tốt trong hầu hết các
tình huống.
Hãy giữ chắc máy ảnh
bằng cách tựa vào bàn, vào tường, bất cứ cái gì có thể, bởi điều đó sẽ có lợi
khi bạn chụp trong điều kiện ánh sáng yếu.
Điện thoại thông
minh chụp ảnh rất tốt khi đủ sáng, nhưng hầu như máy nào cũng khó chụp được đẹp
khi thiếu sáng (tuy một số đời máy hiện đại nhất có thể khá hơn).
Có thể bạn sẽ thấy
màu sắc trong ảnh chụp được trông không cân bằng. Khi đó bạn sẽ cần chỉnh sửa hậu
kỳ.
Một số máy ảnh cho
phép bạn chọn chế độ lấy cân bằng màu sắc trong các điều kiện ánh sáng nhân tạo
khác nhau.
Hình khối và màu sắc
Có nhiều cách khác
nhau để bạn tạo hình khối trong khuôn khổ một khung hình.
Hình đối xứng, tạo
các đường chéo, hay tạo khung chỉ là một số trong nhiều cách đó.
Nói một cách đơn giản
là bạn dùng các hình khối để hướng người xem nhìn vào chủ thể, hoặc dùng màu sắc
tự nhiên để thu hút sự chú ý của người xem.
Một hình khối đơn giản
và một hình chụp không bị rối mắt bởi những nội dung 'rác' lẫn bên trong, như
hình dưới đây, thường có tác dụng tốt.
Phối cảnh
Hãy di chuyển quanh
chủ thể; hãy thử chụp từ các góc cạnh khác nhau; hãy chĩa ống kính lên, hoặc
nhìn xuống. Đừng chụp mọi tấm ảnh ở cùng chung một tầm ngắm.
Hãy giữ máy ảnh ở
ngang tầm hông rồi chụp thử. Vì là máy digital nên nếu hình không như ý, bạn chỉ
cần xoá đi rồi chụp lại.
Ảnh chân dung thường
được chụp ở góc cao hơn nhân vật một chút để họ có thể hơi ngước nhìn lên trên,
nhưng không phải lúc nào cũng nên thế.
Bạn nhớ để ý xem
nhân vật có bị thành ra có hai cằm hay không nếu như họ nhìn xuống.
Nguyên tắc một phần
ba
Có một nguyên tắc
đơn giản nhưng hiệu quả khi bạn bố cục khung hình: 'nguyên tắc một phần ba'.
Không nhất thiết cần
áp dụng trong mọi trường hợp, nhưng ít nhất nguyên tắc này cũng là bước khởi đầu
để giúp bạn thực hành hiệu quả.
Hãy chia khung hình
bạn định chụp thành chín phần bằng nhau, rồi đặt chủ thể, hay phần nội dung
chính mà bạn cần thể hiện, vào một trong các đường kẻ phân chia khung hình, hoặc
vào các điểm giao nhau của các đường kẻ này.
Đặt chủ thể sang một
bên khung hình sẽ tạo ra sự cân đối dễ chịu hơn cho bức ảnh và giúp nhấn mạnh
vào những gì quan trọng hơn.
Hãy xem ảnh chụp
chân dung cựu bình luận viên thể thao Harry Carpenter dưới đây.
Bạn thường cần để
khoảng trống để chủ thể nhìn vào, hoặc tiến vào. Do đó, một chiếc xe đua đang
chạy sẽ cần nhiều khoảng trống phía trước nó hơn là phía sau.
Tuy nhiên, sẽ có những
lúc bạn muốn phá vỡ nguyên tắc này.
Ảnh chủ đề và chùm ảnh
Nếu bạn định kể một
câu chuyện bằng hình ảnh, bạn cần lên kế hoạch tốt.
Đó không phải là những
người bạn hỏi chuyện ngẫu nhiên, tức là chỉ giơ máy lên là chụp những người khác
nhau, mà sẽ là việc xây dựng một câu chuyện bằng hình ảnh.
Hãy chụp nhiều hình
khác nhau. Hãy lên danh sách:
Cảnh dẫn đề / mở đầu
câu chuyện - có thể là cảnh chụp góc rộng hoặc chụp một chi tiết về khung cảnh
nơi xảy ra câu chuyện, nhưng chớ cố nhồi mọi thứ vào trong một khung hình
Các tấm ảnh chân
dung khác nhau về những người xuất hiện trong câu chuyện
Ảnh chụp cận cảnh
các thứ đồ vật, nhà cửa... liên quan
Sử dụng các kỹ thuật,
kiểu chụp khác nhau để tạo bố cục thích hợp với chủ thể và câu chuyện
Nên nhớ là điều quan
trọng nhất là bạn cần thu hút được độc giả một cách nhanh chóng bằng các đem đến
cho họ bầu không khí và những câu chuyện bằng hình ảnh được thể hiện trong các
khung hình - các tấm ảnh của bạn không phải chỉ để minh hoạ cho lời bình đi
kèm.
Chân dung và phỏng vấn
ngẫu nhiên
Hầu hết các ảnh bạn
được yêu cầu chụp sẽ là hình chân dung, dù đó là người bạn phỏng vấn ngẫu nhiên
hay đó là các nhân vật chính trong câu chuyện.
Vì vậy, trong phần
hướng dẫn này, chúng tôi sẽ tập trung vào hai kiểu chụp chân dung: chụp phần đầu
và chụp cùng quang cảnh xung quanh.
Khi lên khung cho một
tấm ảnh chân dung, hãy suy nghĩ cẩn thận về nhân vật cần chụp.
Họ có đang đứng
trong bối cảnh liên quan, hoặc giúp tôn nội dung câu chuyện không?
Chẳng hạn khi bạn chụp
ảnh ai đó đang làm việc, thì tốt nhất là nên chụp khi họ đang trong môi trường
công việc của họ thay vì chỉ chụp mỗi cái đầu và vai nhân vật.
Khi đó, tuy trong
khung hình có rất nhiều tiểu tiết nhưng chúng đều giúp toát lên nội dung câu
chuyện.
Tuy nhiên, nếu bạn
tình cờ chặn đường hỏi chuyện ai đó trên đường phố để có ý kiến ngẫu nhiên về vấn
đề gì đó, thì hình ảnh họ cần phải nổi bật lên thay vì nhạt nhoà lẫn vào bối cảnh
không liên quan xung quanh.
Chụp hình đầu theo
góc thẳng thường sẽ ổn nhất, nhưng không nhất thiết lúc nào cũng phải như thế.
Khi chụp cả nhóm,
hãy chọn chụp cảnh có sự trao đổi liên hệ giữa các nhân vật với nhau, và hãy bố
cục để các nhân vật đứng theo các lớp khác nhau, người này đứng trước người
kia, để tạo độ sâu cho ảnh.
Bằng cách quỳ gối xuống
hoặc đứng cao hơn nhân vật, bạn sẽ loại bỏ được bớt các cảnh nền không cần thiết,
gây rối mắt.
Bạn có thể dùng kỹ
thuật chụp ngược sáng để chụp cảnh có bố cục ánh sáng tương phản đẹp.
Khi chụp chân dung,
dùng ống kính có độ zoom lớn sẽ giúp tôn hình hơn. Bạn có thể lui xa hơn, miễn
là không quá lạm dụng cách này.
Nhưng nếu không cần
đến hậu cảnh thì bạn có thể tiến gần sát vào nhân vật để chụp.
Đừng quên nguyên tắc
vàng về cắt cúp ảnh - nhớ giữ cằm nhân vật trong khung hình.
Nếu được thì bạn nên
để độ mở ống kính lớn (wide aperture) - tức là dùng các số nhỏ như f/2 hay
f/2.8 - để làm mờ hậu cảnh và làm nổi bật nhân vật.
Ánh sáng đương nhiên
là đóng vai trò thiết cốt trong mọi bức ảnh, và điều này đặc biệt quan trọng
trong các bức ảnh chân dung.
Lý tưởng nhất là tìm
chỗ có nguồn sáng cân bằng, rồi quan sát xem ánh sáng hắt xuống gương mặt của
nhân vật như thế nào.
Chẳng hạn như đứng cạnh
cửa sổ sẽ có tác dụng tốt, bởi ánh sáng hắt xuống từ một bên.
Bạn hãy dùng tấm hắt
sáng, hoặc một tờ giấy trắng lớn, để hắt một phần ánh sáng trở lại vào phía
gương mặt không được ánh sáng từ cửa sổ chiếu vào.
Lưu ý là ánh sáng trời
chiếu thẳng vào có thể sẽ khiến nhân vật bị nheo mắt.
Bạn có thể dùng đèn
flash để làm nhạt bớt bóng đổ trên khuôn mặt, nhưng hãy chụp thử nghiệm: chụp một
số ảnh khác nhau bằng chế độ tự động, cả có và không có đèn flash, rồi kiểm tra
xem bạn ưng ý tấm nào hơn.
Bạn rất có thể sẽ ngạc
nhiên khi nhận ra cách làm nào gây hiệu ứng mạnh mẽ hơn.
Phil Coomes
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.