Monday, December 14, 2015

R.I.P: Teresa Nguyễn Thanh Tín

image

Đám tang Thanh Tín, 'cho con chiếc áo quan tốt thay áo cưới' 

“Lúc chọn quan tài, mẹ cháu bảo cố chọn cho cháu cái tốt nhất, dù mẹ cháu biết cháu chỉ muốn đơn giản, không phí phạm. Mẹ cháu nói: ‘Nhưng em không còn dịp nào để cho cháu nữa. Nên em muốn cho cháu chiếc áo quan tốt để thay cho chiếc áo cưới mà cháu không được mặc’.”

Ông Nguyễn Quang Hàm, bác của cô Teresa Nguyễn Thanh Tín, chia sẻ với tất cả những người tham dự đám tang cô vào hôm qua, 12 Tháng Mười Hai. Trong lúc đó, mẹ của cô là bà Nguyễn Thị Thanh Vân khóc nức nở mỗi khi nghe nhắc đến tên con mình. Và tất cả mọi người, không ai không thương tiếc, đau buồn, và cầm được nước mắt. 

image
Mẹ của cô Teresa Thanh Tín, bà Nguyễn Thị Thanh Vân, đang viết những lời nhắn nhủ cuối cùng trên quan tài của con gái mình.
Chủ lễ an táng cho linh hồn Teresa Nguyễn Thanh Tín là Giám Mục Tod Brown, cựu giám mục Giáo Phận Orange. Và trong Thánh lễ này có sự đồng tế của Đức Ông Phạm Quốc Tuấn, cha quản xứ Giáo Xứ Thánh Linh; Linh Mục Trần Hưng Quốc, cha quản xứ Giáo Xứ Saint Barbara; Linh Mục Nguyễn Thái, cha phó xứ Giáo Xứ Saint Barbara; Linh Mục Phạm Quốc Tuấn, cha phó xứ Giáo Xứ Saint Barbara; Linh Mục Tạ Anh Kiệt, phụ trách Giáo Xứ Chúa Kitô Cứu Thế…

Nhiều dân cử và các quan chức tham gia Thánh lễ: Giám Sát Viên Andrew Đỗ, Giám Sát Viên Ramons từ San Bernardino, Thị Trưởng Santa Ana Miguel Pulido, Thị Trưởng Westminster Tạ Đức Trí, cựu Thượng Nghị Sĩ Lou Correa…

Chưa kịp chào mẹ đi làm ngày định mệnh

Sáng sớm hôm qua, thi hài cô Nguyễn Thanh Tín, người Việt duy nhất trong số 14 nạn nhân thiệt mạng trong vụ thảm sát ở San Bernardino hôm 2 Tháng Mười Hai, đã được đưa từ nhà quàn Peek Family ở thành phố Westminster, để làm Thánh lễ an táng tại nhà thờ Saint Barbara ở thành phố Santa Ana.

Cô Nguyễn Thanh Tín có tên thánh là Teresa, sinh ngày 6 Tháng Tư, 1984, tại Giáo Xứ Phú Hiệp, Huyện Di Linh, Tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam. Năm 1992, cô sang Mỹ lúc 8 tuổi cùng với mẹ và ông bà theo chương trình đoàn tụ ODP (Orderly Departure Program - Ra đi có trật tự). Chịu khó, chuyên cần, Thanh Tín tốt nghiệp trung học Valley High School, Santa Ana, sau đó tốt nghiệp cử nhân Khoa Học Sức Khỏe tại Trường đại học Cal State Fullerton năm 2010 và được nhận làm việc tại Sở Y Tế San Bernardino County trong chức vụ nhân viên thanh tra thực phẩm. 

image
Giám Mục Tod Brown (thứ năm từ phải), chủ tế lễ an táng cho linh hồn Teresa Nguyễn Thanh Tín.
Linh Mục Nguyễn Thái nói: “Đứng trước một bông hoa đẹp, nhưng rất mong manh dễ tan vỡ. Đứng trước người con gái ngoan hiền, dễ thương, có lòng đạo đức, hiếu thảo. Đứng trước một người bạn trẻ, tương lai tươi sáng đang chờ đón cả về nghề nghiệp lẫn hạnh phúc gia đình. Nhưng vụ nổ súng thảm sát 14 nạn nhân trong đó có Teresa Thanh Tín tại San Bernardino vào Thứ Tư, 2 Tháng Mười Hai vừa qua, đã làm đảo lộn mọi ước mơ và dự tính. Thử hỏi, ai mà không thương tiếc, đau buồn.”

Ông Nguyễn Quang Hàm chia sẻ: “Ông ngoại và mẹ cháu đã đặt tên cho cháu là Tín, với ý nghĩa là mong cháu sau này lớn lên giữ được chữ tín, giữ được niềm tin trong cuộc sống, tạo được sự tin tưởng cho mọi người, nhất là giữ được sự thủy chung. Mẹ cháu tên Nguyễn Thị Thanh Vân, anh trai cháu tên Đỗ Trung, nhưng cháu tên Nguyễn Thanh Tín. Cháu mang họ mẹ vì mẹ cháu không muốn rời xa cháu trong bất cứ hoàn cảnh nào.”

Ông cho hay, thiếu vắng tình cha từ tấm bé, mẹ con cô Thanh Tín sống chung với ông bà ngoại, với sự ấp ủ, thương yêu của đại gia đình. Từ nhỏ cô đã luôn là đứa trẻ dễ bảo, dễ vâng lời. Lúc bắt đầu trưởng thành, cô ao ước được tốt nghiệp đại học, tìm được việc làm nhằm giúp đỡ được cho mẹ và có điều kiện phụng dưỡng ông bà.

“Hơn 26 năm chung sống với ông bà, cuối cùng cháu đã thành đạt khi mẹ con cháu đã mua được gian nhà riêng làm mái ấm cho gia đình bé nhỏ với ba mẹ con. Cháu có bạn trai đã lâu, nhưng trước đây chưa bao giờ cháu nghĩ đến chuyện cưới xin cả, vì thực ra cháu chưa muốn rời xa gia đình, rời xa mẹ, rời xa những người thân yêu trong đại gia đình,” ông Hàm nói tiếp.
Ông cho biết: “Mãi đến tận thời gian gần đây, sau lần sinh nhật lần thứ 31, cháu mới thật sự nghĩ đến việc này. Cháu dự định sẽ làm đám cưới vào năm sau tại ngôi thánh đường này (Giáo Xứ Saint Barbara - NV). Đây là nơi mà khi đặt chân đến Mỹ cháu đã cùng ông bà đến dự Thánh lễ đầu tiên. Và nơi đây cháu đã được phép xưng tội, cháu hy vọng cháu sẽ được làm phép cưới trong năm 2016. Mẹ cháu mừng lắm nên đã có lần đã cùng cháu đi thử áo cưới.”

“Cuộc sống đang êm đềm cho đến sáng Thứ Tư, 2 Tháng Mười Hai vừa qua, khi cháu vội vã đi làm từ 5 giờ sáng không kịp chào mẹ. Hằng ngày cháu phải lái xe đi làm xa từ hai đến bốn giờ đồng hồ. Mãi đến 10 giờ 34 phút sáng hôm ấy, cháu gửi tin nhắn cho các anh chị em để mua quà Giáng Sinh và sau đó mọi liên lạc không còn nữa,” ông cho hay.

Ông nói thêm: “Tai họa đã thật sự xảy đến với gia đình cháu. Mọi người đều cảm thấy bàng hoàng, xót thương, bức màn đen đã trùm xuống gia đình bé nhỏ của cháu. Cháu ra đi quá oan nghiệt. ‘Tại sao như vậy, sao Chúa lại chọn con con? Con còn thiếu sót với nó nhiều lắm, con chưa làm gì được cho nó cả. Con đã không bảo vệ được cho nó,’ mẹ cháu vật vã khóc lóc mà tôi không biết cách nào để mẹ cháu nguôi ngoai.”

Theo ông Hàm, cô Thanh Tín mất, gia đình mất đi một trụ cột, vì cô là nỗ lực chính giúp đỡ cho mẹ và anh. Dù cô không có nhiều của cải, nhưng cô có một tấm lòng muốn gần gũi, chia sẻ với mọi người. Cô là gạch nối của tất cả anh chị em trong gia tộc, trong bạn bè và trong những người quen biết.

image
Anh Haisan Trịnh, hôn phu của cô Teresa Thanh Tín, cầm di ảnh của cô.

Ra đi đúng ngày sinh nhật của hôn phu

Tại lễ tang, Linh Mục Nguyễn Thái phát biểu: “Xin chân thành phân ưu đối với gia đình, đặc biệt bà Thanh Vân - mẹ của cô Teresa Thanh Tín; anh Đỗ Trung - anh ruột và anh Haisan Trịnh - hôn phu của cô. Rất tiếc cô đã ra đi vào đúng ngày sinh nhật của vị hôn phu của mình.”

“Đặc biệt là bà Thanh Vân, trước sự đau buồn tột cùng vì mất đi người con gái rất yêu quý của mình. Trong gia đình, hai mẹ con đã sống gắn bó với nhau như hai người bạn thân, với tất cả tình thương mến, chia sẻ với nhau mọi tâm sự riêng tự, kín đáo. Một gia đình đơn chiếc, chỉ có ba mẹ con, luôn sống gắn bó với nhau, thì sự lặng lẽ ra đi của Thanh Tín khi chưa kịp nói lời ‘Bye má’ như mọi ngày để đi làm, để rồi phải ngậm ngùi ra đi vĩnh viễn. Quả thật là một đau buồn, xót xa, không thể nào diễn tả hết,” linh mục nói.

Theo Linh Mục Thái, ngày nào cô Teresa Tín cũng đi làm rất sớm từ 5 giờ sáng để đến San Bernardino. Đến chỗ làm rồi thì bao giờ cũng gọi điện về cho mẹ để hỏi thăm, dặn dò việc này việc kia như nhà đã khóa cửa chưa, mẹ đi làm lái xe cẩn thận… Những điều này đã nói lên sự dịu dàng, yêu mến, chịu khó, chuyên cần, quan tâm đến mẹ và gia đình của cô biết chừng nào.

“Với đức hạnh của bản thân cô từ trong gia đình, nên ngoài xã hội cô cũng được mọi người thương mến với nụ cười khả ái, với lòng quảng đại sẵn sàng giúp đỡ tất cả mọi người nên bạn bè, đồng nghiệp ai cũng thương mến cô,” linh mục dẫn chứng.

Ngoài ra, cô rất nặng tình, nặng nghĩa, và nặng lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ. Khi ông ngoại mất, trong bốn năm liền, tuần nào cô cũng ra viếng mộ ông ngoại để cầu nguyện. Đối với cô thì ích lợi và hạnh phúc của gia đình là trên hết, mà không quản ngại hy sinh chính bản thân mình. Bởi thế cô vẫn chần chừ việc lập gia đình, cho dù đã 31 tuổi.

“Theo dự trù, sang năm cô sẽ làm đám cưới tại nhà thờ Saint Barbara này nên cô mới vừa đi thử áo cưới. Thật không may, giấc mơ chưa trọn, thì thay vào đó là tang lễ ngày hôm nay,” Linh Mục Nguyễn Thái đau buồn nói. 

image
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân cầm di ảnh con gái của mình.

Lá thư mẹ viết có dán tem chờ con đọc!

Linh Mục Phạm Quốc Tuấn chia sẻ: “Những giọt nước mắt mà cô Thanh Vân đã khóc cho con mình, những giọt nước mắt mà cô sẽ khóc trong những tháng ngày tới sẽ là món quà đẹp nhất mà Chúa sẽ đón nhận và Chúa sẽ trao tặng món quà đó cho Teresa Thanh Tín được sống lại với Chúa. Những ngày qua chúng ta đã thấy, Teresa không chỉ là người con của cô Vân, mà còn là người con của người Công Giáo trên toàn thế giới. Và Teresa cũng là người con đặc biệt của tất cả nhân loại, những ai yêu mến hòa bình.”

Ông Nguyễn Văn Phú, bác của Thanh Tín, nói trong nước mắt: “Giờ đây, cháu ở lại nơi này với ông ngoại, người mà cháu đã mong ước ở lại từ bao nhiêu lâu nay. 31 năm sống với ông, với bà, và cháu muốn tất cả những điều gì của ông là của cháu, ông đi đâu cháu sẽ đi theo đó. Bây giờ thì cháu đã gần gặp ông rồi, niềm mơ ước của cháu đã thành sự thật.”

“Riêng mẹ cháu, mẹ đã viết cho con một lá thư mà bác không thể nào cầm lòng được ngày hôm qua. Mẹ viết thư cho cháu có dán tem như bình thường. (Đến đây mẹ cô khóc nấc - PV) Và câu cuối, trước khi nắp quan tài đóng lại, mẹ cháu đã nói: ‘Tín ơi, con nhớ mở thư ra đọc thư của mẹ nhé.’ Cháu ra đi, đã cứu hàng ngàn người khác. Chúa sẽ phù hộ cháu. Từ biệt cháu của bác,” ông Phú cố nói từng từ.

Và, mọi người đều không cầm được nước mắt khi ông Phú bộc bạch: “Cháu nói với tôi cách đây chừng một tháng: ‘Trong đám cưới của cháu, bác nhớ làm MC cho cháu. Bác nhớ giúp cho cháu.’ Hôm nay, bác cũng làm MC cho cháu, nhưng không phải MC cho đám cưới, mà là MC trong đám tang của cháu.”

image
Bà ngoại của cô Thanh Tín khóc nức nở bên quan tài.

“Anh sẽ thay em chăm sóc mẹ”

Anh Haisan Trịnh, hôn phu của cô, ngấn lệ nói: “Tín, em là tình yêu của cuộc đời anh. Anh và em đã bên nhau được sáu năm; chúng ta cùng lớn lên ở Santa Ana, cùng học chung một trường. Em là người bạn thân nhất của anh. Em là người đầu tiên anh nói chuyện mỗi sáng khi thức dậy và là người cuối cùng anh nói ngủ ngon mỗi tối. Em hiểu anh hơn cả anh hiểu chính bản thân mình. Chúng ta đã có rất nhiều dự định với nhau, về kế hoạch đám cưới, về nơi chúng ta sẽ an cư lập nghiệp, bao nhiêu đứa con sẽ ra đời. Mà em thì chỉ thích con gái thôi.”

“Cả anh và em đều đồng ý rằng mẹ của em sẽ ở cùng chúng ta, để chúng ta có cơ hội chăm sóc mẹ và mẹ sẽ dạy dỗ con cái của chúng ta. Bây giờ em không còn ở đây nữa, nhưng anh sẽ thay em chăm sóc mẹ. Anh biết đó là điều em muốn anh làm. Em luôn vị tha với mọi người, luôn mỉm cười và luôn làm anh cười. Anh biết em sẽ vui khi thấy mọi người cùng nhau ở đây như một gia đình. Mọi người ở đây ngay lúc này vì nhau, và vì em. Anh yêu em!” anh cầm di ảnh cô Thanh Tín thật chặt vào người mình.

Bà ngoại của cô Thanh Tín là bà quả phụ Nguyễn Văn Nghi, xúc động nói: “Gia đình đã đến nhà thờ từ lúc 6 giờ sáng để chuẩn bị các nghi lễ. Chúng tôi xúc động, rất đau đớn vì mất mát một người cháu. Mất cháu rồi tôi với mẹ cháu không biết sống như thế nào những ngày sắp tới.

Cháu chết một cách đột ngột quá. Mẹ cháu ngất xỉu không biết bao nhiêu lần. Chung quy lại, tôi không biết sao cháu tôi vắn số sớm quá. Nếu cho tôi điều ước, tôi xin chết thay cháu tôi.”

Chị Trâm Oanh Đoàn, ở Northridge, cách nhà thờ hơn 1 giờ lái xe, nói: “Tôi biết gia đình bên ngoại của Tín vì lúc còn ở Việt Nam, chúng tôi đã sống trong cùng một làng khoảng 60 năm. Hay tin Tín mất, tôi cảm thấy rất thương. Thương không chỉ một mình Tín mà thương cho mẹ Tín. Em còn quá trẻ. Tuổi trẻ của em dù sống và lớn lên ở xã hội Mỹ nhưng tâm hồn và bản tính Việt Nam của em không thay đổi, chưa mất đi bản chất của con người Việt Nam.”

image
Những người thân trong gia đình ký tên trên quan tài của "leader" Thanh Tín.

Chia sẻ với nhật báo Người Việt, Thượng Nghị Sĩ tiểu bang California, Janet Nguyễn, nói: “Tôi nói với bà ngoại và mẹ của cô Tín rằng cô ấy còn rất trẻ và tài năng. Cô ấy hy sinh cho gia đình, hy sinh cho cộng đồng và hy sinh cho cả đất nước. Đối với tôi, cô ấy là anh hùng.”
Giám Sát Viên Andrew Đỗ xúc động: “Khi thấy một người trẻ trong cộng đồng đang ở tuổi đẹp nhất đời người đã bất ngờ mất đi, buồn cho sự mất mát của gia đình và cộng đồng. Cầu xin cho sự bình an của tất cả mọi người.”

Cựu Thượng Nghị Sĩ Lou Correa cho biết ông rất lấy làm tiếc vì sự ra đi của cô Tín. “Tôi muốn chia sẻ nỗi đau mất mát với gia đình cô Tín. Sự ra đi của cô Tín nhắc nhở chúng ta rằng mặc dù hành động khủng bố này xảy ra xa nơi chúng ta ở nhưng lại mang lại nỗi đau cho cộng đồng chúng ta. Tôi không thể tưởng tượng được một trung tâm cho người tàn tật và cần được giúp đỡ lại trở thành nơi bi kịch thảm sát xảy ra. Tôi mong rằng cái chết của cô Tín là bài học của tất cả chúng ta nhớ đến. Chúng ta cầu nguyện cho cộng đồng luôn được an toàn,” ông Correa nói.

Tín đã về với ông ngoại

Ông Nguyễn Quang Hàm nén xúc động nói: “31 năm trên trần thế, đây là bước đường cuối cùng của cháu. Nhưng chắc chắn rằng ở một nơi nào đó, cháu đã vui lòng lắm, vì mọi người thương cháu vô cùng, không chỉ trong gia đình mà cả mọi người trên khắp nơi dù có quen biết hay không. Bác không biết nói gì thêm nữa. 11 ngày qua là 11 ngày đau thương nhất của gia đình mình. Con là “leader” của cả nhà. Bác nhớ thương con, bác nhớ lắm. Sự ra đi của cháu có thể cứu cả hàng trăm, hàng ngàn người và đó chính là điều mà Thiên Chúa mong muốn cho một con người; một hạt giống có được chôn đi thì mới được nảy mầm.”

image
Anh chị em họ hàng viết những lời nhắn nhủ trước khi cô Tín trở về với đất
11 giờ 10, huyệt đã được mở. Ông Nguyễn Văn Phú nói với anh, chị, em, cháu của Thanh Tín: “Chiếc kim tĩnh kia, ‘leader’ các cháu đang chờ các cháu ký tên vào. Hãy ký vào kim tĩnh trước khi chúng ta rời xa ‘leader’ của các cháu.”

Trên kim tĩnh chi chít những lời đầy yêu thương: “Má xin lỗi con, má sẽ nhớ con suốt đời.” “I will love you forever, I will take care of your mom. Love you, San.” “Chị Tín, always and forever we will love you.” “We love you, we miss you.”

11 giờ 30, kim tĩnh bắt đầu được đóng nắp. Mẹ Tín khóc nấc: “Đau. Đau lắm đó...”

11 giờ 40, nắp kim tĩnh đã được đóng chặt. Mọi người tiếp tục ghi những dòng cuối trên nắp quan tài. “Con yêu nhất. Má sẽ khóc con suốt đời. Vô cùng thương tiếc và biết ơn con. Má xin lỗi con. Má Vân.” “Ngủ ngon con nhé. Nhớ đọc thư của má. Má nhớ con nhiều lắm.”

Khi ôm quan tài, mẹ Thanh Tín nói: “Con gặp ông cho mẹ gửi lời thăm. Con đừng lo cho mẹ. Mẹ sống tốt. Bye con.” Rồi bà khóc nức nở.

12 giờ, những vòng hoa tang nối dài để đặt lên quan tài, chuẩn bị đưa quan tài xuống huyệt sâu...  Mẹ Tín vẫn khóc nức nở, không chịu xa rời quan tài: “Má xin lỗi con nhé, má không bảo vệ được con. Má xin lỗi con nhiều lắm. Cho má đi với, má sợ con lạnh. Giờ thì con không chào má nữa rồi, không 'say hi' với má nữa rồi.” Phải nhiều lần lắm, ông Nguyễn Văn Phú mới dìu được bà Thanh Vân rời khỏi quan tài.

12 giờ 10, tiếng chuông nguyện hồn vang lên liên hồi. Phu mộ bắt đầu công việc của mình. Quan tài được đưa dần xuống huyệt, đưa Teresa Nguyễn Thanh Tín về với ông ngoại, về với Chúa tại nghĩa trang Chúa Chiên Lành (Good sherpherd Cemetery), 8301 Talbert Ave., Huntington Beach, CA 92648.



Quốc Dũng - Nhất Anh - Ngọc Lan_NV

cinemagraph john funeral wick

Những kỳ quan cổ đại ít người biết
Gặp sư phụ nghệ thuật xăm mình Nhật Bản
Không gian cà phê nghệ thuật của Hà Nội
CA bắt Nguyễn Phương Uyên tại quán cafe Chiêu
Phỏng vấn Việt Khang ngay khi anh về tới nhà
Tình dục: Cách giảm cân hiệu quả
Tại sao cần học Lịch sử?
A picture is worth a thousand words
Đặc nhiệm SAS tiêu diệt sát thủ ‘John thánh chiến’...
Đã hết thời được tiền 'boa' khi phục vụ?
Nhân quyền, tị nạn và tranh của tôi
Người chết nhìn thấy gì?
Những điều tạo nên một nơi khác lạ ở Mỹ
Cách học ngoại ngữ 'mới và hay nhất’ trong lúc này...
Ai đẻ ra các ông sư hư hỏng
Sáu đồ họa giải thích hiện tượng biến đổi k...
Điểm đến Việt Nam: ‘Đòi tiền chuộc’, ‘chém trước c...
Khi Nam Hàn giả đò 'điều khiển' Bắc Hàn
Việt Nam 'chuyển sang đánh võ mồm'
Tại sao Mỹ cất giấu 700 triệu thùng dầu?

1 comment:

  1. Chúa gọi về mà sao lại khóc lóc thê thảm thế nhỉ?

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.