Tổng thống Mỹ Donald Trump nói tuần tới sẽ đề cử một phụ nữ thay thế Cố thẩm phán Ruth Bader Ginsburg, làm leo thang căng thẳng chính trị về người kế nhiệm.
Thẩm phán Tối cao Pháp viện Ginsburg, 87 tuổi, qua đời hôm thứ Sáu, chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử tổng thống.
Đối thủ đảng Dân chủ của ông Trump, Joe Biden, nói quyết định về người thay thế bà nên đợi cho đến sau cuộc bỏ phiếu.
Sự cân bằng ý thức hệ của tòa án chín thành viên rất quan trọng đối với phán quyết của tòa về các vấn đề quan trọng nhất trong luật pháp Hoa Kỳ.
Nhưng Tổng thống Trump tuyên bố sẽ "không chậm trễ" tuyên thệ người kế nhiệm Ginsburg, động thái khiến các đảng viên Dân chủ tức giận. Họ lo ngại đảng Cộng hòa sẽ bỏ phiếu để đảm bảo đa số bảo thủ kéo dài hàng thập kỷ trong tòa án cao nhất của đất nước.
"Tôi sẽ đề cử một ứng cử viên vào tuần tới. Đó sẽ là một phụ nữ", ông Trump nói tại cuộc vận động tranh cử ở Fayetteville, Bắc Carolina, hôm thứ Bảy. "Tôi nghĩ đó là phụ nữ vì tôi thực sự thích phụ nữ hơn đàn ông."
Một số người ủng hộ hô vang "Hãy lấp đầy vị trí đó!" khi ông Trump phát biểu, thúc giục ông tận dụng cơ hội hiếm hoi để đề cử một thẩm phán thứ ba trong nhiệm kỳ tổng thống, cho một vị trí trọn đời tại tòa án.
Trước đó, ông Trump đã ca ngợi hai nữ thẩm phán trên các tòa phúc thẩm là những lựa chọn khả thi. Cả hai thẩm phán - Amy Coney Barrett và Barbara Lagoa - đều là những người bảo thủ, những người sẽ đưa cán cân của Tối cao Pháp viện nghiêng hẳn về đảng Cộng hòa.
Đảng viên Dân chủ đã phản đối mạnh mẽ bất kỳ đề cử nào trước cuộc bầu cử vào tháng 11, lập luận rằng đảng viên Cộng hòa ở Thượng viện đã ngăn cản sự lựa chọn của Tổng thống Dân chủ Barack Obama cho tòa án hàng đầu của Mỹ năm 2016.
Vào thời điểm đó, tám tháng trước ngày bầu cử, lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell biện minh cho động thái này, với lý do đây là năm bầu cử. Nhưng hôm thứ Sáu, Thượng nghị sĩ McConnell nói ông dự định hành động dựa trên bất kỳ đề cử nào mà ông Trump đưa ra, và đưa nó ra bỏ phiếu tại Thượng viện trước ngày bầu cử.
Ginsburg, một biểu tượng cấp tiến và người mang tiêu chuẩn nữ quyền, chết vì ung thư tuyến tụy di căn tại nhà riêng ở Washington DC, với gia đình chung quanh. Bà là người phụ nữ thứ hai từng ngồi vào Tòa án Tối cao.
Người ủng hộ bà tập trung bên ngoài tòa án tối thứ Sáu để bày tỏ lòng kính trọng đối với người phụ nữ được mọi người trìu mến gọi là "RBG khét tiếng".
Tại sao việc bổ nhiệm gây tranh cãi?
Việc bổ nhiệm các thẩm phán ở Mỹ là một câu hỏi chính trị, có nghĩa là tổng thống được quyền lựa chọn người được đề cử. Thượng viện sau đó bỏ phiếu để xác nhận - hoặc từ chối - lựa chọn đó.
Ginsburg, người đã phục vụ trong 27 năm, là một trong bốn thẩm phán cấp tiến trên băng ghế chín thẩm phán. Cái chết của bà có nghĩa là, nếu đảng Cộng hòa thông qua đề cử, cán cân quyền lực sẽ chuyển hẳn sang phe bảo thủ.
Ông Trump, người đã chọn hai thẩm phán của Tối cao Pháp viện trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, nhận thức rõ rằng việc đưa người được đề cử của ông vào sẽ cho phép phe bảo thủ kiểm soát các quyết định quan trọng trong nhiều thập kỷ tới. Thẩm phán có thể phục vụ suốt đời, trừ khi họ quyết định nghỉ hưu.
"Chúng ta được đặt ở vị trí quyền lực và tầm quan trọng này để đưa ra quyết định cho những người đã bầu ra chúng ta một cách tự hào, điều quan trọng nhất trong những quyết định từ lâu được coi là sự lựa chọn Thẩm phán vào Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Chúng ta có nghĩa vụ này, không chậm trễ ! ", ông viết trên Twitter hôm thứ Bảy.
Trước đó, ông McConnell nói trong một tuyên bố - trong đó có lời tri ân tới thẩm phán Ginsburg - rằng "ứng cử viên được đề cử của Tổng thống Trump sẽ nhận được phiếu bầu trên sàn của Thượng viện Hoa Kỳ".
Thượng nghị sĩ McConnell lập luận năm 2016 rằng "người dân Mỹ nên có tiếng nói trong việc lựa chọn Thẩm phán Tối cao Pháp viện kế tiếp", có nghĩa là "vị trí này không nên được lấp đầy cho đến khi chúng ta có tổng thống mới".
Nhưng giờ đây, ông McConnell nói rằng Thượng viện có quyền hành động vì nó do đảng Cộng hòa kiểm soát và ông Trump là tổng thống của đảng Cộng hòa.
Các thẩm phán hiện giờ của Tối cao Pháp viện
Tuy nhiên, các đảng viên Dân chủ bắt đầu lặp lại những lời của ông McConnell năm 2016.
Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện, Chuck Schumer, đã gửi một tweet lặp lại chính xác cụm từ của McConnell, trong khi ông Biden nói với các phóng viên: "Không có nghi ngờ gì nữa - hãy để tôi nói rõ - rằng cử tri nên chọn tổng thống và tổng thống nên chọn thẩm phán cho Thượng viện cân nhắc."
Ginsburg cũng đã nói rõ cảm xúc của mình trong những ngày trước khi qua đời.
"Mong muốn nhiệt thành nhất của tôi là tôi sẽ không bị thay thế cho đến khi một tổng thống mới được bổ nhiệm", bà viết trong một tuyên bố với cháu gái của mình, theo National Public Radio (NPR).
Tương lai của quyền phá thai nằm trên lá phiếu
Phân tích của Laura Trevelyan: Cái chết của Ruth Bader Ginsburg đã tạo thêm một yếu tố bất ổn mới cho cuộc đua tổng thống, với những câu hỏi về ý nghĩa của nó với cuộc chiến giành phiếu bầu của phụ nữ vốn đã căng thẳng. Giờ đây, tương lai của phán quyết mang tính bước ngoặt Roe v Wade về quyền phá thai đã nằm chắc trong lá phiếu.
Tổng thống Trump, người các cuộc thăm dò cho thấy dần dần mất đi sự ủng hộ của phụ nữ có trình độ đại học kể từ khi ông đắc cử, đã có động tác thu hút phiếu của giới ông gọi là bà nội trợ ngoại ô.
Đối với phụ nữ bảo thủ, đặc biệt là những người theo đạo Tin Lành, những người nghi ngờ về tính cách của ông Trump, tầm quan trọng của quyền được sống có thể là một yếu tố quan trọng. Nếu ứng cử viên của đảng Cộng hòa vào Tối cao Pháp viện là một phụ nữ, đây cũng có thể là cách để ông thu hút nữ cử tri.
Các đảng viên Đảng Dân chủ đã giành được ghế Hạ viện ở các quận ven đô vào năm 2018 hầu hết nhấn mạnh rằng phụ nữ nên có quyền kiểm soát cơ thể của mình.
Cái chết của thẩm phán biểu tượng cho nữ quyền RBG, người đã làm rất nhiều cho việc đưa vào luật quyền bình đẳng pháp lý cho phụ nữ, cũng sẽ là một lời kêu gọi tập hợp cho các đảng viên Dân chủ, những người có thể nói với các cử tri nữ rằng những lợi ích đó hiện đang bị đe dọa.
Trong một năm đã có quá nhiều xáo trộn ở Mỹ vì virus corona và phân biệt chủng tộc, giờ đây các cuộc chiến văn hóa về phá thai cũng là đề tài trung tâm của cuộc bầu cử tổng thống.
Vai trò của Tối cao Pháp viện
Tòa án cấp cao nhất ở Hoa Kỳ thường là tòa án cuối cùng về các luật có tính tranh chấp cao, tranh chấp giữa các tiểu bang và chính phủ liên bang, và kháng nghị cuối cùng để giữ nguyên các vụ hành quyết.
Trong những năm gần đây, Tối cao Pháp viện đã mở rộng hôn nhân đồng tính cho tất cả 50 tiểu bang, cho phép áp dụng lệnh cấm đi lại của Tổng thống Trump và trì hoãn kế hoạch cắt giảm lượng khí thải carbon của Mỹ trong khi kháng cáo được tiến hành.
Tòa án cao nhất Hoa Kỳ cũng giải quyết các vấn đề như quyền sinh sản - một trong những lý do chính mà một số người bảo thủ ủng hộ cuộc sống muốn gạt cán cân quyền lực của tòa khỏi những người theo chủ nghĩa cấp tiến.
Những ai có triển vọng được đề cử?
Barbara Lagoa: Một người Mỹ gốc Cuba của Tòa phúc thẩm Khu vực 11, trụ sở tại Atlanta, bà là thẩm phán gốc Tây Ban Nha đầu tiên tại Tòa án tối cao Florida. Bà là một cựu công tố viên liên bang.
Amy Coney Barrett: Thành viên của Tòa phúc thẩm Khu vực 7, trụ sở tại Chicago, bà là người được những người bảo thủ tôn giáo yêu thích và được biết đến với quan điểm chống phá thai. Bà là một học giả pháp lý tại Trường Luật Notre Dame ở Indiana.
Kate Comerford Todd: Phó Cố vấn Nhà Trắng, được nhiều hỗ trợ bên trong Nhà Trắng. Từng là Phó chủ tịch cấp cao và Luật sư trưởng, Trung tâm Tố tụng Phòng vệ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.