Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 nhờ một cụm từ đơn giản: "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại".
Tranh cử mong được ở lại Nhà Trắng nhiệm kỳ thứ hai, ông phải đối mặt với một đất nước đang vật lộn với những thách thức từ virus corona và dư chấn kinh tế của đại dịch - và một khối đại cử tri đang cân nhắc thành quả của ông trong bốn năm cầm quyền.
Chiến dịch tranh cử năm 2020 của ông dựa vào chính sách phục hồi nền kinh tế, thúc đẩy việc làm, bảo vệ lợi ích thương mại của Hoa Kỳ và tiếp tục lập trường cứng rắn về vấn đề nhập cư.
Dưới đây là chính sách của ông Trump trong tám vấn đề chính.
Dựng lại nền kinh tế tơi tả vì đại dịch
Tổng thống Trump từ lâu đã vận động tranh cử theo nguyên tắc "Nước Mỹ trên hết", và thúc đẩy việc đưa việc làm và ngành sản xuất trở lại Mỹ.
Trong chiến dịch tranh cử đầu, ông Trump hứa sẽ cắt giảm thuế cho những người Mỹ đang làm việc, giảm thuế suất doanh nghiệp, cải thiện hiện trạng thương mại và phục hồi ngành sản xuất của Mỹ.
Trong một số những điều này, ông đã phần nào thực hiện được.
Trong bốn năm qua, ông đã rút lại các quy định liên bang về doanh nghiệp, cắt giảm thuế doanh nghiệp và thuế thu nhập và ký các lệnh hành pháp hỗ trợ các ưu đãi đối với các sản phẩm sản xuất trong nước.
Kể từ tháng 1/2017, Mỹ đã có thêm hơn 480.000 việc làm trong lĩnh vực sản xuất, mặc dù các nhà phân tích cho rằng tăng trưởng trong lĩnh vực này đang chậm lại và các chính sách liên quan của ông Trump - như thuế quan - chưa giải quyết được các vấn đề cơ cấu.
Ông Trump cũng dự đoán kinh tế sẽ phục hồi ngay sau đại dịch - mặc dù các nhà phê bình nói rằng phản ứng Covid-19 của ông đã gây ra thiệt hại kinh tế lâu dài.
Chấm dứt 'phụ thuộc' vào TC, bảo vệ sản xuất của Mỹ
Ông Trump vận động tranh cử với lời hứa Mỹ nên tập trung vào lợi ích kinh tế của chính mình mặc dù ông nói "Nước Mỹ trên hết" không có nghĩa là "nước Mỹ đơn độc".
Về thương mại, ông Trump có lập trường cứng rắn đối với Trung cộng, cùng với chính sách bảo vệ các nhà sản xuất trong nước khỏi sự cạnh tranh từ nước ngoài - và đó vẫn là những khía cạnh quan trọng trong chính sách thương mại của ông.
Trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên, tổng thống nhấn mạnh công việc của ông là đàm phán lại các thỏa thuận thương mại trong quá khứ mà ông nói là không công bằng đối với Mỹ - như Nafta, giữa Mỹ, Canada và Mexico - hoặc rời bỏ chúng - như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông cũng hứa sẽ khắc phục thâm hụt thương mại của Mỹ (chênh lệch giữa nhập khẩu và xuất khẩu), mà, lần đầu tiên trong sáu năm đã giảm vào năm 2019, mặc dù các nhà kinh tế không đồng ý về việc liệu điều này có thực sự cải thiện kinh tế hay không.
Cuộc chiến thương mại đang diễn ra của Tổng thống Trump với Trung cộng đã tăng thuế biên giới lên gần 500 tỷ đôla thương mại hàng năm và thỏa thuận "giai đoạn một" năm nay giữa hai quốc gia đã khiến hầu hết các mức thuế vẫn được giữ nguyên.
Vào tháng 8, ông cho biết muốn cung cấp các khoản miễn trừ thuế để lôi kéo công ty Mỹ chuyển sản xuất ra khỏi Trung cộng, đồng thời nói rằng "chúng ta sẽ chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung cộng".
Ông Trump cũng đã áp thuế lên hàng hóa từ Liên minh châu Âu - từ thép đến rượu vang của Pháp - đã đe dọa áp thuế lên thép và nhôm từ Brazil và Argentina, và gần đây đã tái áp thuế đối với một số sản phẩm nhôm của Canada.
'Nước Mỹ trên hết' và khẳng định chủ quyền của Mỹ
Như với thương mại, ông Trump cũng đã hứa đặt "Nước Mỹ trên hết" trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Theo cách nói của Nhà Trắng, điều đó có nghĩa là "khẳng định lại chủ quyền của Mỹ và quyền của tất cả các quốc gia được xác định tương lai của mình", với trọng tâm là đảm bảo an ninh và thịnh vượng.
Điều đó có ý nghĩa gì trong thực tế?
Nó bao gồm việc rút khỏi một số hiệp định đa phương lớn như hiệp định khí hậu Paris hoặc rút lui khỏi một số tổ chức đa phương, như Tổ chức Y tế Thế giới.
Ông đã thách thức một số liên minh quốc tế, thúc đẩy các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (Nato) tăng cường chi tiêu quốc phòng của họ trong liên minh quân sự.
Và gần đây ông nhắc lại lời hứa sẽ hạ thấp quân số của Mỹ ở nước ngoài - hiện đang ở mức ngang bằng lúc ông nhậm chức - đặc biệt là ở những nơi như Đức và Afghanistan.
Giới phê bình cho rằng ông đã tạo ra căng thẳng với các đồng minh thân cận lịch sử của Mỹ trong khi tiếp cận với các đối thủ như Triều Tiên và Nga.
Ông có những thành công trong chính sách đối ngoại, gần đây đã giúp môi giới một thỏa thuận giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất để bình thường hóa quan hệ.
Và ông đã hô hào việc giết Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS), và chỉ huy quân sự quyền lực của Iran, Tướng Qasem Soleimani.
Xây tường và hạn chế nhập cư
Những lời hứa hạn chế mức nhập cư đã trở thành nền tảng cho sự nghiệp chính trị của tổng thống.
Bây giờ, khi ông vận động tái tranh cử, ông hứa sẽ tiếp tục xây bức tường biên giới trên biên giới Mỹ-Mexico - cho đến nay ông đã bảo đảm kinh phí cho 445 dặm (716 km) của hàng rào 722 dặm.
Ông cũng thề sẽ loại bỏ việc xổ số Visa và di cư theo chuỗi - nghĩa là nhập cư vào Mỹ dựa trên quan hệ gia đình - và chuyển sang hệ thống nhập cảnh "dựa trên thành tích".
Kế hoạch cải cách nhập cư của ông Trump phải đối mặt với thất bại vào mùa hè này khi Tòa án Tối cao ra phán quyết chống lại nỗ lực hủy bỏ bộ luật DACA của chính quyền ông, vốn bảo vệ khoảng 650.000 thanh niên nhập cảnh vào Mỹ mà không có giấy tờ khi còn nhỏ.
Giảm gía thuốc, chấm dứt Đạo luật Obamacare
Ông Trump vận động tranh cử năm 2016 dựa trên việc bãi bỏ Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng (Obamacare) do cựu Tổng thống Barack Obama đưa ra.
Mặc dù không thể bãi bỏ hoàn toàn, chính quyền Trump đã thành công trong việc hủy bỏ các phần của luật đó gồm bãi bỏ việc bắt mọi người phải mua bảo hiểm y tế, nếu không phải nộp phạt thuế.
Tổng thống Trump cũng hứa sẽ hạ giá thuốc ở Mỹ và vào tháng 7 đã đưa ra các biện pháp cho phép giảm giá và nhập khẩu thuốc rẻ hơn từ nước ngoài, mặc dù một số nhà phân tích trong ngành cho rằng những biện pháp này sẽ không có nhiều tác dụng.
Ông tuyên bố cuộc khủng hoảng opioid là tình trạng khẩn cấp về y tế quốc gia vào năm 2017 và cung cấp 1,8 tỷ đôla tài trợ liên bang cho các tiểu bang để thực hiện biện pháp phòng ngừa, điều trị và phục hồi. Ông cũng thực hiện các bước để hạn chế kê đơn opioid.
Nhưng giới phê bình cho rằng nỗ lực liên tục nhằm phá bỏ Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng, đưa bảo hiểm y tế đến cho hàng triệu người, của ông, sẽ gây bất lợi cho việc chiến đấu với cuộc khủng hoảng opioid.
Thúc đẩy năng lượng Hoa Kỳ
Kể từ khi nhậm chức, ông Trump đã rút ra khỏi hàng trăm biện pháp bảo vệ môi trường, bao gồm giới hạn lượng khí thải carbon dioxide từ các nhà máy điện và phương tiện giao thông, cũng như bảo vệ các tuyến đường thủy liên bang trên khắp đất nước, thực hiện lời hứa tranh cử từ năm 2016.
Ông cũng rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, nói rằng thỏa thuận này gây bất lợi cho Mỹ "vì lợi ích riêng của các nước khác". Việc rút lui đó sẽ chỉ chính thức hoàn tất sau cuộc bầu cử vào tháng 11.
Gần đây nhất, chính quyền của ông đã phê duyệt việc khoan dầu khí tại Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Quốc gia Bắc Cực ở Alaska, nơi việc khoan dầu đã bị giới hạn trong nhiều thập niên.
Theo dõi hành vi sai trái của cảnh sát
Tổng thống Trump cổ súy Đạo luật Bước Đầu tiên như bước quan trọng mà ông thực hiện đối với cải cách tư pháp hình sự.
Dự luật lưỡng đảng năm 2018 có ý nghĩa quan trọng, và các luật đã được cải cách ở cấp liên bang, giúp các thẩm phán có quyền quyết định hơn trong quá trình tuyên án cũng như tăng cường các nỗ lực cải tạo tù nhân.
Ông Trump cũng hứa sẽ có Đạo luật Bước Thứ hai tiếp theo sẽ giải quyết các rào cản về việc làm cho các cựu tù nhân, mặc dù chưa có luật nào như vậy được đề xuất cho đến nay.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump tự cho mình là một người ủng hộ việc thực thi pháp luật và vẫn giữ nguyên như vậy trong suốt nhiệm kỳ tổng thống, gần đây nhất ông đã leo thang việc ủng hộ cảnh sát trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống bất công phân biệt chủng tộc trên toàn quốc.
Trong tháng 6, Tổng thống Trump ký một lệnh hành pháp giới thiệu một số cải cách cảnh sát, cung cấp các khoản trợ cấp liên bang để cải thiện hoạt động, bao gồm cả việc tạo cơ sở dữ liệu để theo dõi các hành vi lạm dụng của cảnh sát.
Tổng thống nói rằng các phương pháp chẹn cổ gây tranh cãi để kiềm chế nghi phạm "nói chung" nên bị cấm nhưng đã không chuyển sang thực thi một lệnh cấm.
Bảo vệ Tu chính án thứ Hai
Sau khi nước Mỹ bị rung chuyển bởi các vụ xả súng hàng loạt ở Texas và Ohio năm 2019, ông Trump bày tỏ sự ủng hộ đối với một loạt cải cách, chẳng hạn như kiểm tra lý lịch chặt chẽ hơn đối với người mua súng và "luật cờ đỏ", ngăn chặn quyền tiếp cận vũ khí đối với những người được coi là rủi ro cho xã hội.
Nhưng sau cơn sốt quan tâm ban đầu này, ông Trump hầu như đã không làm gì để chuyển những ý tưởng này thành hành động. Thay vào đó, tổng thống tiếp về tục lên tiếng bảo vệ Tu chính án thứ Hai của hiến pháp Hoa Kỳ - bảo vệ quyền sở hữu súng của người Mỹ - và quyền lợi của nhóm vận động hành lang súng mạnh mẽ, Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA).
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.