Chính phủ Lebanon đã cáo buộc Israel thực hiện vụ tấn công, gọi đây là "hành vi bạo lực tội ác", trong khi Hezbolla thề sẽ "trả thù đích đáng".
Israel chưa phản hồi cáo buộc này, nhưng một vài cơ quan truyền thông của nước này đưa tin rằng nội các Israel đã ra lệnh cho các bộ trưởng không đưa ra tuyên bố công khai nào về sự kiện này.
Israel thường theo dõi các hoạt động của Hezbolla rất chặt chẽ. Điều này cho thấy loạt tấn công có khả năng là một phần trong cuộc xung đột đang tiếp diễn giữa hai bên.
Thành công của Mossad
Mossad được ghi nhận với hàng loạt chiến dịch thành công.
Truy lùng sĩ quan Đức Quốc xã Adolf Eichmann
Cuộc bắt cóc sĩ quan Đức Quốc xã Adolf Eichmann tại Argentina vào năm 1960 là một trong những phi vụ tình báo thành công gây tiếng vang nhất của Mossad.
Eichmann, kiến trúc sư trưởng của chương trình diệt chủng Holocaust, chịu trách nhiệm về hoạt động đàn áp người Do Thái ở các trại tập trung của Đức Quốc xã trong Thế chiến II, trong đó khoảng sáu triệu người Do Thái đã bị giết.
Sau khi lẩn trốn bằng cách di chuyển qua một số nước, Eichmann cuối cùng định cư ở Argentina.
Một nhóm gồm 14 điệp viên Mossad đã lần ra hành tung của Eichmann, bắt cóc ông ta và đưa về Israel, nơi ông ta bị xét xử và cuối cùng bị hành hình.
Chiến dịch Entebbe
Chiến dịch Entebbe ở Uganda được coi là một trong những chiến dịch quân sự thành công nhất của Israel.
Mossad cung cấp thông tin tình báo, trong khi quân đội Israel tiến hành chiến dịch.
Lực lượng biệt kích Israel đã giải cứu thành công 100 con tin từ một chiếc máy bay bay từ Tel Aviv tới Paris quá cảnh ở Athens.
Chiếc máy bay này chở khoảng 250 hành khách, trong đó có 103 người Israel.
Nhưng kẻ không tặc - hai trong số đó là thành viên của Mặt trận Bình dân Giải phóng Palestine và hai đồng phạm người Đức - đã buộc máy bay chuyển hướng tới Uganda.
Sự kiện này dẫn đến cái chết của ba con tin, những kẻ không tặc, một số lính Uganda và Yonatan Netanyahu, anh trai của Thủ tướng Israel đương nhiệm Benjamin Netanyahu.
Chiến dịch Anh em
Trong một vụ đánh lừa phi thường, vào đầu những năm 1980, Mossad – theo chỉ thị của Thủ tướng Menachem Begin – đã đưa lậu hơn 7.000 người Do Thái Ethiopia đến Israel thông qua Sudan, sử dụng vỏ bọc là một khu nghỉ dưỡng lặn giả.
Sudan là một quốc gia thù địch thuộc Liên đoàn Ả Rập, vì vậy chiến dịch này được thực hiện hoàn toàn bí mật. Một nhóm điệp viên Mossad đã lập một khu nghỉ dưỡng trên bờ biển Biển Đỏ của Sudan để làm căn cứ.
Vào ban ngày, họ cải trang thành nhân viên khách sạn và vào ban đêm, họ đưa lậu người Do Thái, những người đã bí mật đi bộ từ nước láng giềng Ethiopia, ra khỏi Sudan bằng đường hàng không và đường biển.
Hoạt động này diễn ra trong ít nhất năm năm và khi bị phát hiện, các điệp viên Mossad đã trốn thoát.
Trả đũa vụ bắt cóc tại Thế vận hội Munich
Năm 1972, nhóm chiến binh Palestine Black September (Tháng Chín Đen) đã giết hai thành viên đoàn thể thao Israel tại Thế vận hội Munich và bắt giữ chín người khác.
Các con tin sau đó đã bị giết trong một nỗ lực giải cứu bất thành của cảnh sát Tây Đức.
Sau đó, Mossad nhắm vào một số thành viên của Tổ chức Giải phóng Palestine, trong đó có Mahmoud Hamshari.
Ông này đã bị giết bởi một thiết bị nổ được cài trong điện thoại tại căn hộ ở Paris.
Hamshari bị mất một chân trong vụ nổ và cuối cùng chết vì vết thương quá nặng.
Yahya Ayyash và vụ nổ điện thoại
Trong một chiến dịch tương tự vào năm 1996, Yahya Ayyash, một chuyên gia chế tạo bom chủ chốt của Hamas, đã bị ám sát sau khi chiếc điện thoại di động Motorola Alpha chứa 50 gram thuốc nổ nổ tung.
Ayyash, một nhà lãnh đạo quân sự hàng đầu của Hamas, nổi tiếng với chuyên môn chế tạo bom và chỉ đạo các cuộc tấn công phức tạp nhằm vào các mục tiêu của Israel.
Điều này khiến ông ta trở thành đối tượng chính của các cơ quan an ninh Israel, là một trong những người bị Israel truy nã gắt gao nhất.
Vào cuối năm 2019, Israel đã dỡ bỏ kiểm duyệt một số chi tiết nhất định của vụ ám sát và Kênh truyền hình 13 của Israel đã phát sóng bản ghi âm cuộc gọi điện thoại cuối cùng của Ayyash với cha mình.
Các vụ ám sát Hamshari và Ayyash cho thấy lịch sử lâu dài và phức tạp của việc sử dụng công nghệ tiên tiến để giết người có chủ đích.
Mahmoud al-Mabhouh bị siết cổ đến chết
Năm 2010, Mahmoud al-Mabhouh, một nhà lãnh đạo quân sự cấp cao của Hamas, đã bị ám sát tại một khách sạn ở Dubai.
Ban đầu, có vẻ như đó là một cái chết tự nhiên, nhưng cảnh sát Dubai cuối cùng đã có thể xác định được nhóm ám sát sau khi xem xét đoạn phim từ video giám sát.
Cảnh sát tiết lộ rằng al-Mabhouh đã bị giết bằng điện giật và sau đó bị siết cổ.
Vụ án này bị nghi ngờ do Mossad thực hiện, gây ra sự phẫn nộ ngoại giao từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Israel tuyên bố rằng không có bằng chứng nào cho thấy Mossad liên quan tới vụ thủ tiêu.
Dù thế, họ cũng không phủ nhận, điều này phù hợp với chính sách duy trì "sự mơ hồ" của Israel về những vấn đề như vậy.
Những nỗ lực ám sát bất thành
Mặc dù đã thực hiện nhiều chiến dịch thành công, Mossad cũng có những thất bại lớn.
Khaled Meshal - lãnh đạo chính trị Hamas
Một trong những hoạt động dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng là nỗ lực ám sát Khaled Meshaal tại Jordan bằng chất độc vào năm 1997. Meshaal là người đứng đầu bộ chính trị Hamas.
Nhiệm vụ đã thất bại khi các điệp viên Israel bị bắt, buộc Israel phải cung cấp thuốc giải độc để cứu mạng Meshaal.
Người đứng đầu Mossad khi đó, Danny Yatom, đã bay đến Jordan để điều trị cho Meshaal.
Vụ ám sát này đã khiến mối quan hệ giữa Jordan và Israel trở nên căng thẳng.
Mahmoud al-Zahar, thủ lĩnh Hamas
Năm 2003, Israel đã tiến hành một cuộc không kích nhằm vào nhà của thủ lĩnh Hamas Mahmoud al-Zahar ở thành phố Gaza.
Mặc dù al-Zahar sống sót sau cuộc tấn công, nhưng vợ và con trai ông ta là Khaled cùng với một số người khác đã thiệt mạng.
Vụ đánh bom đã phá hủy hoàn toàn nơi ở của al-Zahar, cho thấy hậu quả nghiêm trọng của các hoạt động quân sự ở những khu vực đông dân cư.
Vụ bê bối Lavon
Năm 1954, chính quyền Ai Cập đã phá tan một hoạt động gián điệp của Israel được gọi là Chiến dịch Susannah.
Đây là kế hoạch đặt bom tại các tòa nhà của Mỹ và Anh tại Ai Cập để gây sức ép buộc Anh duy trì lực lượng đồn trú tại Kênh đào Suez.
Vụ việc được biến đến với tên gọi Vụ bê bối Lavon, được đặt theo tên Bộ trưởng Quốc phòng Israel khi đó là Pinhas Lavon.
Ông Lavon được cho là đã tham gia vào việc lên kế hoạch cho chiến dịch này.
Mossad cũng được coi là đã phải chịu một số thất bại tình báo thảm khốc.
Chiến tranh Yom Kippur
Vào ngày 6/10 năm 1973, Ai Cập và Syria phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào Israel để giành lại Bán đảo Sinai và Cao nguyên Golan.
Cuộc tấn công diễn ra vào lễ Yom Kippur, ngày lễ chuộc tội của người Do Thái, đã khiến Israel bất ngờ.
Ai Cập và Syria tấn công Israel trên hai mặt trận.
Lực lượng Ai Cập đã vượt qua Kênh đào Suez, chỉ chịu chút ít thương vong như dự kiến, trong khi lực lượng Syria tấn công các vị trí của Israel và tiến vào Cao nguyên Golan.
Liên Xô cung cấp nhu yếu phẩm cho Syria và Ai Cập, còn Mỹ cung cấp một tuyến tiếp tế khẩn cấp cho Israel.
Israel sau đó đẩy lùi quân Ai Cập và Syria.
Chiến tranh kết thúc vào ngày 25/10 - bốn ngày sau khi Liên Hợp Quốc ra nghị quyết kêu gọi chấm dứt giao tranh.
Cuộc tấn công ngày 7/10/2023
Việc Mossad không dự báo được cuộc tấn công được coi là một thất bại lớn, phản ánh sự yếu kém trong chính sách răn đe của Israel đối với Hamas, theo các nhà phân tích.
Cuộc tấn công ngày 7/10 đã khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng, chủ yếu là thường dân, chính quyền Israel cho biết.
Khoảng 251 người khác đã bị bắt và đưa tới Dải Gaza làm con tin.
Để đáp trả cuộc tấn công của Hamas, Israel đã phát động một cuộc chiến tranh ở Dải Gaza, cho đến nay đã khiến hơn 40.000 người thiệt mạng, phần lớn là thường dân, theo Bộ Y tế Gaza.
Taouba Khelifi
***
Sự lợi hại của tình báo Do Thái Mossad
1. Mở bài
Hiện nay, không một cơ quan mật vụ nào trên thế giới bí ẩn, gây sợ hãi và được khâm phục hơn Mossad, cơ quan tình báo hải ngoại của Do Thái, với những cấu trúc độc nhất vô nhị, cũng là một cơ quan gián điệp vấy máu nhiều nhất trong lịch sử tình báo thế giới.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.