Việc giảm lãi suất đã được nhiều người dự báo từ trước. Động thái này sẽ ảnh hưởng đến lãi suất thế chấp, thẻ tín dụng và khoản tiết kiệm của hàng triệu người dân Mỹ và thậm chí là người dân trên toàn thế giới.
Fed đã giảm lãi suất cho vay chính xuống nửa điểm phần trăm, xuống mức từ 4,75% đến 5%.
Các khoản thế chấp, vay mua xe hơi và các khoản nợ khác bị tác động ra sao?
Mức này cũng đặt ra mức cơ sở cho lãi suất mà các công ty tính cho người dân Mỹ để vay các khoản như thế chấp hoặc các khoản nợ khác, chẳng hạn dư nợ thẻ tín dụng chưa thanh toán.
Mức lãi suất đó đã dao động quanh mức 5,3% trong hơn một năm qua - mức cao nhất kể từ năm 2001.
Đợt cắt giảm này sẽ khiến những người đi vay cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Tuy nhiên, những người gửi tiết kiệm có thể không vui khi nhiều ngân hàng sẽ giảm lãi suất của họ.
Lãi suất thế chấp tại Mỹ trước đó đã giảm một ít, phần nào đến từ việc dự báo được Fed sẽ giảm lãi suất.
Điều này tác động gì đến thế giới?
Ngoài ra, một số ngân hàng trung ương có tiền tệ neo giá với đồng USD thường sẽ ra quyết định giống Fed, chẳng hạn như ở Hong Kong hoặc các quốc gia vùng Vịnh. Do đó, người dân ở những nơi này cũng sẽ cảm nhận được sức ảnh hưởng.
Đối với nhiều người bên ngoài nước Mỹ và đang đầu tư vào chứng khoán Mỹ, đây có thể là một tin tốt.
Đầu tiên, việc giảm lãi suất có nghĩa là các công ty có thể vay với chi phí ít hơn để tái đầu tư, tạo ra lợi nhuận lớn hơn.
Thứ hai, lãi suất thấp hơn có nghĩa là việc gửi tiết kiệm và một số loại đầu tư khác trở nên kém hấp dẫn hơn, vì vậy các nhà đầu tư có xu hướng chuyển tiền của họ sang các kênh khác như cổ phiếu.
Tại sao Fed lại cắt giảm lãi suất lúc này?
So với các ngân hàng trung ương khác, Fed hơi muộn trong việc cắt giảm lãi suất.
Châu Âu, Vương quốc Anh, New Zealand và Canada cũng như nhiều ngân hàng ở các thị trường mới nổi đã giảm lãi suất trước đó.
Đối với Fed, họ cắt giảm hoặc tăng lãi suất để ứng phó với hai thứ: lạm phát và việc làm.
Vào năm 2022, khi Fed bắt đầu tăng lãi suất, các quan chức tập trung vào lạm phát và muốn giá tiêu dùng ổn định trở lại. Giá tiêu dùng khi đó đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ những năm 1980.
Vì việc vay trở nên khó khăn hơn nên mọi người chi ít hơn cho mọi thứ, từ hàng tiêu dùng đến nhà cửa và trang thiết bị kinh doanh.
Nhưng khi nhu cầu giảm cũng có nghĩa là nền kinh tế đã không hẳn tăng trưởng nhanh. Nếu nền kinh tế chậm lại quá mức và bắt đầu co lại thì đó là khi suy thoái xảy ra.
Trước đây, nền kinh tế Mỹ thường rơi vào suy thoái sau một loạt lần tăng lãi suất, khiến hàng triệu người mất việc làm.
Trong năm qua, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tăng cao khi tuyển dụng giảm mạnh.
Vậy Fed cắt giảm lãi suất vì họ đã chiến thắng cuộc chiến chống lạm phát hay vì nền kinh tế đang gặp nguy?
Nhiều nhà phân tích cho rằng là vì Mỹ đã chống lạm phát thành công. Lạm phát giá cả nằm ở mức 2,5% vào tháng 8/2024.
Các quan chức nói họ ngày càng tin rằng lạm phát đang quay trở lại bình thường, vì vậy sự chú ý của họ đang chuyển sang những rủi ro đối với thị trường việc làm.
Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đã theo dõi chặt chẽ các động thái của Fed trong hai năm và việc giảm lãi suất có thể sẽ giúp ích cho Đảng Dân chủ khi đảng này nắm quyền.
Nhưng chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhiều lần nói rằng họ tập trung vào dữ liệu kinh tế chứ không phải chính trị khi đưa ra quyết định của mình.
Việc cắt giảm nửa điểm phần trăm có phải là điều bất ngờ?
Động thái này chắc chắn đã gây bất ngờ.
Trước cuộc họp của Fed, các nhà phân tích đã tranh luận xem liệu Fed sẽ công bố mức cắt giảm 0,25 điểm phần trăm hay sẽ cắt giảm lớn hơn và bất thường hơn là 0,5 điểm phần trăm.
Hầu hết tin rằng mức giảm 0,25 điểm phần trăm là khả thi nhất nhưng điều đó đã không xảy ra.
Đối với một ngân hàng đã cố gắng truyền tải các động thái của mình một cách rõ ràng trước đó, động thái này gây ngạc nhiên cho nhiều người.
Natalie Sherman
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.