Friday, May 6, 2011

Bộ mặt thật của “Thánh sống” kiếm tiền xây biệt thự


image


Anh đồng nghiệp chưa kịp trả lời thì “thầy” thưởng một nụ hôn lên cổ, kèm theo mấy cái phát yêu vào mông khiến anh sững người.

Cách xem bói của “thầy” Lương (Đông Dư, Gia Lâm, Hà Nội) không có gì đặc biệt. Ban đầu, “thầy” sẽ xáo qua cỗ bài, đưa cho khách rồi nói: “nữ 9, nam 7, xáo đi”. Khi khách đã xáo xong bài, “thầy” xếp thành ba hàng rồi hỏi các thông tin cơ bản như tuổi, quê quán của khách. Tay xếp bài, miệng hỏi, nhịp nhàng và thành thục.

image
"Ông Thánh" Lương đã lừa đảo hàng ngàn người để có tiền xây biệt thự hoành tráng như thế này.

Nhiều khách nam được ông “thầy” này tán cùng một câu: Anh là người rất rộng lượng, tin người, có khi vay tiền cho người khác mà không đòi được, lại phải trả nợ bù cho họ…
Nhiều nữ giới lại được “thầy” khen: Chị là người tháo vát, đảm đang, việc nhà không tới tay chị là không xong, những việc lớn trong nhà chủ yếu do chị quyết định, chồng không giúp được nhiều…

Những người chờ đợi, xếp hàng đều biết những lời “thầy” nói với người trước và mình có phần giống nhau, nhưng vì toàn là lời khen nên đều thích. Có lẽ, ai cũng cảm thấy mình là người cao thượng và có một vài thiệt thòi trong cuộc sống như lời “thầy” phán.

Bao giờ cũng thế, sau khi xem tướng xong, “thầy” bắt đầu đưa ra mô-típ câu hỏi dạng lựa chọn: “Trong hai năm 2001 và 2006 thì năm nào chị bị thất thoát rất nhiều tiền của?”; “Nhà chị có 2 hay 3 con?”; “Đã mua 2 hay 3 mảnh đất?”. Hễ khách chọn một trong hai phương án mà “thầy” đưa ra, thì “thầy” sẽ nói tiếp, nhưng không chọn phương án nào thì “thầy” chuyển chủ đề ngay lập tức.

image
"Thầy" Lương trò chuyện trong lúc giải lao.

Ai có câu trả lời nằm vào 1 trong hai sự lựa chọn ấy cũng tỏ ra thán phục tài bói toán của “thầy”, nhưng nếu cả 2 phương án đều sai, họ cũng tỏ ra bình thường vì đây cũng chỉ câu hỏi.

Về đất đai, “thầy” luôn phán theo hai dạng, hoặc là những thông tin nghiễm nhiên đúng, ví dụ như các mảnh đất ở của khách đều có gần một cột điện, ra khỏi cổng một đoạn có ngã ba, hay ngã tư gì đó. Còn đất dự án mà họ mới tậu thì mảnh nào cũng từng là ruộng trồng lúa, trồng rau, mảnh nào cũng gần một dòng nước nhỏ.
Rồi “thầy” phán những thông tin mơ hồ, khó xác định. “Thầy” thường hỏi: “Mảnh đất này ngày xưa có cây ổi to, là do bố anh trồng hay ông nội anh trồng?”; “Cây roi ở ngoài cổng ra một đoạn là hàng xóm trồng hay gia đình anh trồng?”.
Vốn dĩ những thông tin về cây cối là thông tin rất khó xác định, lại thêm cách hỏi bằng dạng câu hỏi lựa chọn làm cho các vị khách hầu như rất bối rối, không trả lời được. Lúc đó, “thầy” lại nói: “Anh (chị ) không nhớ rồi”.

Người đầu tiên được “thầy” xem buổi hôm đó là một người phụ nữ gần 60 tuổi. Sau một một hồi thao thao bất tuyệt về quá khứ, tương lai, gia sự của người phụ nữ này, “thầy” phán: “Cô có căn, nên cô mới vất vả, khó khăn như vậy. Muốn mọi việc trong cuộc sống suôn sẻ, thì phải làm lễ tiễn căn”.
Người phụ nữ này có ý nhờ “thầy” làm lễ giúp bà. “Thầy” Lương bình thản nói: “Cứ biết thế đã, có làm thì tháng 8 thầy mới làm được.” Một người khách quen của “thầy” nói với người phụ nữ này: “Làm đi chị ạ! Hết mấy chục triệu thôi, nhưng mà đỡ vất vả về sau”.

Ngồi nghe “thầy” phán với khách, tôi đã thuộc lòng những mô-tip câu hỏi, những lời phán vô thưởng, vô phạt, bằng giọng nói lảnh lót, có phần nữ tính của “thầy”. Rồi tôi cũng được “thầy” gọi vào.
Tôi quyết định thử “thầy” bằng cách bịa ra một câu chuyện éo le để xem “ông Thánh” này có phát hiện ra không và sẽ phán thế nào. Dù chưa lập gia đình, nhưng tôi nói mình mới cưới chồng tháng 8 năm ngoái, chồng mới chuyển công tác vào Nam, rồi ngoại tình, cô tình nhân đã mang thai…

 image
"Thánh Lương" ra ngoài thư giãn sau cuộc xem bói kéo dài.

Tôi nhờ “thầy” xem giúp phải làm cách nào để cứu vãn cuộc hôn nhân này. Không những không phát hiện ra tôi nói dối, “thầy” còn phán rằng, tôi phải gọi chồng về, bảo gia đình chồng mang lễ vật tới nhà để “cưới lại”.

image
Chiêm ngưỡng dung nhan "thầy" qua cửa sổ.

Nhưng nếu cô bồ nhí của chồng tôi thực sự đã có thai, thì không thể cứu vãn được, hai vợ chồng đành phải chia tay. Sau đó, tôi có hỏi thêm về gia sự nhà chồng, dù chuyện ấy là giả, nhưng “thầy” vẫn thản nhiên phán vanh vách bố mẹ chồng, chồng, em chồng tôi như thế nào, thậm chí vận hạn trong năm nay ra sao…
Thế rồi, “thầy” bước ra cổng, nơi “anh họ” (thực chất là anh bạn đồng nghiệp – tôi giới thiệu là anh họ) tôi đang đứng. Thầy hỏi: “Sao lại để em gái lấy chồng vào tuổi kim lâu?”. Anh đồng nghiệp chưa kịp trả lời thì “thầy” thưởng một nụ hôn lên cổ, kèm theo mấy cái phát yêu vào mông khiến anh ta sững người.

image
Mệt mỏi vì phải chờ rất lâu mới đến lượt được thầy coi bói.

Băn khoăn về việc một ông “thầy rởm” mạo danh “Thánh sống” đã hành nghề bói toán công khai ở Đông Dư hơn chục năm nay, kiếm chác bạc tỷ, mà không hề bị cơ quan chức năng xử lý, tôi tìm gặp lãnh đạo xã Đông Dư. Tuy nhiên, dường như các cán bộ xã đều ngại trả lời, nên tránh gặp.
Không gặp được trực tiếp, tôi liên lạc qua điện thoại với ông Đồng Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Đông Dư.
Ông Tiến cho biết, cách đây 2 năm, khi có ý kiến của Công an huyện Gia Lâm, Công an xã Đông Dư đã triệu tập ông Lương lên trụ sở UBND xã để lập biên bản. Theo ông Tiến, trong biên bản này, ông Lương có cam đoan nếu bị bắt quả tang xem bói toán, ông sẽ chịu trách nhiệm theo đúng pháp luật của Nhà nước.
Ông Tiến nói thêm, nếu chúng tôi cung cấp ảnh ông Lương bói toán, thì nhất định ông sẽ chỉ đạo công an xã làm rõ việc này.

Những “ông Thánh” kiếm tiền nhanh như chớp

Người làng Đông Dư Hạ còn đồn nhau rằng, căn biệt thự của người con nuôi ông Lương được dát vàng dưới móng để giữ sự phú quý, giàu sang cho cha con.
 
Khó nhọc gặp “Thánh” Lương

Hơn chục năm nay, ở Đông Dư (Gia Lâm, Hà Nội) già trẻ, lớn bé không ai không biết tiếng tăm, tên tuổi của một ông thầy bói tên là Lương, người làng Đông Dư Hạ.

Người ta đồn rằng, ông có thể nhìn thấu quá khứ, tương lai, vận mạng, thậm chí còn có thể hóa giải những tai ương cho những người không may mắn.

Nhờ “khả năng” đặc biệt này, khách của thầy lúc nào cũng đông nườm nượp. Họ đến từ khắp nơi, gần thì Hà Nội, Hưng Yên, xa hơn thì Lạng Sơn, Thái Nguyên, thậm chí Ninh Bình, Thanh Hóa…
Nhưng điều lạ là dù được lễ lạt vô số tiền của, nhưng chưa một lần thầy cưới vợ, sinh con, mà sống lủi thủi một mình trong ngôi biệt thự to vật vã giữa ngôi làng nửa quê, nửa phố.

Lời đồn về thầy Lương giàu nứt đố đổ vách khiến tôi hết sức tò mò. Vì thế, tôi quyết định tìm về Đông Dư để tiếp kiến ông thầy kì lạ này.

Sau vài lần hỏi đường, chúng tôi cũng tìm được ngôi biệt thự giữa làng Đông Dư Hạ. Nhưng thật không may, lần đầu tiên đến gặp thầy, tôi được cô Hiền, chủ quán thông báo rằng hôm nay thầy đi lễ, không có nhà.

Rồi cô nhiệt tình bảo chúng tôi lưu số điện thoại nhà cô, khi nào muốn đến thì gọi trước xem thầy có nhà không. “Khách quen của thầy toàn làm thế, nên không ai bị nhỡ hết”, cô nói thêm.

image
Hòn non bộ hoành tráng trước biệt.

Trước khi ra về, tôi không quên ngoái nhìn ngôi biệt thự từ bên ngoài. Cánh cổng biệt thự có dáng vẻ chắc chắn nhờ những thanh sắt dài, to bản. Cổng rộng tới mức có thể hai chiếc ôtô con tránh nhau khi ra vào. Tường bao cao ngất ngưởng che khuất căn biệt thự.
Ra tới đầu làng, chúng tôi rẽ vào một hàng quán, vừa uống nước, vừa hỏi chuyện. Theo lời người chủ quán , ông Lương vốn xuất thân là một người thợ làm bát sứ. Hồi trẻ, ông chỉ có một căn nhà nhỏ, lụp xụp.

Cách đây gần hai mươi năm, ông Lương đột nhiên theo hầu một bà thầy bói trong vùng. Mấy năm sau, bà thầy này mất đi, ông mới bắt đầu trở thành thầy bói.

Từ đó tới nay, đã hơn chục năm, thầy kiếm tiền như nước. Ngôi nhà nhỏ lụp xụp ngày nào giờ đã được thay thế bởi một căn biệt thự hoành tráng. Điều đặc biệt, dù giàu có như thế, nhưng chưa bao giờ ông thầy này có ý định lập gia đình, mà chỉ nhận một thanh niên nam ở xã bên cạnh làm… con nuôi.

image
Người coi bói xếp hàng từ nhà ra ngoài sân.

Ông Lương yêu thương con nuôi như con đẻ, thậm chí còn xây cho anh này một căn biệt thư to đẹp hơn căn biệt thự ông đang ở.

Người làng Đông Dư Hạ còn đồn nhau rằng, căn biệt thự của người con nuôi ông Lương được dát vàng dưới móng để giữ sự phú quý, giàu sang cho cha con.

Sau hơn 1 tuần kiên trì gọi điện hỏi thăm cô Hiền, cuối cùng cũng có một ngày thầy ở nhà làm công việc “cứu nhân độ thế”. Lần này, tôi đi cùng một anh bạn đồng nghiệp.

Chúng tôi vội vã đi từ sáng sớm, với mong muốn được diện kiến thầy trước tiên. Nhưng thầy Lương chỉ làm việc từ 1 giờ chiều trở đi.

Những người khách đến sớm như chúng tôi ngồi nói chuyện, ăn trưa ở quán nhà cô Hiền để chờ thầy làm việc.

image
Bộ bàn ghế lũa ở phòng khách.

Đúng 1 giờ chiều, cánh cổng biệt thự được một bàn tay nào đó mở hững hờ rồi bỏ đó đi vào nhà, khách khứa vội vàng theo sau.

Bước qua cánh cổng to vật vã, tôi sững sờ trước vẻ đẹp của ngôi biệt thự. Đất nhà thầy rộng rãi, toàn bộ sân nhà, cây cối được thiết kế gọn gàng, đẹp đẽ, phù hợp với ngôi biệt thự.

Cánh cửa biệt thự khép hờ để lộ bộ bàn ghế bằng gỗ tuyệt đẹp và những vật dụng đắt tiền bên trong.

Trước cửa nhà thầy có một cây cầu nhỏ, bên dưới là làn nước trong xanh gợn sóng rất đẹp. Dưới làn nước trong xanh ấy, mọc lên một tượng sứ phun nước, tiếng nước chảy róc rách rất vui tai.

Ở góc sân, hòn non bộ cùng những tranh vẽ và cây cối xanh mát tạo nên sự hài hòa cho ngôi biệt thự hiện đại.

Chúng tôi ngồi chờ thầy trên một bộ bàn ghế gốc cây chạm trổ rồng phượng tuyệt đẹp ở một gian nhà khá rộng và thoải mái. Kế bên là phòng coi bói của thầy.

Khu nhà vệ sinh được thiết kế riêng cho khách đến coi bói, nó nằm tách biệt khỏi căn biệt thự, gồm hai phòng, nam riêng, nữ riêng.

image
Mặc dù mọi người xếp hàng, nhưng cảm thấy "hợp" ai, thầy gọi trước.

Gần 2 giờ chiều, từ căn phòng tầng 2 của ngôi biệt thự, một người đàn ông chừng 50 tuổi, dáng người mảnh khảnh, nước da xanh xao, bận áo đen, quần đen bước xuống. Mọi người nhao nhao chào hỏi thầy với vẻ thành kính.

Căn phòng xem bói của thầy rộng chừng 12 mét vuông, được bày biện gọn gàng, giản dị.

Chiếc phản chiếm diện tích lớn nhất, bên cạnh là chiếc bàn nhỏ, nơi thầy đặt điện thoại và vật dụng cá nhân. Bốn bức tranh tứ quý treo trên tường khiến căn phòng trở nên tao nhã.

Nhưng đáng chú ý nhất, có lẽ vẫn là cái bàn thờ được đặt khéo léo ngay cửa vào của căn phòng. Khách khứa của thầy chỉ cần bước vào cửa là thấy ngay.

Không ai nhắc ai, bước vào cửa, khách tự động đặt lễ lên bàn thờ. Tôi tự hỏi, có phải thời buổi này tiền Việt Nam bị mất giá quá hay người ta nghĩ rằng lễ càng nhiều thì lòng thành càng lớn mà ai cũng thi nhau cài cắm những đồng tiền mệnh giá lớn lên những đĩa nải quả của thầy?

Chỉ vài ba người lễ ít thì 50 ngàn đồng, còn đa số đặt 100, 200 ngàn, thậm chí 500 ngàn. Khoảng trên dưới 30 vị khách, người ít bù người nhiều, vị chi ngày hôm đó thầy cũng kiếm được khoảng 3 triệu đồng.

Thông thường, các thầy bói sẽ để khách xếp hàng theo thứ tự đến trước xem trước, đến sau xem sau. Nhưng thầy Lương thì khác, thấy “hợp” ai thì thầy gọi người ấy trước.

Có điều, theo quan sát của tôi, những người được thầy “hợp” thường là các bà, các cô đeo nhẫn vàng, dây chuyền vàng lủng liểng. Họ thường là những người đặt lễ nhiều nhất.

Những người còn lại, cứ từ từ rồi dần dần thầy cũng sẽ “hợp”. Những người khách quen của thầy nói rằng, dù khách đông đến mấy, thầy cũng phải tiếp hết mới thôi. Vì thế mà có những hôm thầy phải xem tới 3 giờ sáng mới hết khách.

Theo VTC

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.