Tuesday, May 17, 2011

Có Còn Vui Vẻ Không?

image
Hình minh họa

BaoMai
Vào trung tuần tháng 10/2002, nghĩa là 6 tuần sau khi khai giảng đại học niên khóa 2002-2003, ngành giáo dục Việt Nam đã cho công bố kết quả kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay. Một kỳ thi hoàn toàn mới với chủ đích có một cái nhìn thật chính xác và khách quan trình độ học sinh trên cả nước. Chiếu theo các con số được thông báo, mọi người - từ các giáo sư lẫn phụ huynh đều chết lặng và phải đặt câu hỏi: phải chăng giáo dục nước nhà đang trên đà phá sản và bây giờ phải làm gì để cứu vãn tình hình nguy kịch trên.

image
Hình minh họa


Các con số đáng kinh ngạc!Kỳ thi tuyển sinh này có một thay đổi lớn mà báo chí trong nước gọi là kỳ thi ba chung: chung ngày, chung đề và dùng chung kết quả. Các năm trước thì mạnh trường (đại học) nào trường đó tuyển theo đề của mình và theo lịch thi của mình. Tình trạng này tạo ra một phức tạp là thí sinh mất nhiều thời giờ lều chõng đi thi, đặc biệt là các em ở vùng sâu, vùng xa. Sự kiện này còn tạo ra tình trạng mất cân đối trong trình độ, trường ra đề quá khó, ngược lại trường khác thì quá dễ. Chính vì thế mới có cái "ba chung" này. Mục đích là có một cái nhìn tổng quan và chính xác về trình độ của các tân tú tài, nghĩa là có một cái nhìn sau 12 năm học tập ở bậc trung và tiểu học.
Trong kỳ thi tuyển sinh đại học chỉ có 3 môn tùy theo ngành mình chọn: hoặc toán, lý, hóa; hoặc toán, lý, sinh; hoặc toán, văn, ngoại ngữ,... Ở Việt Nam chấm trên 10 nên tối đa là 30, trung bình là 15. Và cái kết quả làm mọi người chết lặng là như sau:

- dưới trung bình (15 điểm): 86,6%
- từ 0 tới 10 điểm: 67%
- từ 0 tới 3 điểm: 17%
- 0 điểm: 125 thí sinh

21.479 em đạt 1,5 nghĩa là mỗi bài chỉ nửa điểm, 34.047 em đạt ba điểm nghĩa là mỗi bài 1 điểm. Các con số này càng trầm trọng hơn khi mọi người đều nhận xét là năm này đề dễ và "theo sát với chương trình lớp 12".
Sau khi công bố, hàng loạt các bài báo chạy các tít lớn: Một sự thật đáng rùng mình, Những con số nhức nhối, Cách dạy làm học sinh u mê, Phải thay đổi cách dạy và học,... Trong khi đó các quan chức nhà nước bắt buộc phải dấu kín kết quả xếp hạng của từng địa phương vì "đây là điều tế nhị".


image
Hình minh họa

Một lối dạy lỗi thời
Theo những người quan tâm đến giáo dục thì sở dĩ có tình trạng này là vì cách dạy của Việt Nam quá lỗi thời từ cả phẩm lẫn lượng. Nhiều ý kiến cho rằng học sinh bây giờ - ngay từ khi bước vào trường - đã phải tiếp thu một số lượng bài học quá lớn, với một nội dung quá tầm nên khi học xong, các em không còn nhớ là mình đã học cái gì, bởi lẽ các em không thật sự hiểu trong giờ giảng. Đây là lý do tại sao rất nhiều cô cậu tú cầm trong tay mảnh bằng tú tài mà kiến thức, trình độ áng chừng chưa bằng một nửa với giá trị của bằng. Và hậu quả tức khắc là gục đầu cắn bút trong các kỳ thi vào đại học.
Một giáo sư về tâm lý đã kịch liệt chỉ trích kiểu học từ chương, sơ cứng của ngày hôm nay. Theo vị này thì muốn đất nước trở thành một nước công nghiệp trong thập kỷ tới thì phải có cách dạy nhằm phát triển tư duy độc lập cho học sinh, chứ không theo lối cũ sáo mòn. Với cách học hiện nay, học sinh lớp 12 chỉ học qua loa ở lớp và đặt trọng tâm vào các lò luyện thi, ở đó họ giải bài tủ, các em chỉ học thuộc lòng để đi thi. Nếu may mắn trúng tủ, đậu vào đại học, mai này các em cũng trở nên những cái máy dạy, cái máy làm và hoàn toàn không có một tư duy sáng tạo của riêng mình. Ra đời các em cũng chỉ rập khuôn theo những kiến thức nhồi nhét trong đại học, và khi gặp vấn đề lại bối rối vì không biết giải quyết theo ý nghĩ riêng tư, và có biết lại càng không dám. Đó chính là lý do tại sao nước ta không thiếu các tài năng trẻ, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế về toán, vật lý, robot... nhưng mãi vẫn thiếu hụt một tầng lớp có khả năng thay thế các bậc cha anh trong việc giải quyết các vấn đề tầm cỡ hơn.

image
Hình minh họa

Kinh doanh giáo dục và chạy theo thành tích
Tình trạng đào tạo kiểu "mì ăn liền" này không chỉ làm triệt tiêu óc sáng tạo, nhưng nó lại đẻ ra vô số các vấn đề khác trong xã hội, mà ta có thể kể đến là thương mại hóa giáo dục và bệnh thành tích.
Vì coi nhẹ việc học trên lớp 12 mà chỉ chú tâm vào các lò luyện thi nên ngày nay học sinh đổ xô đi học thêm. Học phí không phải là nhẹ, từ 300 đến 500 ngàn cho một môn với khoảng 10 tiếng một tuần, nhân với 3 môn đã tiêu béng tháng lương của một người có thu nhập trung bình. Bố mẹ lại phải oằn cổ ra đóng tiền, việc này đương nhiên nẩy sinh ra các tệ nạn khác như hối lộ, tham nhũng. Thầy giáo - mà nhiều người gọi là thợ dạy - thì tha hồ vét. Sáng dạy sơ sài ở trường rồi chạy tọt về nhà kèm 2 lớp, mỗi lớp 10 em là đủ gấp 10 lần lương căn bản. Có điều dạy như thế thì thày chỉ có thời giờ nhai đi nhai lại những bài tủ, học trò thì chép lấy chép để, hiểu được là may chứ giờ đâu mà nói chuyện tư duy sáng tạo. Quan sát việc "kinh doanh" này, một giảng viên đã phê bình rằng nếu con người coi việc giảng dạy như một hàng hóa thì người học cũng khó thoát khỏi tình trạng xem bằng cấp như một thứ có thể mua bán. Các em sẵn sàng quay cóp, gian lận và không được thì mua bằng. Điều này đã và đang là một nhức nhối không nhỏ.
image
Hình minh họa

Tuy nhiên nếu vấn nạn kinh doanh giáo dục này chỉ bùng phát từ khi cả nước xuống hố theo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì cái bệnh thành tích nó đã lậm trong máu từ nửa thế kỷ nay. Sống trong nước ai nấy cũng đã nghe quá nhàm tai với những thành tích này thành tích nọ. Cái gì cũng đạt chỉ tiêu và đúng thời hạn cả. Giáo dục không phải là một ngoại lệ.
Chuyện kể một em bé lớp 2 về "than" với bố: "Bố ơi lớp con có 50 học sinh xuất sắc, chỉ có 4 đứa "tiên tiến" thôi". Một bé khác học mẫu giáo tự dưng không chịu đi học và nói rằng: "Cô con bảo ngày mai có đoàn kiểm tra đến lớp, nên đứa nào quậy phá thì ở nhà đi. Con quậy lắm nên bố mẹ khỏi chở con đến trường...".
Đây chỉ là một trong muôn vàn chuyện của thực trạng "bệnh lý học đường" hiện nay: bệnh thành tích. Để có thành tích, để đạt chỉ tiêu, các cấp, ngành đã dùng mọi phương tiện bất chấp phương tiện ấy có phi giáo dục hay không. Từ cố ý để lộ đề thi cho đến chấm lệch điểm cho học sinh, mọi thứ đều có thể làm được miễn là kết quả phải "đạt chỉ tiêu". Lớp nào ít học sinh khá thì giáo viên bị kiểm điểm, kỷ luật, trường nào có tỷ lệ tốt nghiệp tú tài thấp thì sang năm bị cắt thi đua, khen thưởng. Cứ thế, từ dưới lên trên, mọi người, mọi ngành cùng đua chạy theo những thành tích giả tạo. Không ai còn lạ gì với con số 99%, 99,5% của trường này trường nọ tốt nghiệp loại khá, giỏi trở lên. Và ngày hôm nay đây cũng chẳng ai ngạc nhiên khi Bộ không dám cho công bố kết quả kỳ thi vào đại học của từng địa phương. Với tỷ lệ 87% dưới trung bình, 17% dưới 3 điểm, lỡ trúng phải trường mình bẽ mặt chết!

****

image
Hình minh họa

Có còn vui vẻ được nữa không ?
Đó là tựa một bài viết sau khi kết quả thống kê được công bố. Mọi người ai nấy đều bàng hoàng như qua cơn ác mộng và đều nhất trí với nhau phải thay đổi cách dạy và cách học. Nhưng thử hỏi làm thế nào thay đổi khi chính các nhà hoạch định vẫn còn đang loay hoay từ hơn 20 năm nay? Nội chỉ có chuyện sách giáo khoa trung học mà từ năm 80 đến nay đã 4 lần cải tổ mà cũng chưa xong. Cứ mỗi lần như thế thì lần sau lại "cải tổ" lần trước, có khi lại trở về với cái ban đầu. Thêm vào đó các vụ bê bối như Đại Học Đông Đô (Hà Nội), Đại Học Quốc Tế (Hà Nội) lại càng tạo nghi vấn về khả năng điều hành của Bộ. Đó là chưa đụng đến nhiều vấn đề "căng" hơn nhiều như thu nhập giáo viên, cách đối xử bất công ở ngưỡng cửa đại học, tệ nạn bằng giả... Tất cả đều gom về một mối: đến khi nào xã hội còn đầy rẫy bất công, vẫn còn những "kế hoạch gia" đặt quyền lợi đất nước thấp hơn quyền lợi của mình và của băng đảng mình thì mọi cải tổ chỉ là các biện pháp chữa cháy tức thời.
Có còn vui vẻ được nữa không ? Câu trả lời chắc chắn là không. Nó đã không từ hai chục năm nay rồi. Nhưng tiếc thay đó chỉ là câu trả lời của người dân.


Phan Kiến Quốc

1 comment:

  1. blog không có phần nhận bài viết mới qua email hả quản lý ?

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.