Saturday, August 20, 2011

Người nghệ sĩ già và hơi thở Việt Nam

image

Chẳng có chút tiếng tăm trong giới nghệ thuật, chẳng một bằng khen, chẳng một danh hiệu. Năm tuần nay, người nghệ sĩ già Tạ Trí Hải cùng tiếng violin của mình hòa vào dòng người yêu nước xuống đường, biểu diễn vì hải đảo thân yêu, vì hơi thở sống còn của dân tộc, và cũng vì nét đẹp khó ở đâu có được giữa đoàn người biểu tình Việt Nam. Tôi hay đùa với cụ: "Nếu mọi người gọi cô Kim Tiến là hoa hậu của đoàn biểu tình, thì chắc chắn cụ phải là nghệ sĩ nhân dân của đoàn biểu tình".

Nói về cuộc đời thăng trầm vị nghệ sĩ nhân dân này, chắc chắn có thể viết hẳn thành một cuốn tiểu thuyết. Hừng hực lý tưởng cách mạng, những năm tháng Hà Nội cùng cả miền bắc dồn sức người sức của cho tiền phương, chàng thanh niên trẻ tuổi và cây đàn violin đã cùng bao thanh niên ngày đó xuống đường cất lên lời ca tiếng hát thể hiện lòng dân. Rồi vì những bất công, những ngang trái của cuộc sống, vì đấu tranh chống tham nhũng đến cùng, anh kỹ sư tài ba từ bỏ mọi công danh sự nghiệp, từ bỏ cái hào nhoáng bên ngoài để cùng người bạn đời của mình là cây đàn, đi khắp đất nước biểu diễn cho đồng bào. Và giờ đây, trước nguy cơ mất biển; mất đảo, ông lão bảy mươi hai tuổi được sống lại cái thời thanh niên sôi nổi, cái thời lừng lững cùng bạn bè xuống đường biểu thị lòng yêu nước một cách công khai.

Dẫu cho bây giờ không được như xưa, nào chính quyền ngăn cản, nào tuổi cao sức yếu, nào những thiếu thốn về vật chất hàng ngày không sao ngăn được bước chân một ông già. Nhờ có tiếng violin, cuộc biểu tình trở nên sang trọng một cách lạ thường. Ngay cả du khách nước ngoài cũng phải ngạc nhiên cho rằng Hà Nội đang tổ chức một lễ hội nào đó. Xen lẫn tiếng động cơ xe cộ, tiếng hô của người yêu nước, những khúc hát chẳng phô diễn kỹ thuật chẳng bài bản đúng quy luật thanh nhạc là tiếng vỹ cầm hay đến lạ kỳ. Chúng ta thấy được ở trong đoàn biểu tình, một cô Trịnh Kim Tiến thướt tha trong tà áo dài, một cô Bùi Hằng khẳng khái nợ nước thù nhà gánh trên vai, vài ba cô cậu lứa tuối học trò tuổi ăn tuổi chơi mới ngày nào còn nhớ mãi trong đầu câu đầu tiên “năm điều Bác Hồ dạy”. Và giữa đoàn người, nổi bật lên hình ảnh tay nhạc công lãng du râu tóc bạc phơ kéo lên tiếng đàn Thạch Sanh đuổi lũ Lý Thông.

Cái ngày xét xử LS. Cù Huy Hà Vũ, cụ cũng có mặt. Cụ bảo có mặt để xem chính quyền làm gì với người yêu nước. Sơ thẩm kết thúc, mọi người thất vọng vì một phiên tòa vô phép tắc. Tới phiên phúc thẩm, hy vọng lại được nhen nhóm. Tiếc thay, tiếc thay ông lão bảy hai tuổi lại thở dài lần nữa. Chẳng vợ, chẳng con, chẳng người thân, ngay cả chiếc xe đạp cũng đi mượn của bạn, tài sản cụ có trong tay chỉ là cây đàn vĩ cầm và mandolin, những tấm ảnh lưu niệm và chục cuốn lưu bút ghi lại mọi cảm xúc của người yêu mến thứ âm nhạc đường phố mộc mạc dành tặng lão nghệ sỹ. Nhiều khi cụ cũng hay tếu với mấy anh em blogger chúng tôi, có bận cụ bảo anh Lê Dũng: “Nhờ anh chụp tôi nhiều nhiều bức ảnh, rồi in hộ tôi ra một cái đĩa CD, sau này có hai năm mươi, tôi cho nó đi theo tôi cũng hai cô tình nhân (ám chỉ hai cây đàn) và những hơn chục cuốn sổ lưu bút.”

Có lúc ngồi riêng với tôi cụ lại nghẹn ngào: “Ông định nhờ bọn nhạc viện làm một cái đĩa thâu lại độ chục bài nhạc yêu nước, bật khi đi biểu tình. Ai ngờ được ba bài rồi thì ông thầy giáo sợ quá không cho sinh viên làm tiếp thành ra công toi.”…

Hà Nội đã bước sang thu, lá vàng bắt đầu rơi. Việt Nam từng tự hào với mùa thu lịch sử năm nào. Nay phải chăng cái mùa thu đó đang được tái hiện lại, cũng hào hùng nhưng thêm cả hào hoa.

image

image

image


Thạch Vũ (danlambao)


THÔNG TIN THÔN XÃ: MÀI DAO THAY ĐẢNG

image

Không cần suy xét, không cần đào sâu phân tích cũng thấy được rằng, đảng cộng sản đang nắm trong tay một vũ khí cực kì lợi hại. Tàu ngầm ư? hạm ư? hay tên lửa? Không! đó chính là bộ máy tuyên truyền. Xin được trích dẫn một câu nói của Citizen Journalism, chỉ nam trên tờ Dân Làm Báo "mỗi người chúng ta là một chiến sĩ thông tin".

Không phải vắt óc suy nghĩ ra khi dẫn chứng ra rằng bộ máy tuyên truyền của đảng là vũ khí sống còn của nó. Và chính cái đảng đó cũng biết rằng, mình đang cầm dao. Một con dao hai lưỡi... Nó thực sự lợi hại khi sử dụng thuần thục. Có thể có một số người cho rằng đảng đang sử dụng nó thuần thục như vậy. Nhưng mình chỉ nghĩ rằng, đảng đang sử dụng nó theo kiểu: quen tay.

Giống như múa côn. Một người không học võ, nhưng cầm côn và múa, lâu rồi cũng múa được. Múa được? tất nhiên. Nhưng múa được không đồng nghĩa với múa hay, múa giỏi. Bóng đá cũng thế, đã có thủ môn phát bóng... vào lưới đấy thôi!

Mặt trận thông tin là chiến trường sống còn. Điều này thực sự đúng, không chỉ với với đảng, mà còn cho chúng ta. Đơn thuần trong nội bộ đảng, thế lực nào nắm nhiều quyền hành nhất, chắc chắn rằng thế lực đó nắm nhiều thông tin về đối phương nhất. Đấu đá nội bộ, kẻ thắng luôn là kẻ có nhiều thông tin nhạy cảm về đối thủ. Thông tin để dồn, để ép, để chẹt, để buộc kẻ đó phải thua. Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng!

Hồi xưa khi chưa có báo chí, chưa có internet, các Cụ truyền thông tin theo kiểu: thằng mõ. Tin truyền tới từng làng, từng thôn, từng nhà, từng người. Đấy, chỉ là thằng mõ thôi đấy. Với cái loa tay, loa giấy, với cái mõ mà hiệu triệu được toàn đân tộc đứng lên chống ngoại xâm. Lợi hại!

Chúng ta ngày nay có internet, có báo chí mà bất lực sao? không bao giờ. Chúng ta mạnh, và chúng ta có vũ khí mạnh, thực sự mạnh!

Nước ta có hàng trăm hàng ngàn đầu báo, cả giấy lẫn mạng. Nhưng hầu hết là “ lề phải “. Buồn! Theo tổng cục thống kê, năm 2010 tính đến cuối tháng 12, cả nước đã có 3,77 triệu thuê bao, tăng 27,4% so với cuối năm 2009. Và mức tăng tỉ lệ thuận với thời gian.

Nhà mình 9 người, có tin gì hay mình đều kể cho những người còn lại. Mình là "phóng viên tìm tin tức có sẵn", cả nhà mình là đọc giả. Đảng có hàng ngàn đầu báo thôi, nhưng chúng ta có ít nhất 3,77 triệu đầu báo. Đảng có bao nhiêu phóng viên lề phải, trong khi chúng ta có hơn 80 triệu phóng viên lề trái? Đấy, sao phải buồn!

Đảng dùng vũ khí thông tin để ngu dân, bao che, bưng bít. Ta dũng nó để khai mở cái xấu xa đó.

Mình có đọc 1 câu còm trên Danlambao làm mình hơi buồn, và tiếc. Đó là 1 người ủng hộ biểu tình, nhưng vì điều kiện là ở nông thôn, không ra được Hà Nội hoặc Sài Gòn để tham gia được. Tại sao lại phải lên tận Hà Nội, Sài Gòn, trong khi bạn đó có thể làm được điều đó ngay tại chính nơi mình đang sống?

Câu hỏi này mình phân vân lâu lắm rồi. “Tại sao lại phải lên tận Hà Nội, Sài Gòn, trong khi có thể làm được điều đó ngay tại chính nơi mình đang sống? “

Mình nghĩ là việc này có thể làm được. Không những làm được, mà còn có thể làm to. Ở nông thôn, việc đàn áp bắt bớ biểu tình là chưa có tiền lệ. Hệ thống cơ động chỉ chủ yếu ở tỉnh. Cảnh sát giao thông thì ở huyện. Ở xã ư? hầu hết công an xã chỉ là nông dân mà ra. Chủ tịch UBND xã mình mới đây mới bằng bổ túc văn hóa 12, sau khi đã được giám thị "quán triệt... qua hết"!

Ở nông thôn, bộ máy cây nhà lá vườn, không phải được điều từ nơi này nơi kia tới, không phải nhận lệnh ở ông này ông kia. Khả năng ứng phó với 1 cuộc tuần hành là rất kém, không như các đồng chí ở bộ được đào tạo chuyên nghiệp. Chưa nói tới mối quan hệ dây mơ rễ má, họ hàng chằng chịt ở quê. Có ông quan nào lại bắt anh em, họ hàng, kon cháu mình lên trụ sở? ấy, ngại lắm chứ, nể lắm chứ.

Ở nông thôn, ít nhất mỗi gia đình cũng có 1 đứa lên tỉnh học. Và mỗi năm đều về quê nghỉ hè hoặc ăn tết. Đây chính là chiến sĩ thông tin, là hạt nhân cho cuộc tuần hành.

Nếu tuần hành nổ ra, chuyện đưa thông tin lên internet chỉ là chuyện nhỏ! Máy chụp hình, điện thoại di động hỗ trợ quay phim, 3.0 megapixel thôi. Nhiều lắm! Chụp hình quay phim thì thằng ku 5 tuổi chơi ngọt. Đưa lên facebook, G+ thì là vặt vãnh với các học sinh sinh viên.

Theo mình thì trước khi các quan ở xã huyện tỉnh kịp nhân được chỉ thị ở các bác ngoài bộ, thì ít nhất chúng ta cũng đã có được vài cuộc rồi. Kênh thông tin truyền miệng ở vùng quê thì đúng là vô địch, khỏi bàn và dẫn chứng!

Rồi các bác cũng nhận được chỉ thị là dẹp. Không sao! chuyện xử lí mới là khó. Ở nông thôn, chuyện quan đánh dân là chuyện thường. Nhưng chuyên dân đánh quan cũng là không hiếm! Ở đâu cũng vậy thời nào cũng vậy, "Luật vua thua lệ làng". Cái đó không sai! Khi dân đã phẫn nộ, thì đúng là tai họa cho kẻ cầm quyền!

Trở lại với vấn đề tuần hành ở nông thôn, nếu bị dẹp, chắc chắn không thể dẹp hết! Tuần hành công khai bị cấm? không sao! Mỗi lần anh em ngồi lai rai, mỗi lần họp lớp, mỗi lần hội hè, chỉ cần lôi biểu ngữ, khẩu hiệu ra, chọn chỗ đẹp, chỗ đông mà chụp. Thế thôi! xong ta lại cất vào. Ảnh thì pót lên đều đều, mọi lúc, mọi nơi. Nếu các quan có thu khẩu hiệu đi vì cho rằng ta cất giữ... khẩu hiệu chống phá xhcn. Ok thôi! Nhưng các quan thu rồi bỏ kho ở ủy ban, thì các quan cũng đang cất giữ trái phép, cũng đang chống phá xhxn đấy nhé!

Tranh thủ với các bác đi kiện quan chiếm đất, ta lại lôi khẩu hiệu ra. Một công đôi việc, đằng nào chả “ tụ tập“! lại tạo dáng, lại chụp hình, lại pót!

Việc này nếu nổ ra ở mọi nơi trên Việt Nam, thì các bác trên bộ, có nhận bao nhiêu lệnh của khựa thì cũng chẳng ăn thua. Không đủ quân, không đủ lực lương làm điều đó. Xin quân của khựa qua giúp ư? Càng hay, luôn tiện dân làm một công ba việc. Dân chủ chắc chắn sẽ là tương lai không xa!

Chúng ta đang mài con dao 2 lưỡi của đảng, hy vọng có ngày nó làm đúng công việc của mình.

Để làm được những điều đó, hãy làm tốt công tác "chiến sĩ tìm thông tin có sẵn".

Mình hy vọng điều mà mình nói ra trên đây sẽ được thực hiện.

Cần gì đi đâu xa tìm kiếm, khi hạnh phúc ở trong vườn nhà mình?


Khoai Lang (Danlambao)


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.