Tuesday, August 23, 2011

Phụ nữ châu Á 'đang ưa sống độc thân'

image


image

Hai thập niên trước người ta đã tranh luận liệu có cái gọi là “giá trị châu Á” hay giá trị truyền thống gia đình mạnh hơn ở châu Á hơn so với ở Hoa Kỳ và châu Âu.
Tại châu Á, hôn nhân là phổ biến và sống ngoài giá thú hầu như rất hiếm.

Văn hóa

Ngược lại, phân nửa các cuộc hôn nhân ở một số nước phương Tây kết thúc bằng ly hôn, và phân nửa trẻ em được sinh ra ngoài giá thú.
Các cuộc bạo động gần đây trên toàn nước Anh, có cội rễ mà nhiều người tin rằng do thiếu vắng cha mẹ dậy dỗ, dường như cho thấy rõ nét sự khác biệt sâu sắc giữa phương Đông và phương Tây.

Tuy nhiên, hôn nhân đang đổi thay nhanh chóng ở Đông, Đông Nam và Nam Á, mặc dù mỗi vùng có truyền thống khác nhau.
Sự thay đổi tại châu Á khác với những gì đã diễn ra ở phương Tây trong nửa cuối thế kỷ 20.

Né tránh hôn thú

Ly hôn, mặc dù tăng ở một số nước, vẫn còn tương đối hiếm.

image
Tuổi kết hôn tăng cao rõ rệt ở châu Á

Điều đang xảy ra ở châu Á là thực trạng né tránh hôn thú.
Tỷ lệ hôn nhân giảm một phần là do người ta trì hoãn lập gia đình.
Tuổi kết hôn đã và đang tăng lên trên toàn thế giới, nhưng xu hướng tăng rõ nét hơn ở châu Á.
Dân châu Á thậm chí nay kết hôn muộn hơn cả ở phương Tây. Tuổi trung bình để kết hôn tại các nước giàu nhất ở châu Á như Nhật Bản, Đài Loan, Nam Hàn và Hong Kong đã tăng mạnh trong vài thập niên qua, đạt ngưỡng 29-30 cho phụ nữ và 31-33 đối với nam giới.

Rất nhiều người châu Á không phải là kết hôn muộn. Họ thậm chí chẳng kết hôn nữa.
Hầu như một phần ba phụ nữ Nhật Bản ở độ tuổi ngoài 30 chưa lập gia đình, có lẽ phân nửa số họ rồi sẽ không lập gia đình.
Hơn 20% phụ nữ Đài Loan, ở độ tuổi từ 35 tới dưới 40 sống độc thân, hầu hết sẽ không bao giờ kết hôn.
Ở một số nơi, tỷ lệ sống không hôn nhân đặc biệt đáng chú ý như ở Bangkok, 20% phụ nữ tuổi 40-44 năm không kết hôn, và tại Tokyo là 21%; còn với phụ nữ tốt nghiệp đại học trong độ tuổi đó ở Singapore thì tỷ lệ này là 27%.
Cho đến nay, xu hướng này không ảnh hưởng tới hai gã khổng lồ châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ nhưng có nhiều khả năng cũng sẽ diễn ra do các yếu tố kinh tế chi phối hai nước này.

‘Thích ở vậy'
Phụ nữ đang bớt lập gia đình do yếu tố công việc.

image
Phụ nữ Nhật làm việc 40 tiếng/tuần và về nhà làm thêm 30 giờ nội trợ.

Một phần bởi đối với phụ nữ, vừa đi làm vừa có gia đình là khá vất vả ở châu Á.
Phụ nữ Á châu có trách nhiệm chính là chăm sóc cho chồng, cho con, và thường là người chăm sóc cho cha mẹ khi họ đến tuổi già.
Ngay cả khi phụ nữ việc làm toàn bộ thời gian, họ dự kiến ​​sẽ tiếp tục làm các việc này.
Phụ nữ ở những nơi khác trên thế giới cũng có trách nhiệm như vậy nhưng bổn phận mà phụ nữ châu Á gánh vác đặc biệt nặng nề.
Phụ nữ Nhật thường làm việc 40 giờ một tuần trong văn phòng, sau đó họ làm trung bình thêm 30 giờ việc nhà.
Các ông chồng của họ, trung bình chỉ làm có ba giờ việc nhà mỗi tuần.
Và phụ nữ châu Á bỏ việc làm để chăm sóc con cái khó có thể quay lại làm việc khi con lớn.
Chẳng đáng ngạc nhiên gì khi phụ nữ châu Á có cái nhìn bi quan bất thường về hôn nhân.
Trong khi đi làm khiến cuộc sống trong hôn nhân khó khăn hơn cho phụ nữ, thì chính việc đi làm lại cho họ một sự lựa chọn khác.
Ngày càng có thêm phụ nữ độc lập về tài chính, vì vậy nhiều người trong số họ có thể theo đuổi một cuộc sống độc thân sức hấp dẫn hơn là hôn nhân truyền thống với nhiều gánh nặng.
Giáo dục tốt hơn cũng góp phần vào xu hướng giảm hôn nhân, bởi vì phụ nữ châu Á học càng cao lại thường luôn là đối tượng không ưa lập gia đình - và hiện ngày càng có nhiều phụ nữ có học vấn cao.

Không cưới, không con

Kể như tránh lập gia đình ở châu Á là kết quả của sự tự do nhiều hơn mà phụ nữ tận hưởng ngày nay, đó là điều đáng mừng.

image
Tỷ lệ sinh sản ở Đông Á đang giảm

Nhưng điều này cũng tạo ra các vấn đề xã hội. So với phương Tây, các nước châu Á đầu tư ít hơn cho lương hưu và các hình thức an sinh xã hội với giả định rằng gia đình sẽ chăm sóc người nhà lúc về già hoặc khi đổ bệnh.
Điều này là không ổn về lâu dài.
Thực trạng giảm hôn nhân cũng góp phần giảm tỷ lệ sinh sản.
Tỷ lệ sinh sản ở Đông Á đã giảm từ 5,3 con/một phụ nữ vào cuối những năm 1960 xuống còn 1,6 vào lúc này. Và tại các nước có tỷ lệ hôn nhân thấp nhất, tỷ lệ sinh sản là gần 1,0.
Thực trạng này bắt đầu gây ra các vấn đề nhân khẩu học rất lớn bởi độ tuổi cao trong dân ngày càng nhiều.
Ngoài ra còn có những vấn đề khác khó thấy hơn như hôn nhân xã hội hóa đàn ông hơn bởi liên quan trực tiếp với mức testosterone thấp hơn khiến giảm bớt hành vi phạm tội. Giảm kết hôn cũng có thể dẫn tới tăng tội phạm.

Vậy người ta có thể vực lại được hôn nhân ở châu Á hay không?

Giải pháp?

Có thể được, nếu kỳ vọng cho vai trò của cả hai giới thay đổi; tuy việc thay đổi thái độ có tính truyền thống là khó.
Có một nghịch lý là nếu chính phủ đơn giản hóa luật ly hôn thì điều đó lại làm tăng tỷ lệ hôn thú.
Nói cách khác đi là nếu phụ nữ càng thấy bớt gánh nặng của những ràng buộc trong hôn thú và cơ hội để thoát hiểm bao nhiêu thì hôn nhân có thể lại càng trở nên hấp dẫn bấy nhiêu.
Luật hôn thú cũng nên rộng rãi hơn về tài sản của cặp vợ chồng cho người phụ nữ ly hôn.
Chính phủ nên dùng luật pháp để buộc chủ lao động cho cả cha và mẹ ngày nghỉ khi sinh con cũng như cấp hoặc trợ cấp để trông trẻ.
Chính phủ các nước châu Á từ lâu đã có quan điểm rằng thế mạnh của cuộc sống gia đình là một trong những lợi thế lớn của họ đối với phương Tây.
Sự tự tin này không còn được bảo đảm nữa.
Họ cần phải thức tỉnh để chứng kiến những thay đổi xã hội rất lớn đang diễn ra ở các quốc gia của họ và nghĩ xem làm thế nào để đối phó với các hậu quả.

BBC


Những Mảnh Đời Bất Hạnh

image

 
 
 

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.