http://baomai.blogspot.com/
BaoMai
BaoMai
Ngày càng có nhiều phụ nữ nắm giữ vị trí lãnh đạo tại các quốc gia châu Á, nhưng điều này không phải là sự thể hiện bước tiến của chủ nghĩa nam nữ bình quyền ở châu lục này.
Từ chỗ chưa có danh tiếng trên chính trường Thái Lan, bà Yingluck vụt sáng trong quá trình vận động tranh cử, để rồi cùng đảng Pheu Thai giành chiến thắng vang dội trước đảng Dân chủ cầm quyền. Bà sẽ chỉ còn phải chờ cuộc bỏ phiếu của 500 nghị sĩ vào hôm 5/8 và sự phê chuẩn của hoàng gia Thái Lan, để chính thức trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của nước này.
Khi điều này xảy ra, nữ chính khách 44 tuổi sẽ tiếp quản chiếc ghế mà anh trai bà, ông Thaksin Shinawatra, và anh rể, ông Somchai Wongsawat, từng nắm giữ trước đây. Đó là sự tiếp nối truyền thống của nhà Shinawatra, một dòng tộc danh tiếng lẫy lững không chỉ trên thương trường mà cả chính trường Thái Lan.
Nhưng trường hợp của bà Yingluck không phải là cá biệt. Câu chuyện về những người phụ nữ tiếp nối truyền thống lãnh đạo đất nước của gia đình mình không phải là điều gì quá mới mẻ ở châu Á.
Các bà Benazir Bhutto, Yingluck Shinawatra và Corazon Aquino.
Năm 1959, Thủ tướng Sri Lanka , ông Solomon Bandaranaike bị ám sát. Người có thể tiếp quản vị trí mà ông Bandaranaike để lại là ông C. P. de Silva, Chủ tịch Hạ viện đồng thời là Bộ trưởng Tài chính. Tuy nhiên, ông De Silva khi đó ốm nặng và đang được điều trị tại thủ đô London , nước Anh. Bộ trưởng Giáo dục Wijeyananda Dahanayake trở thành thủ tướng tạm quyền nhưng nhanh chóng phải rút lui sau đó.
Ngày 21/7/1960, trong vai trò là một thượng nghị sĩ, bà Sirimavo Bandaranaike trở thành thủ tướng của Sri Lanka thay cho chồng mình. Bà không chỉ là nữ thủ tướng đầu tiên của quốc gia Nam Á mà còn đồng thời là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới nắm giữ vai trò này. Đặc biệt hơn, con gái của bà là Chandrika Kumaratunga sau này trở thành Tổng thống thứ ba của Sri Lanka, trong khi con trai bà là Anura Bandaranaike trở thành Chủ tịch Hạ viện cũng như từng nắm giữ hàng loạt vị trí khác trong nội các.
Hơn hai thập kỷ sau, vào năm 1986, bà Corazon Aquino khiến tất cả phải chú ý khi trở thành Tổng thống thứ 11 của Philippines và là người phụ nữ đầu tiên đảm nhận chức vụ này. Giống với bà Bandaranaike, bà Aquino lên nắm quyền sau khi chồng bà, thượng nghị sĩ Benigno Aquino, Jr. bị ám sát hồi năm 1983. Đương kim Tổng thống Philippines , Benigno Aquino III là con trai của bà.
Tại Ấn Độ, bà Indira Gandhi kế thừa truyền thống lãnh đạo đất nước của gia đình từ người cha, ông Jawaharlal Nehru. Diễn biến tương tự cũng xảy ra với bà Benazir Bhutto ở Pakistan và bà Megawati Sukarnoputri ở Indonesia . Bà Aung San Suu Kyi ở Myanmar lẽ ra cũng có thể điền tên mình vào danh sách trên nếu chiến thắng của đảng mà bà lãnh đạo được công nhận trong cuộc bầu cử năm 1990.
Cố thủ tướng Pakistan , Benazir Bhutto.
Tuy nhiên, giới phân tích tin rằng hiện tượng nữ giới lên nắm quyền ngày một nhiều tại các quốc gia ở châu Á phản ánh sự phổ biến của những gia đình nắm quyền điều hành đất nước, hơn là cho thấy những tiến bộ trong bình đẳng giới.
Paul Chambers, nhà nghiên cứu thuộc đại học Payap ở Chiang Mai, phía bắc Thái Lan, cho rằng những phụ nữ châu Á truyền thống thường không được chọn để trở thành những nhà lãnh đạo chính trị, phản án tư tưởng gia trưởng thường thấy ở châu lục này.
Tuy nhiên, những đảng phái chính trị mới chân ướt chân ráo tham gia vào chính trường, thường được nắm giữ bởi các gia đình giàu có, lại hay tạo ra những cơ hội cho phụ nữ như một phương cách hiệu quả.
"Tính di truyền rất quan trọng bởi các lãnh đạo đảng thích đặt niềm tin vào những người họ hàng thân thuộc để duy trì sự lãnh đạo trong gia đình của mình. Khi những nam lãnh đạo đảng không có những người thân là nam giới có đủ khả năng kế thừa, họ sẽ chọn những người con gái", AFP dẫn lời ông Chambers.
Trong khi đó, Bridget Welsh, giáo sư ngành Khoa học Chính trị tại Đại học Quản lý Singapore, nhấn mạnh rằng những người như ông Asif Ali Zardari, đương kim thủ tướng Pakistan và là chồng của bà Benazir Bhutto, cũng lên nắm quyền theo cách tương tự.
Các gia đình nắm quyền điều hành quốc gia có thể được thấy khắp nơi trên thế giới, nhưng điều này đặc biệt trở nên nổi bật ở châu Á, nơi những nhà lãnh đạo là nữ giới có thể nắm được quyền lực theo những cách khác nhau.
Tại Thái Lan, giới phân tích cho rằng bằng Yingluck nhận được sự ủng hộ của các cử tri vì sự khác biệt mà bà đem lại từ giới tính, sự trẻ trung và vẻ ngoài ưa nhìn. Tuy nhiên, giáo sư Welsh cho rằng nữ chính khách 44 tuổi sẽ sớm phải thể hiện được khả năng chèo lái đất nước, đồng thời cho biết thêm rằng một khi được trao cơ hội nắm quyền, những nữ lãnh đạo ở châu Á luôn để lại những di sản đặc biệt.
Bà Yingluck là một nữ doanh nhân được tôn trọng, trước khi lên nắm quyền ở một quốc gia có tỷ lệ phụ nữ giữ các vị trí quản lý cấp cao lớn nhất trên thế giới, theo một nghiên cứu trong năm nay của công ty tư vấn Grant Thornton.
Nhưng chiến thắng của bà Yingluck, theo khẩu hiệu "Thaksin nghĩ, Pheu Thai hành động", được nhìn nhận là một thắng lợi của anh trai bà hơn là một bước tiến của chủ nghĩa nam nữ bình quyền tại Thái Lan. Các nữ đại biểu chính trị bị tụt phía sau ở quốc gia này khi chỉ giành được 13% số ghế tại hạ viện Thái Lan trong cuộc bầu cử năm 2007, theo các số liệu của Liên minh Nghị viện (IPU). Cũng theo IPU, con số trung bình của tỷ lệ nữ giới nắm quyền trên thế giới là 19,5%, của châu Á là 18,3% và của châu Đại Dương là 12,4%.
Nữ ngoại trưởng đầu tiên và trẻ nhất của Pakistan , Hina Rabbani Khar
Vẻ ngoài quyến rũ là một thế mạnh của các nữ chính trị gia, giống như việc truyền thông Ấn Độ cảm thấy nghẹt thở trước vẻ đẹp của nữ Ngoại trưởng Pakistan, Hina Rabbani Khar, khi bà có chuyến thăm mới đây tới nước láng giềng hôm 22/7. Nhưng chính nữ ngoại trưởng xinh đẹp này cũng có một người bác từng nắm giữ vị trí quan trọng ở tỉnh Punjab của Pakistan .
Bởi vậy, một lần nữa phải khẳng định rằng việc ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo nữ tại các nước châu Á không đồng nghĩa với việc nữ quyền tại lục địa này đang có những thay đổi lớn.
Phan Lê
Shinawatra - Danh gia vọng tộc của Thái Lan
Sau khi Thaksin Shinawatra làm thủ tướng trong 5 năm, em rể ông cũng nắm chức vụ này trong thời gian ngắn. Nay em gái út Yingluck Shinawatra đang có cơ hội theo bước anh trai tô đậm bề dày chính trị của gia đình Shinawatra.
Yingluck, ngôi sao mới của gia đình Shinawatra
Ngày 3/7/2011, đảng Pheu Tha dưới sự dẫn dắt của Yingluck Shinawatra giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử, khi giành được 265 trên 500 ghế quốc hội. Trong khi đó, anh trai bà là cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra vẫn đang sống lưu vong tại Dubai để tránh án tù vì cáo buộc tham nhũng. Chiến thắng này mở đường để Yingluck có thể trở thành nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Thái Lan.
Kể từ khi chế độ quân chủ lập hiến thay cho quân chủ chuyên chế tại Thái Lan năm 1932, rất hiếm khi có hai nhà lãnh đạo chính phủ cùng xuất thân trong một gia đình. Trường hợp duy nhất là anh em nhà Pramoj là Seni và Kukrit thay nhau lãnh đạo nội các Thái trong giai đoạn đầy biến động giữa những năm 1970. Nhưng họ thuộc các đảng khác nhau và cũng có quan điểm chính trị khác nhau.
Trường hợp của nữ doanh nhân mới bước vào chính trường Yingluck Shinawatra, 44 tuổi, và anh trai là cựu thủ tướng đang sống lưu vong Thaksin hoàn toàn khác nhà Pramoj vì họ có rất nhiều điểm chung. Họ cùng trưởng thành từ quận Sankhampaeng của thành phố Chiang Mai, một điểm du lịch ưa thích tại miền bắc Thái Lan ngày nay.
Thaksin là con cả trong gia đình có 10 người con của ông bà Lert và Yindee Shinawatra, hậu duệ những người Hoa nhập cư vào đất Thái. Bố mẹ Thaksin mưu sinh vất vả ở Chieng Mai bằng nhiều nghề khác nhau trong những năm 50 và 60. Khi Thaksin ra đời, dòng họ Shinawatra từ Trung Quốc tới Thái Lan lập nghiệp đã hơn một thế kỷ nhưng vẫn chưa có gì đặc biệt.
Thời học sinh, Thaksin từng theo bạn đi bán kem dạo để phụ giúp gia đình. Lớn hơn một chút vào những năm 50, Thaksin được cha giao cho quản lý một cửa hàng cà phê nhỏ đặt ngay dưới tầng một của ngôi nhà gỗ, nơi vừa là chỗ ở vừa là cơ sở buôn bán của cả nhà ở thành phố Chieng Mai.
Chìm nổi chính trị nhà Shinawatra
Gia đình Shinawatra bắt đầu bước vào chính trị năm 1969, chi cha của Thaksin là Lert giành được một ghế trong quốc hội. Bản thân Thaksin đã từ công việc làm ăn đơn giản đầu tiên nhanh chóng tạo dựng cho mình một "đế chế kinh doanh" trong ngành viễn thông và thị trường chứng khoán Thái Lan.
Nhưng bên cạnh sự nổi tiếng của anh trai cả về kinh doanh và chính trị, đến tận những năm gần đây bà Yingluck vẫn chỉ là một cái bóng không hơn không kém. Yingluck theo bước anh cả bằng cách sang Mỹ học sau đại học tại Kentucky State University , cách không xa trường Eastern Kentucky University , nơi Thaksin từng học về luật.
Sau khi trở về Bangkok những năm đầu thập kỷ 90, Yingluck lập tức được tung vào đế chế kinh doanh của gia đình Shinawatra mang tên tập đoàn Shin Corp, mới niêm yết trên thị trường chứng khoán. Có một số anh chị em ruột và rể của Yingluck đã có chân trong tập đoàn viễn thông này, nhưng Thaksin vẫn thuê những chuyên gia cho các vị trí quản lý chủ chốt.
Khi Yingluck chập chững bước vào nghiệp kinh doanh thì cũng là lúc Thaksin bắn đầu thăng tiến trong sự nghiệp chính trị. Nhưng trong suốt một thời gian dài, Yingluck vẫn đứng ngoài chính trường ngay cả khi sự nghiệp chính trị của anh cả đã lên như diều gặp gió vào cuối những năm 90.
Rể nhà Shinawatra là Somchai Wongsawat trong ngày được phê chuẩn làm thủ tướng Thái năm 2008
Người em có hoạt động chính trị năng nổ nhất của Thaksin khi đó là bà Yaowapa Wongsawat, lãnh đạo chi nhánh đảng Thai Rak Thai của Thaksin ở miền bắc Thái Lan. Tháng 9/2006, chính phủ Thaksin bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự và phải lưu vong ở nước ngoài. Nhưng ông vẫn tiếp tục dẫn dắt được các đảng lớn nhất trong quốc hội Thái nhờ sự giúp đỡ của người thân trong gia đình Shinawatra.
Trong giai đoạn đầu Thaksin nỗ lực trở lại chính trường sau khi bị đảo chính những năm 2007 và 2008, hoạt động của ông chủ yếu thông qua đảng People's Power Party. Đây cũng là thời điểm chồng của bà Yaowapa là Somchai Wongsawat, tức em rể của Thaksin, đã trở thành thủ tướng Thái trong thời gian ngắn từ 18/9 đến 2/12/2008. Nhưng ngay sau đó, đảng People's Power Party bị toà án giải tán và các lãnh đạo đảng bị cấm hoạt động.
Thua keo này lại bày keo khác, nên ngay khi People's Power Party bị giải tán, Thaksin đã cho lập ra đảng Pheu Thai để kế thừa hoạt động. Đảng này đã lâm vào giai đoạn khó khăn khi đảng Dân chủ đối lập, với sự hậu thuẫn của quân đội và toà án, đã giành quyền lập chính phủ vào tháng 12/2008. Kể từ đó, đảng Pheu Thai chìm trong tình trạng thiếu lãnh đạo thống nhất cũng như phương hướng hoạt động, đồng thời suy yếu vì sự chia rẽ nội bộ.
Dòng họ Shinawatra tái xuất
Theo BBC, khi cuộc vận động tổng tranh cử đến gần hồi đầu năm nay, người duy nhất trong nhà Shinawatra đủ sức mạnh chính trị và sự ủng hộ để nắm vị trí lãnh đạo trực tiếp đảng Pheu Thai đang lục đục nội bộ chính là Yingluck, em gái út của Thaksin. Bà cũng chính là người quản lý tất cả những gì còn lại trong đế chế kinh doanh của gia đình sau khi tập đoàn Shin Corp bị bán vào tháng 1/2006.
Trước đây Thaksin chưa từng bao giờ ngụ ý đặt cô em gái út vào vị trí quan trọng như trên, nhưng thực tế Yingluck đã làm rất tốt công việc cho anh trai. Bà hội đủ các yếu tố như trẻ trung, xinh đẹp, mới mẻ và đầy sự nhạy bén trong kinh doanh. Chiến dịch tranh cử của Yingluck cũng cho thấy khả năng tổ chức tốt, trong đó nhấn mạnh vào gốc rễ của đảng Pheu Thai là những người sống ở các vùng nông thôn.
Nhưng vấn đề của Yingluck hiện nay chính là việc bị anh cả chi phối quá lớn, khi xung quanh bà đều là những người của Thaksin và cỗ máy chính trị cũng vận hành theo ý tưởng chính sách của anh trai đang sống lưu vong. Nói cách khác bà chịu một cái bóng quá lớn của người anh ruột khi hoạt động trên chính trường và có rất ít cơ hội cho dấu ấn cá nhân.
Yingluck chịu sức ép từ cái bóng quá lớn của anh trai Thaksin.
Theo ông Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện An ninh và Quốc tế học thuộc Đại học Chulalongkorn Bangkok, ngay cả khi Yingluck có thể tạo ra được khoảng riêng trong chính quyền của mình nằm ngoài sự phủ bóng của anh trai, thì bà sẽ vẫn phải vật lộn với những kẻ thù đầy quyền lực của Thaksin trong quân đội, bộ máy chính quyền, hệ thống tư pháp, Hội đồng Cơ mật, tầng lớp trung lưu và giới trí thức. Họ có thể không thắng cử trong cuộc bỏ phiếu vừa qua, nhưng có thể gây nhiều khó khăn và khiến nhiệm kỳ của bà ngắn hơn dự kiến.
Đình Nguyễn
Sức mạnh tuyệt mỹ của Pakistan
Hàng triệu người Ấn Độ bị 'hạ gục' bởi tuổi trẻ, vẻ đẹp và phong cách của nàng. Hina Rabbani Khar, nữ ngoại trưởng 34 tuổi của Pakistan, khiến hàng loạt tờ báo Ấn Độ thốt lên những lời đẹp đẽ, còn bản thân bà có được cuộc đối thoại nồng ấm nhất giữa hai nước từ ba năm qua.
Nữ ngoại trưởng Pakistan Hina Khar
Bà đã làm được điều mà suốt bao năm qua các nhà ngoại giao kỳ cựu trong bầu không khí căng thẳng chưa làm được: tạo ra thiện chí thực sự giữa hai nước vốn đối đầu nhiều thập kỷ. Trong chuyến công du đầu tiên kể từ khi nhậm chức của Khar tuần trước, bà tới Ấn Độ và gặp ngoại trưởng S.M. Krishna hôm 27/7.
Hai bên đồng ý tăng cường các mối liên hệ về an ninh, thương mại, giao thông, du lịch và văn hóa. Cuộc đối thoại này được các nhà phân tích đánh giá là hiệu quả nhất kể từ sau vụ phiến quân Pakistan tấn công khủng bố làm 166 người chết ở Mumbai cách đây ba năm. Chính tuổi trẻ và sự tỏa sáng của Khar đã có công lớn trong việc "tạo ra một bầu không khí mới".
Nữ ngoại trưởng cũng gặp cả Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh. Nhưng mấy ai quan tâm thực sự đến cuộc đối thoại diễn ra sau những cánh cửa văn phòng. Chuyện đáng quan tâm là đây: nàng được điểm cao nhờ đeo kính râm Roberto Cavalli, mang chuỗi ngọc trai kiểu cổ điển và nhẫn kim cương, bận chiếc váy xanh hàng hiệu và xách chiếc túi Hermes Birkin.
Nhiều tờ báo và chương trình truyền hình Ấn Độ đã đưa đậm tin về bà Khar, ca ngợi vẻ đẹp cũng như phong cách của nữ ngoại trưởng. Trên đầu trang nhất của The Times of India là tiêu đề: "Pakistan trình ra gương mặt đẹp nhất". Tờ The Navbharat Times nói rằng Ấn Độ "sốt với bộ trưởng đẹp như người mẫu". Tờ The Mail Today bình luận rằng bà Khar mang đến ánh sáng cho cuộc đối thoại Pak- Ấn, và đặt câu hỏi "Ai bảo chính trị gia không sành điệu?". Những lời có cánh này xưa nay hiếm khi được báo chí Ấn Độ dành cho các nhà ngoại giao Pakistan .
Tất nhiên, không có gì là hoàn mỹ cả. Báo chí Ấn Độ cũng chỉ trích nữ ngoại trưởng Pakistan vì bà đã gặp các nhóm ly khai Kashmir sau khi gặp người đồng nhiệm. (Kashmir là vùng đất nằm giữa Ấn Độ và Pakistan , hai nước đã tiến hành ba cuộc chiến tranh vì vùng đất này).
Hai ngoại trưởng Ấn Độ và Pakistan tại New Delhi
Nhưng nhìn chung, không khó để thấy được một sự thay đổi lớn trong dư luận Ấn Độ khi bà Khar nói về "một thế hệ mới của người Ấn Độ và người Pakistan, những người sẽ được chứng kiến một mối quan hệ chan chứa hy vọng, khác với những gì chúng ta đã trải qua trong hai thập niên qua". Bà đưa ra những lời này sau khi gặp ngoại trưởng Ấn Độ, người được sinh ra cách đây 79 năm.
Seema Goswami, một nhà bình luận xã hội nổi tiếng của Ấn Độ, nhận xét: "Nàng đẹp không thể tin được, tỏa sáng và không hề e ngại những ánh đèn flash. Nàng đeo ngọc trai khi đến và đeo kim cương khi đối thoại. Chúng ta mê mẩn cái túi xách và váy áo hàng hiệu nàng mang, đến nỗi quên mất việc nàng đã gặp và bàn bạc với những kẻ muốn Kashmir ly khai. Nàng có thể là vũ khí hủy diệt hàng loạt mới của Pakistan ".
Mai Trang (theo FP)
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.