Tuesday, August 2, 2011

Dạy ngôn ngữ là dạy văn hóa

image

Qua hai bài "Kích thước văn hóa trong việc giảng dạy ngôn ngữ" và "Ngôn ngữ là văn hóa", chúng ta đã đi đến ba nhận định chính: một, ngôn ngữ thực chất là văn hóa; hai, nói hoặc viết ngôn ngữ khác với tiếng mẹ đẻ của mình là một thao tác liên văn hóa; và ba, dạy và học ngôn ngữ thứ hai hoặc song ngữ thực chất là dạy và học văn hóa.

Vấn đề: Dạy văn hóa qua ngôn ngữ là dạy gì?

image

Đó không phải là câu hỏi dễ trả lời. Văn hóa có một nội hàm rất rộng, không thể dạy hết được, ngay trong những môn thuộc chuyên ngành văn hóa học. Bởi vậy, chúng ta chỉ giới hạn trong văn hóa giao tiếp.
Trong văn hóa giao tiếp, Catherine Kerbrat-Orecchioni đề nghị tập trung vào năm trục chính:

1_Tầm quan trọng đặt trên việc phát ngôn.
2_Cách tiếp cận với các quan hệ liên cá nhân.
3_Cách hiểu về phép lịch sự.
4_Mức độ nghi thức hóa.
5_Cách bày tỏ cảm xúc và cảm giác (1).

image

Tôi đề nghị thêm phần ngôn ngữ thân thể như một trục thứ sáu để phù hợp với tầm quan trọng của loại hình ngôn ngữ này trong văn hóa giao tiếp của người Việt Nam.

Riêng trong bài này, xin đề cập đến khía cạnh thứ nhất của văn hóa giao tiếp: Mức độ hoạt ngôn (levels of verbosity).
Trong một số nền văn hóa, người ta đề cao và khuyến khích việc phát ngôn hơn các văn hóa khác. Ví dụ người Palians (thuộc miền nam Ấn Độ) thường được xem là nói rất ít (low verbosity) trong khi người Pháp được xem là nói nhiều (high verbosity); người nói tiếng Anh được xếp vào hạng trung bình (2). Còn người Việt Nam thì sao? Thú thực, tôi không biết. Cho đến bây giờ vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nào về mức độ hoạt ngôn của người Việt cả. Có điều, cần phân biệt hai môi trường hành ngôn khác nhau.

Thứ nhất, ở chỗ riêng tư, trong các câu chuyện phiếm, có lẽ người Việt cũng nói nhiều không thua bất cứ ai cả.

Thứ hai, ở nơi công cộng, trong các cuộc hội thảo, người Việt Nam phần lớn, nếu không nói là tuyệt đại đa số, dè dặt và trầm lặng hẳn. Cứ nhìn vào giờ thảo luận trong lớp học của người Việt Nam và của người Tây phương thì thấy ngay. Trong khi người Tây phương, nói chung, sôi nổi bao nhiêu thì người Việt Nam thường lặng lẽ bấy nhiêu. Có lý do văn hóa nào cho hiện tượng nói ít nơi công cộng như vậy không? Tôi nghĩ là có. Ít nhất có ba nguyên nhân chính:

image

1_Người Việt Nam trọng lễ. Ở nơi công cộng, người ta thường nhường người lớn tuổi và nhiều quyền thế hơn. Ý niệm về bình đẳng trong tranh luận chưa bén rễ sâu trong văn hóa Việt Nam. Phần lớn đều theo văn hóa truyền thống.

2_Vấn đề thể diện còn ảnh hưởng nặng nề ở Việt Nam và là một trong những trung tâm của văn hóa giao tiếp của người Việt cũng như của người Hoa. Trước đám đông, một mặt, người ta muốn lên tiếng để khẳng định vị thế của mình; nhưng mặt khác, lại sợ nói sai, nói dở hay nói hớ để, hoặc là bị người khác phản đối hoặc là bị người khác cười thầm: trong cả hai trường hợp, người ta đều sợ bị "mất mặt".

3_Có lẽ do ảnh hưởng của cả một lịch sử dài dằng dặc bị áp bức, người Việt Nam thường sợ việc mở miệng, đặc biệt trước đám đông. Ca dao và tục ngữ Việt Nam cung cấp cả một kho tàng triết lý về việc nói năng.
Chẳng hạn, xem ngôn ngữ như một thứ quyền lực: Miệng nhà quan có gan có thép.

Có ảnh hưởng trực tiếp đến số phận con người: Lời nói đọi máu.

Do đó, càng ít nói bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu: Lời năng nói năng lỗi.

Trước khi nói nên suy nghĩ chín chắn: Có miệng thì cắp, có nắp thì đậy.

Kẻ thất thế càng nên nói ít: Khó nhịn miệng, bồ côi nhịn lời.

Nếu phải nói, nên nói, đừng viết: Lời nói gió bay, bút sa gà chết.

Nếu viết, nên chọn hình thức phù du nhất: Khôn văn tế dại văn bia.

Không nên nói thật: Nói thật mất lòng.

Và chỉ nên nói khéo: Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau, v.v...

Như vậy, trong văn hóa giao tiếp, ngay cả việc ít nói hay im lặng cũng là những sự lựa chọn mang tính văn hóa: chúng cần được diễn dịch trong giao tiếp và cần được giảng dạy trong lớp học.

Chú thích:
1.      Xem bài “A conceptual framework to help teachers identify where culture is located in language use” của Chantal Crozet in trong cuốn Teaching Invisible Culture, Classroom Practice and Theory do Joseph Lo Bianco và Chantal Crozet biên tập, Language Australia Ltd. xuất bản tại Melbourne, 2003, tr. 39-40.
2.      Joseph Lo Bianco & Chantal Crozet (biên tập) (2003), sđd. tr. 41.

Nguyễn Hưng Quốc


Ngôn ngữ là văn hóa

image

Việc phát hiện kích thước văn hoá trong việc dạy và học ngôn ngữ đã trình bày trong bài Kích thước văn hóa trong việc giảng dạy ngôn ngữ bao gồm ba nội dung chính: Thứ nhất, ngôn ngữ, tự bản chất, là văn hóa; thứ hai, giao tiếp bằng một ngôn ngữ khác bao giờ cũng là một thao tác liên văn hóa; và thứ ba, dạy và học một ngôn ngữ là dạy và học ngôn ngữ đồng thời cũng là dạy và học văn hóa; cả hai được tiến hành hầu như cùng một lúc.

Trong bài này, tôi xin bàn đến nội dung thứ nhất trước.
Trong mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa, có mấy vấn đề cần được phân tích. Ngôn ngữ không phải chỉ là âm thanh hay chữ viết. Ngôn ngữ là những âm thanh và chữ viết có ý nghĩa. Nhưng ý nghĩa lại không phải là những gì chung chung và bất biến, tồn tại giữa hư không hoặc trong các cuốn từ điển cứng nhắc, vô hồn. Ý nghĩa bao giờ cũng gắn liền với một ngữ cảnh (context) trong đó có một người nói/viết, một hoặc nhiều người nghe/đọc, trong một không khí nhất định và với những quan hệ xã hội, tình cảm và mục đích giao tiếp nhất định. Nhưng nếu ý nghĩa bao giờ cũng gắn liền với ngữ cảnh thì, nói theo Dell Hymes, “Chìa khóa để hiểu ngôn ngữ trong ngữ cảnh là phải bắt đầu không phải với ngôn ngữ mà là với ngữ cảnh” (1). Ngữ cảnh, hiểu theo nghĩa rộng ấy, chính là văn hóa.

Cũng xin nói ngay, cách hiểu khái niệm văn hóa của người Việt thường khá hẹp, và thành thực mà nói, khá lỗi thời.
Trong cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam do Trần Quốc Vượng chủ biên (2), văn hóa được định nghĩa là “sản phẩm do con người sáng tạo, có từ thuở bình minh của xã hội loài người” (tr. 17). Trong cuốn Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam (3), Trần Ngọc Thêm định nghĩa: “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình.” (tr. 27).

Trong khi cách hiểu thứ nhất chỉ tập trung vào sản phẩm, cách hiểu thứ hai chỉ tập trung vào khía cạnh giá trị của văn hóa. Cả hai, tuy là những yếu tố quan trọng, nhưng chắc chắn không phải là nội dung duy nhất, hoặc, thậm chí, quan trọng nhất của văn hóa. Khái niệm văn hóa, thật ra, rộng và phức tạp hơn thế rất nhiều. Theo Raymond Williams, “văn hóa là một trong hai hoặc ba chữ phức tạp nhất trong tiếng Anh” (4). Ở đây, tôi chỉ chọn một quan điểm phổ biến nhất trong ngành nhân học và văn hóa học hiện nay: văn hóa, trước hết, là một hệ thống biểu trưng và ý nghĩa (system of symbols and meanings) mà một cộng đồng đã tạo ra, và đến lượt nó, góp phần tạo ra cộng đồng, trong đó, mọi người tồn tại không phải như những cá nhân riêng lẻ mà là những thành viên của cộng đồng: Tất cả đều sử dụng một khung nhận thức và một bảng tiêu chí chung để diễn dịch và đánh giá thực tại, để phán đoán quan hệ giữa người và người, từ đó, phân biệt thiện và ác, đạo đức và vô luân, đẹp và xấu, hay và dở, những điều thích và những điều không thích, v.v... Chính trên cơ sở hệ thống biểu tượng và ý nghĩa như vậy, người ta mới dần dần tạo dựng và củng cố các hệ thống niềm tin và giá trị; và trên cơ sở các hệ thống niềm tin và giá trị ấy, xây dựng các hệ thống thiết chế xã hội và chính trị cũng như các phong cách ứng xử, bao gồm từ ngôn ngữ thân thể đến cách ăn mặc, ăn uống và các phong tục tập quán khác; cuối cùng, dần dần hình thành các sản phẩm văn hóa như văn học, âm nhạc, nghệ thuật, văn hóa dân gian, v.v...

image

Với cách hiểu văn hóa như một hệ thống biểu trưng và ý nghĩa như vậy, người ta dễ dàng nhận ra mối quan hệ hữu cơ mật thiết giữa văn hóa và ngôn ngữ. Mật thiết đến độ nhiều người cho ngôn ngữ, tự bản chất, là văn hóa. Dĩ nhiên, cần lưu ý: không nên và không thể đảo ngược mệnh đề này thành: văn hóa là ngôn ngữ. Trong khi ngôn ngữ là văn hóa, văn hóa, ngược lại, lớn và rộng hơn hẳn ngôn ngữ. Ngôn ngữ chỉ là một bộ phận của văn hóa, bên cạnh nhiều bộ phận khác, từ tín ngưỡng đến các hình thái nghệ thuật hay các phong tục và lễ hội dân gian, v.v...

Có điều, mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa có lẽ gần gũi và khắng khít hơn. Theo J.A. Fishman, mối quan hệ ấy có thể được nhìn thấy ở ba biểu hiện:

1_Ngôn ngữ là một phần của văn hóa.
2_Ngôn ngữ là một chỉ số (index) của văn hóa (theo nghĩa nó tiết lộ cách suy nghĩ và tổ chức kinh nghiệm của một cộng đồng).
3_Ngôn ngữ là biểu trưng (symbolic) của văn hóa.

Theo Claire Kramsch, mối quan hệ ấy cũng có ba biểu hiện chính:

1_Ngôn ngữ diễn tả thực tại văn hóa (các từ ngữ con người sử dụng, để có thể hiểu được, bao giờ cũng liên hệ đến những kinh nghiệm chung và những kho kiến thức mà một cộng đồng đã tích lũy và chia sẻ).
2_Ngôn ngữ nhập thể vào hiện thực văn hóa (bằng cách tạo những kinh nghiệm mới qua phương tiện ngôn ngữ).
3_Ngôn ngữ biểu tượng hóa (symbolise) thực tại văn hóa (ngôn ngữ là một hệ thống ký hiệu trong khi chính hệ thống này, tự nó, đã là một giá trị văn hóa) (5).

image

Theo tôi, mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa có thể được nhìn thấy từ mấy góc độ chính:

1_Ngôn ngữ là kho lưu trữ và đồng thời là biểu hiện của ký ức tập thể hoặc ký ức văn hóa của cả một cộng đồng. Ở cấp độ vi mô, mỗi từ, với tính chất liên văn bản của nó, đều liên hệ đến những từ khác và những văn bản khác, tất cả đều gắn liền với những kinh nghiệm chung mà cả cộng đồng đều chia sẻ. Ví dụ, trong tiếng Việt, một từ đơn giản như “con cò” không thể không gợi liên tưởng đến bài ca dao “Con cò mà đi ăn đêm”, đến câu hát điệu cò lả quen thuộc “Con cò bay lả bay la”, và câu thơ thời Thơ Mới “Con cò trên ruộng cánh phân vân” nổi tiếng của Xuân Diệu, hoặc rộng hơn, đến sinh hoạt ở đồng quê ngày trước với hình ảnh những nông dân cày cấy bên cạnh những con trâu và xa hơn một chút, những con cò trắng thơ thẩn kiếm ăn trên bờ ruộng. Những chữ như “cách mạng” hay “giải phóng” hay ngay cả chữ “Việt kiều” không thể không khơi gợi lên những ký ức về cuộc chiến tranh kéo dài và đẫm máu trước năm 1975 cũng như những kinh nghiệm cay đắng sau đó.

Ở cấp độ vĩ mô, những sự phân bô số lượng từ vựng đều phản ánh nếp suy nghĩ và cách thức cấu trúc kinh nghiệm của cộng đồng. Ví dụ, cũng trong tiếng Việt, từ sự tồn tại của lớp từ Hán Việt và nhiều từ vay mượn từ nước ngoài khác đến cách xưng hô và ưu thế của lớp từ vựng có tính cụ tượng và cảm tính đều là những dấu vết của lịch sử bị ngoại xâm và của xu hướng văn hóa trọng gia đình và thiên về những cái cụ thể, v.v...

image

2_Ngôn ngữ là một trong những phương tiện chính để lưu truyền văn hóa. Chúng ta học những bài học đầu tiên về các biểu tượng, niềm tin và giá trị, vốn là những cốt lõi của văn hóa truyền thống, ở đâu? Trước hết, là từ gia đình; và sau đó, ở trường học: Ở cả hai nơi, phương tiện truyền dạy chính vẫn là qua ngôn ngữ. Qua lời dạy của bố mẹ. Qua lời giảng của thầy cô giáo. Qua những câu tục ngữ, ca dao cũng như các câu chuyện ngụ ngôn và cổ tích mà chúng ta được nghe đây đó. Cái gọi là tính chất truyền khẩu trong văn hóa dân gian (folklore) chính là một minh chứng hùng hồn cho vai trò của ngôn ngữ trong việc duy trì và nuôi dưỡng văn hóa nói chung.

3_Sử dụng ngôn ngữ, dưới hình thức nói hoặc viết, bao giờ cũng là một quá trình kết hợp và lựa chọn: kết hợp từ này với từ khác theo một trật tự cú pháp nhất định; và lựa chọn giữa nhiều từ khác nhau để chuyên chở điều mình muốn truyền đạt trên cả hai bình diện: biểu ý và biểu cảm.

Một ví dụ đơn giản: khi muốn nói hay viết về sự kiện ai đó đã chết chẳng hạn, trong đầu chúng ta sẽ hiện lên vô số từ đồng nghĩa nhưng khác sắc thái, như: chết, mất, đi, qua đời, từ trần, qui tiên, thất lộc, tạ thế, hy sinh, bỏ mạng, ngoẻo, ngủm, ngủm củ tỏi, toi, v.v...Trong hàng trăm từ khác nhau ấy, người nói/viết sẽ chọn một.

image

Tiêu chí để chọn lựa bao gồm: thứ nhất, thực tế (cách chết và ý nghĩa cái chết, từ đó, có sự lựa chọn giữa hy sinh hoặc bỏ xác/bỏ mạng; thời điểm chết (ví dụ những chữ như nhắm mắt/tắt thở/xuôi tay... thưởng dùng để chỉ người mới chết một cách nhẹ nhàng); thứ hai, vị thế của người chết, từ đó, dẫn đến những sự lựa chọn như băng/băng hà (cho vua), tịch/viên tịch (cho sư sãi), qui tiên/thất lộc (cho những người lớn tuổi và khả kính), v.v...; và thứ ba, quan hệ hay thái độ của người nói/viết với người chết: Với người mình yêu thích hay tôn kính thì dùng từ trang trọng (qua đời, từ trần...); với người mình khinh ghét thì dùng những từ bình dân như chết, bán muối, chầu Diêm Vương, v.v... Trong ba tiêu chí ấy, hai tiêu chí sau rõ ràng là mang tính văn hóa.

Tất cả những sự phân tích trên đều nhằm để chứng minh một luận điểm chính: ngôn ngữ thực chất là văn hóa.


Chú thích:
1.      Dell Hymes (1972), phần “Introduction” trong cuốn Functions of Language in the Classroom do D. Humes và C.J. Cazden biên tập, New York: Teachers College Press, tr. xix.
2.      Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2004.
3.      Nxb Thành phố HCM, 1997.
4.      Keywords, A Vocabulary of Culture and Society, London: Fontana Press, 1983, tr. 87.
5.      Xem Karen Risager (2006), Language and Culture: Global Flows and Local Complexity, Clevedon: Multilingual Matters, tr. 12-16.

Nguyễn Hưng Quốc

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.