http://baomai.blogspot.com/
BaoMai
BaoMai
Lời nói đầu: Hiện nay, để thanh minh cho việc bắt Lm Nguyễn Văn Lý vào tù trở lại, nhà cầm quyền CSVN đã vu cáo ngài nhiều chuyện. Vì thế, tôi viết bài này như một lời chứng để mọi người thấy được con người và tư cách đáng phục của ngài, và đừng vội tin những lời vu cáo ngài.
Sau cơn lụt lớn nhất thế kỷ tại Huế cuối năm 1999, tôi đến Huế để cứu trợ lụt. Thời ấy tôi chỉ là người hoạt động tôn giáo và chỉ quan tâm tới những vấn đề tâm linh. Lần cứu trợ này, tôi đến giáo xứ Nguyệt Biều, nơi bị cơn lụt tàn phá dữ dội, cũng là nơi Lm Nguyễn Văn Lý bị quản chế từ năm 1994. Tại đây, tôi được một giáo dân trong xứ dẫn tới nơi Lm Lý đang chỉ huy làm đường cho dân tại xã Thủy Biều. Xã này gồm 4 thôn, Nguyệt Biều là xứ đạo thuộc một thôn trong xã. Lúc đó tôi chưa hề biết cha Lý là một người đấu tranh.
Ngài làm đường cho dân vì xã này bị lụt tàn phá trầm trọng và vì hệ thống đường xá trong xã rất nghèo nàn. Trong cơn lụt, hàng chục ngàn bao xi măng tại nhà máy xi măng Long Thọ trong vùng bị biến thành đá. Vì thế họ bán rẻ mỗi bao 5.000đ thay vì 50.000đ [1]. Để làm đường, cha Lý đặt mua tất cả các bao xi măng đó. Ngài biến tất cả những rãnh nước vốn rất dơ bẩn trong xã thành những con đường rộng khoảng 3 mét để xe hơi có thể đi được. Các bao xi măng bị hóa đá ngài cho xếp lên nhau làm thành hai bờ đường rồi cho dân đổ đất vào giữa. Mặt đường thường cao hơn mặt đất khoảng một mét. Ngài huy động dân trong xã cùng hợp tác làm đường với ngài.
Dân tình nguyện làm đường với ngài rất đông, ai cũng tỏ ra cảm phục, quý mến ngài. Họ hết sức cảm phục vì trong khi chính quyền không hề nghĩ đến chuyện làm đường cho dân, một yếu tố rất cần thiết để xã có thể phát triển, thì ngài, một linh mục nhỏ bé đang bị quản chế trong xã, lại nghĩ đến và ra tay làm việc ấy với số tiền ngài xin từ hải ngoại. Chính nhờ những con đường này mà sau này xã Thủy Biều phát triển mọi mặt và được nâng cấp lên thành phường.
Đối với những gia đình trong xã bị lũ cuốn mất nhà, ngài cấp tôn, cột bê-tông và huy động nhân sự để giúp họ làm lại nhà. Các nhà nghèo, ngài cho mượn vốn để nuôi heo hoặc mua xe xích-lô. Ngài cũng lập một tủ sách để thanh niên và trẻ em trong xã có thể mượn đọc, nhất là sách giáo khoa từ lớp 1 đến 12 mà các em có thể mượn về nhà cả năm, học xong thì trả lại. Ngài còn mở những lớp tin học nhằm đào tạo các thanh thiếu niên trong xã muốn theo học.
Điều tôi cảm phục ngài nhất là ngài nhận được rất nhiều tiền từ hải ngoại, vì làm những con đường như thế tốn rất nhiều tiền lẫn công sức, nhưng chính bản thân ngài lại sống hết sức kham khổ. Phòng ngài ở lúc ấy là cái chái của nhà thờ Nguyệt Biều được dùng làm phòng thánh [2], rộng 2m, dài 5m, cao khoảng 2m5, lợp tôn nên khá nóng. Như vậy diện tích nơi ngài ở chỉ khoảng 10m2, vừa đủ kê một cái bàn, một tủ áo lễ, một số đồ đạc của nhà thờ và của riêng ngài. Chỗ ngủ của ngài là một tấm ván kê cao lên dài 2m nhưng chỉ rộng 0m8, một cái chiếu gấp tư lại phủ lên trên.
Sau lần gặp đó, tôi còn gặp ngài hai lần nữa khi có dịp ra Huế, và tôi có dịp dùng bữa với ngài hai lần. Cả hai lần ấy, ngài đều dùng cơm với đậu phộng kho nước mắm và một bát canh rau. Hỏi ông từ bên cạnh nhà thờ, người phụ trách nấu cơm cho ngài, ông cho biết bữa nào ngài cũng ăn thanh đạm như vậy. Thế mà ngài vẫn rất khỏe, tươi tắn, hồng hào. Ngài cho biết ngài khỏe là nhờ ngồi thiền mỗi tối. Những lần gặp đầu tiên ấy, tôi chỉ biết ngài bị quản chế vì một vài hành động phản kháng nhà cầm quyền về tôn giáo, chứ chưa biết nhiều về ngài.
Những cuộc gặp gỡ này đã gây nơi tôi ấn tượng khá mạnh vì cách sống rất nghèo khó, thanh thoát của ngài. Người Việt hải ngoại gửi cho ngài những số tiền rất lớn để ngài cứu trợ lụt, để làm đường và các dự án khác, trong đó chắc chắn có những tiền mà người ta tặng riêng để ngài chi dùng cho bản thân, chắc chắn với những số tiền ấy, ngài có thể sống một cách đầy đủ hơn rất nhiều.
Nhưng với cảnh sống hết sức thanh bạch và cách ăn uống hết sức đơn giản như vậy, thiết tưởng ngài đã dành hết số tiền người ta gửi cho ngài để lo cho dân, chứ không giữ lại phần nào để lo cho bản thân mình.
Nếu tiền bạc có thể dùng để thử lương tâm con người, thì qua sự kiện này, Lm Nguyễn Văn Lý chứng tỏ là người rất có lương tâm, là một chân tu, một linh mục siêu thoát và sống khá đúng gương nghèo khó của Đức Giêsu, vị giáo chủ mà ngài chọn làm lý tưởng để noi gương theo.
Chỉ mấy tháng sau, vào tháng 11-2000, tôi nghe tin Lm Nguyễn Văn Lý từ Nguyệt Biều lên tiếng đấu tranh cho tự do tôn giáo với khẩu hiệu “Tự do tôn giáo hay là chết”, với sự hỗ trợ đắc lực của Lm Nguyễn Hữu Giải và Lm Phan Văn Lợi. Nếu không gặp ngài và không có một ấn tượng mạnh mẽ và tốt đẹp về ngài, chắc hẳn tôi đã không đủ lý do mạnh mẽ và thuyết phục để lên tiếng ủng hộ ngài. Chính con người và tư cách của ngài khiến tôi chuyển hướng hoạt động, thay vì chỉ quan tâm hoạt động tôn giáo, nghiên cứu, viết lách về tôn giáo và mải mê con đường tâm linh, tôi bắt đầu nghĩ đến những vấn đề xã hội, những bất công, những cấm đoán, những đau thương mà các tôn giáo và toàn dân Việt đang phải chịu.
Sau mấy tháng suy nghĩ, đắn đo, cân nhắc, tôi đã chấp nhận tất cả mọi rủi ro có thể xảy đến cho tôi và gia đình, để rồi đầu tháng 2-2001, tôi bắt đầu lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo của Lm Nguyễn Văn Lý, và cùng đấu tranh với ngài. Tư cách và lòng dũng cảm của Lm Nguyễn Văn Lý đã nâng đỡ tôi rất nhiều trong cuộc đấu tranh cho dân chủ nhân quyền của tôi suốt từ đầu năm 2001 đến nay, nhất là những khi tôi gặp khó khăn, bị sách nhiễu, bị đe dọa, bị khủng bố vì đấu tranh.
Linh mục Nguyễn Văn Lý bất ổn sức khỏe trong lao tù CS
Ngài thường củng cố tinh thần đấu tranh của tôi mỗi lần tôi có dịp tiếp xúc với ngài qua điện thoại hay qua skype. Niềm tin tưởng của tôi vào lương tâm, sự trong sáng của ngài trong cuộc đấu tranh này đã được củng cố thêm khi tôi nghe ngài chia sẻ khá nhiều lần về 5 điều tinh thần mà ngài áp dụng trong cuộc đấu tranh của ngài, đó là tinh thần “ngũ vô”, gồm có:
1) Vô úy: không sợ hãi, không sợ chết cũng không sợ đau khổ, dù là đau khổ tinh thần hay thể xác.
2) Vô cầu: không cầu cạnh, xin xỏ, vì cầu cạnh xin xỏ sẽ làm mình mất thế mạnh của mình, là chấp nhận một thế đứng thấp hơn đối tượng mình cầu cạnh xin xỏ; khi đấu tranh mà mình xin xỏ đối phương thì mình đã chấp nhận thua họ từ đầu rồi.
3) Vô thủ: không giữ lại cho mình điều gì, dù là tiếng thơm, danh vọng hay tiền bạc, của cải; và cũng có nghĩa là không cần phòng thủ hay đề phòng gì cả, vì mình đấu tranh công khai, quang minh chính đại, ai rình nghe cũng mặc.
4) Vô ngã: dẹp bỏ “cái tôi”, không tìm cái lợi cho riêng bản thân.
5) Vô biệt: đối xử với mọi người không phân biệt quốc gia hay cộng sản, da trắng hay da vàng, Phật giáo hay Công giáo, ai đứng về phía lẽ phải và sự thật đều là đồng minh của mình.
Và ngài cho rằng một khi mình thực hiện được tinh thần “ngũ vô” này rồi, thì tức khắc mình có thêm một “cái vô” thứ sáu, đó là “vô địch”! Theo nhận định của tôi, ngài đã sống khá tốt tinh thần “ngũ vô” này.
Chính vì con người, tư cách và tình yêu thương của cha Lý như vậy, ngài mới có thể huy động đa số giáo dân cả hai giáo xứ Nguyệt Biều và An Truyền cùng hăng hái đấu tranh và sẵn sàng sống chết với ngài.
Với tư cách một linh mục, ngài đã tỏ ra một tình yêu nồng nàn đối với Giáo Hội, một tinh thần trách nhiệm với giáo phận Huế và giáo dân của ngài. Tôi được Lm Phan Văn Lợi cho biết:
Trước khi Huế lọt vào tay cộng sản ngày 26-3-1975 thì ngài đang ở Sàigòn. Khi nghe tin cộng sản tấn công thành phố Huế và nghĩ rằng thành phố Huế có thể bị mất vào tay cộng sản, thì ngài lập tức bỏ Sàigòn để trở về Huế cho kịp trước khi Huế thất thủ. Ngài hành động như vậy, trong khi hàng chục ngàn người sẵn sàng bỏ hết của cải tại Huế để chạy vào Sàigòn theo tinh thần “bỏ của chạy lấy thân”, vì lúc ấy ai cũng nghĩ rằng Sàigòn không thể bị mất vào tay cộng sản được.
Là một linh mục thuộc giáo phận Huế, ngài sợ rằng nếu Huế và Sàigòn thuộc hai chính thể khác nhau thì nếu ngài không rời Sàigòn để về Huế lúc đó, ngài sẽ vĩnh viễn không thể về Huế để phục vụ giáo phận và giáo dân của ngài được, nên ngài đã về gấp trước khi Huế bị mất vào tay cộng sản. Nói chung, ai cũng sợ cộng sản và luôn luôn sẵn sàng chạy trốn về những nơi có tự do, vì tự do là quý hơn tất cả. Nhưng đối với ngài, dù ngài cũng quý tự do như tất cả mọi người, nhưng ngài đã đặt tình yêu đối với giáo phận và giáo dân của ngài còn quý hơn tự do của chính bản thân ngài.
Tình yêu tha thiết và tinh thần trách nhiệm cao độ của ngài không chỉ hạn hẹp trong tôn giáo hay giáo hội của ngài, mà còn rộng mở ra cho quê hương đất nước. Ngài không chỉ đấu tranh cho tự do tôn giáo, mà còn đấu tranh cho nhân quyền, cho tự do dân chủ của toàn dân tộc. Việc tham gia thành lập Khối 8406 và trở thành như linh hồn của Khối này, việc tích cực đấu tranh bảo toàn lãnh thổ, chống Trung cộng xâm phạm lãnh hải trong tình trạng bán thân bất toại vì khối u trên não… chứng tỏ tình yêu và tinh thần trách nhiệm rộng mở ấy.
Về tinh thần yêu quê hương đất nước và trách nhiệm của người công dân trong một đất nước lầm than tụt hậu vì bị cai trị bởi một chế độ độc tài phi nhân, tiếp tay cho ngoại xâm như chế độ Cộng sản Việt Nam hiện nay, sự tích cực dấn thân của ngài quả là mẫu gương sáng lạn cho nhiều người, đặc biệt cho giới trẻ hiện nay.
Nguyễn Chính Kết
Phụ chú:
[1] Với thời giá lúc đó, một đôla Mỹ trị giá 15.000đ VN có thể mua được 3 bao.
[2] Phòng thánh: nơi linh mục mặc phẩm phục trước khi ra nhà thờ cử hành thánh lễ, cũng là nơi chứa những đồ đạc liên quan đến việc thờ phượng.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.