Cách ngăn trong mùa
chiến
Tôi không quen nghe
những bài tình ca buồn thảm, nhất là những khúc ca về sự chia cách của những kẻ
yêu nhau trong thời chinh chiến. Tôi phẫn
nộ với cái tái tê của người chinh phụ, bất đồng với cái vất vưởng của tình yêu
trên cánh đồng chiến tranh vô tận. Tôi
căm ghét sự cách ngăn giữa tình nhân vì một lý do ngoại cảnh.
Rồi có lúc, tôi nhận
ra, mình rất sợ nghe những bài tình ca u uất ấy, vì tôi dễ mủi lòng. Tôi dễ
dàng khóc khi nghe bài “Những Đồi Hoa Sim” hay trường khúc “Một Đời Áo Mẹ Áo
Em.” Nỗi lòng người đi ra chiến trận, biết
là nửa đầy hay nửa vơi của một vầng trăng khuyết? Kẻ ở lại còn bao nỗi đoạn trường.
Tôi tự hỏi, làm cách
nào để Mẹ tôi vượt qua những tháng ngày chông chênh, khi Ba tôi phục vụ trong
quân ngũ. Làm sao để Mẹ là một người yêu
khi ý trung nhân bôn ba ngoài chiến ải, làm sao để Mẹ tập trung hoàn tất chương
trình Sư Phạm và tốt nghiệp làm cô giáo, làm sao để Mẹ tìm đủ can đảm để đợi chờ
khi Ba tôi bị đưa vào trại cải tạo? Làm
sao để Mẹ không hóa dại hóa điên?
Ngăn cách trong thời
bán bình
Tại sao tôi gọi là
thời bán bình? Tuy binh đao không diễn ra tại Hoa Kỳ, nhưng quê hương thứ hai của
tôi vẫn đang tham chiến ở những nơi khác trên thế giới. Tôi có nhiều chị em bạn
có người yêu hay phu nhân đi phục vụ tại các chiến trường xa, những chinh phụ của
thế kỷ hai mươi mốt.
Ghét của nào, trời
trao của ấy. Tôi cứ nghĩ mình thoát cái
nghiệp này, nhưng không hẳn vậy. Tôi
không nghe nhạc tình buồn, tránh những bài hát chia cách, thì tôi lại phải xa
chồng hai năm trước và sau ngày cưới vì công việc của anh ở xa. Tôi thấy giận mình thật nhiều. Thời chiến chia cách đã đành. Trong thời bình mà phải xa nhau, thì nỗi đau
càng day dứt.
Tôi nguyền rủa
Manhattan mỗi ngày, đã giữ chồng tôi. Rồi
đến lúc tôi chán, thấy việc nguyền rủa ấy chẳng có ý nghĩa gì, tôi buông
lơi. Tôi để mặc cho tháng ngày trôi đi
trong mong đợi. Tôi gia hạn cho anh phải
về – tháng Giêng. Rồi tái gia hạn –
tháng Tư. Rồi triển hạn – tháng
Tám. Và lại ra tối hậu thư – tháng Chạp. Nhưng tháng ngày trôi đi, những hạn kỳ của
tôi cứ bị “cháy giáo án.” Kinh tế trì trệ
đã khiến anh không tìm được việc ở Quận Cam. Rồi một ngày, tôi nói hết sức thật
lòng, rằng anh hãy đi cưới vợ ở bên ấy, vì tôi đã hết sức để chịu đựng. Anh khóc.
Anh thấu nỗi lòng tôi.
Cho đến một ngày,
anh dứt khoát để phố về hợp châu. Anh từ
chức, trả nhà, dọn về bên tôi. Tôi qua
giúp anh dọn nhà. Bạn bè trêu, nói là
tôi đi rước chồng về. Tôi phải làm quen lại với cái cảm giác có chồng bên cạnh,
phải học nếm cái hạnh phúc đoàn viên, phải trở lại cái đời sống hôn nhân bình
thường. Tôi phục hồi nhân bản của cuộc sống hằng ngày. Tôi đã tái sinh.
Một người quen bảo với
tôi, “Cháu đừng lo! Không ai chết đâu mà
sợ! Cứ nói chồng cháu về! Nếu cần qua ở
với Cô. Chúng ta cũng cần hơi ấm của nhau! Mình chia nhau tí rau tí muối cũng
vui rồi!” Tôi vẫn đùa, nói rằng thà
chúng tôi cùng đi ăn mày trên hè phố, còn hơn là được sống trong lầu son gác
tía mà phải xa nhau.
Mẹ thấu lòng con
- Bữa nay ăn cơm với
gì?
- Con ăn không vô. Dọn
ra rồi lại cất đi.
- Hồi đó Mẹ cũng vậy.
Ba đi cải tạo, Mẹ có ăn uống gì nổi đâu.
Mẹ không nói ra,
nhưng Mẹ hiểu nỗi niềm của tôi. Mẹ thường
hỏi thăm xem chồng tôi đã xin việc ra sao, và cầu nguyện cho ngày chúng tôi được
đoàn viên. Mẹ chỉ mong chúng tôi được
bên nhau. Tôi chợt xót xa, nghĩ đến những
tháng ngày đìu hiu mà Mẹ đã khắc khoải chờ mong chồng, một nách năm con dại. Ai đã san sẻ với Mẹ những cô đơn sầu tủi? Ai đã trấn an Mẹ rằng, chồng của Mẹ vẫn còn sống,
và sẽ có một ngày, Mẹ sẽ được đoàn tụ với chồng? Ai chứng kiến những giọt châu sa mà Mẹ ngày
ngày đong đầy những bát cơm Mẹ ăn hoài không hết? Ai nói với Mẹ, như Mẹ nói với con hôm nay, rằng
cơm lạnh canh thừa không chừa người chinh phụ?
Mẹ thấu hiểu nỗi
ngoay ngoắc của tôi, Mẹ bảo tôi thường về thăm nhà cho bớt quạnh quẽ. Tôi chợt nhận ra, sự khắc khoải mong chồng của
tôi đã kết liền cuộc đời tôi với Mẹ: Mẹ ngày xưa xa chồng vì chinh chiến, tôi
ngày nay xa chồng vì công việc. Trở
thành một người vợ, tôi gần với Mẹ hơn trong tâm tình của những người phụ nữ
cùng trăn trở. Cái trăn trở của Mẹ đã
qua – đã hơn ba thập niên. Nhưng cái tâm
tình và những cái xao xuyến của thời ấy vẫn còn râm ran trong Mẹ. Nên Mẹ hiểu nhiều khi con gái của Mẹ phải cảnh
chồng một nơi, vợ một nẻo. Mẹ biết tôi
đã nhiều bữa cơm nuốt không trôi, nên mỗi lần tôi về thăm nhà, Mẹ đều nấu những
món tôi thích và lần nào, Mẹ và cô em út cũng chuẩn bị hành lý cho tôi thật nhiều:
cá khô, đồ xào, trái cây, rau cải. Tôi
chọc cô em:
- Lúc này em giống Mẹ
rồi! Nhét giỏi quá!
Em tôi không trả lời,
chỉ dứt khoát không cho tôi để lại món nào.
Tôi cười, nói mỗi lần về thăm nhà, là tôi tự thăm nuôi mình, vì lần nào
trở lại ký túc xá, hành lý của tôi cũng đong đầy những món ăn tinh hảo mà Mẹ và
em tôi đã chăm chút gói cho. Hôm nào chị
tôi rảnh, cũng nấu canh chua và kho thịt, ép tôi đem theo. Cứ đà này, tôi sẽ hư mất! Ăn ngon quen miệng,
mai mốt lỡ… quên cách nấu ăn thì sao? Chồng
tôi về, sẽ dắt tôi về nhà Mẹ, tự thăm nuôi tiếp!
Còn thương rau đắng
mọc sau hè
Mẹ trồng rau đắng
trong cái hồ nhỏ. Rau đắng phải có nước nhiều. Ở quê tôi, chỉ những ai nghèo lắm
mới ra đồng hái rau đắng về luộc chấm nước mắm. Những cánh đồng phèn chua đất mặn,
loáng thoáng những vạt rau đắng xanh non. Ngày đó, người dân quê tôi nghèo khó
quá, có nhiều người chỉ mong đủ gạo nấu cơm ngày hai bữa để đi làm ruộng. Rau đắng chỉ có thể luộc, vì làm gì có dầu ăn
và có tỏi để xào? Mẹ trồng rau đắng, như
để tưởng nhớ những hương vị quê hương mà ngày xưa, tuy chúng tôi không đến nỗi
phải cam chịu, nhưng cũng là một ký ức khó quên. Tôi hay cười khi nghĩ về sự đổi
đời của những gì thuộc về quê hương trong hoàn cảnh sống xa nhà. Rau đắng – có mấy
ai nghĩ nó sẽ đắc như vàng hay quý như đinh hương ở xứ người? Ở Việt Nam, rau đắng mọc đầy đồng. Ở Hoa Kỳ, người ta phải đi mua từng lọn nhỏ.
Còn thương lắm rau đắng
mọc sau hè. Chái bếp ngày nào của quá khứ
đã được Mẹ đưa vào quỹ đạo của những bếp ga thời nay, cho con một cõi tâm thức
và yêu thương. Để rau đắng mọc đầy trên thềm ký ức, đưa gió đông về sưởi ấm mái
hiên của những đêm con phải xa chồng. Cách ngăn nào cũng có Mẹ sẻ chia. Ấm lạnh
nào cũng được Mẹ vun vén. “Gái lớn ai
không phải lấy chồng…” nhưng không có người vợ trẻ nào trồng cấy mảnh ruộng mới
của mình mà không cần đến Mẹ. Trong nhiều cách, Mẹ vẫn dzần công cho con trong
vụ mùa mới, để con vào đời và thực sự lớn khôn.
Nàng Bân đan áo cho
chồng. Mẹ dệt hạnh phúc đời hôn nhân của
con.
Trangđài Glassey
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.