Sunday, July 1, 2012

Ghét ai ghét cả lời ca

image


Bạn thân,

Ca dao của ông bà mình hồi xưa có nói:

Thương ai thương cả đường đi,
Ghét ai ghét cả tông chi họ hàng.

Bởi vậy, chúng ta mới dễ hiểu rằng tại sao nhà nước không ưa sách vở, thi ca, văn hóa văn nghệ và âm nhạc của thời trước năm 1975 ở Miền Nam.

Tuy nhiên, thù ghét là điều không nên. Bên phía các nhà sư ưa nói, giận ai đừng để qua đêm... Nghĩa là, sang hôm sau là huề. Vậy mà, sau 37 năm thống nhất đất nước, nhà nước đã vẫn giữ lòng căm thù với âm nhạc thời trước 1975, bất kể rằng rất nhiều nhạc sĩ thời đó đã về lại quê nhà hoặc không hề rời nước...

Cho nên mới xảy ra chuyện mà báo Người Lao Động hôm Thứ Bảy 30-6-2012 gọi là “Ca sĩ dễ vướng “bẫy” nhạc xưa.”

Vướng bẫy? Bẫy này đâu phảy bẫy tình, cũng không phải bẫy thù... vì bao nhiêu oán thù đã xong từ lâu rồi. Vậy mà, nhạc xưa vẫn là một bẫy mìn đáng sợ.

image

Báo Người Lao Động viết:

“...Nhạc xưa, những bài hát sáng tác trước năm 1975, được phổ biến tại miền Nam đang được ca sĩ hiện nay sử dụng trình diễn trên các sân khấu ca nhạc và sản xuất đĩa nhạc, bởi loại nhạc này đang được một bộ phận công chúng yêu nhạc yêu thích. Tuy nhiên, do mù mờ về lai lịch của nó nên ca sĩ khó tránh khỏi “bẫy” sử dụng bài hát chưa cho phép hoặc cấm phổ biến, thậm chí cả những bài hát bị thu hồi sau khi được phép phổ biến của cơ quan chức năng.

image

Ca khúc Tàu đêm năm cũ của Trúc Phương được ca sĩ Vi Thảo sử dụng trong album chỉ là một trong nhiều trường hợp sập “bẫy” nhạc xưa của ca sĩ thời gian qua. Dù bài hát Tàu đêm năm cũ được cấp phép phổ biến trên toàn quốc theo Quyết định số 681, do Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Vương Duy Biên ký ngày 29-11-2011 nhưng trong bản nhạc giấy vẫn in đầy đủ ca từ đủ để nhà sản xuất và ca sĩ nhận ra có liên quan đến lính chế độ cũ, được liệt vào danh sách ca khúc cấm phổ biến. Về lý, ca khúc được cấp phép phổ biến thì ca sĩ được quyền sử dụng sản xuất chương trình, nhưng khi Cục Nghệ thuật Biểu diễn- cơ quan cấp phép nhận ra quyết định của mình là sai và sửa sai bằng quyết định thu hồi thì phần thiệt hại thuộc về ca sĩ.

image

Có nhiều ca khúc nhạc xưa đã được Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép phổ biến trên toàn quốc nhưng sau đó phải ra quyết định thu hồi hoặc tạm ngưng phổ biến như: Cánh thiệp đầu xuân (Minh Kỳ - Lê Dinh); Còn chút gì để nhớ (Phạm Duy - thơ: Vũ Hữu Định); Cánh buồm chuyển bến (Lê Dinh - Hoài Linh); Ai biểu anh làm thinh (Trầm Tử Thiêng); Rừng xưa (Lam Phương); Tình bơ vơ (Lam Phương); Hạnh phúc đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ); Tàu đêm năm cũ (Trúc Phương)...

image

...Nếu những ca khúc vừa nêu không được phép phổ biến trên sân khấu, sản xuất đĩa nhạc sau khi có quyết định thu hồi thì nó được phổ biến rộng rãi trên các website âm nhạc do ngành thông tin truyền thông quản lý như: nghenhac.info,mp3.zing.vn, nhaccuatui.com, nhacso.net, nhac.vui.vn…”

image

Nghĩa là, có nơi cho hát, cho nghe... nhưng nơi khác lại cấm. Có trời mà hiểu chuyện gì đang xảy ra. Có lẽ nói thế này cho dễ hiểu: lòng căm thù đã làm cho người ta mờ mắt, ù tai... và cứ thế là tay chân đánh loạn xà ngầu. Có lẽ thế.




image




image

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.