Biện pháp định giờ 'dắt chó đi dạo' của Serbia tỏ ra không thích hợp và đã bị dỡ bỏ
Các nước trên toàn thế giới đang áp dụng các biện pháp chưa từng có nhằm ngăn chặn tình trạng lây lan virus, từ những biện pháp khắc nghiệt, nhẹ nhàng, cho tới những biện pháp đầy tính sáng tạo.
Chúng tôi xem xét một số các biện pháp khác lạ mà các nước đang áp dụng để chống dịch bệnh Covid-19.
Panama
Quốc gia vùng Trung Mỹ, nơi cho đến nay đã có gần 1.000 trường hợp được xác định dương tính, đã công bố áp dụng các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, phân chia người dân theo giới tính nhằm chặn sự lây lan của virus.
Từ thứ Tư, nam giới và phụ nữ sẽ chỉ được ra khỏi nhà trong hai giờ đồng hồ mỗi lần, và vào các ngày khác nhau.
Tại Panama, lệnh hạn chế đi lại được áp dụng dựa theo giới tính
Không ai được phép ra ngoài vào các ngày Chủ Nhật.
"Biện pháp kiểm dịch tuyệt đối này không nhằm gì khác ngoài việc gìn giữ sự sống cho mọi người," Bộ trưởng An ninh Juan Pino nói trong một cuộc họp báo.
Colombia
Tại một số thị trấn của nước này, người dân được phép ra ngoài dựa theo số ghi trên thẻ căn cước cá nhân của mỗi người.
Ví dụ như người dân ở Barrancabermeji với số thẻ căn cước có chữ số cuối cùng là 0, 7 hoặc 4 sẽ được phép ra khỏi nhà vào thứ Hai, còn những người có số cuối là 1, 8 hoặc 5 thì được đi ra vào thứ Ba.
Quốc gia Bolivia gần đó cũng áp dụng cách thức tương tự.
Serbia
Đã có lúc chính phủ nước này áp dụng "giờ dắt chó đi dạo", từ 20:00 đến 21:00 đối với những ai bị phong toả. Tuy nhiên, biện pháp này nay đã được bỏ đi sau khi vấp phải sự phản đối từ những người nuôi chó.
Một bác sĩ thú y nói rằng việc bỏ qua giờ đi dạo ban đêm có thể sẽ làm tồi tệ thêm tình trạng sức khoẻ của những con chó có vấn đề về tiểu tiện, và "làm trầm trọng tình trạng vệ sinh trong nhà của những người nuôi chó".
Belarus
Biện pháp duy trì khoảng cách xã hội đang được nhiều nước áp dụng, nhưng không phải là ở Belarus
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã khiến khá nhiều người ngạc nhiên về cách hành xử của ông trong đợt bùng phát dịch bệnh virus corona.
Ông đã cười nhạo vào ý kiến cho rằng nước ông cần phải kiềm chế sự lây lan dịch bệnh, bởi vì ông không hề nhìn thấy con virus này "bay lượn xung quanh".
Nói với một phóng viên truyền hình tại một trận đấu khúc côn cầu trên băng trong nhà, ông cũng nói rằng việc có đám đông tới xem trận đấu là không sao vì độ lạnh của sân thi đấu sẽ làm cho virus không lây lan được.
Không có bằng chứng nào cho thấy điều đó đúng, và ta thì không thể nhìn thấy virus corona bằng mắt thường được.
Không giống như hầu hết các nước châu Âu khác, Belarus không áp dụng bất kỳ hạn chế nào đối với các sự kiện thể thao.
"Chả hề có virus nào ở đây hết," ông Lukashenko nói. "Quý vị không hề nhìn thấy nó bay lượn xung quanh phải không? Tôi cũng không, Đây là một cái tủ lạnh. Thể thao, mà nhất là thể thao trên băng, trong cái tủ lạnh này, là cách chữa, chống virus tốt nhất!"
Ông cũng nhắc tới việc uống vodka và thường xuyên xông hơi, coi đó là các cách tốt để trừ diệt virus - hoàn toàn khác với lời tư vấn chuyên khoa.
Thụy Điển
Khác với các nước láng giềng, Thuỵ Điển có thái độ khá dễ dãi trong việc áp dụng các biện pháp phong toả, bất chấp việc đã có gần 4.500 trường hợp xác định dương tính tại nước này.
Chính phủ hy vọng là người dân sẽ xử sự một cách phù hợp, và đặt niềm tin vào người dân là họ sẽ biết làm điều đúng đắn.
Nước này cấm tụ tập hơn 50 người vào Chủ Nhật, nhưng các trường học dành cho học sinh dưới 16 tuổi vẫn mở.
Các quán rượu, nhà hàng vẫn có thể mở cửa đón khách, và nhiều người vẫn có các hoạt động giao tiếp xã hội như ngày thường.
Chiến lược này đang làm phân rẽ ý kiến cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài, tuy nhiên chỉ thời gian mới trả lời được là liệu cách làm có tính dễ dãi này của Thuỵ Điển có gây tác dụng ngược hay không.
Malaysia
Lời khuyên được đưa ra tại Malaysia cũng gây tranh cãi không kém.
Chính phủ bị buộc phải xin lỗi sau khi Bộ Phụ nữ đăng các hình biếm hoạ lên mạng, theo đó nói các bà vợ hãy ăn mặc đẹp, trang điểm và tránh mè nheo chồng trong thời gian nước này phong toả một phần.
Người dùng trên mạng xã hội ngay lập tức lên tiếng chỉ trích các poster trên, và chúng sau đó đã được gỡ bỏ.
Turkmenistan
Trong lúc đó thì tin tức nói Turkmenistan có cách tiếp cận hoàn toàn khác trong việc đối phó đại dịch... và cấm dùng từ "virus corona".
Theo trang tin độc lập 'Turkmenistan Chronicle' - là trang bị cấm ở quốc gia Trung Á này - thì chính phủ đã dỡ bỏ từ này khỏi các ấn phẩm giới thiệu thông tin y tế.
Kênh phát thanh Azatlyk nói rằng người dân nếu nói về virus này hoặc đeo khẩu trang nơi công cộng có thể sẽ bị bắt.
Giới chức nói không có trường hợp nhiễm virus nào được ghi nhận tại Turkmenistan, quốc gia có đường biên với Iran, một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch.
Áo
Trong lúc Tổ chức Y tế Thế giới nói những người khỏe mạnh không cần đeo khẩu trang trừ khi chăm sóc cho người ốm, thì Áo bắt buộc mọi người phải dùng khi vào siêu thị.
Áo quy định từ thứ Tư, mọi người vào siêu thị phải bắt buộc đeo khẩu trang
Quy định mới được Thủ tướng Sebastian Kurz đưa ra, có hiệu lực từ thứ Tư, và hàng triệu khẩu trang đã được cung cấp.
Tuy đeo khẩu trang là điều phổ biến ở nhiều nơi tại châu Á, nhưng Áo mới chỉ là quốc gia châu Âu thứ tư buộc dùng khẩu trang nơi công cộng - theo sau các nước Cộng hòa Czech, Slovakia, và Bosnia và Herzegovina.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.