Monday, July 9, 2012

Nước mắt làm ướt áo thầy tu

image


Hầu hết mọi người đều biết, một khi vị tu sĩ nào đã được thụ phong chức Linh Mục rồi, thì vị Linh Mục đó tuyệt đối phải tuân hành các giáo điều của Giáo Hội Công Giáo truyền dạy, mà một trong các giáo điều đó là tất cả các Linh Mục phải duy trì tình trạng độc thân và không được phép luyến ái với bất cứ một người phụ nữ nào sau khi đã được thụ phong chức Linh Mục. Nếu vị Linh Mục nào muốn lập gia đình hoặc vì một lý do gì lỡ vi phạm vào 2 giáo điều vừa kể trên, bắt buộc vị Linh Mục đó phải tự mình tình nguyện nạp đơn lên Giáo Quyền, xin phép được từ bỏ thiên chức Linh Mục của mình, để trở thành một thường dân ngoài đời, không còn năng quyền của một Linh Mục, để cử hành những phép bí tích trong Nhà Thờ, tại những nơi thờ phượng hay tại tư gia nữa; ngoại trừ trường hợp chỉ có một số rất ít, những vị Mục Sư đã lập gia đình rồi, thuộc vài giáo phái Tin Lành, nạp đơn xin được phép chuyển nhập vào Giáo Hội Công Giáo và đơn xin sẽ được Giáo Quyền Tối Cao trong Giáo Hội Công Giáo cứu xét và nếu đơn xin được chấp thuận, thì những vị Mục Sư này sẽ trở thành những vị Linh Mục trong hàng ngũ Linh Mục của Giáo Hội Công Giáo, hoặc có một số ít các Thầy Phó Tế Vĩnh Viễn đã có gia đình rồi, nhưng chẳng may người vợ qua đời sớm và theo nội quy của Giáo Hội Công Giáo, một khi người chồng đã được chịu chức Phó Tế Vĩnh Viễn (Permanent Deacon) rồi, thì sau khi vợ qua đời, không được phép lấy vợ khác, nhưng được Giáo Quyền ban cho một đặc ân, như trong trường hợp các con đã tới tuổi trưởng thành và chúng nó đã có thể tự lập được cuộc sống, thì những Phó Tế nằm trong tình trạng độc thân này, đều có thể nạp đơn xin trở thành Linh Mục lên Giáo Quyền cứu xét và nếu đơn xin được chấp thuận, thì chỉ phải học thêm môn Thần Học từ 1 cho đến 2 năm nữa, là hội đủ điều kiện chịu chức Linh Mục nếu muốn.

image
hình minh họa
Sau đây chúng tôi xin tường thuật lại một câu chuyện có thật của một vị Linh Mục giải thích cho chúng tôi nghe về lý do tại sao Ngài không còn là Linh Mục nữa và Ngài đã được Giáo Quyền cho phép cởi bỏ áo tu sĩ, để có một cuộc sống ngoài đời bình thường như trăm ngàn giáo dân khác và Ngài đã lập gia đình. Câu chuyện của cựu Linh Mục này do chính Ngài tâm sự với chúng tôi như sau:

Cứ mỗi năm Tết đến, khi tôi còn là Linh Mục, tôi đều về Việt Nam nghỉ phép thường niên 3 tuần lễ, với mục đích duy nhất là chỉ để thăm viếng thân mẫu của tôi đã già yếu, mà người Công Giáo thường xưng hô với thân phụ mẫu của một Linh Mục là Ông Bà Cụ Cố nếu lớn tuổi hoặc Ông Bà Cố nếu còn trẻ tuổi. Năm đầu tiên  tôi về thăm thân mẫu của tôi và một hôm, có một cặp vợ chồng quen thân với Bà Cố tức Mẹ tôi, họ nghe được tin tôi từ Hoa Kỳ về thăm Bà Cố, nên họ đến thăm chào hỏi tôi và bà vợ của ông chồng này, tình cờ kể lại cho tôi nghe một câu chuyện khá thương tâm, về một thiếu phụ bị chồng bỏ, ở cùng trong xứ đạo với Mẹ tôi, chị ta rất ngoan đạo, Mẹ tôi cũng biết rõ chị này không bao giờ bỏ Lễ ngày Chủ Nhật. Chị đang phải nuôi 2 đứa con trai, đứa lớn 11 tuổi, đứa nhỏ 9 tuổi, chồng của chị bỏ nhà ra đi, không một lời từ biệt với vợ và 2 con, biệt tăm tích đã gần một năm nay rồi, để đi theo tiếng gọi của tình yêu mới với một cô gái trẻ đẹp, kém chị ta cả chục tuổi.

image
hình minh họa
Hàng ngày chị phải dậy thật sớm thổi mấy nồi xôi đậu xanh và đậu đen, để cùng với đứa con trai lớn mang xôi ra chợ bán, đến gần xế trưa 2 Mẹ con mới trở về nhà, vội vàng ăn uống xong xuôi đâu đấy, rồi 2 Mẹ con lại cùng với đứa con trai út, rời nhà để đi ra chợ làm phu khuân vác, dọn dẹp sạch sẽ cho các sập bán hàng lẻ ở ngoài chợ, 3 Mẹ con làm tới tối mịt mới quay trở về nhà. Ngày nào cũng như ngày ấy, cả 3 Mẹ con không được nghi ngơi, ngoại trừ sáng sớm ngày Chủ Nhật, 3 Mẹ con đi dự Thánh Lễ xong, lại ra chợ tiếp tục làm những công việc hàng ngày mà 3 Mẹ con vẫn làm và kể từ khi chồng chị bỏ nhà ra đi, 2 đứa con chị phải nghỉ học ở nhà giúp đỡ Mẹ những công việc lao động vừa được kể trên, mới kiếm được đủ tiền nuôi sống 3 Mẹ con cho đến ngày hôm nay.

Tôi vừa nghe kể xong câu chuyện này, động lòng thương xót và tội nghiệp cho 2 đứa trẻ nhỏ không được đi học,  nên tôi liền yêu cầu cặp vợ chồng này, hãy dẫn tôi đến thăm 3 Mẹ con chị ta ở tại nhà chị ta, để tôi nói cho người Mẹ biết là tôi sẵn sàng giúp đỡ chị, bằng cách bảo trợ tài chánh cho 2 đứa con chị được tiếp tục cắp sách đi học trở lại, cho tới khi chúng học xong bậc trung học. Sau khi chị nghe tôi nói thế, chị tỏ ra rất xúc động, chị nói:

Con xin hết lòng đội ơn Cha, những điều Cha nói làm con cứ ngỡ là con đang nằm chiêm bao, vì đây là điều ước mong duy nhất của con, mà hàng ngày con cầu xin Chúa ban xuống cho con cách riêng, để làm sao con có thể đưa 2 con của con trở lại trường học, như trước kia hàng ngày, chồng của con vẫn đưa 2 con đến trường, khi anh ấy vẫn còn ở nhà với con. Giờ đây thật là sung sướng hạnh phúc biết bao cho con và 2 con của con, vì Cha đã thay mặt Thiên Chúa đến đây để đáp ứng lời cầu nguyện của con từ bấy lâu nay.

Nhờ vào số tiền hàng năm của tôi gửi về cho chị và chị coi tôi như là người Bố đỡ đầu tinh thần cho 2 con của chị, để giúp đỡ cho 2 cháu được tiếp tục đi học, như tôi đã hứa và sau khi chị trang trải tiền học phí, tiền mua sách vở cho 2 con, chị cho tôi biết vẫn còn dư thừa chút đỉnh, nên 2 cháu không cần phải làm bất cứ một công việc gì nặng nhọc, để phụ giúp chị như trước kia nữa, mà chúng chỉ biết vùi đầu vào sách vở, đến cuối năm cả 2 cháu đều được lãnh nhận phần thưởng danh dự, là 2 học sinh giỏi nhất lớp, được nhà trường khen thưởng và mỗi cháu còn nhận được một trăm Mỹ kim của tôi với tư cách là Bố đỡ đầu tinh thần của chúng từ Hoa Kỳ gửi về, để tưởng thưởng cho chúng học giỏi. Như đã nói ở phần trên, mỗi năm tôi về Việt Nam một lần, để thăm nom sức khoẻ của thân mẫu tôi, mỗi lần về như thế, tôi đều có ghé nhà chị ta để đón 2 đứa con của chị về nhà Mẹ của tôi ăn cơm vài ba lần và để thăm hỏi sức khoẻ của chúng, đồng thời cũng để kiểm điểm lại sự học hành của chúng xem chúng học hành tới đâu. Lẽ dĩ nhiên, những lần tôi đến đón chúng về nhà Mẹ tôi, thì không bao giờ có Mẹ chúng đi theo chúng.

Qua những kinh nghiệm trong công tác Tông Đồ Mục Vụ của tôi là một Linh Mục cho tôi biết, việc gì phải đến thì nó sẽ đến, ngoại trừ Thiên Chúa hay Thượng Đế ra, không ai có thể biết trước được việc gì sẽ xẩy đến cho mình. Tất cả 6 lần trong 6 năm liên tục, tôi về Viêt Nam để thăm viếng thân mẫu tôi và cũng như mọi năm, trong thời gian 3 tuần lễ tôi ở nhà Mẹ tôi, tôi đều có đến đón 2 đứa con tinh thần của tôi về nhà Mẹ tôi ăn cơm và trò chuyện với chúng vài tiếng đồng hồ, xong rồi tôi lại lái xe đưa chúng về nhà Mẹ của chúng, thả chúng xuống trước cửa nhà, mà tôi không cần phải xuống xe để dẫn chúng vào nhà, lúc đón cũng như lúc đưa chúng về, chỉ có một lần Mẹ chúng thấy tôi tới, thì chị vội vàng chạy ra chỗ xe tôi đang đậu để chờ chúng, chị mời tôi vào nhà uống trà, có 2 đứa con cũng ngồi cùng cả đấy, chúng tôi trao đổi với nhau vài ba câu chuyện xã giao, kéo dài khoảng 15 phút, thì tôi đứng dậy xin cáo biệt chị ra về, vì còn phải chở Mẹ tôi đưa tôi đến thăm Cha Chánh Xứ họ đạo Nhà Thờ Tân Định, như đã có hẹn trước với Ngài.

image
Năm nay tôi về VN là lần thứ 6 như mọi năm, để thăm Mẹ tôi. Cũng như thường lệ, tôi lái xe đến đón 2 đứa con tinh thần, luôn luôn chúng nó đã đứng chờ sẵn ở trước cửa nhà, khi xe tới, chẳng cần phải nói lời nào, tự động chúng mở cửa xe phía sau và leo lên xe ngay. Nhưng lần này, khác hẳn những lần trước, chỉ thấy Mẹ chúng đang đứng chờ trước cửa nhà và khi xe của tôi vừa chạy tới, thì chị chạy vội ra, mời tôi vào trong phòng khách ngồi chờ 2 cháu, chị cho biết là 2 cháu còn đang mắc bận thay áo quần trong phòng tắm. Trong lúc tôi ngồi trong phòng khách đợi 2 cháu, thì chị ngồi trên chiếc ghế cách xa, đối diện với tôi và nói :

Thưa Cha, con hết lòng tạ ơn Cha đã giúp đỡ cho 2 đứa con của con được đi học liên tục gần 6 năm qua, ơn trời biển bao la này của Cha dành cho 2 con của con, tất cả chúng con không biết đến bao giờ mới có thể đền đáp lại ơn này cho Cha, nhưng chúng con sẽ luôn luôn ghi tạc ơn này tận đáy lòng chúng con, cho tới khi chúng con lìa đời. Hôm nay con dám mạnh dạn, để xin Cha cho phép con được bầy tỏ sự thầm kín chân thành nhất từ đáy lòng của riêng con với Cha, là xin Cha bảo lãnh cho 2 đứa con của con được sang Hoa Kỳ tiếp tục sự học của chúng, để chúng nó có một cơ hội tiến thân trên con đường học vấn và nhờ đó, chúng nó sẽ có thể trở thành những nhân tài nổi danh trên thế giới mai sau, góp phần làm vẻ vang cho dân tộc Việt Nam ở quốc ngoại.

Để có thể thực hiện được ý nguyện thầm kín này của con, con xin Cha vì tấm lòng nhân từ bác ái của Cha, xin Cha hãy bằng lòng làm giấy hôn thú giả với con một cách kín đáo, chỉ có Cha và con biết chuyện này mà thôi và khi sang tới Hoa Kỳ, con và 2 con của con sẽ cư trú tại một tiểu bang khác, cách xa tiểu bang nơi Cha đang ở, để tránh sự dòm ngó dị nghị của mọi người chung quanh, không làm phương hại đến thanh danh của Cha là một Linh Mục thánh thiện, rồi gắng đợi đến 2 năm sau, Cha mới làm giấy ly dị con, tới lúc đó chúng con đã trở thành thường trú nhân hợp pháp tại Hoa Kỳ rồi, chúng con không còn sợ bị trục xuất trả về VN nữa.

image
Tôi cố gắng ngồi yên lặng để nghe chị nói hết lời, chứ thực ra, vừa nghe chị nói đến câu làm giấy hôn thú giả, thì tôi đã hết hồn, cảm tưởng như có quân khủng bố đang đặt trái bom dưới nệm ghế tôi ngồi và tôi cố gắng lấy lại sự bình tĩnh, để giải thích cho chị hiểu rõ rằng:

Đối với Luật Công Giáo, không bao giờ cho phép một Linh Mục làm một điều gì dối trá trước mặt Chúa và hơn thế nữa, đối với luật pháp Hoa Kỳ lại càng chết tươi, ăn năn tội chẳng kịp, hành động giả vờ lấy nhau làm vợ làm chồng, không chóng thì muộn cũng sẽ bị chính quyền phát giác, tới lúc đó người phối ngẫu ở Hoa Kỳ, sẽ được mời đi nghỉ mát nhiều năm trong trại tù và có thể cộng thêm một số tiền phạt vạ nữa; còn người phối ngẫu từ nước ngoài tới, thì ở trong tư thế sẵn sàng khăn gói quả mướp, chờ ngày lên đường bị tống xuất trở về quê cũ. Vì mới cách đây vài năm tại tiểu bang California, chính quyền tiểu bang hợp tác với chính quyền liên bang, đã khám phá ra cùng một lúc, nhiều cặp vợ chồng giả vờ lấy nhau (Fraud Marriage), nhưng không hề ăn ở với nhau một ngày nào và để áp dụng đúng theo Luật Di Trú Hoa Kỳ (US Immigration Law) đã quy định, thì tất cả những người phạm pháp này, đều bị truy tố ra Toà Án Di Trú (US Immigration Court) xét xử.

Nếu can phạm ở đây có quốc tịch, thì chỉ lãnh bản án đi nghỉ mát nhiều năm trong nhà tù, còn nếu can phạm chỉ là thường trú nhân thôi, thì sau khi đã mãn hạn thời gian nghỉ mát ở tù về, thì có thể sẽ bị Sở Di Trú trục xuất đương sự trả về nguyên quán, riêng những can phạm từ nước ngoài vào, thì bị tạm giam để chờ ngày lên đường về quê cha đất tổ. Tôi vừa mới nói tới đây, chưa kịp giải thích thêm, thì chị đã chạy nhào tới ôm chặt lấy tôi trong vòng tay của chị, ngả đầu lên vai tôi, khóc nức nở, làm ướt đẫm chiếc áo chùng thâm của tôi đang mặc trên người và lần này không còn phải là trái bom nổ chậm đặt dưới nệm ghế tôi đang ngồi nữa, mà hình như có ai đang chích mũi thuốc mê vào người tôi, đưa tôi vào thế mê hồn trận, nên tôi không còn biết trời trăng mây nước ra sao nữa, rồi chị cứ vừa khóc vừa tỉ tê kể lể tràng giang đại hải bên tai tôi, nào là em đã thương yêu Cha từ nhiều năm nay rồi, em biết rõ có một số Linh Mục đã được Giáo Quyền cho phép cởi áo tu sĩ ra ngoài đời lập gia đình có sao đâu, lấy vợ đâu có phải là một hành động xấu xa gì, trái lại hành động này là một hành động can đảm, đáng phục, vì dám công khai thú nhận một sự thật tình yêu công chính, không việc gì phải sợ sệt, dấu diếm trước giáo hội và trước giáo dân của mình. Như thế, rõ ràng trường hợp của Cha, nếu Cha bằng lòng lấy em làm vợ, là vì lòng nhân từ bác ái của Cha, để cứu giúp một thiếu phụ với 2 đứa con còn nhỏ dại vượt trùng dương hàng ngàn dặm, để đến được bến bờ tự do hạnh phúc, chứ đâu có phải vì Cha ham mê sắc dục hay vì mê gái 2 con trông mòn con mắt của em đâu, mà đến nỗi làm Cha phải xin từ bỏ chiếc áo chùng thâm để lấy em và nếu sự việc này cho rằng Cha phạm tội trước mặt Chúa, thì hoàn toàn lỗi tại em vì em đã cám dỗ Cha, chứ Cha đâu có cám dỗ em, Chúa biết rõ từng sợi tóc trên đầu của mỗi người, nên Chúa sẽ hiểu rõ việc làm này của Cha, vì con người ta chỉ có thể che mắt thế gian, chứ không thể nào che mắt Chúa được v.v.....

image
hình minh họa
Mà thôi, đúng là ma đưa lối quỷ đưa đường, cứ tìm những phút dặm trường mà đi, sự thể đã ra nông nỗi này rồi, biết nói gì hơn, một khi đôi con tim của hai kẻ đã cùng nhau hoà chung một điệp khúc tình ca bất hủ, mà những ai thương yêu nhau vẫn còn nhớ câu hát: Thương Nhau Cởi Áo Cho Nhau, Về Nhà Mẹ Hỏi Qua Cầu Gió Bay. Thế là tôi đành phải nhắm mắt đưa chân, để thề hứa với chị, là sau khi tôi được giáo quyền cho phép cởi bỏ chiếc áo chùng thâm này ra, thì tôi sẽ quay trở về VN cưới chị làm vợ chính thức và đem 3 Mẹ con chị sang đoàn tụ với tôi ở Hoa Kỳ.

image
hình minh họa
Đúng 1 năm sau, sau khi tôi được Giáo Quyền cho phép tôi trở thành thường dân, tôi đã giữ đúng như lời thề hứa trước kia với chị và tôi đã trở về VN cưới chị làm vợ và đã đưa cả 3 Mẹ con chị sang Hoa Kỳ chung sống với tôi. Đến lúc này, tôi mới hiểu rõ rằng, trong mỗi một cuộc sống của con người trên trần thế, dù lập gia đình hay sống độc thân, trong mọi hoàn cảnh khác biệt nhau và trong mọi môi trường sinh sống khác biệt nhau, mỗi người đều phải trả cho cái giá đắt hoặc rẻ của nó, mà mỗi người đã tự chọn lựa môi trường cho cuộc sống của mình.

Nhưng ngay bây giờ, nếu ai hỏi tôi : Nên Lập Gia Đình hay Nên Đi Tu, thì tôi thực tâm sẽ trả lời họ rằng:  Nên Đi Tu thì hơn, như người ta thường nói Tu Là Cõi Phúc, Tình Là Giây Oan. Vì tôi là người đã có diễm phúc được từng trải  nhiều năm sống trong 2 môi trường khác biệt nhau này, mà nhờ đó, tôi mới biết rõ đời sống vợ chồng không đơn giản như tôi nghĩ khi tôi còn đang trong thiên chức Linh Mục. Quả thật đúng như câu nói: Có nằm trong chăn mới biết chăn có rận và giờ đây, làm tôi nhớ lại những lời nhắn nhủ chân thành của một Linh Mục lớn tuổi, mà tôi kính trọng Ngài như người Anh Cả của tôi, đã nói với tôi trước ngày tôi về VN lần đầu:

image
Tôi biết Cha có một đời sống rất thánh thiện ( Religious life) với lòng tự tin mãnh liệt (Strongly self-confident) vào Đấng Quyền Năng Tối Cao sáng tạo ra trời đất và con người chúng ta, đó là 2 yếu tố tiên quyết, cần phải có đối với những vị tu hành thuộc bất cứ tôn giáo nào, mà Cha đã có, nhưng trên thực tế, nếu có 2 yếu tố này vẫn chưa đủ sức lực, để chống chọi lại những cạm bẫy cám dỗ của đồng tiền và tình dục, mà chúng ta luôn luôn cần phải ý thức và tự cảnh giác lòng mình trước những cạm bẫy cám dỗ này, kẻo không, chúng ta sẽ bị rơi vào cạm bẫy, rồi tới lúc đó lại đổ vạ cho ma quỷ cám dỗ chúng ta. Vậy xin Cha hãy ghi nhớ 2 câu nói sau đây trong đời sống tu hành của chúng ta là:

Phòng Bệnh Hơn Chữa Bệnh và Lúa Chín Đầy Đồng, Nhưng Thợ Gặt Thì Ít, chứ không thiếu như nhiều người tưởng lầm. Nhiều lúc ngồi một mình thầm lặng để suy ngẫm lại những lời nhắn nhủ này, tôi mới cảm thấy thấm thía cho cuộc đời hiện tại của tôi.


Phó Tế Nguyễn Mạnh San
Cựu Phụ Tá Trưởng Phòng Tố Tụng
Đặc Trách Luật Sư Đoàn Liên Bang và Nhập Tịch 
Toà Án Liên Bang Hoa Kỳ
Oklahoma City, Oklahoma


LTS: Nước Mắt Làm Ướt Áo Nhà Tu Kỳ I, tác giả: Phó tế Nguyễn Mạnh San mô tả một Linh Mục từ Hoa Kỳ về Việt Nam, quen biết một gia đình có 3 mẹ con, mẹ goá con côi túng thiếu quá, ba mẹ con phải lao động cực nhọc cũng không đủ miếng ăn. Vị LM thấy thương hại hai đứa nhỏ bèn ra tay cứu giúp, hàng tháng ông gửi tiền về nuôi hai đứa nhỏ ăn học. Hai đứa trẻ ngoan và học rất giỏi mà ông nhận là con nuôi, mỗi kỳ hè ông đều về thăm mẹ và luôn thể thăm hai đứa con nuôi ở cùng vùng. Qua 5 năm, mọi chuyện vẫn bình thường. Sang năm thứ 6, mẹ 2 đứa trẻ đề nghị LM làm hôn thú giả với cô để cô và 2 con sang Hoa Kỳ cho hai đứa trẻ tiếp tục học vì chúng học rất giỏi. LM sững sờ vì lời đề nghị táo bạo, ông từ chối thẳng thừng, giải thích cho người mẹ quá thương con ấy, rằng gian dối sẽ ở tù, còn nàng và hai đứa con sẽ bị đuổi trở về VN. Nàng thương con không biết tính sao và vì thất vọng và xúc động quá nhào tới ôm lấy chân LM xin giúp đỡ, đồng thời thú nhận là nàng đã yêu ông từ 6 năm nay. Linh mục chịu thua định mệnh… Sau đó hai người kết hôn, LM cởi áo dòng. Câu chuyện của Phó Tế Nguyễn Mạnh San chấm dứt ở đây.


Nhà Văn BX Trần Đình Ngọc đọc truyện này. Ông cho rằng chuyện chưa thể kết thúc được và ông viết tiếp đoạn sau hầu quí độc giả, bằng vào những kinh nghiệm quí báu ông đã sống, đã suy nghĩ, kinh qua. Mời quí Diễn Đàn thưởng thức.
(Phó tế là chức phụ tá Linh Mục trong nghi thức phụng vụ của đạo Công giáo, tuy nhiên không được chủ tế lễ Misa và giải tội.)

Tôi giấu kín không cho ai biết, nhất là mẹ tôi, câu chuyện giữa tôi và Hồng Trang, góa phụ đã 38 tuổi, mẹ của hai đứa con nuôi của tôi, Phuơng Hà và Quốc Dũng.

Về thăm mẹ một tháng mỗi kỳ hè, sẵn có xe, tôi đi thăm nhiều Linh Mục bạn trong vùng, nhiều thánh đường mà lúc nhỏ tôi đã đi qua hay vào viếng Thánh Thể. Tôi cũng đã thăm lại Đại chủng viện Thánh Giuse đường Cường Để nơi tôi đã bắt đầu chương trình Thần học. Mẹ tôi đã 75 tuổi, còn minh mẫn và khoẻ mạnh, có cô Lựu ngoài 60 cũng goá chồng chục năm nay ở với mẹ tôi bầu bạn nên cũng đỡ cô đơn. Chú Lựu khi xưa làm canh điền cho ông tôi, một vị Chánh tổng  được tiếng là thanh liêm và thương dân ở vùng này. Bố tôi qua đời sau chú Lựu vài năm, khi tôi đã dâng thánh lễ mở tay. Tôi còn người cậu là em mẹ thỉnh thoảng khi về VN tôi tới thăm. Hai chị gái của tôi đi lấy chồng và ở xa, ít khi tôi gặp.

Một buổi tối bên ngọn đèn mờ tại phòng khách bày biện sơ sài tại ngôi nhà nhỏ của Trang, sau khi chúng tôi ăn cơm xong, hai đứa trẻ xin phép đi ngủ sớm. Hôm nay tôi nói với mẹ đi thăm người bạn nên tối ngủ lại đó luôn. Chỉ còn tôi và Trang ngồi ở bộ bàn ghế dùng làm bàn ăn và bàn học cho hai đứa trẻ.

Chiều chầm chậm rơi ở bên ngoài. Trời mùa hè cao và xanh, những đám mây trắng đục phía sau nhà còn ửng mầu hồng của nắng chiều chưa đi hết. Gió nhẹ trên các tàng cây xanh phía bên kia con sông nhỏ. Tiếng mấy đứa trẻ vừa tắm vừa đùa trên khúc sông lẫn tiếng chân tay đập bành bạch trên nước. Chiếc radio ở góc nhà đang hát nho nhỏ một bài ca “nhạc vàng” của miền Nam khi xưa, bản “Trường tôi” hình như là giọng ca Hồng Hảo.

Tôi sống tại miền Nam VN suốt quãng ấu thơ nên đã quen với loại “nhạc vàng” này. Cha mẹ tôi di cư vào Nam tháng 10 năm 1954 với người anh trai và hai chị gái của tôi. Hai năm sau tôi mới ra đời và khi được 6 tuổi, bố cho tôi đi học ở một ngôi trường trong trại di cư Ba Bèo, tỉnh Mỹ Tho. Hơn 10 tuổi, bố tôi gửi tôi vào Tiểu chủng viện Vĩnh Long, với tính cách lưu học sinh chứ không phải đi tu. Thời gian ấy bố tôi đã là một quân nhân Quân lực VNCH. Ông chỉ có bằng Trung học nên được đi huấn luyện tại Đồng Đế và ra Sĩ quan Trung đội trưởng.

Ở lưu xá 5 năm, tôi được Ơn gọi, tôi không thích lập gia đình như bố tôi và anh tôi mà lại nghĩ sau này tôi phải làm một điều gì tích cực để phụng vụ Giáo Hội Chúa. Biến cố 30-4-1975 nổ ra như một quả bom nguyên tử lúc tôi vẫn đang trong Chủng viện. Rồi người ta bắt các Chủng sinh ai về nhà nấy. Tôi về Trung Chánh với cha mẹ nhưng cha tôi đã phải đi trình diện học tập cải tạo tháng trước rồi. Mẹ xoay xở vay vàng cho tôi, gia đình anh tôi, chị dâu và hai đứa cháu vượt biên. Chuyến đi vô cùng gian khổ, chúng tôi đã gặp hải tặc Thái lan cả thảy 4 lần. Chúng bóc lột sạch nhưng may chúng không giết ai. Chúng lôi phụ nữ ra hãm hiếp dã man nhưng chị dâu tôi thoát vì chị lấy phân trát vào mặt, vào người, chúng tởm nên tha cho chị. Khi tầu gần đến Indonesia thì bị bão. Sau nửa ngày chống chỏi, con tầu khốn nạn vỡ toang. Anh tôi lấn bấn với vợ con nên chết thảm cùng với vợ con anh. Tôi may mắn bám được một mảnh ván trôi dạt trên biển suốt một đêm và nửa ngày rồi được tầu dầu của Mỹ cứu đem về Galăng.

Sau gần một năm ở đảo, tôi được đi tị nạn tại Hoa Kỳ, sau đó tôi làm đơn xin trở lại Chủng viện. Đức Giám mục tại Orange, California đã cho phép tôi được tiếp tục tu học và năm tôi 32 tuổi tức 1988, tôi được thụ phong Linh Mục.

Từ khi Hoa Kỳ bỏ cấm vận với VN, tôi đã liên lạc được với cha mẹ và thỉnh thoảng gửi chút quà về  (bằng tiền lương tháng của Linh Mục do giáo phận trả) gọi là tấm lòng đứa con đối với cha mẹ già. Hai chị gái tôi đi lấy chồng xa ở Hà lan và Na Uy, anh trai và vợ con anh đã chết như đã trình bày ở trên nên cha mẹ tôi chỉ còn có tôi là niềm an ủi tuổi già. Bố tôi khi xưa, sau khi anh tôi mất, bố tỏ ý không muốn tôi đi tu tiếp mà xuất tu lập gia đình vì ông vẫn còn cái quan niệm con trai phải sinh con nối dòng. Mẹ tôi lại khác, mẹ yểm trợ ý muốn đi tu trọn đời của tôi. Bà còn nói, dâng cuộc đời cho Thiên Chúa xứng đáng hơn ở bất cứ vị trí nào! Bà khuyên tôi đừng nghe lời bố mà phải bền đỗ đến cùng. Bà thường lấy gương cha Diên ở Trung Chánh, Hóc Môn, đã đi làm đám hỏi chờ ngày cưới nhưng rồi cha đổi ý đi tu và trở thành Linh Mục rất đạo đức.

Tôi được Đức Giám Mục giáo phận Orange bổ nhậm về làm Phó Xứ xứ đạo St Patrick gần Laguna Beach. Công việc nơi giáo xứ mới rất bề bộn nhưng nhờ ơn Chúa giúp sức và tuổi trẻ hăng say vì lý tưởng, tôi đã qua vượt nhiều trở ngại được Đức Giám mục lưu ý và khen ngợi. Cuộc sống Linh mục bình thường và êm ả cho đến khi tôi về VN năm đó gặp hai đứa nhỏ nghèo khổ cùng với mẹ chúng, và lòng bác ái muốn giúp người nổi lên…

Kể từ bữa Hồng Trang quì xuống ôm lấy chân tôi van xin tôi thương ba mẹ con nàng, đây là buổi tối đầu tiên chúng tôi ngồi tâm sự với nhau như một cặp vợ chồng, cặp vợ chồng mới cưới thì đúng hơn. Tim tôi đập thụi thụi trong lồng ngực, còn Hồng Trang, nhìn nét mặt nàng tôi cũng đoán ra nàng hồi hộp không kém.

Hồng Trang mặc rất giản dị: cái quần đen, áo ngắn mầu hồng có đăng-ten trắng viền quanh cái cổ trắng mà cao trông ngây thơ như thiếu nữ mới đôi mươi. Tóc đen mun vẫn để dài, bỏ xõa xuống hai bên ngực trông càng hấp dẫn. Hồng Trang không son phấn hay chỉ là một lượt phấn rất nhẹ, một chút son môi nhưng toàn thân nàng toát ra một vẻ đẹp hiền hậu và đức hạnh, các cô gái ở Việt Nam mà tôi đã gặp ở Sàigòn, Bình Thuận ngay cả Huế…không thể so sánh. Cái dở của nhiều cô là tô son trát phấn quá nên mặt như mặt tượng, còn chi là vẻ đẹp tự nhiên. Mà tôi thì chỉ thích những cái tự nhiên, không hồ tảo, nhân tạo. Cũng buổi tối hôm nay tôi mới nhận ra Hồng Trang có sắc đẹp kín đáo, đức hạnh nhưng mặn mà.

Sau vài chén trà ác-tí-sô khô Hồng Trang nói do ông bác ở Lâm Đồng gửi về cho, bằng một giọng trầm buồn nhiều đoạn xúc động phải ngưng, Hồng Trang kể cho tôi nghe về cuộc đời gian nan của nàng.

Cha mẹ đã mất cả khi Hồng Trang còn là một bé gái 10 tuổi đầu. Chiến tranh vẫn tàn phá mọi nơi, đêm vẫn nghe tiếng đại bác đùng đoàng gần xa. Gia đình Hồng Trang sống trong lo sợ buồn bã. Đời sống thiếu thốn và gian nan đến tận cùng. Có đêm cha cõng Hồng Trang chạy ra bờ ao nằm chết dí bên bụi rậm, chờ cho êm tiếng chân người đi ở ngoài đường và tiếng súng, rồi mới lại vào nhà. Cũng có đêm hai bố mẹ và Hồng Trang phải lội xuống ao ẩn trốn khi nghe những tiếng người đi ruồng bắt gọi nhau ở ngoài đường. Mùa hè còn đỡ, mùa đông lạnh thấu xương cũng vẫn phải trầm mình xuống nước. Có khi chỉ để cái mũi thò lên để thở còn cả cái đầu chìm trong nước cho đến khi hai bên thù địch đã bỏ đi, cha mẹ và Hồng Trang mới lóp ngóp bò lên về nhà.

Cũng chính là chiến tranh đã cướp đi hai người thân yêu nhất đời của Hồng Trang. Từ đó, được cậu đưa về nuôi, cậu là em của mẹ Hồng Trang, rất thương yêu cháu nhưng bà mợ quá cay nghiệt. Ba đứa con bà, bà cho đi học nhưng bà bắt Hồng Trang ở nhà làm việc nhà phụ với bà. Ông cậu thương Hồng Trang, bảo với vợ là nên cho cháu đi học vì cháu cũng như con, cha mẹ nó đã mất, tứ cố vô thân, chỉ còn cậu và mợ là nguồn nuôi dưỡng và an ủi.

Vì ông cậu nói nhiều quá, bà mợ phải cho Hồng Trang đi học, nhưng chỉ được 2 năm, sau khi hết lớp 8, bà lại bắt Hồng Trang ở nhà nuôi lợn vớt bèo, nấu cơm cho thợ gặt làm mùa.

Hồng Trang học rất giỏi vì thông minh và có trí nhớ tốt, luôn đứng hạng cao trong lớp. Lớp đông cả 70, 80 học sinh nhưng Trang luôn đứng trong 5 người đầu. Chính sự học hành giỏi giang và giữ điểm hạnh kiểm cao của Hồng Trang hơn hai đứa con gái của bà nhiều nên bà ghét và đày đọa Hồng Trang. Sau này Hồng Trang cứ hối hận mãi là nếu biết vậy thì học thường thường thôi, không quá xuất sắc thì bà mợ có thể sẽ cho học hết Trung học đệ nhất cấp tức lớp 9 thời VNCH. Có bằng Trung học lúc đó có thể xin thi vào thư ký hành chánh, nếu trúng tuyển ấy là no ấm. Có bằng tiểu học xin thi vào thư ký đánh máy, trúng tuyển cũng bảo đảm được đời sống mà công việc vừa sức, không phải giãi nắng dầm mưa.

Một điểm nữa làm bà mợ ghét bỏ Hồng Trang. Ấy là ở tuổi dậy thì, con gái thường có má hồng, mông cong, ngực nở, mắt ướt long lanh, chân tay tròn trịa hấp dẫn thì hai cô con gái bà mợ, chẳng biết có cái gene của ai mà môi thâm mắt trắng, người như que củi, chẳng thanh niên nào đá động trong khi Hồng Trang đi ra ngoài sửa soạn một chút thì đám trai thị trấn bu đông, anh nào cũng có vẻ thích Hồng Trang.

Một bữa, bà mợ lựa lúc ông cậu đi vắng, bà gọi Hồng Trang lên phòng khách, bảo ngồi xuống một cái ghế rồi bà giẽ giàng nói:

“Trang cũng biết cậu mợ thương cháu thế nào. Đối xử như con, cho đi học đi hành cho bằng người. Nay cháu đã lớn, cũng đã học xong lớp 8, cậu mợ muốn cháu phải ra ngoài tự lập thân thì sau này mới khá được. Cậu mợ đã hỏi hai bác Diễn ở chợ huyện, đây lên đó không xa, cháu sẽ lên hai bác Diễn ở với hai bác từ ngày mai. Làm công việc nhà và coi vài đứa nhỏ con bác. Công xá để bác liệu trả cho cháu không bị thiệt chứ ở với cậu mợ mãi, cháu không có tiền. Vậy chiều nay sắp xếp cái giỏ quần áo rồi sáng mai đi. Nếu mợ rảnh thì mợ đưa cháu đi, còn không thì mợ chỉ đường cho cháu. Mợ cho vài hào đáp xe Lam lên kiếm đúng số nhà là thấy.”

Hồng Trang vừa nghe đã sửng sốt cả người. Từ thuở bé chưa đi đâu chỉ ở nơi nhà cậu mợ, nay ra ngoài không biết lành dữ ra sao đây? Nhưng sao cậu không nói chuyện này mà lại là mợ. Trang hỏi mợ:

“Thưa mợ, thế cậu đâu sao cậu không cho con hay?”

 “Cậu đi công tác 3 ngày mới về mà chờ cậu về thì trễ nên cậu bảo mợ cho cháu hay.”

Hồng Trang nghi ngờ là có lẽ mợ đã tự ý làm chuyện này khi cậu đi vắng. Lúc cậu về thì sự đã rồi. Thôi cũng đành nhắm mắt đưa chân, người ta không cho ở nữa thì phải đi chứ biết sao hơn.

Gia tài cơ nghiệp của Hồng Trang chỉ là một cái túi nhỏ đựng hai bộ quần áo, một cỗ tràng hạt mẹ cho từ ngày mẹ còn sống giữ mãi đến giờ, một cái lược, bàn chải và kem đánh răng, một hộp nhỏ đựng kim và chỉ may vá để lỡ vá áo quần rách, và mấy tấm ảnh của bố mẹ.

Sáng hôm sau, dạy lúc 6 giờ như mọi bữa, Hồng Trang  đã thấy bà mợ sắp cơm cho Trang ăn đặng lên đường.



(còn tiếp)


Bút Xuân Trần Đình Ngọc 



image

7 comments:

  1. Thày San Qúi mến,
    Đọc bài Thày biên thật sự cảm động quá, đúng là con người yếu đuối lắm và nhiều khi phải âm thầm chiến đấu với chính mình về những tình cảm chung quanh. Không phải riêng người đi tu mà cả ở ngoài đời cũng thế, rất dễ bị lung lay. Đã vậy, người đi tu, các cha nói riêng, lại rất từ bi, êm dịu trong những lời khuyên nhủ, ân cần giúp đỡ những khó khăn thế mới chết chứ. Mưa lâu thì thấm đất. Xin Thày cũng cầu nguyện cho chúng con nhiều nhé. Cám ơn những bài viết rất hữu ích của Thày.
    Mến,
    Tố Nga.


    Sự nhận xét của cô rất đúng, nhưng chúng ta nên áp dụng câu Phòng Bệnh Hơn Chữa Bệnh trước đã và hãy ghi nhớ những lời chia sẻ của vi Linh Mục khả kính phát biểu trong đoạn cuối của bài viết này và nếu đã phòng bệnh rồi mà vẫn bị bệnh, thì đó là việc Chúa hay Thượng Đế an bài. Thầy San.

    ReplyDelete
  2. Dear Thấy Đ : Chắc Thầy vẫn còn nhớ chứ, khi Thầy mới đọc câu chuyện này, Thầy hỏi tôi là câu chuyện Giả Tưởng hay chuyện Có Thật đấy? Vậy dưới đây chính bà LN là chị của Thầy cũng là một nhân chứng sống trong câu chuyện này, đã góp phần chia sẻ với Thầy là câu chuyện này có thật 100%. Tất cả mỗi chuyện tôi viết trên 32 năm qua, không ngoài mục đích duy nhất: Xin được chia sẻ cùng với những người đồng hương của chúng ta, về những kinh nghiệm Pháp Luật Hoa Kỳ Thực Dụng (US Applicable Law), kèm theo những câu chuyện có thật, mắt thấy tai nghe, cốt để dẫn chứng cho những hành động vô tình hay cố ý vi phạm đến pháp luật Hoa Kỳ, mà tôi có cơ may được phục vụ hơn 32 liên tục trong ngành Tư Pháp Hoa Kỳ tại tiểu bang Oklahoma, cộng thêm những kinh nghiệm liên tục hơn 18 năm qua, trong nhiệm vụ thi hành công tác Tông Đồ Mục Vụ Tù Nhân (Prison Ministry), vào những ngày cuối tuần trong các trại tù, nên tôi đuợc trực tiếp họ kể lại những hành động vi phạm pháp luật của chính bản thân họ cho tôi nghe.

    Thân mến.
    PT. Nguyễn Mạnh San

    ReplyDelete
  3. Câu chuyện thầy kể có tác dụng cảnh giác về phía tu sĩ, còn lời khuyên cho phía nữ giáo dân thì tôi nhớ có đọc một bài chia sẻ của một cô làm vợ một linh mục xuất tu làm thường dân để cưới cô. Lời chia sẻ của cô ta rất thực tế và có lẽ để phụ nữ nào muốn đem một anh linh mục nào về làm của riêng phải lưu tâm.

    Cô bộc bạch rằng khi làm vợ rồi mới biết "trong chăn có rận", không đẹp như cô mơ tưởng lúc chưa cưới. Anh chồng đi tu vào chủng viện từ lúc trung học và ra làm linh mục một thời gian nên lối sống và suy nghĩ đóng khung thành một thói quen hay nói nôm na là cố tật không bỏ được, dù trong đời sống vợ chồng. Anh chồng cựu linh mục không hiểu tâm lý phụ nữ, lại không biết chiều chuộng, o bế và ga lăng với vợ, và thiếu lãng mạn là chất xúc tác làm thăng hoa tình yêu vợ chồng vì từ bé đi tu có được học truyện Kiều, đọc thơ, văn và tiểu thuyết lãng mạn, báo chí ngoài đời hoặc có bạn gái bao giờ mà biết nên tuy sống chung một nhà mà như 2 thế giới riêng: một thế giới tu hành và một thế giới trần tục, cho dù ông có làm tròn bổn phận làm chồng và khi nói về đạo lý thì rất hay vì có học triết và thần học nên ngôn từ văn hoa và cao siêu. Nhưng mớ chữ văn chương ấy đâu phải khoa học thực dụng biến ra tiền, và phụ nữ vốn tình cảm dạt dào hơn phái nam còn cần thêm cái khác về tinh thần là sự o bế, nịnh đầm, lời khen tặng, ve vuốt khi vợ giận hờn và sự chiều chuộng của ông chồng, v.v...




    Cô còn chia sẻ nhiều nữa nhưng tôi không thể kể hết ra đây. Nhưng những chia sẻ của cô trong đời sống làm vợ của một linh mục được bản quyền cho xuất tu là một tiếng chuông thức tỉnh cho cánh phụ nữ, "Thấy vậy mà không phải vậy" cho nên "Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân" (ca dao VN) mới là khôn ngoan như các cụ xưa thường nói là hơn.





    --nthh

    ReplyDelete
  4. Thày San ơi,

    Như vậy Thày cũng phải có một bài nói về cảnh giác khi tiếp xúc với các linh mục trẻ mới được vì chuyện gì thì cũng phải có từ hai phiá mà con thấy linh mục bây giờ cũng cởi mở lắm theo lối sống tự do. Nếu thế thì mới công bằng vì chỉ có linh mục cảnh giác thôi thì chưa đủ đâu, cũng có trường hợp hơi thiệt thòi cho phụ nữ chúng con đấy Thày ạ.

    Con,

    Tố Nga.

    ReplyDelete
  5. Theo BM nhận xét: Vị LM này thực sự ban đầu chỉ là làm mộtviệc từ thiện, nhưng từ từ đã có nhưng tư tưởng của “trần tục”, vì không đủ đạođức nên không tránh khỏi và xin đừng đổ tội cho sự cám dỗ để che đậy, ở đời “cólàm có chịu”



    Bài viết của thày rất trung thực, đưa người đọc đến nhiềuchiều hướng khác biệt: Thông cảm và châm biếm, một đề tài không thể nào tránhkhỏi sự phản biện. Thày yên tâm, bài viếtnày dạy cho các vị LM nên biết vị trí của mình để lựa chọn. Phản bội với Chúathì đừng than thân trách phận

    Chuyện xẩy ra lỗi đều từ cả hai và xin vị LM này đừng tiếc nuối.

    Bảo Mai

    ReplyDelete
    Replies
    1. Toi dong y voi BM. Duc tin cua vi linh muc con yeu kem nen moi bi sa nga mot cach de dang nhu vay. Con nguoi dan ba kia luc dau nho linh muc lam giay hon thu gia, muon qua mat chinh quyen, qua mat Chua, sau lai dung chieu bai tam ly de du do nguoi tu hanh, hau dat duoc muc dich nho nhoi cua minh. Cau xin Chua cuu roi giup cho nguoi nay tim thay con duong thanh thien.

      Toi la nguoi theo Phat giao, khong hieu het ngon tu "phan boi" nhu BM da dung, nhung xem qua thi thay "phan boi" co ve hoi nang ne doi voi vi linh muc. Ngai vi long tot, vi duc tin con yeu kem nen khong giu duoc loi nguyen hien dang cuoc doi minh de phung su Chua. Ngai khong dau diem Chua ma san sang coi bo lop ao tu de di theo tieng goi con tim. Cau xin Chua giup cho vi linh muc nay trong kiep lai sinh tro thanh mot linh muc chan chinh, vung tin tren con duong hanh dao.

      Delete
  6. Ủa, truyện viét của nhà văn Trần Đình Ngọc đang đăng dở dang, sao không thấy BM đăng tiếp phần 2 vậy?

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.