Hình ảnh từ video
đăng tải ngày 3 tháng 1 năm 2016 cho thấy Nhà nước Hồi giáo hành quyết năm người
đàn ông bị cáo buộc làm gián điệp cho Anh ở Syria.
Năm mới thường gắn
liền với những hy vọng mới. Tuy nhiên, trong những ngày cuối năm 2015, khi nhìn
vào năm mới 2016, hầu hết các nhà bình luận trên thế giới đều khá bi quan: Nó đầy
những bất an.
Bất an lớn nhất đến
từ các phần từ Hồi giáo cực đoan, trong đó, đáng kể nhất là tổ chức Nhà nước Hồi
giáo (IS). Chưa bao giờ có một lực lượng khủng bố nào có ngân sách dồi dào, được
tổ chức một cách chặt chẽ và có sức mạnh đáng sợ như Nhà nước Hồi giáo. Tổ chức
này đã chiếm một số vùng ở Iraq và Syria. Mặc dù Mỹ và các quốc gia đồng minh
cũng như, gần đây, Nga, sử dụng không lực để ngăn chận đà tiến của Nhà nước Hồi
giáo ở hai quốc gia này, nhưng hiệu quả rất chậm chạp. Ít có ai tin là trong
năm 2016 này, tổ chức Nhà nước Hồi giáo sẽ bị đánh tan hẳn.
Hơn nữa, ngoài Iraq
và Syria, Nhà nước Hồi giáo còn có mạng lưới nhân sự cũng như cảm tình viên rải
rác ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Với mạng lưới ấy, Nhà nước Hồi
giáo có thể tổ chức những cuộc tấn công khủng bố ngay tại các quốc gia Tây
phương.
Trong năm 2015 vừa qua, chúng đã gài bom làm nổ tung một chiếc máy bay
dân sự của Nga giết chết 224 người và tấn công vào một số tụ điểm ở Paris giết
chết 130 người. Cuộc tàn sát 14 người tại San Bernadino, Mỹ cũng do những người
Hồi giáo cực đoan thực hiện.
Điều nguy hiểm nhất
của các tổ chức Hồi giáo cực đoan là ở chỗ nó gắn liền với Hồi giáo.
Đã đành,
trong Hồi giáo, có rất nhiều người có tư tưởng và thái độ ôn hoà, chủ trương
chung sống hoà bình với các tôn giáo khác. Tuy nhiên, khi chống lại các nhóm Hồi
giáo cực đoan, nhiều chính khách không tự kiềm chế, biến việc chống lại các
nhóm Hồi giáo cực đoan thành việc chống lại Hồi giáo nói chung. Điều này dễ làm
các tín đồ Hồi giáo bất mãn, từ đó, trở thành cực đoan, và cuối cùng, tham gia
vào các lực lượng khủng bố. Bởi vậy, cuộc chiến chống lại Hồi giáo cực đoan
không phải chỉ ở các mặt trận tại Iraq, Syria cũng như Afghanistan mà còn ở khắp
nơi, đặc biệt là ở Tây phương. Hầu hết giới bình luận chính trị quốc tế đều cho
việc các tín đồ Hồi giáo cực đoan tấn công Tây phương gần như là chắc chắn, chỉ
có vấn đề là ở đâu và khi nào mà thôi.
Điểm bất an thứ hai
là ở Trung Đông, chủ yếu tập trung ở ba quốc gia chính: Syria, Iraq và
Afghanistan. Tình hình ở cả ba nước đều rối bời. Với cả ba, chính sách của Mỹ
không nhất quán. Một mặt, họ không muốn can thiệp sâu để có thể bị sa lầy,
nhưng mặt khác, họ lại không thể khoanh tay đứng nhìn. Kế hoạch rút quân khỏi
Afghanistan gặp khá nhiều khó khăn và không ai có thể biết được sau khi Mỹ rút
quân hẳn, đất nước này sẽ ra sao. Đáng sợ nhất là Taliban sẽ quay trở lại và
như thế, tình hình tại nước này sẽ không khác gì trước năm 2001, lúc Mỹ bắt đầu
tham chiến. Với cuộc chiến tại Iraq và Syria hiện nay, Mỹ chỉ tham dự với các
cuộc oanh kích. Nhưng kinh nghiệm cho thấy, với không quân, người ta không thể
kết thúc được chiến tranh. Điều đó có nghĩa là các xung đột tại hai quốc gia
này sẽ nhùng nhằng kéo dài. Nó càng kéo dài, Mỹ càng bị bó chân ở đó, khó có thể
giải quyết các mâu thuẫn ở những nơi khác.
Điểm bất an thứ ba
là những thách thức đến từ Nga. Sau khi chế độ cộng sản tại Nga và Đông Âu sụp
đổ, mọi người cho thời kỳ chiến tranh lạnh giữa Nga và Tây phương đã chấm dứt.
Tuy nhiên, kể từ khi Vladimir Putin lên nắm quyền, đặc biệt lần thứ hai, từ năm
2012, nhất là kể từ khi Nga lấn chiếm Crimea của Ukraine, quan hệ giữa Nga và
Tây phương càng ngày càng căng thẳng. Sự căng thẳng ấy càng gia tăng khi mới
đây, Nga quyết định tham gia vào cuộc chiến tranh tại Syria. Hiện nay, Nga xem
Mỹ và Tây phương như những thế lực đe doạ đến nền an ninh nước họ. Mỹ và các nước
Tây phương cũng nhìn Nga với cặp mắt đầy cảnh giác. Không khí thời chiến tranh
lạnh dường như sống lại. Mâu thuẫn có thể bùng nổ bất cứ lúc nào, ít nhất ở phạm
vi khu vực. Nhưng như thế cũng đủ tạo nên bất ổn trên bàn cờ chính trị thế giới.
Điểm thứ tư là những
thách thức đến từ Trung Cộng. Để tương xứng với nền kinh tế lớn thứ hai trên thế
giới, Trung Cộng càng ngày càng muốn tăng cường ảnh hưởng trên các nước láng giềng.
Hai điểm nóng thu hút sự chú ý của mọi người nhất là ở Biển Hoa Đông, nơi Trung
Cộng có tranh chấp với Nhật Bản, và Biển Đông, nơi Trung Cộng có tranh chấp với
Việt Nam, Malaysia và Philippines. Giữa hai nơi, có lẽ Trung Cộng sẽ tập trung
hơn ở Biển Đông. Lý do là ở đó các đối thủ của Trung Cộng đều nhỏ và yếu thế hơn
hẳn.
Hầu hết các bất an ở
trên đều ảnh hưởng sâu sắc đến Việt Nam. Bị vướng chân ở Trung Đông, phải đối đầu
với Nga và khủng bố, trong năm 2016 này, có lẽ Mỹ sẽ không thể tập trung vào việc
chuyển hướng chiến lược sang châu Á như họ hoạch định từ mấy năm trước.
Hơn nữa,
nên chú ý là năm 2016 cũng là năm bầu cử Tổng thống Mỹ. Bất cứ người nào, thuộc
đảng Dân chủ hay đảng Cộng hoà, chiến thắng cũng đều phải đối diện với vô số
khó khăn kể trên. Ngoài ra, mới lên cầm quyền, mối bận tâm đầu tiên của các nhà
lãnh đạo mới bao giờ cũng nhằm giải quyết những thử thách ngay trong nước họ.
Chuyện quốc tế bao giờ cũng bị đặt vào ưu tiên sau cùng.
Đó là một cơ hội tốt
cho Trung Cộng. Chắc chắn Trung Cộng sẽ khai thác cơ hội quý hiếm ấy. Tôi cho
trong năm 2016 này, Trung Cộng sẽ đẩy mạnh hơn tiến trình xâm lấn trên Biển
Đông. Có mấy khả năng sẽ xảy ra. Một là họ sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc quân sự
hoá trên mấy bãi đá họ đã bồi đắp thành đảo nhân tạo tại Trường Sa. Hai là họ
có thể sẽ mang giàn khoan HD-981 trở lại thềm lục địa của Việt Nam để hiện thực
hoá chính sách tằm ăn dâu của họ. Ba là họ có thể sẽ tuyên bố vùng nhận diện
hàng không trên con đường lưỡi bò mà họ cho là thuộc chủ quyền của họ.
Bất cứ khả năng nào ở
trên cũng đều là những thử thách nghiêm trọng đối với nhà cầm quyền Việt Nam. Bởi
vậy, sự bất an của thế giới sẽ trở thành sự bất an của Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Hưng
Quốc
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.