Suốt
mấy tuần vừa qua, hầu như ngày nào tôi cũng vào các trang báo mạng trong nước
cũng như trên facebook để tìm tòi các tin tức liên quan đến đại hội lần thứ 12
của đảng Cộng sản Việt Nam. Hết theo dõi hội nghị 13 lại theo dõi hội nghị 14
và bây giờ thì chờ diễn tiến của đại hội được chính thức khai mạc vào ngày 21
tháng 1.
Mà hình như không phải
chỉ có tôi. Trên facebook, tôi bắt gặp cả hàng trăm người cũng có sự tò mò
tương tự. Có người cho ông Nguyễn Phú Trọng được tái ửng cử; người khác lại bảo
không phải: người được đề nghị ra tranh cử chức tổng bí thư đảng sắp tới là ông
Nguyễn Tấn Dũng. Rồi người ta xôn xao bình luận về người được cho là tân tổng
bí thư ấy: người thì khen, kẻ thì chê. Ầm ĩ. Tôi đoán là không có ai thực sự
biết chính xác những gì đã diễn ra trong hai kỳ hội nghị cuối cùng vừa qua.
Người ta bàn luận không phải dựa trên sự kiện mà chủ yếu dựa trên những gì
người ta tưởng tượng và mong ước.
Điều thú vị là hầu như
ai cũng biết dù Nguyễn Phú Trọng hay Nguyễn Tấn Dũng được bầu làm tổng bí thư,
tình hình chính trị Việt Nam cũng không có gì thay đổi. Với ông Nguyễn Phú
Trọng, không có gì thay đổi đã đành: Ông đã nắm giữ chức tổng bí thư từ đại hội
khoá 11, năm 2011; trong suốt năm năm ấy, ông không đưa ra được một chính sách
nào mới cả. Thêm năm năm nữa thì cũng vậy. Với Nguyễn Tấn Dũng, người được cho
là thân Mỹ, người ta hy vọng ông sẽ cương quyết hơn trong nỗ lực thoát khỏi ảnh
hưởng của Trung Quốc. Nhưng hy vọng ấy chỉ là một ảo vọng. Thứ nhất, chuyện ai
thân Mỹ và ai thân Trung Quốc trong Bộ chính trị vẫn là một bí mật. Trừ một vài
câu tuyên bố mị dân, không ai biết chắc chắn Nguyễn Tấn Dũng thân Mỹ hơn Nguyễn
Phú Trọng. Đó là chưa kể Nguyễn Tấn Dũng bị mang tai tiếng rất nhiều về việc
tham nhũng và gắn liền với các “nhóm lợi ích”: Với ông, tư lợi không chừng còn
quan trọng hơn cả tương lai của đất nước. Thứ hai là sự lãnh đạo của đảng Cộng
sản thường có tính chất tập thể. Mọi chính sách quan trọng đều phải thông qua
Bộ chính trị gồm 16 người. Không phải cứ tổng bí thư là muốn làm gì thì làm.
Thời của những tổng bí thư “mạnh” và chuyên quyền như Lê Duẩn đã qua rồi.
Biết vậy, hầu như ai
cũng biết vậy, nhưng người ta, trong đó có tôi, vẫn cứ tò mò theo dõi từng động
tĩnh mơ hồ trước đại hội và vẫn cứ tưởng tượng cũng như mong đợi sẽ có một thay
đổi nào đó trong vận mệnh của đất nước.
Tôi cho đó là biểu
hiện của lòng yêu nước.
Lâu nay, chúng ta vẫn
nói nhiều đến lòng yêu nước. Nhưng thế nào là yêu nước? Tôi cho trong cái gọi
là lòng yêu nước có ba biểu hiện chính: Một là cảm thấy mình là một thành viên
không tách rời của cả cộng đồng dân tộc; hai là quan tâm đến những sự thay đổi
dù nhỏ dù lớn của cộng đồng ấy; và ba, sẵn sàng hy sinh, nếu cần, để bảo vệ dân
tộc. Biểu hiện thứ ba chỉ xảy ra trong những trường hợp hoạ hoằn khi đất nước
lâm vào chiến tranh. Hai biểu hiện đầu phổ biến và dễ thấy hơn, ngay cả trong
các cộng đồng lưu vong đang sống ở hải ngoại: Dù ở đâu và làm gì, người ta cũng
đau đáu hướng về đất nước, vui với những thành công và thắng lợi của đất nước,
buồn trước những thất bại và những sự khốn cùng của đất nước, và phập phồng lo
lắng khi đất nước đối diện với những thử thách và nguy hiểm. Lúc nào người ta
cũng thấy mình là một phần tử trong cái khối đất nước mênh mông và cực kỳ đa
dạng ấy.
Chính vì vậy, tôi xem
những lời bàn luận sôi nổi của người Việt trên các trang mạng xã hội trong mấy
tuần vừa qua về các diễn biến chung quanh đại hội lần thứ 12 của đảng Cộng sản,
dù thuộc bất cứ khuynh hướng nào, với bất cứ thái độ nào, cũng là biểu hiện của
lòng yêu nước. Không yêu, người ta không có sự quan tâm như thế. Không yêu,
người ta không có những sự tưởng tượng và mong đợi về một sự thay đổi trong cục
diện chính trị Việt Nam như thế.
Nhưng chính quyền Việt
Nam đã làm gì trước những tình cảm yêu nước nồng nhiệt như thế?
Họ hoàn toàn im lặng.
Trên báo chí chính thống trong nước suốt mấy tuần vừa qua, người ta loan tin
rất nhiều về hội nghị 13 và 14 cũng như những công việc chuẩn bị cho đại hội
thứ 12, nhưng người ta tuyệt đối không hề tiết lộ bất cứ một chi tiết nào liên
quan đến tình hình nhân sự trong bộ máy lãnh đạo trong tương lai. Người ta nói
đến những nguyên tắc lựa chọn lãnh đạo; người ta khoe đã bỏ phiếu đến hai lần
để chọn ra những người lãnh đạo cao cấp nhất cho cả nước; người ta tuyên bố là
những việc lựa chọn ấy rất dân chủ, từng lá phiếu được tôn trọng, nhưng người
ta lại giấu nhẹm điều quan trọng nhất: những người được lựa chọn để bầu cho
những chức danh cao nhất trong dàn lãnh đạo ấy là những ai?
Việc giấu nhẹm tình
hình chọn lựa nhân sự cho đại hội đảng ấy chứng tỏ hai điều:
Thứ nhất, người ta tự
thú là họ hoàn toàn đi ngược lại mọi nguyên tắc của dân chủ. Việt Nam hay tự
xưng là nước dân chủ, thậm chí, có người còn cho dân chủ tại Việt Nam còn cao
gấp vạn lần hơn các nền dân chủ ở Tây phương. Nhưng dân chủ không phải là những
khẩu hiện của dân, do dân và vì dân chung chung. Chính trị, tự bản chất, là
quan hệ quyền lực. Điều khác nhau căn bản giữa độc tài và dân chủ là dưới chế
độ dân chủ, quyền lực được/bị kiểm soát còn dưới chế độ độc tài thì không. Để
được kiểm soát, chính quyền cần có ít nhất hai yếu tố: minh bạch (transparency)
và khả kiểm (accountability). Hai yếu tố ấy chỉ thành hiện thực với hai điều
kiện: dân chúng được quyền tự do thông tin và tự do ngôn luận. Có thể nói, với
việc giấu giếm các chọn lựa về nhân sự trong các cuộc hội nghị chuẩn bị cho đại
hội, người ta tự từ khước tính chất dân chủ mà
người ta vẫn ồn ào tuyên truyền.
Thứ hai, người ta coi
dân chúng là những người ngoại cuộc. Tất cả các sự dàn xếp về nhân sự chỉ liên
quan đến 175 uỷ viên Ban chấp hành trung ương đảng. Dân chúng không cần biết và
không đáng để được biết. Có thể nói nếu sự tò mò và quan tâm của dân chúng đối
với việc chuẩn bị nhân sự cho dàn lãnh đạo quốc gia, như đã phân tích ở trên,
là biểu hiện của lòng yêu nước, việc giấu nhẹm kết quả bàn thảo trong nội bộ
Ban chấp hành trung ương đảng là một sự từ khước đối với lòng yêu nước ấy.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.