Ngày 1/7 tới đây bộ luật
tố tụng hình sự sửa đổi sẽ có hiệu lực, một trong những điểm đáng chú ý của văn
bản này là quy định về quyền im lặng.
Theo đó người bị bắt,
bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không
buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.
Đây là quy định diễn
giải ra từ quyền im lặng. Đúng ra pháp luật phải được quy định ngay thẳng rõ
ràng, quyền im lặng là quyền được im lặng hoặc quyền từ chối khai báo để mọi
người hiểu đúng, làm đúng.
Song vì phải dung hòa
với những ý kiến phản đối nên thay vì diễn giải trực diện dễ hiểu luật lại viết
theo nghĩa việc khai báo là một quyền chứ không phải là nghĩa vụ.
Nay để thực hiện quy định
này được chính xác đầy đủ, giúp bảo vệ người dân khi lâm vào vòng lao lý, tránh
bị bất lợi thua thiệt hay bị lừa gạt, mọi người cần được hướng dẫn và thống nhất
cách thực hiện.
Không phải mới
Việc quy định khai báo
là một quyền không phải là quy định mới của lần sửa đổi này, mà ngay từ khi ban
hành bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã có quy định người bị bắt giữ, bị can,
bị cáo được quyền trình bày lời khai. Tức là việc khai báo là quyền chứ không
phải nghĩa vụ.
Nhưng cách quy định
không rõ ràng và không gian áp dụng điều luật thường trong môi trường giam giữ
thiếu vắng kiểm soát, nên hàng chục năm qua hàng triệu con người dính dáng đến
điều tra hình sự mà không biết ý nghĩa về quyền của mình để vận dụng bảo vệ.
Tệ hơn nữa chính những
người làm việc trong lĩnh vực tư pháp được xem là hiểu luật cũng không làm việc
cần làm để giúp thực hiện đúng quyền cho bị can bị cáo.
Mọi người không hiểu một
điều rằng, nếu khai báo là một thứ quyền thì người ta có thể từ chối không thực
hiện quyền này. Cơ quan điều tra không thể ép buộc người ta thực hiện quyền của
họ, vì đó không phải là nghĩa vụ.
Ví như bị can có quyền
mời luật sư bào chữa, nhưng bao nhiêu năm qua có bao giờ điều tra viên ép bị
can phải thực hiện quyền mời luật sư bào chữa đâu?
Việc mời luật sư bào
chữa hay trình bày lời khai đều là quyền của bị can. Trong rất nhiều trường hợp
bị can không thực hiện quyền mời luật sư bào chữa mà chẳng ai cho là sai, vậy nếu
họ không thực hiện quyền trình bày lời khai thì có gì là sai?
Cho nên cần khẳng định
lại rằng, việc mời luật sư bào chữa và việc trình bày lời khai đều là quyền của
bị can, nếu bị can không thực hiện quyền này cũng không có gì là sai cả.
Cái lý luận đơn giản
như vậy nhưng hàng chục năm qua đã không được làm rõ khiến cho hàng triệu con
người vẫn lầm tưởng việc khai báo là một nghĩa vụ đương nhiên. Điều này giống
như một sự lừa gạt rộng lớn trong thực thi áp dụng pháp luật.
Nhiều người đã không
nhận ra ý nghĩa của việc quy định khai báo là quyền. Nhưng không không loại trừ
có những người nhận ra thấy được khả năng áp dụng điều luật có lợi cho bị can bị
cáo. Ví như những người soạn luật hoặc các chuyên gia tư pháp song họ lại không
có động lực để giải thích cho bị can hiểu đúng và thực hiện cho đúng cái quyền
của mình.
Lý do là tồn tại nhận
thức chung coi trọng việc xử lý tội phạm hơn là bảo vệ quyền công dân, từ đó dẫn
đến tâm lý chẳng ai thương xót kẻ tội phạm, nên không ai thèm vẽ đường cho hươu
chạy.
Lá chắn bảo vệ
Tử tù Hàn Đức Long người
đã 10 năm kêu oan, nạn nhân của việc không được thực hiện quyền im lặng
Lâu nay tồn tại nhận
thức sai lầm rằng đã là bị can bị cáo thì phải khai báo tội trạng, kẻ nào không
chịu khai báo là ngoan cố chống đối sẽ bị nghiêm trị. Nhận thức này cần phải
thay đổi.
Vì lẽ rằng bản thân việc
điều tra xử lý tội phạm xét cho cùng đó cũng chỉ là một hoạt động phương tiện
nhằm bảo vệ các quyền công dân, đem lại đời sống bình an hạnh phúc cho con người.
Nhận thức được điều
đó, trên tiến trình tranh đấu lâu dài cho các quyền con người, lịch sử tư pháp
thế giới đã đúc rút ra những nguyên lý giá trị đòi hỏi các hoạt động tố tụng điều
tra phải tuân theo để bảo vệ nhân quyền, trong đó có quy định về quyền im lặng.
Quyền im lặng trở
thành tấm lá chắn giúp bảo vệ công dân tránh khỏi sự xâm hại của quyền hành bạo
ngược.
Quyền im lặng hay quyền
không khai báo đã trở thành một phần của luật pháp quốc tế phổ quát, đã được
quy định trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên Hợp
Quốc năm 1966 mà Việt Nam ký kết tham gia năm 1982.
Theo đó nội dung công
ước quốc tế quy định: Trong các vụ hình sự, tất cả các bị cáo đều được hưởng đồng
đều những bảo đảm tối thiểu sau đây, được quyền không khai, để khỏi phải tự buộc
tội mình, hay khỏi phải thú nhận tội trạng.
Cách thực hiện quyền im
lặng
Nay pháp luật Việt Nam
cũng đã có quy định về quyền im lặng, tuy không viết rõ bị can được quyền im lặng
hoặc quyền không khai báo luật cũng đã quy định việc trình bày lời khai là quyền
chứ không phải nghĩa vụ.
Nay tôi hướng dẫn cho
mọi người cách thực hiện quyền im lặng như sau, để khi chẳng may lâm vào vòng
lao lý thì biết cách tự bảo vệ.
Đầu tiên, khi bị bắt
giữ ngồi trước cán bộ điều tra và chuẩn bị hỏi cung, bạn sẽ được thông báo và
giải thích về các quyền của mình.
Nhiều quyền mà bạn có
như quyền được mời luật sư bào chữa, quyền được đưa ra yêu cầu, quyền được
trình bày lời khai, quyền được khiếu nại việc làm của cán bộ điều tra, quyền được
đề nghị thay đổi cán bộ điều tra.
Khi bị bắt giữa và trước
khi bị hỏi cung, người bị bắt phải được thông báo và giải thích các quyền của
mình.
Nếu bạn không thấy cán
bộ nói cho mình về các quyền, bạn hãy nhắc họ là đề nghị anh thông báo và giải
thích cho tôi về các quyền, nếu cán bộ điều tra không làm là vi phạm pháp luật.
Sau khi đã được nghe
thông báo và giải thích về các quyền, bạn hãy hỏi rõ: Việc tôi khai báo đó là
nghĩa vụ hay là QUYỀN ? Nếu là QUYỀN và theo như tôi biết đó là QUYỀN thì tôi từ
chối thực hiện quyền trình bày lời khai của mình và muốn mời luật sư.
Nếu cán bộ điều tra là
người biết tuân thủ pháp luật thì họ sẽ phải chấp nhận yêu cầu của bạn.
Nếu bạn chứng tỏ được
mình là người cứng cỏi có hiểu biết thì điều tra viên sẽ đối xử lại với bạn như
những người có hiểu biết.
Trường hợp là bị can bị
cáo trong vụ án hình sự, bạn nên biết rằng cán bộ quản giáo nơi giam giữ có
trách nhiệm bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho bạn. Còn cán bộ điều tra thuộc ngạch
khác, việc lấy lời khai của họ cũng chịu sự giám sát của quản giáo nhằm tránh
việc đánh đập (tới đây sẽ còn lắp camera ở các phòng hỏi cung).
Cho nên nếu bạn không
muốn khai báo để khỏi tự buộc tội mình, hãy mạnh dạn thực hiện quyền im lặng.
(Lưu ý là người ta sẽ sử dụng lời khai của bạn để kết tội bạn).
Theo đó khẩu ngữ bạn cần
nhớ là TÔI TỪ CHỐI THỰC HIỆN QUYỀN TRÌNH BÀY LỜI KHAI CỦA MÌNH, VÀ TÔI MUỐN MỜI
LUẬT SƯ.
Tốt hơn nữa bạn có thể
nêu tên cụ thể một luật sư mình biết, điều đó sẽ cho thấy bạn là người có ý thức
bảo vệ mình trước các vấn đề pháp lý (cho nên mới quen biết luật sư từ trước).
Thông qua việc bày tỏ
ý kiến như vậy, các bạn sẽ được đối xử tốt nhất có thể, vì mặc dù luật quy định
như vậy nhưng việc tuân thủ pháp luật hiện nay cũng còn nhiều vấn đề, trong bối
cảnh bị bắt giam giữ mà dám nói lên câu từ chối khai báo hẳn cũng cần đến sự
dũng cảm.
Vậy để việc thực hiện
quyền im lặng được thuận lợi, biến vấn đề mới lạ trở thành lề lối làm việc chuẩn
mực hợp pháp văn minh, ngay từ bây giờ mọi người hãy phổ biến cho nhau cách thức
thực hiện quyền im lặng.
Khi càng đông người biết
và thực hiện thì mỗi hành vi việc làm sẽ như một sợi chỉ mảnh giúp đan kết làm
nên tấm áo giáp bảo vệ cho chúng ta.
LS Ngô Ngọc Trai
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.