Đây là bức thư của
Sáu Ruộng gửi cho con sau 1 chuyến Mỹ du, chuyện thật dí dỏm, châm
biếm, và nhất là thật…”bôi bác”
(Người cộng sản chân
chính là người phải biết nghi ngờ tất cả mọi thứ, dù là sự thực hiển nhiên, và
phải biết tuyệt đối tin tưởng không điều kiện vào Đảng, dù là điều chưa bao giờ
nghe, thấy và biết.)
***
Hai thân thương,
Ba đi Mỹ thăm-thú theo lời mời của vợ chồng con Tư. Theo như Ba biết, thì chồng con Tư bảo rằng, Ba đã có sạn trong đầu rồi, không thể thay đổi và theo kịp trào lưu văn minh tiến hóa của loài người được, phải cho Ba đi một chuyến để mở mắt ra. Ba nói riêng cho con nghe, một người có lập trường cách mạng hơn 50 năm vững vàng như Ba, làm sao mà lay chuyển được? Những thứ phồn vinh giả tạo của xã hội tư bản bóc lột đang giẫy chết, không thể làm Ba lóa mắt xao động mà chao đảo niềm tin tất thắng của xã hội chủ nghĩa, một xã hội văn minh tiên tiến, văn minh cùng cực và tột đỉnh của loài người. Niềm tin tất thắng đó, rạng ngời trong tim Ba, có từ ngày đem con ra Bắc tập kết, rồi băng Trường Sơn gian khổ về Nam giải phóng, đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào. Một lòng tin tuyệt đối vào đường lối không bao giờ sai lầm của đảng ta.
Hôm nay Ba được thằng
Tư đem đi thăm thắng cảnh nước Mỹ. Theo lời thằng Tư nói rằng, những thắng cảnh
nầy, được nhân dân các nước văn minh yêu chuộng hòa bình trên thế giới ghé thăm
hàng năm đến có cả trăm triệu người. Từ Sạc-rờ-men-tô (Sacramanto, ghi chú của
tác giả) thủ phủ của Bang Ca-Li (California), xe hành khách đón Ba và thằng Tư
đi.
Hành khách trên xe, có sáu mươi hai người. Đa số là các anh cả chị cả Trung
Cộng vĩ đại, còn lại hai mươi người khác, là những “khúc ruột xa ngàn dặm” của
quê hương ta. Triệt để tuân thủ đường lối đứng đắn của đảng ta, nên Ba kêu họ bằng
danh từ thân thương đó, chứ theo Ba thấy, thì bọn nầy thuộc loại cực kỳ phản động,
điên cuồng chống phá cách mạng. Chúng ăn nói toàn những lời vong mạng phản động,
bọn bám theo chân đế quốc tư bản, phản lại đất nước quê hương xã hội chủ nghĩa
của chúng ta. Ba đề cao cảnh giác tối đa khi giao tiếp với bọn ngụy nầy. Ba sẽ
nói nhiều về bọn phản quốc nầy trong thơ sau cho con biết, bây giờ Ba viết về
những điều chứng kiến tận mắt, và đánh giá sự việc dưới quan điểm duy vật biện
chứng của một con người có bề dày cách mạng và trung kiên như Ba.
Họ đưa Ba vào thăm
dinh Chủ Tịch của bang Cali. Vào trong dinh nầy, là Ba thấy rõ cái tệ hại của tự
do hỗn loạn của thế giới tư bản. Du khách đi lại lang bang trong dinh, mà không
có công an theo dõi, bám sát, canh chừng chi cả. Tệ đến nỗi có thể đứng bên
ngoài phòng làm việc của Đồng Chí Chủ Tịch Bang nhìn vào, mà cũng chẵng ai ngăn
cản. Như thế thì còn chi là bí mật quốc gia nữa. Thật là thiếu đề cao cảnh giác
tột độ. Tệ hại đến nỗi du khách chụp hình lia lịa các phòng ốc, hành lang, đường
nẻo bên trong. Chụp hình cả đồng chí Chủ Tịch Bang, mà bọn bảo vệ làm việc tắc
trách trơ mắt ra, không hề biết ngăn cản, hay “làm việc” để đưa chúng đi cải tạo
tư tưởng. Đúng là sống lúc quân hồi vô phèng, không có chính quyền ư? Dinh Chủ
Tịch nầy, tự nó tố cáo tính bóc lột nhân dân lao động của bọn tư sản mại bản.
Không phải như Bác Ta, cần kiệm liêm chính, chỉ ở trong căn chòi tre, đi dép lốp
với hai bộ áo quần kaki. Ba nói điều nầy với thằng Tư. Nó nói với Ba rằng: “Cho
đến giờ nầy mà Ba vẫn còn tin những điều lừa mị ấu trĩ nữa sao?” Ba không chấp
lời nói của nó làm chi, vì Ba đang nhờ nó nhiều chuyện. Cũng may cho nó, nếu
còn ở bên nhà, thì Ba cũng “đề xuất” cho nó đi cải tạo tư tưởng một thời gian
ngắn chừng năm năm hay mười năm, để giúp đỡ nó.
Chiếc xe trực chỉ về
hướng Đông, đi qua những vùng đồi núi cỏ cháy vàng, băng qua thành phố bài bạc
Rí-nồ (Reno), thành phố nầy của bọn tư sản bày ra để bóc lột mồ hôi nước mắt của
tầng lớp thợ thuyền lao động và nông dân. Đây là âm mưu thâm độc của con bạch
tuộc nhiều vòi, bám vào hút máu chính nhân dân chúng và nhân dân thế giới. Ba
cũng mong xe dừng lại thành phố nầy, để Ba thấy rõ hơn cái tội ác của đế quốc Mỹ
đối với chính nhân dân lao động thợ thuyền.
Nhưng xe cứ lướt đi, băng qua rặng
núi Xì-Ê-Ra (Sierra Nevada), đường núi quanh co, chập chùng làm lòng Ba xúc động
nhớ đến thời chân dép lốp băng rừng Trường Sơn, hạt gạo cắn làm tư, đi về Nam
giải phóng quê hương. Thời đó có thừa gian khổ. Thế mà hôm nay ngồi trên ghế nệm
êm ái của xe khách, xe lăn êm như ru trên con đường tráng nhựa phẳng phiu, xe
có máy điều hòa không khí mát dượi, nhưng Ba vẫn chẳng thấy cái tính ưu việt
nào, so với chuyện chân đất kéo pháo Trường Sơn ngày cũ. Buổi chiều ghé lại
thành phố Eo-cồ (Elko) thì xe đã chạy được hơn 520 đặm Anh, tức hơn 830 cây số
bên mình. Phải công nhận là khẩn trương, ngày xưa đi bộ chừng đó đường trong rừng
núi cũng phải hàng tháng trường, và hao hụt nhân mạng không biết bao nhiêu mà kể.
Họ đem hành khách vào
một tiệm ăn, họ gọi là ăn theo lối búp-phê (buffet). Ba đoán đây là một quán ăn
quốc doanh, cho nên không có người phục vụ. Khách phải xếp hàng dài, tự lấy thức
ăn. Thế mà nhân dân miền nam vẫn thường chế nhạo xã hội chủ nghĩa là “xếp hàng
cả ngày”. Ở nước đại tư bản nầy cũng phải xếp hàng vậy, mà có ai kêu ca gì đâu.
Mỗi người lấy một cái dĩa, muỗng, nĩa, dao, khăn giấy, và đi dần tới, tự múc lấy
thức ăn trong hơn hai chục cái nồi lớn, nồi nầy có thể nấu cho cả trung đoàn ăn.
Cứ thức ăn trong nồi vơi, thì nhà bếp bưng lên thêm, châm vào đầy lại, bởi vậy
Ba không phải lo khẩn trương đấu tranh vì sợ hết phần của mình.
Thức ăn dồi
dào, có nhiều chất tanh, chất béo và chất tươi. Đủ loại, gà, heo, bò, tôm, cá,
cua, rau, đậu, nấu theo nhiều cách khác nhau. Ban đầu, Ba không dám múc nhiều
thức ăn, vì sợ họ tính nhiều tiền, nhưng sau khi nghe thằng Tư nói là ai muốn
múc bao nhiêu món và nhiều bao nhiêu cũng được, thì Ba nắm bắt ngay thời cơ thuận
lợi, múc lên dĩa mình đủ thứ đầy vun, vun quá nên vài thứ thức ăn chảy ra
ngoài, rơi xuống sàn. Riêng cái việc không có người phục vụ, không có người
canh gác, ai muốn múc bao nhiêu thức ăn thì múc, cũng để lộ ra cái yếu kém về tổ
chức, và yếu kém về ý thức bảo vệ tài sản nhân dân trong chế độ tư bản.
Ba ăn hết một dĩa đầy,
và khi nghe thằng Tư nói, muốn ăn bao nhiêu dĩa cũng được, thì Ba tranh thủ ăn
thêm một dĩa nữa. Ăn thêm trái cây cắt sẵn, bánh ngọt và cà-lem. Phải công nhận
bánh ngọt của bọn đế quốc ngon, đáng ra thì Ba không nên khen, vì khen đế quốc,
bất cứ là khen gì, cũng là mất lập trường cách mạng.
Ăn xong, bụng Ba căng kềnh,
phải mở nút quần và nới dây nịt ra hai lỗ. Cho ăn thả dàn như thế nầy cũng là một
thủ đoạn thâm độc của bọn tư bản, vì ăn xong, thì Ba phải chạy gấp vào nhà cầu
mà tháo dạ. Chắc chi nhà cầu nầy là không phải là một hệ thống hố xí hai ngăn
trá hình, bày ra để khai thác phân tươi của khách hàng? Ba còn động não suy
nghĩ rằng, biết đâu chúng nó biết Ba là người cách mạng trung kiên, muốn hại Ba
nên bỏ thêm chất độc vào thức ăn thức uống, mà mình không hay. Con phải rõ bọn
CIA tàn bạo ở đâu cũng có mặt, và nhúng tay vào, mưu mô và sắp đặt khắp cả thế
giới.. Thế mà thằng Tư thì đổ tiệt cho Ba là tham ăn, cho nên bị tháo dạ. Ba
cũng đề cao cảnh giác, không tin chi nhiều vào thằng Tư , hắn vốn là Ngụy cũ,
tuy đã được cách mạng giáo hóa cho gần mười năm, học tập có tiến bộ, nên được về đoàn tụ với gia đình, nhưng biết đâu vẫn còn lén lút hoạt động cho bọn gián điệp
CIA. Là người cách mạng, Ba phải luôn luôn đề cao cảnh giác.
Đêm nay ngủ lại khách
sạn Hiu-Tân (Hilton), khách sạn sang trọng, phòng có hai giường ngủ, Ba một giường,
thằng Tư một giường. Trong căn buồng ngủ, mà chúng thắp đến mười hai bóng đèn.
Thật là phí phạm, không có quy hoạch kinh tế. Khí trời đang mùa nóng nực, mà
trên giường chúng trải bốn năm lớp, nào là vải dày, vải mỏng, mền hai lớp, mền
len, làm Ba nghi ngờ chúng nó có âm mưu gì đây. Có lẽ chúng biết Ba thuộc thành
phần cách mạng, bày đặt ra để khoe khoang tuyên truyền chăng. Ba biết rõ, thế
nào chúng cũng đặt máy nghe lén, và đặt máy quay phim ghi lại các hành động,
các câu nói của Ba. Ba đi quanh kiểm soát trên tường, góc nhà, trong hộc tủ, và
thấy có nhiều máy móc, dụng cụ đáng nghi ngờ. Ba nói thầm cho thằng Tư biết, để
cảnh giác nó, mà nó không tin và gạt đi, cho rằng cái gì Ba cũng nghi ngờ như
người mắc bệnh tâm trí.
Người làm cách mạng, và người có một chiều dày hoạt động
cách mạng như Ba, nếu không biết nghi ngờ, không biết đề phòng, thì đã không
còn sống sót đến hôm nay đâu. Bởi vậy, nên Ba không nói nhiều, và chỉ nói những
điều khi cần nói mà thôi. Khi vào phòng tắm, Ba cũng tắm với cái quần lót, chứ
không trần truồng như ở nhà. Bọn tư bản rất thâm độc, biết đâu chúng nó quay
phim mình, rồi buộc mình làm những điều đi ngược với đường lối của “trên”. Buổi
tối, thằng Tư kiếm đâu được số điện thoại của bạn nó là Phong, đang ở trong
thành phố Eo-Cồ nầy. Hai đứa nói chuyện điện thoại một hồi, cười nói vui vẻ lắm.
Ba nghe qua điện thoại,
và đoán rằng, chúng nó rủ nhau đi hủ hóa ở ổ nhện nào đó.
Một lúc sau thì thằng
Phong đến, hắn nói thẳng ra rằng, muốn Ba đi theo chúng nó, để hưởng hương vị đời,
cho biết đàn bà Mỹ nó thơm tho đến mức nào. Xem có hơn đám cán bộ hộ lý trên rừng
Trường Sơn bao nhiêu bực. Nói thật với con, trong bụng Ba cũng mừng như mở cờ,
nhưng đạo đức cách mạng buộc Ba phải nói lời từ chối. Nói lời từ chối, nhưng Ba
cũng lo lắng là sợ chúng không mở lời nài ép Ba thêm lần nữa. Nếu chúng không
đem đi, là cơ hội quý báu ngàn năm một thuở mất toi, không bao giờ có nữa. May
thay, thằng Phong kéo Ba dậy, và nói: “Cái hang trê của Mỹ, còn quý hơn cái sự
nghiệp cách mạng của Bác đến ngàn lần.” Ba thấy bị xúc phạm, nhưng cũng riu ríu
đứng dậy đi theo. Trong đêm tối, Phong lái xe chạy như bay.
Trên xe nó trang bị
cái máy như con ma xó, kêu nó quẹo phải, rẽ trái, còn xa bao nhiêu nữa, chỉ còn
một trăm thước nữa thôi, và kêu dừng lại. Chừng hơn một giờ lái xe, thì đến một
trang trại. Bên trong trang trí như cảnh của phim cao bồi. Ngồi trong phòng
khách, thằng Phong nói chi đó, Ba không hiểu. Một lúc sau có hai con nhỏ tóc
vàng bồng bềnh, thân mình cân đối, ngực căng, eo thon, mông đầy, chân dài, đi
giày cao gót, da thịt trắng nõn mền mại, mắt to, lông mi dài như riềm liễu rủ,
môi mọng cớn lên khêu gợi, nhan sắc chim sa cá lặn như tiên nương, nhún nhẩy ỏn
ẻn. Bây giờ thì sự nghiệp một ngàn năm cách mạng, Ba cũng bỏ, để đổi lấy một
vòng ôm thơm tho sực nức kia, chứ nói chi năm mươi năm.
Thằng Phong nói gì với
tên quản lý râu xồm, rồi cùng thằng Tư theo hai cô tiên thơm tho vào ngõ sau.
Thằng quản lý ra hiệu cho Ba đi theo nó vào một cái phòng khác ngồi chờ.
Thiệt
Ba không ngờ, động nhền nhện mà sang hơn cả dinh lãnh tụ. Ba ngồi chờ chừng năm
phút, thì cửa mở. Ba nhìn lên, suýt ngất đi vì sợ. Con biết chuyện gì không? Ba
thấy một con nặc nô hiện ra trong khung cửa, nó mang mặt nạ che đôi xanh lè như
mắt mèo, ngực trần thổn thện hai trái mướp hương, lưng thắt đai da to bản, đi ủng
da màu đen cao, và giữa hai chân là một cái khố mỏng như sợi dây rộng chừng hai
lóng tay con nít. Nó mang bao tay màu đen, và cầm một con roi da to dài quất
vun vút nghe đến lạnh xương sống.
Con roi da nầy, mà nó quất cho một phát, thì
cả con bò mộng cũng lăn ra, chứ nói chi đến người, mà Ba lại ốm yếu già cả vì
bao năm lặn lội nơi rừng sâu nước độc cho sự nghiệp cánh mạng của đảng ta. Con
nặc nô đứng chàng hảng hai chân, ngoác miệng ra nói câu gì đó Ba không hiểu, và
nó vút roi xuống. Ba hết hồn, nhưng nhờ ơn Bác và Đảng đã dạy cho Ba nhuần nhuyễn
bài học chém vè. Xưa, Ba đã từng chém vè hàng trăm trận mà thoát chết. Không lẽ
B52 trút bom như mưa, không chết, nay lại chết vì ngọn roi da của con nặc nô nầy.
Không lẽ sự nghiệp cách mạng năm mươi năm chấm dứt nơi dây? Với tính “cơ động”
cao, Ba phóng ra, luồn mình giữa hai chân con nặc nô mà chạy thoát ra bên
ngoài.
Nhờ dày kinh nghiệm trận mạc, Ba khẩn trương chui ngay xuống gầm xe mằm
im, như ngày xưa nằm trong hầm kín địa đạo Củ Chi. Tháng tám tiết trời nóng nực,
mà mồ hôi Ba đổ ra lạnh ngắt, miệng khô đắng nghét. Ba thực sự run sợ, hai hàm
răng đánh nhau cầm cập, không còn anh hùng như ngày xưa khi xông pha trận mạc
hiểm nguy.
Ba chợt động tâm cơ, e
rằng thằng Tư và bạn nó toa rập hại Ba, trả mối thù cách mạng đã cải tạo nó
trong nhiều năm, định nhờ tay con nặc nô đế quốc đưa Ba về gặp Các Mác Lê Nin
và Bác Hồ vô vàn kính yêu chăng. Thằng Tư là con rể, hắn có thể âm mưu hại Ba,
thì cũng không có chi là lạ. Ba biết rõ, trong cách mạng, có khi phải hy sinh
chính cả cha mẹ ruột, cả con cái mình cho sự nghiệp của Đảng và Nhà Nước, thì
thằng Tư nó hy sinh ông già vợ cho bọn tư bản cũng không có gì là lạ cả.
Quần
Ba ướt nhẹp, Ba biết vì quá sợ, nên không cầm được nước tiểu, chuyện nầy cũng
thường thôi, Ba nhớ ngày xưa đã từng vãi phân cả quần nhiều lần, mỗi khi ôm đầu
chịu trận mưa bom B52 của địch. Ba nằm yên chừng nữa giờ, thì nghe có tiếng thằng
Tư kêu Ba, và nghe có tiếng chân người đi sục sạo tìm kiếm. Với tất cả đề cao cảnh
giác, Ba nằm yên không động đậy. Nhưng rồi chúng cũng tìm được Ba, lôi Ba ra,
Ba tưởng đâu lần nầy chết thật. Ba định chém vè thêm lần nữa, nhưng chém vè
xong rồi thì không biết đi đâu.
Thằng Tư cự nự Ba, hỏi tại sao khi không lại
chui xuống gầm xe mà nằm. Ba vừa sợ, vừa giận, nói liều với hai thằng Ngụy:
“Chúng bay muốn giết tao thì cứ giết đi, bày trò làm chi?”. Bạn thằng Tư cười
ha hả, và giải thích cho Ba biết rằng, vì hắn nói không rõ ràng, thằng quản lý
tưởng Ba có bệnh “khổ dâm”, nên gọi con nặc nô kia ra để Ba hủ hóa với nó.
Cây
roi da cầm trên tay, là để đánh đập hành hạ cho đổ máu trước khi thực sự đi vào
cuộc truy hoan. Ba không tin được lời giải thích chung chung đó, và nghĩ, vì
chúng còn muốn lợi dụng khai thác ở Ba một vài bí mật nào đó của cách mạng, nên
còn để Ba sống. Tuy giận lắm, nhưng Ba đã triển khai tính ưu việt của đảng ta,
là khi ta yếu thế, thì phải tạm thời thỏa hiệp, để chờ cơ hội mạnh, thì vùng
lên, thẳng tay dùng bạo lực cách mạng mà trấn áp không khoan nhượng. Hai thằng
phản động đưa Ba về lại khách sạn, cả đêm Ba đề cao cảnh giác, chỉ ngủ một con
mắt mà thôi.
Sáng hôm sau dậy sớm,
ra xe khi trời đất còn tối đen, nhiều người cằn nhằn, than vãn vì còn buồn ngủ.
Bọn tiểu tư sản thành thị khi nào cũng hèn yếu và ưa hưởng thụ, mới có thế mà
đã than van. Ngày xưa Ba đi trong rừng thâu đêm, tháng nầy qua tháng nọ, mà chẵng
ai mở miệng kêu than một tiếng. Đó cũng nhờ lòng tin tuyệt đối vào đảng, vào
cách mạng, vì kêu than là mất lập trường, là chao đảo. Xe đi về hướng Bắc, dọc
theo rặng núi Đá Vôi, mà thằng Tư kêu là Rốc Kỳ Mao Tần (Rocky Mountain)
Hai
ven đường, đất đai cằn cỗi khô khan, cây lúp xúp, ruộng đất nghèo nàn như Nghệ
Tĩnh bên mình. Khi xe chạy vào Bang Ai Đa Hồ (Idaho) thì Ba thấy có con sông,
mà người ta kêu là sông Rắn (Snake River), từ đây thấy cây cối xanh tươi, ruộng
đồng mơn mởn. Ba thấy hệ thống thủy lợi của chúng mà tức cười, làm sao mà so
sánh với tính ưu việt của hệ thống thủy lợi bên ta. Chúng nó tưới ruộng bằng những
ống nước dài có chích lổ, máng trên dàn sắt cao có bánh xe, di chuyển dọc theo
ruộng. Nước bơm vào ống, xì vung ra như mưa trải rộng. Ba không biết chúng làm
sao mà kéo nổi những giàn ống dài nặng như vậy được. Có lẽ dùng trâu bò. Thật
là vụng về, bất tiện, kém tính sáng tạo.
Buổi trưa, xe ghé lại
một tiệm ăn Trung Cộng, có lẽ cũng là tiệm quốc doanh, vì khách hàng phải tự đi
lấy đồ ăn. Cũng xếp hàng, cũng chờ đến phiên mình. Tiệm nầy, thì thức ăn khá dồi
dào, phải công nhận là ngon, bên ta không có tiệm quốc doanh nào mà so sánh được.
Trong khi ăn, Ba nói với thằng Tư, là bên mình ăn phở quốc doanh không người
lái ở Hà Nội cũng rất ngon, và đầy tính cách sáng tạo của dân tộc. Thằng Tư nói
rằng, vì hồi đó Ba đói, nên ăn cái gì cũng ngon cả. Nó nói thêm là vợ nó khi ra
Bắc thăm, khi nó đang cải tạo tại trại Cổng Trời, có ghé Hà Nội ăn phở quốc
doanh, và cho rằng, phở nầy chỉ ớn hơn nước vo gạo một chút mà thôi. Ba biết bọn
nầy chỉ bôi bác cách mạng là giỏi . Trong tiệm nầy, có nồi xúp thịt gấu thật lớn,
mọi người chen nhau xếp hàng múc vào chén đầy vun, họ tin tưởng thịt gấu ăn vào
bổ âm, bổ dương, và tăng cường sức mạnh. Tin như vậy thì cũng tốt thôi. Ba
tranh thủ ăn luôn hai tô xúp thịt gấu có mùi thuốc bắc nồng nồng. Có cả một nồi
đầy vi cá mập, tuy bụng đã căng kè, Ba cũng tiến công làm thêm bốn năm miếng lớn.
Lần nầy, ba cũng bị tháo dạ, nhưng giữ bí mật không cho thằng Tư biết. Người
làm cách mạng, phải luôn luôn giữ kín mọi bí mật như giữ gìn con ngươi.
Buổi xế
chiều, thì xe đến thành phố cao bồi Giắc Xơn (Jackson), thành phố nhỏ, dân cư
chỉ mấy trăm người, đa số là du khách. Ở đây đặc biệt có cái công viên, mà bốn
cỗng vào làm bằng hàng ngàn cái sừng nai gài lên nhau. Bốn cái cỗng cao nghệu.
Rồi xe tiếp tục đi lên miền Bắc, từ đây là cây cối xanh tươi phủ núi rừng.
Rồi xe đến vùng công
viên quốc gia Đá Vàng (Yellow Stone), đây là một vùng đất rộng lớn mỗi chiều chừng
vài chục cây số ngàn nằm trùm lên ba Bang: Oai-Ô-Minh (Wyoming), Mông-Ta-Na
(Montana) và Ai-Đa-Hồ (Idaho). Đa số đất đai đều nằm trong Oai-Ô-Minh, rẻo hẹp
phía tây thuộc Ai-Đa-Hồ, rẻo mỏng phía bắc thuộc Mông-Ta-Na. Cái công viên quốc
gia nầy là một vết nhơ, một bằng chứng hùng hồn tố cáo tội ác của bọn địa chủ
trong chế độ tư bản đối với giai cấp bần nông. Chúng nó cướp đất nông dân làm
công viên mà chơi. Để biện minh cho hành động tàn ác nầy, chúng phao vu lên là
nhân dân lao động ở đây, đại đa số là dân da đỏ nguyên thủy, thấy khói bốc lên
từ đất, thấy nước nóng phụt lên thành vòi lên trên cao, nên sợ cái thiêng liêng
của trời đất mà không dám ở lại, phải di dân đi nơi khác sinh sống.
Hướng dẫn
viên du lịch cho biết rằng, vùng nầy nguyên là cái miệng núi lửa, đã phì ra
nham thạch bao phủ một vùng rộng 30 dài 45 dặm Anh (chừng 50×70 cây số ngàn).
Núi lửa phun ba lần, lần thứ nhất cách đây hai triệu năm, lần thứ hai cách một
triệu ba trăm ngàn năm, lần thứ ba cách sáu trăm bốn mươi ngàn năm. Lần cuối nầy
phun ra được 530 tỷ mét khối nham thạch. Theo Ba, thì toàn bố láo cả. Bọn tư bản
thường hay bịp bợm, nói điều không thật. Làm sao mà chúng biết được chuyện cả
trăm ngàn năm trước? Khi đó chúng đã sinh ra đâu, mà nói như thật. Chúng cho biết
rằng công viên Đá Vàng nầy là một trong vài ba nơi đặc biệt trên thế giới, có
núi lửa đang liên tục hoạt động với tầm mức nhẹ. Bởi vậy cho nên có những cái
miệng, lâu lâu nước sôi và khói phọt lên cao, những đồng bùn lầy nước sôi lục bục
như nồi cháo nóng, và những miệng nước nóng có thể thả cá vào luộc chín mà ăn
được.
Sau bữa ăn chiều, Ba
được đem đến một quảng trường, có ghế gỗ thấp vòng quanh một khu đất trống cho
du khách ngồi, chờ xem hiện tượng nước phụt ra từ miệng một cái hố, mà khói hơi
nước đang bốc lên um tùm. Họ bảo là đúng 5 giờ 59 sẽ có nước phun lên cao bằng
tòa nhà lầu năm sáu từng. Du khách đông đảo ngồi chờ xem hiện tượng lạ nầy. Ban
đầu, cái hố xịt ra hơi nước từng hồi, khói mù um, rồi bỗng hơi nước phụt cao
vào không trung, sau đó thì một cột nước phun thẳng lên trời, cao chừng vài ba
chục thước, cột nước kêu phì phì, khi cao khi thấp, rồi lụn dần, cho đến khi chỉ
có khói bay ra. Thế là hết màn.
Tưởng gì, chứ vòi phun thì ngoài Bắc ta thiếu
gì, cả nước. Chỉ có khác là ở đây phun nước nóng bốc khói. Ba nghĩ rằng, đây
cũng chỉ là trò bịp bợm để thu tiền của bọn tư bản mà thôi. Có thể chúng đào hầm
bên dưới, nấu một nồi nước sôi, rồi cho xịt lên đúng giờ. Chúng lừa bịp được
thiên hạ ngây ngô, chứ không thể qua mặt được một con người cách mạng như Ba. Tối
nay, chúng cho Ba ngủ tại khách sạn Bét-Vét-Tẹc (Best Western) cũng hai giường
rộng và tiện nghi đầy đủ. Cho ngủ tại những khách sạn sang trọng nầy, Ba biết
rõ, cũng là âm mưu từ tòa Nhà Trắng, để tuyên truyền cho đế quốc tư bản. Nhưng
lòng trung kiên với Đảng ta của Ba chưa bao giờ sờn.
Buổi sáng, du khách được
khách sạn đãi ăn điểm tâm, chúng gọi là “điểm tâm đại lục” (continental
breakfast), có cà phê, sữa tươi, cốm rang đường dát mỏng, bánh ngọt, bánh mì mềm,
bơ, mứt trong gói giấy, và có một rổ táo. Ba xốc tới, tiến lên dành thế chủ động,
đoạt được ba trái táo cùng một lúc, gói vào khăn cất đi để dành trưa ăn. Cái thằng
Ngụy đứng sau Ba ganh tị nhíu mày có vẻ bất bình. Đâu có quy định nào là mỗi
người chỉ được lấy một trái táo? Vì mỗi người một trái, thì cái rổ táo nầy cũng
không đủ sáu mươi trái cho sáu mươi du khách. Ba cướp lấy thời cơ, ăn luôn năm
sáu cái bánh ngọt cho no bụng mà còn đi xem phong cảnh suốt ngày.
Chiếc xe chở
du khách đi vòng trong công viên, Ba thấy đồi núi đã cháy đen thui, từ núi nầy
qua núi nọ, hàng trăm quả đồi đã bị cháy, cây thông đen điu trơ trụi chỉa thẳng
lên trời như những rừng chông khổng lồ, liên tiếp cả hàng chục cây số. Hướng dẫn
viên du lịch cho biết vùng công viên nầy đã bị cháy từ năm 1988, cháy liên tục
từ tháng năm cho đến tháng mười một. Không chữa cháy được, cả nước chịu thua,
và bó tay dương mắt nhìn thôi. Cuộc hỏa hoạn nầy được trời dập tắt do trận mưa
vào tháng mười một. Cháy hết bốn mươi lăm phần trăm công viên. Theo Ba nghĩ,
thì cuộc hỏa hoạn nầy có bàn tay của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới
nhúng tay vào, để trừng phạt bọn đế quốc Mỹ hiếu chiến hung hăng . Là một thắng
lợi lớn lao của chủ nghĩa ưu việt xã hội chủ nghĩa. Đây là một bằng chứng vĩ đại
minh chứng ai thắng ai. Nhìn trăm đồi núi của đế quốc hoang tàn mà lòng Ba phất
phới ngọn cờ hồng tung bay. Ba được đưa đến một cánh đồng bùn trắng, trên đó
nhiều nơi khói bốc hơi từ dưới lòng đất.
Ba nghĩ đây cũng là cảnh giả tạo, họ bắt
chước sáng tạo của nhân dân ta trong kỹ thuật lò Hoàng Cầm, dẫn khói đi qua các
vùng khác nhau. Bên dưới, có nhiều nơi bùn sôi lục bục. Có chi lạ đâu. Cứ chôn
dây điện nấu lò ở dưới đất và châm đều nước vào, thì sôi thôi.
Có những cái hố miệng
tròn, bên trong nước nóng làm khói bốc mù, người ta nói, câu cá đem nhúng vào
nước sôi nầy, thì cá chín, kéo ra ăn được. Bố láo cả. Ba đã từng thấy các anh
nuôi, chị nuôi nấu cơm cho cả trung đoàn ăn, cái lò của ta, còn lớn hơn mấy cái
hố nước nóng nầy nhiều. Trên cánh đồng bùn lầy nầy, có cầu gỗ bề ngang rộng, bắc
vòng vèo chạy quanh, không chừng dài cả cây số, cho du khách đi xem chơi. Đây
là một sự phí phạm tài sản nhân dân, phục vụ cho bọn tiểu tư sản thành thị,
không màng chi đến nỗi khổ cực của nhân dân lao động, làm việc từ mười hai tiếng
đến mười lăm tiếng mỗi ngày trong các cơ xưởng sản xuất, làm theo lối dây chuyền,
của bọn tư bản bóc lột. Chúng nó đem Ba đến một nơi gọi là Miệng Rồng, đó là một
cái hang lớn, bên trong có tiếng kêu sòng sọc, hơi nước từ miệng hang phà ra
nghi ngút, mà hơi nầy thối hoắc còn hơn cả hơi người đau bụng xì hơi. Theo Ba
nghĩ, thì đặt cho nó cái tên là Đít Núi thì đúng hơn, vì đó là một cái hang tối
tăm, có tiếng sòng sọc bên trong như người bị sôi bụng, và xả hơi ra mịt mù thối
tha. Đám du khách chịu không nổi mùi hôi, đều nhăn mặt. chun mũi. Thế mà cũng
đi xa cả ngàn dặm đường để đến xem cho được.
Rồi xe chở Ba đi xem
thác nước, Ba cũng chẳng tha thiết gì cái thác nầy, bên ta chán kho gì thác mà
phải tốn thì giờ đi xem. Trên đường đi, Ba thấy có hai con bò rừng đang đi dọc
đường, chúng đi trên lề, và bên tay phải, dáng thong dong. Có người khen là con
vật ở đây cũng hiểu biết và tôn trọng luật đi đường. Ba nghĩ đó là bò máy,
chính quyền địa phương bày ra để hù họa và mà mắt du khách thôi.
Sau đó, thì đi
thăm hồ, đây là cái hồ có diện tích 350 cây số vuông (136 dặm vuông Anh) và chu
vi bờ hồ 170 cây số (110 dặm) chiều dài hồ 32 cây số, chiều rộng 9 cây số
(20×14 dặm). Nước xanh ngắt, nghe đâu hồ sâu khoảng một trăm hai mươi thước.
Bên bờ hồ, Ba thấy mấy người dân đứng câu cá. Thì ra dân Mỹ cũng có những người
mò tôm bắt ốc lam lũ, dầm mưa dãi nắng bên sông rạch kiếm cơm qua ngày, chứ
giàu có cái nỗi gì.
Nhưng Ba thấy họ đi câu, mà mang ủng, và áo quần thì sang
trọng như các đồng chí trung ương đảng đi họp đại hội. Ba không muốn so sánh với
hồ Tây, hồ Trúc Bạch, hồ Bảy Mẫu bên mình. Hồ mình tuy nhỏ hơn, nhưng theo Ba
thì đẹp hơn thân thương hơn. Trên đường Ba cũng thấy nhiều bầy nai nhởn nhơ ăn
cỏ, không sợ gì con người cả. Giá như Ba ở đây, Ba sẽ mở một quán thịt rừng, mỗi
ngày giết vài con nai bán thịt, thì kiếm được bộn tiền. Nói thế, chứ con người
như Ba, không có quyền phe phẩy, làm việc buôn bán, mất đạo đức cách mạng.
Buổi trưa, du khách được
đem đến quán ăn. Ba không ưa ăn loại bánh mì mềm lạt lẽo, thằng Tư mua bánh xèo
Mỹ cho Ba với hắn ăn. Chưa bao giờ mà Ba ăn bánh xèo dở như hôm nay. Chúng nó
không biết làm bánh xèo mà cũng bày đặt bán. Bánh xèo của chúng dày cộm, mềm bủn
nhủn, có nước xốt cà chua đỏ lòm, bên trên có rắc lạp xưởng, ớt, nấm cắt mỏng,
rau. Ăn rất béo. Thằng Tư kêu loại bánh xèo nầy là “pi-dà” (pizza). Dù đói bụng,
nhưng thứ nầy rất khó nuốt.
Ráng ăn cho qua bữa, ăn xong uống nước ngọt. Ăn miếng
bánh xèo đó mà thằng Tư trả tiền đắt như bữa cơm Tàu ăn đầy bụng. Lấy kinh nghiệm
buổi trưa, chiều hôm đó đám du khách vào cửa hàng bách hóa tổng hợp mà mua thức
ăn tối đem về phòng. Ba thấy mấy “khúc ruột xa nghìn dặm” mua về nhiều con gà
quay, bánh mì, rượu chát, rượu bia, trái cây, rau sống, dưa chua, đem vào phòng
ăn khách sạn mà liên hoan ồn ào cho đến khuya, để lộ ra cái bản chất của bọn tiểu
tư sản thành thị bao giờ cũng sa đọa, chỉ nghĩ đến hưởng thụ vật chất và sợ
gian khổ.
Sáng hôm sau, xe lại
khởi hành sớm, cũng ra đi khi trời còn mờ sương. Xe xuôi về hướng Nam, hình như
quay lại đường cũ, Ba không rõ lắm, xe chạy quá mau. Đi chừng vài tiếng, thì xe
dừng lại xem một trại nuôi gấu, chó sói và nai rừng. Du khách phải đóng tiền để
xe chở vào trại xem. Ngồi trên xe, đi qua trại gấu, thấy chúng thong thả ung
dung trong khuôn viên có hàng rào. Ba nghĩ nơi đây họ cũng nuôi gấu để hút mật
gấu, bán ra cho dân nhậu hòa với rượu mà uống như bên mình. Thế mà bên ngoài giả
nói đạo đức là bảo tồn giống thú hiếm quý.
Xe tiếp tục đi, rồi
ghé lại xem một thác nước thủy điện nằm vắt ngang thành phố. Đó là thành phố có
tên Thác Ai-Đa-Hồ (Idaho Fall City). Thác dài rộng, không cao, nằm xuyên qua
thành phố. Đối với Ba, đã lăn lộn nhiều năm trong rừng Trường Sơn, thì thác nước
cũng chẳng có gì xa lạ quyến rũ để đi xem. Ba ngồi lại im lặng trên phiến đá,
còn du khách thì xôn xao chụp hình, nói nói, cười cười, tấm tắc khen.
Xe ghé lại một nơi mà
nhìn xuống là thung lũng sâu thẳm. Bên dưới có nhà cửa, có đường xá. Bên kia là
vách đá dựng đứng cao ngất. Không biết họ đi xuống bằng đường nào. Bên trên
cao, có cây cầu mà Ba nghĩ là họ bắt chước cầu Hàm Rồng của mình. Cầu cong bắc
qua mõm đá cao. Có năm sáu thanh niên mang dù, đứng trên cầu nhảy xuống vực
sâu. Chúng nó lái dù cũng khá giỏi, vì khi đáp xuống đất, thì đáp đúng vào cái
điểm mà chúng làm dấu bằng hai miếng vải màu bắt chéo hình chữ thập. Bọn nầy ăn
no, rững mỡ, không làm những việc sản xuất ra của cải vật chất, mà chỉ lo vui
chơi, chơi thứ nguy hiểm.
Buổi chiều, thì xe đến
bang U-Tà (Utah), du khách được dẫn đi xem mỏ đồng, chúng nó đào sâu xuống đất
hình phểu, sâu nhiều cây số. Chúng cho biết là mỏ đồng nầy lớn nhất thế giới. Họ
khoan đất, nhồi mìn, nổ tung đáy núi, rồi dùng xe xúc đất đá đem vào máy xay vụn,
đem lọc, rồi nấu ra đồng. Chiếc xe xúc đất có bánh xe với đường kính của nó, gấp
hai lần chiều cao của Ba. Không biết Liên Xô vĩ đại của chúng ta, có thứ xe nầy
hay không. Theo Ba nghĩ, thì nơi đây thợ thuyền lao động bị bóc lột tận xương tủy,
và thặng dư giá trị do tư liệu sản xuất đều vào tay bọn tư bản gian ác. Đây mới
thật là cảnh dời non lấp biển.
Ba khám phá ra một điều nữa, là bọn tư bản tuy
gian ác không lường, nhưng vô cùng ngây ngô, không những chúng cho ta đi xem,
mà còn cắt nghĩa, giải thích từng chi tiết về việc khai phá cái mỏ đồng nầy.
Sau nầy về nước, Ba sẽ đề xuất lên trên, xin phái người bí mật qua đây thu thập
hết tài liệu, để về khai thác mỏ đồng của xứ ta cho có hiệu quả hơn. Thủ đô của
Bang nầy tên là thành phố Hồ Muối, (Salt Lake City) vì ở đây, có cái hồ nước mặn,
ở độ cao hơn mặt biển gần một cây số, nồng độ muối mặn hơn muối biển đến năm lần.
Làm sao tin được mà lại gạt gẫm Ba. Lục địa xa biển đến non ngàn cây số, làm
chi mà có nước biển tràn vào đây được. Lại dấu đầu lòi đuôi, làm chi có chuyện
mặn hơn nước biển đến năm lần? Bày đặt ra để chứng tỏ nước Mỹ có nhiều điều
khác thường mà lòe bịp thiên hạ thôi. Ở Bang nầy, có nhiều người theo đạo Mọt
Mông (Mormon).
Bang U-Tà là trung
ương cục của đạo nầy. Nghe nói, đồng chí khai sáng và lãnh đạo ngày xưa có trên
năm chục bà vợ. Có lẽ vì vậy, nên những kẻ thiếu vợ ganh ghét, đánh đuổi và giết
chết.
Đồng chí lãnh đạo kế
nhiệm, đem tông đồ chạy, đi bộ băng qua nước Mỹ, đến U-Tà thì kiệt sức, dừng lại
mà xây dựng hội Thánh tại đây. Chuyện nhiều vợ, nhiều đàn bà vây quanh, là chuyện
bình thường của những vị lãnh đạo tối cao. Bác Mao vô vàn kính yêu bên Trung Cộng vĩ đại, bác Xít Ta Lin ngàn năm cây đại thụ bên Xô Viết, tổ quốc của xã hội chủ
nghĩa chúng ta, Bác Hồ đời đời kính yêu trong quần chúng ta, đều có rất nhiều
người đàn bà đã kề vai sát cánh để làm nên sự nghiệp cách mạng tuyệt vời cho khối
xã hội chủ nghĩa thêm quang vinh quang sáng lạng ngàn năm. Khi đi thăm nhà thờ,
cả đoàn du lịch được tiếp đón để giảng giải về nguồn gốc đạo Mọt Mông. Ba là
con người đã thấm nhuần lý tưởng cách mạng, cho nên bỏ ra ngoài tai mọi điều .
Vì theo cách mạng vô sản, thì các thứ tôn giáo đều là thuốc phiện ru ngủ nhân
dân. Rồi Ba được đi thăm dinh đồng chí chủ tịch nhà nước Bang U-Tà. Cũng cơ
ngơi cao rộng, xa xỉ trên nỗi đau thương của bần dân lao động, không thể sánh với
Bác Hồ vô vàn kính yêu của chúng ta. Thằng Tư lại trổ giọng cực kỳ phản động, gọi
Bác là cáo già gian manh, lừa mị. May nó là con rể, nếu không thì Ba đã cho mấy
tát tai cho đỡ giận. Ba định bụng về sẽ báo cáo với vợ nó, chuyện nó vào ổ nhện
tìm vui để trả thù.
Đêm nầy, Ba lại được
vào ngủ khách sạn Hiu Tân khác. Rõ là hệ thống tư bản, đâu đâu cũng thả vòi bạch
tuộc của chúng đến để hút máu nhân dân làm giàu cho bọn bóc lột. Tối nay du
khách được đem đến một quán ăn Trung Cộng gốc Việt. Quán nầy mặt bằng lớn, sơn
phết đỏ lòm, bàn ghế cũ kỹ. Đám du khách người Việt Nam được ngồi riêng trong một
phòng do lòng ưu ái của chủ quán. Đi mấy ngày ăn toàn thức ăn Tàu, Mỹ, nên mọi
người đều hoan hỉ kêu phở. Giờ nầy mà có tô phở thì không có chi bằng. Chỉ có một
thứ phở tái chín mà thôi, không phải ai muốn kêu phở gì cũng được. Một người hỏi
anh bồi bàn rằng phở đây có ngon không, anh cười toe toét và nói: “Ăn một tô,
nhớ một đời”.
Chờ rất lâu phở mới được bưng ra. Đúng như lời anh bồi bàn phán,
ăn một tô phở nầy thực khách nhớ một đời. Có người nói: “Hình như nhà hàng dọn
lộn thức ăn. Đây là bánh cuốn chan nước thịt trong lon, chứ không phải phở.”
Người khác bàn rằng: “Món nầy người ta kêu là phở U-Tà không giống phở Việt Nam
chút nào.” Người khác bàn thêm: “Nhà hàng có gọi là phở đâu mà các anh chị cứ
chê bai, trong thực đơn ghi là xúp thịt bò, theo tiếng Anh rõ ràng kia mà.”
Theo Ba, thì phở ở đây có thể sánh với phở quốc doanh ở trái tim tổ quốc Hà Nội
của chúng ta dạo nào. Sáng hôm sau, xe lại khởi hành sớm, khi trời đất còn tối
mù. Đi du lịch, mà hối hả như chạy giặc, sơ tán. Hướng dẩn viên du lịch khuyên
du khách nên ngủ tiếp cho khỏe. Tiếng ngáy đều đều trên xe.
Rồi xe đến nơi mà người
ta gọi là Bờ-Rai Ca-Nồng (Bryce Canion). Cảnh trí thật hùng vĩ lạ lùng. Dù có
mang tiếng là mất lập trường cách mạng, Ba cũng phải khen nơi đây quá đẹp, quá
lạ, và quá hùng vĩ. Đứng trên triền đá cao nhìn xuống cái lũng rộng bao la, thấy
như một thành phố tiên cảnh, có hàng ngàn tiên nga đang múa lượn, có hàng ngàn
tượng Phật đứng ngồi, có hàng ngàn hình dáng thú vật linh hoạt, có đền đài cung
điện. Từ núi nầy qua núi nọ tiếp nối nhau trùng trùng, trùng trùng ngút mắt.
Không nơi nào trên tổ quốc xã hội chủ nghĩa mến yêu của ta có được cảnh vĩ đại
nầy. Du khách được đi xuống dưới đáy vực, một số không dám leo xuống vì sợ
không đủ sức leo lên. Ba tuy tuổi già, nhưng với niềm tự hào cao ngất, và với
nhiều kinh nghiệm băng rừng Trường Sơn, Ba leo băng băng xuống đáy vực mà xem
cho rõ hơn. Ba thầm nghĩ, nếu có đánh du kích, thì nơi đây là một chỗ dấu quân
tuyệt hảo, chấp cả máy bay B52 của địch, chấp máy bay Con Ma, Thần Sấm, cũng
không động được đến dép râu của bộ đội du kích ta.
Trên đường về, Ba được
đưa đến thăm một căn cứ không quân của bọn đế quốc Mỹ. Có đủ tất cả các loại
máy bay từ thế chiến thứ nhất đến nay. Có chưng bày đủ loại như Con Ma, Thần Sấm,
Chuồn Chuồn, Nòng Nọc, vận tải lớn, và có cả máy bay Mig 21 của Liên Xô vĩ đại,
máy bay của Đức Quốc Xã. Bây giờ Ba mới thấy rõ và sờ mó được những loại khí giới
giết người của đế quốc tư bản . Thật đúng như những bài học chính trị mà Ba đã
nhuần nhuyễn, xe tăng, máy bay của địch cũng rất ọp ẹp, chẳng khác chi bìa giấy
bồi. Nhìn tận mắt mới thấy và tin hơn. Căn cứ không quân nầy rất lớn, chưng bày
đủ thứ, mà canh gác đơn sơ. Mai sau có chiến tranh, thì đặc công ta cứ mang bộc
phá mà xông vào, thì phá hủy không còn một chiếc. Ba ghi nhận thật rõ vào trí
nhớ, để về làm báo cáo lên trên.
Khi xe đi ngang qua những
vườn cây trái xanh rờn ngút mắt hàng ngàn mẫu, Ba hỏi thằng Tư vườn cây trái nầy
thuộc hợp tác xã nông nghiệp nào, thì nó cười và bảo là của tư nhân. Thì ra nơi
đây còn rất nhiều bọn địa chủ bóc lột nông dân. Mai mốt có cách mạng về đây, bọn
địa chủ sẽ không thoát được cảnh đấu tố thanh lọc.
Khi về đến nhà, Ba triển
khai thao tác lý sự, phát huy tính chất tiền phong của chủ nghĩa Mác Lê Nin, tư
tưởng Mao trạch Đông, tác phong Hồ Chí Minh, gây nên cuộc đấu tranh giai cấp cục
bộ giữa hai vợ chồng thằng Tư, bằng cách tố giác, báo cáo với con Tư hành động
hủ hóa của chồng nó, có quan hệ giao lưu với ổ nhền nhện. Con Tư nổi máu ghen,
điên lên, to tiếng xỉ vả thằng Tư như tát nước. Hai vợ chồng nó rất căng, đấu
tranh gay gắt. Kết cục chúng đòi đem nhau ra tòa li dị. Thằng Tư xỉ vả Ba là cọng
sản phản thùng bội bạc. Ba cũng không giận, vì Ba đi đúng chính sách của đảng
ta, sử dụng tất cả mọi phương tiện, miễn sao đạt được mục tiêu cuối cùng thì
thôi.
Trong bảy ngày đi theo
thằng Tư tham quan phong cảnh nước Mỹ, Ba đã ghi nhận học hỏi được thêm nhiều
kinh nghiệm để đấu tranh cách mạng, và vững tin hơn vào đường lối đứng đắn của
Đảng ta, người lãnh đạo cuộc cách mạng chung thế giới, đưa nhân loại đến công bằng,
ấm no , hạnh phúc, làm theo khả năng hưởng theo nhu cầu. Thằng Tư đưa Ba đi,
nhưng Ba nghi có bàn tay lông lá của bọn tư bản và CIA nhúng vào. Vì thằng Tư
thì làm thợ, con Tư thì làm nghề dũa móng tay, con của chúng còn đi học, phải
đi bỏ báo mỗi sáng sớm kiếm thêm tiền, thì làm chi có dư tiền nhiều, đem Ba đi
chơi cả ba ngàn cây số đường, ăn ở những nơi sang trọng, và cho xem những thắng
cảnh danh tiếng nước Mỹ. Nhưng chúng lầm, làm sao mua chuộc được lòng trung
kiên của Ba với cách mạng. Ba hẹn khi về sẽ nói cho con nghe nhiều hơn.
Cách mạng Việt Nam
muôn năm.
Ba của con,
Sáu Ruộng
Sáu Ruộng
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.