Nhắc đến hoạ sĩ Đinh
Cường, khách thưởng ngoạn nghệ thuật ở miền Nam Việt Nam trong thập niên sáu
mươi, bảy mươi, hầu như ai cũng biết đến ông. Phải nói khi ấy là thời hưng thịnh
của ngành mỹ thuật Việt Nam. Đó cũng là thời kỳ rực rỡ cùng sự xuất hiện của Hội
Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam (1966) với một lực lượng hùng hậu những cây cọ mang đầy nhiệt
huyết trong việc khai phá và nỗ lực đi tìm cái mới. Họ chủ trương tạo ra những
cơ hội gặp gỡ nhau để trao đổi những kinh nghiệm hầu hình thành những đường lối
sáng tạo độc đáo trong bầu không khí sinh hoạt hội hoạ trong sạch và cởi mở.
Có thể nói lòng hăng
hái phát triển nghệ thuật khơi dậy sự thử thách nơi các hoạ sĩ trẻ thúc đẩy họ
đi vào những cuộc thử nghiệm các trường phái nghệ thuật khác nhau từ lập thể,
dã thú, biểu hiện, đến siêu thực, trừu tượng, vô hình dung, tân hiện thực... Họ
là những Trịnh Cung, Đinh Cường, Nguyên Khai, Nguyễn Trung, Hồ Thành Đức, Đỗ
Quang Em, Nghiêu Đề, Lê Tài Điển, Cù Nguyễn, Nguyễn Phước, Hồ Hữu Thủ, Mai Chửng,
Dương Văn Hùng, Nguyễn Lâm, Nguyễn Đồng, Hoàng Ngọc Biên, Ngy Cao Uyên, Rừng...
Đinh Cường đảm nhiệm
chức vụ Ủy Viên Kiểm Soát trong Hội Đồng Quản Trị HHSTVN. Từ đó ông đã bước vào
thế giới tạo hình với một vũ trụ và tấm lòng đầy thơ. Ông đã không ngừng tìm kiếm,
say sưa sáng tạo và thử nghiệm nhiều thể loại, trường phái, và hoạt động cho đến
phút cuối đời. Với một lượng tranh đồ sộ tới cả ngàn bức tranh, những bài viết
về hội hoạ, những bài thơ về kỷ niệm cùng bạn hữu mà ông chia sẻ trong thi ca,
Đinh Cường đã để lại cho người yêu mến ông vô số những tài sản tinh thần sâu sắc,
đẹp đẽ và đầy ý nghĩa.
Hoạ sĩ Đinh Cường tên
thật là Đinh Văn Cường, sinh năm 1939, tại Thủ Dầu Một, Bình Dương. Mất ngày 7
tháng 1 năm 2016 tại Hoa Kỳ. Ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế năm
1963, đến năm 1964 thì tốt nghiệp giáo khoa hội hoạ Trường Cao đẳng Mỹ thuật
Gia Định. Ông từng sống tại Huế, Đà Lạt và Sài gòn trước khi định cư tại Hoa Kỳ.
Tranh ông được triển lãm trên nhiều thành phố tại quốc nội và nhiều quốc gia
khác. Thơ và bài viết của ông về hội hoạ đăng trên các tạp chí Văn Học Nghệ
Thuật: Hợp Lưu, Văn, Văn Học, Thế Kỷ 21, Da Màu, Tiền Vệ...
Là một người tài hoa,
với một bản năng sáng tạo mạnh mẽ, hoạ sĩ Đinh Cường xuất sắc không những trong
thế giới tạo hình mà cả trong phê bình nghệ thuật. Trong lãnh vực thi ca, thơ
ông cũng rất sâu sắc và đầy thi vị.
Trong khuôn khổ nhỏ hẹp
của bài này, tôi chỉ xin viết về mảng hội hoạ.
Ông quen biết rộng và
có nhiều bạn. Trịnh Công Sơn, người bạn thiết của ông, đã hiểu ông tường tận và
đã từng nhận xét về ông như sau “Rong chơi là một thứ kinh vương giả trong
tâm hồn Ðinh Cường. Cứ lên đường, dù cao nguyên dù biển, là đã nghe thấy trong
Cường vang lên một tiếng reo vui mãn nguyện. Ði không chỉ là sứ mệnh của đôi
chân, mà đi, với Cường, là lòng ngưỡng vọng linh thiêng về một tiếng gọi.” Trịnh
Công Sơn gọi ông là một lãng tử đam mê kỷ niệm.
Những vật thể phụ
trong tranh ông thường là chim và ngựa, tượng trưng cho thể động, tượng trưng
cho niềm khát khao được đi và đến. Ông yêu mến những nơi đã sống, lưu luyến nhiều
chốn đi qua, gìn giữ, ấp ôm kỷ niệm đẹp nào lưu lại, và thương quý, chung thuỷ
với tình thân bạn hữu. Đà Lạt, Huế, Paris bàng bạc những lưu dấu thơ mộng và đẹp
đẽ cũng như niềm vui, nỗi nhớ, phút thảm sầu, đều được ông sắp đặt, thể hiện
lên tranh. Phần lớn những chủ đề trong tranh ông xoay quanh âm nhạc, cảnh thiên
nhiên, đá, hoa, chim, ngựa, cũng như người, bạn bè, nhất là thiếu nữ. Tranh thiếu
nữ của ông thường có thêm hoa, chim, ngựa và khăn choàng. Những nơi ông sống và
đi qua thường lạnh nên thiếu nữ trong tranh ông có thêm khăn quàng hay đội khăn
giống thiếu nữ trong tranh Thái Tuấn.
Dạ Khúc chim 5/2006(Bird’s
evening song) Oil on canvas, 30”x40”
Bức tranh đánh mạnh
vào cảm xúc người xem qua bố cục xanh của đêm. Đêm cùng trăng tấu lên một hợp
âm xanh nhạt và thẫm với những cánh chim vần vũ một tiết điệu xanh buồn thảm. Vị
trí khác nhau của cánh chim mang màu sặc sỡ đậu trên cành, khiến tôi liên tưởng
tới những nốt nhạc trầm, bổng, cao, thấp của một tấu khúc đêm. Chim trong tranh
rất nhiều khiến tôi nhớ đến hai bức tranh "Nhiều mây chim bay không nổi"
và "Người và chim" mà ông vẽ để tưởng nhớ Phạm Công Thiện. Có lẽ những
câu thơ trong bài “Ngày sanh của rắn” của Phạm Công Thiện đã ám ảnh ông khôn
nguôi, tôi đi đông chìm / trời âm u thung lũng khô / nhiều mây chim bay
không nổi. Người thiếu nữ gầy guộc, cầm hoa, trong áo dài và khăn choàng đầu.
Cô có khuôn mặt, sống mũi và thân hình đều dài của một hoạ sĩ Đinh Cường chịu ảnh
hưởng Modigliani như nhiều hoạ sĩ Việt Nam vào thập niên 60 - 70. Theo
tôi, “Dạ khúc chim” không những đẹp mà còn sống động phát nên những
âm thanh kỳ ảo của một bài ca đêm.
Nói đến phần tranh
chân dung, xem hơn trăm bức chân dung ông vẽ cho những văn nghệ sĩ ông quen biết,
tôi càng hiểu thêm sợi giây tình bạn kết giao của ông dài đến mực nào. Có lẽ
Đinh Cường là một hoạ sĩ Việt Nam vẽ chân dung cho bạn bè nhiều nhất. Bùi Giáng
và Trịnh Công Sơn là người có nhiều tranh chân dung hơn cả. Tình bạn chiếm một
ngăn lớn trong trái tim và đời sống tinh thần của ông.
Chân dung Bùi Giáng và
dê
Nỗi nhớ và thương Bùi
Giáng đã khiến ông vẽ nhiều chân dung nhà thơ qua các thời kỳ khác nhau. Bức vẽ
theo thể minh hoạ (illustration) này có lẽ không đẹp và thơ mộng bằng bức
"Bùi Giáng và Dê tím hoa cà", nhưng tôi nhắc nhở đến, vì nó thể hiện
một loại tranh khác mà Đinh Cường đã vẽ và có theo đuổi. Tôi rất thích tranh
ông vẽ theo thể loại này, với vài nét chấm phá đơn sơ nhưng vẫn hay, vì người
hoạ sĩ nắm bắt được đặc điểm và chiều sâu của điều hay vật thể mà họ muốn miêu
tả.
Chỉ vài nét phác miêu
tả, ai cũng nhận ra được thi sĩ họ Bùi trong bức tranh này. Khuôn mặt Bùi Giáng
bên trên, nàng dê núi trắng đeo vòng hồng ngự trị bên dưới tạo cho chàng thi sĩ
một nét đẹp vừa hoang dại, vừa ngộ nghĩnh của các vị thần đầu người, mình thú
trong huyền thoại cổ Hy Lạp. Cái khéo tài tình của Đinh Cường khi vẽ chân dung
bè bạn là ông không chỉ lột được cái thần trên khuôn mặt, mà ông còn lột được
khí chất cũng như nét đặc thù sinh hoạt của họ trong cuộc sống thường nhật. Khoảng
trống hẹp màu hồng phớt phía trái bức tranh tiết lộ thêm đây là em dê trắng,
vòng hồng trong thơ, ... Này em Đen chiếc vòng vàng tươi lắm / Này em Vàng
chiếc trắng há mờ đâu / Này em Trắng chiếc hồng càng lóng lánh / Này đây em Hoa
Cà hỡi! chiếc nâu... (“Nỗi lòng Tô Vũ”, thơ Bùi Giáng)
Ngoài việc vẽ chân
dung cho bạn bè, Đinh Cường cũng đã vẽ vài bức chân dung tự hoạ cho mình. Mỗi bức
ông vẽ theo một kiểu khác nhau theo từng thời kỳ và biến động của cuộc sống
ông. Tôi chọn ra bức dư ới đây vì, theo tôi, không những nó nổi bật mà nó còn
thể hiện được cá tính đặc thù của ông cũng như màu sắc và lối vẽ ông theo đuổi
trong thời gian đó (2009).
Chân dung tự hoạ (Auto
Potrait) Đinh Cường, 5/2009
Xem tranh Đinh Cường
mà bỏ quên loạt tranh tôn giáo của ông, tôi nghĩ là một thiếu sót lớn. Ông có
trên 20 bức tranh tôn giáo, phần lớn nói về Đạo Phật.
Ông từng tâm sự:
“Nghệ thuật là đời sống
riêng biệt, hiếm hoi. Tôi đã vẽ trong mọi hoàn cảnh, nơi chốn. Không biết để
làm gì? Có lúc gần như tuyệt vọng, đôi khi thấy mình được cứu rỗi. Và tôi lại
tiếp tục vẽ, tiếp tục suy nghiệm ... Xin đừng bắt tôi giải nghĩa tranh. Nó hiện
ra đó và tôi đã hụt hơi, mệt mỏi. Thế giới xa lạ được dựng lên từ một hồi ức
hay một bắt gặp vụt đến, rồi loang dần trên mỗi khoảng không đen... Xin hãy cảm,
nhớ đừng bao giờ tìm hiểu.”
Tôi đồng ý với tác giả
về những lời ông bày tỏ. Tôi xem tranh ông với cảm nhận và nhận định của riêng
tôi. Khách thưởng ngoạn cũng vậy, họ nhìn tranh và thấy được gì,
có nghệ thuật hay không, xấu hay đẹp, kỳ quặc hoặc tuyệt vời, là tuỳ thuộc ở mắt
kẻ nhìn. “Art, like beauty, is in the eye of beholder”. Nhất là tranh
tôn giáo, sự thụ nhận và cảm nhận về tôn giáo mỗi người mỗi khác nên sự chọn lựa
của tôi để giới thiệu với độc giả chỉ là một cảm nhận riêng tư.
Bức Niệm(2) này gây ấn
tượng mạnh mẽ cho tôi. Sau đây là những gì tôi cảm nhận.
Niệm Phật là một phép
tu trong Phật giáo, thuộc về Tịnh Độ Tông. Phép Niệm Phật này cũng tương tự như
Phép Toạ Thiền, Niệm Hơi Thở trong phái Thiền Tông. Khi toạ thiền, “thiền giả
phải thoát ra sự vướng mắc của tư tưởng, ảnh tượng, khái niệm, vì mục đích của
toạ thiền là tiến đến một tình trạng vô niệm, tỉnh giác, không dung chứa một nội
dung nào. Sau một giai đoạn kiên trì trong vô niệm, hành giả sẽ bỗng nhiên trực
ngộ thể tính của mình, đó là tính Không, cái “thể” của vạn vật.” (theo Wikipedia).
Trung tâm bức hoạ là
hai nhân vật nam và nữ, chắp tay, quay mặt đi, mỗi người một phía.
Chung quanh
họ là những sắc màu tượng trưng cho đất, nước, gió, lửa. Đinh Cường rất khéo
léo và có chủ ý trong việc dùng màu. Những màu lạnh, xanh, nhu hoà, tượng trưng
cho tính âm, ông dành cho người nữ. Những màu nóng, đỏ, cam, vàng, tính dương,
người nam có nhiều. Con người của thất tình, lục dục có đủ, ông gom lại trong
các sắc màu. Sau khi toạ thiền tìm được thân an, tâm không loạn và chánh niệm,
thì trong phút an bình ấy cả hai nhân vật nam và nữ nhập làm một. Không có ngã,
không có giới tính, không tạp niệm, và chính giữa tranh là một đoá sen trắng
thơm ngát hương tinh khiết.
Sau cùng tôi xin chia
sẻ cùng bạn đọc một loại tranh trừu tượng mà Đinh Cường đặc biệt ưa thích vì
ông vẽ rất nhiều. Một số lớn các cựu hoạ sĩ thành danh Việt Nam như Nguyên
Khai, Trịnh Cung, Cao Bá Minh, cũng đi vào thử nghiệm thể loại tranh này.
Bức "Trăng và Đá
Đen" là một trong những sáng tác mới nhất tháng 9, năm 2015 trước lúc ông
mất, nay thuộc bộ sưu tập của Dr. Ha Phan Ho.
Bức tranh hình chữ nhật
với nền màu đỏ nóng chủ đạo đã khiến hai vật thể “Mảnh trăng” màu trắng và “Đá
đen” nổi bật, đối xứng qua một lằn ranh mỏng mảnh màu đen, tựa như hai phía của
cuộc đời, con người và thiên nhiên, tĩnh và động. Không cần biết ông vẽ gì.
Chúng ta chỉ cần tưởng tượng ra một hoạ sĩ Đinh Cường đang lang thang giữa bờ
biển của Great Salt Lake ở Utah là nơi ông tạo tác bức tranh này. Cát nơi đây
trắng trong như thuỷ tinh và bên trên là mảnh trăng treo lơ lửng phản ảnh màu
trắng của cát, của Mẹ Đất. Tình cờ ông nhặt được một hòn đá đen còn lấm tấm bụi
cát trắng và mang nó về nhà làm vật lưu niệm. Người ở tuổi già thích hồi tưởng
và, qua đó, tất cả ký ức đời ông sống lại. Những thăng trầm của cuộc sống, được
mất, đua chen, tất bật trong cuộc đời đã trôi qua, chỉ còn lại hòn đá đen trơ
gan cùng tuế nguyệt. Hòn đá lấm bụi cát đời ông giờ cũng nằm xuống bình yên,
thôi lao xao, bất động.
Tôi xin thắp một nén
hương, cầu nguyện cho hương hồn ông được an lạc ở cõi bình yên đời đời. (trích
Việt Tide số 49)
Trịnh Thanh thủy
Tài Liệu Tham Khảo
http://dinhcuongpaintings.blogspot.com/
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.