Friday, April 15, 2011

Thăng bằng của đá

Colorado (Mỹ)
Có thể được tìm thấy ở Khu vườn của các vị thần tại Vườn quốc gia tự nhiên nằm gần đỉnh Pike tại Colorado Spings, Colorado, tảng đá nằm án ngữ gần ngay mặt đường, to lớn sừng sững, tạo cảm giác nó chỉ đang tựa hờ vào điểm tựa và có thể đổ ụp xuống đường bất cứ lúc nào.
May thay là cho đến bây giờ nó vẫn “hiên ngang” đứng gác ở đó, chưa có dấu hiệu gì xuy chuyển tuy nhiên cũng quả là “thót cả tim” cho những ai lần đầu đi qua con đường này.
Digby, Nova Scotia (Canada)
Hòn đá được tìm thấy ở Digby, Nova Scotia, là một cột đá núi lửa hình trụ cao gần 9 m đứng cheo leo nơi vách núi với bề mặt đá đã dần dần bị xói mòn qua năm tháng.
Theo lời của các vị khách đến thăm quan nơi đây thì quả là thực sự kinh ngạc khi được tận mắt ngắm nó ở cự li gần. Cột đá gần như không mấy liên kết với bệ đá đang đỡ nó, không những thế một phần của nó còn trồi hẳn ra bên ngoài. Không có một lực hay vật gì chống đỡ nhưng nó vẫn đứng đó đầy hiên ngang, như thách thức với đất trời.
Idol Rock, Brimham Moor, Bắc Yorkshire (Anh)
Tại Brimham Moor ở Bắc Yorkshire, Anh, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều khối đá với hình dáng kì lạ và nổi bật trong số đó về khả năng “giữ thăng bằng” hiếm có là một tảng đá có tên là “ Idol Rock”.
Ước chừng nặng khoảng 200 tấn, Idol Rock cân bằng trọng lượng to lớn của nó trên đỉnh một hòn đá chóp nhọn giống hình một chiếc kim tự tháp, trông vô cùng nhỏ bé hơn so với cái khối khổng lồ mà nó đang mang trên mình.
El Torcal de Antequera, Andalucia ( Tây Ban Nha)
Khu bảo tồn thiên nhiên El Torcal nằm ở vùng núi phía Nam Antequera, Tây Ban Nha có một số lượng lớn các khối đá vôi bị bào mòn bởi tự nhiên thành những hình dạng vô cùng độc đáo.
Chúng là những ngọn tháp đá lớn, nhìn giống như nhiều tảng đá được xếp chồng lên nhau một cách ngay ngắn bởi bàn tay con người, tuy nhiên chúng hình thành hoàn toàn là do tự nhiên và gắn kết với nhau rất chặt chẽ. Với kết cấu đa dạng, hình thù lạ mắt, những ngọn tháp đá này quả thực là một kì quan “sắp đặt” tuyệt mỹ của tự nhiên.
Kjeragbolten (Na Uy)
Kjeragbolten là một khối đá lớn có đường kính khoảng 5m2 nằm “rúc mình” trong chỗ nứt giữa hai hòn đá khổng lồ tại núi Kjerag, Na Uy. Nằm ở độ cao khoảng 1.000 m, với những ai có can đảm để đi bộ qua tảng đá thì đây là một chỗ lí tưởng để phóng tầm mắt nhìn ngắm cảnh đẹp xung quanh và cả cảnh quan ngoạn mục khi nhìn từ trên cao xuống đáy thung lũng. Còn với những ai mắc căn bệnh sợ độ cao hay “yếu bóng vía” có lẽ chỉ nên đứng từ xa ngắm nó thôi cũng là đã đủ tuyệt vời rồi.
Peyro Clabado, Sidobre (Pháp)
Peyro Clabado (Nailed Rock) có lẽ là khối đá granit nổi tiếng nhất được hình thành bởi tự nhiên sau đó bị xói mòn thành hình dáng hiện nay trong khu vực Sidobre ở Languedoc nước Pháp. Tất cả đá ở đây là những gì còn xót lại của một dãy núi khổng lồ có tuổi đời từ hơn 300 triệu năm trước.
Dù đá granit cực kì cứng và to lớn nhưng theo thời gian, nó cũng sẽ trở về thành cát bụi và trầm tích. Cho đến khoảnh khắc đó thì chúng ta đang có đặc quyền được ngắm khối đá khổng lồ nặng 780 tấn này thực hiện một màn trình diễn “giữ thăng bằng” đầy ngoạn mục.
Đá nấm, Kansas (Mỹ)
Công viên đá nấm, được đặt tại vùng đồi Smoky của Kansas, có diện tích vỏn vẹn là 0.02 km2 nhưng những tảng đá đặc trưng mang hình cây nấm có tuổi đời lâu nhất trên Trái đất đã tạo nên nét đặc trưng độc đáo của nó.
Mặc dù tình trạng bị phân hủy bởi gió và nước diễn ra tương đối chậm nhưng tác động rõ rệt của nó có thể nhìn thấy được qua một thời gian dài. Quan sát phần thân của những tảng đá nấm tại đây, ta có thể thấy rõ từ những khối đá sa thạch Dakota rắn chắc, đen xì bị bào mòn đã trở nên bé hơn, màu sắc sáng ra trông thấy. Phần thân trụ to lớn trước kia nay chỉ còn là những bệ đá mỏng dẹt.  
Chiremba, Epworth (Zimbabwe)
Những tảng đá thăng bằng Chiremba ít được biết đến ngoài biên giới của Zimbabwe nhưng người dân nơi đây đặc biệt coi trọng vẻ uy nghi của chúng, thậm chí họ còn lấy nó làm biểu tượng trên tờ tiền giấy của đất nước mình. Giống những tảng đá tại Sidobre, Pháp, những tảng đá tại đây là loại đá granit cổ đại và cũng mất hàng triệu năm để cố định hình dạng “bấp bênh” của chúng như ta có thể thấy trong những bức ảnh.
Epworth nằm cách xa vài dặm về phía Đông Nam thủ đô của Zimbabwe, Harare và khu vực đá Chiremba cách đó chỉ bằng một chuyến xe taxi ngắn. Nơi đây đã được chính thức công nhận là di tích quốc gia vào năm 1994 và trở thành một địa điểm thăm quan cho du khách gần xa.
Đá mũ Mexico, Utah (Mỹ)
Tảng đá mũ Mexico nằm ngay bên ngoài thung lũng Monument ở phía Nam trung tâm San Juan County, Utah. Phiến đá sa thạch đỏ cao 18 m, rộng khoảng 3.7 m này là “độc nhất vô nhị” trong khu vực và có thể nhìn thấy từ xa hơn trăm dặm xung quanh.
Có hai tuyến đường leo dành cho những người muốn tận mắt chiêm ngưỡng cảnh tượng độc đáo này tuy nhiên người ta cũng khuyến cáo rằng tảng đá mũ Mexico được gắn với bệ đá đỡ chỉ bằng một khoảng eo đá rất bé nên có lẽ không sớm thì muộn nó cũng sẽ gãy đôi khi áp lực phải chịu là quá lớn.

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.