Friday, April 15, 2011

Hãy yêu nhau đi

Hãy yêu nhau đi
Hà Hiển


Hãy yêu nhau đi khi rừng thay lá
Hãy yêu nhau đi giòng nước đã trôi xa
Nước trôi qua tim rong đầy trí nhớ
Ngày mãi mong chờ ngày sẽ thiên thu…


Đường ta ta cứ đi?Những ngày này, khi nghe lại những ca từ trên từ bài hát “Hãy yêu nhau đi” của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, trong tôi lại ngập tràn 1 cảm giác khó tả, thấy sao mà thương mình, thương người, thương đất nước mình đến thế…Không biết có phải vì tôi “hơi bị sến” hay là người quá mơ mộng?
Nhưng dù có mơ mộng đến mấy thì cũng phải trở về với thực tại thôi.
Xin được bắt đầu bằng câu chuyện về sự thiếu thân thiện và tinh thần cảnh giác
Không biết có phải tôi cũng là người quá nhạy cảm không mà có cảm giác bây giờ hình như dân ta càng ngày càng chẳng… ưa gì nhau.
Đến nơi công đường thường gặp phải những ánh mắt lạnh lùng vô cảm đã đành, ra đường, đi đến đâu cũng hiếm gặp những ánh mắt thân thiện, thay vào đó người ta cứ nhìn nhau hằm hằm hay nghi kỵ thế nào ấy!
Có lần tôi vào 1 quán sách ở phố Tràng Tiền, Hà Nội nhưng có lẽ vì đứng hơi lâu mà chưa tìm được cuốn sách mình cần mua nên cô bán hàng mặt khó đăm đăm mang hương ra đốt vía với ý đuổi tôi đi. Đấy là quán sách, nơi mà hàng hóa được gọi là “văn hóa phẩm” chứ không phải ở những nơi mà dân gian gọi là “hàng tôm, hàng cá” đâu nhé!
Một lần mới vào TP HCM, vì không thuộc đường sang nhà người quen ở Quận 7 nên tôi vừa đi vừa phải hỏi đường. Nhưng phải hỏi đến người thứ 5 thì mới được tận tình chỉ dẫn một cách lịch sự, còn 4 người kia thì người đầu tiên đã vội xua xua tay quay đi ngay khi thấy tôi mới đến gần chưa kịp hỏi, người thứ 2 thì không quay đi nhưng ngửa mặt lên trời giả bộ không nghe thấy, người thứ 3 thì nhìn tôi như nhìn 1 người từ hành tinh khác, còn ông thứ 4 thì tỏ vẻ khó chịu ra mặt khi tôi mới vừa mở miệng, hoảng quá tôi phải nói rằng cho tôi xin lỗi đã làm phiền anh thì ông ta thậm chí còn có vẻ nổi giận hơn, nhìn chằm chằm vào tôi như muốn ăn tươi nuốt sống!
Hay là tôi có “cái mặt không chơi được” như nhân vật gì đấy trong 1 truyện ngắn của cụ Nam Cao? Nhưng tôi nhớ khi ở nước ngoài, mỗi khi bị lạc và phải hỏi đường, gần như bất kỳ ai cũng chỉ dẫn rất nhiệt tình. Một lần ở Singapore có anh thanh niên sau khi chỉ đường cho tôi, vẫn không yên tâm là tôi đã biết tự đi một mình nên đã dẫn tôi đi đến tận bến xe buýt, đưa lên xe về đến bến cuối cùng rồi mới chịu quay trở lại ngược với hướng mà anh ta đã dẫn tôi đi.
Sự cảnh giác truyền thống đã được giáo dục rèn luyện của dân ta có vẻ hướng vào những mối hiểm nguy, không phải trên ti vi hay trên báo, mà thực sự đang xảy ra ngoài đường hay ở bất kỳ nơi nào khác bên ngoài ngôi nhà mà họ dùng làm nơi trú ẩn.Khi tôi đem câu chuyện hỏi đường về Quận 7 nói với 1 anh bạn thì anh ấy bảo ông phải thông cảm với người ta, ông không biết chuyện những kẻ bất lương giả vờ hỏi đường rồi móc túi hay cướp giật người đi đường hay sao, rồi còn bao nhiêu chuyện khác nữa xảy ra hàng ngày như giả vờ đi nhờ xe rồi cướp xe hay giả vờ cho đi nhờ xe rồi cướp của đấy ông ạ.
Thảo nào cứ đi ra ngoài đường bây giờ là người ta lại cảnh giác với nhau 1 cách cao độ như thế.
Không chỉ ở trên đường, trên đài trên báo thì chẳng lúc nào thiếu những lời kêu gọi cảnh giác với các “thế lực thù địch”, bọn “diễn biến hòa bình” , thỉnh thoảng lại thấy trên tivi đưa tin về những vụ xét xử những kẻ kêu gọi dân chủ hay đa đảng được miêu tả là nguy cơ hàng đầu đe dọa cuộc sống ổn định và yên bình của nhân dân. Nhưng đấy là những việc đã được Nhà nước lo rất chu đáo rồi nên có lẽ dân ta, dù được nhắc nhở rất kỹ, hình như chẳng lo lắng lắm, thay vào đó, sự cảnh giác truyền thống đã được giáo dục rèn luyện của dân ta có vẻ hướng vào những mối hiểm nguy, không phải trên ti vi hay trên báo, mà thực sự đang xảy ra ngoài đường hay ở bất kỳ nơi nào khác bên ngoài ngôi nhà mà họ dùng làm nơi trú ẩn hàng ngày.
Câu chuyện mà tôi đề cập ở trên chỉ là những ví dụ hết sức nhẹ nhàng về sự nghi kỵ hay thiếu thân thiện mà chúng ta thường thấy ở ngoài đường. Nhưng nếu muốn chứng kiến 1 cách sinh động nhất điều đó thì hãy tham gia giao thông ở trên đường, nơi thậm chí người ta có thể cảm nhận 1 bầu không khí thù nghịch rất rõ, từ cảnh tranh giành nhau hỗn loạn đến sự cảnh giác, dè chừng lẫn nhau 1 cách cao độ hoặc sẵn sàng ném vào nhau những ánh mắt mang hình viên đạn và những lời chửi rủa cục cằn nhất.
Có thể có người, nhất là những ai cứ mỗi khi đi ra ngoài là được xe cảnh sát hú còi dẫn đường, cho rằng những điều tôi nói ở trên là quá đáng, là suy diễn, là thổi phồng sự việc.

Những cái chết
Nhưng khi những cái chết của người dân vô tội thực sự đã xảy ra từ bầu không khí thù nghịch ấy thì đó không phải là chuyện để đùa. Đó là sự thật đáng báo động, là sự thật nóng bỏng mà không cần ai phải đổ dầu hay lửa vào thêm.
Nếu vào Google tìm cụm từ Bấm“án mạng từ va chạm giao thông” thì ta sẽ thấy vô số vụ án như thế, năm nào, tháng nào, ở đâu cũng có như : “ngày càng nhiều vụ nổ súng sau va chạm giao thông”, “Va chạm giao thông dẫn đến giết người”, “Giải quyết va chạm giao thông bằng múa võ”, “ Đánh 2 người cấp cứu chỉ vì va chạm giao thông”, “thủ phạm gây tai nạn giao thông rồi cưỡng hiếp luôn nạn nhân”…
Sơ sơ chỉ tính riêng trong năm 2009 và những ngày đầu tiên của 2010 đã xảy ra các vụ án sau:
- 13/5 tại ngã tư BấmHoàng Minh Giám- Lê Văn Lương, Hà Nội – án mạng vì va chạm giao thông – 1 người bị đâm chết.
- 18h ngày 19/5, tại Bấmhuyện Hưng Nguyên (Nghệ An), một thanh niên bị đâm chết từ 1 va chạm giao thông… không liên quan đến mình.
- 1h15 sáng ngày 8/6, tại khu vực đường BấmYên Phụ, Hà Nội từ xích mích sau 1 vụ va chạm giao thông nhỏ một người bị bắn vào mặt.
- 26/11 – va chạm giao thông, 1 người bị đâm chết trên đường BấmHà Nam- Hà Nội
- Chỉ vì va quệt nhẹ trong đêm Noel, một thanh niên bị 4 thanh niên khác đâm chết tại Đồng Nai…
- … Và gần đây nhất, ngày 30/1/2010, trên Bấmđường Kha Vạn Cân (Thủ Đức – TP HCM), 1 công nhân cũng bị đâm chết sau 1 vụ va chạm giao thông rất nhẹ trong khi đang tắc đường…
Không chỉ ném vào nhau những ánh mắt thù hận rồi giết nhau từ va chạm giao thông, người ta còn giết nhau chỉ vì những lý do lãng nhách. Chẳng hạn nếu lại vào google để tìm cụm từ “án mạng vì “nhìn đểu”” thì số lượng kết quả tìm được nhiều đến mức đáng kinh ngạc!
“Nhìn đểu” đã trở thành một cụm từ chính thức được sử dụng phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng để diễn tả chính xác nhất sự nghi kỵ, sự thiếu tin cậy giữa người với người ở nước ta trong thời đại @. Và hậu quả là cũng đã có nhiều người chết.
Bao giờ người biết yêu người?
Liệu có phải thực sự chúng ta đang sống trong 1 xã hội ổn định và yên bình hay không khi mà chung quanh chúng ta là bầu không khí thiếu tin cậy, thiếu thân thiện, thậm chí là thù nghịch giữa người với người như thế?
Cách đây không lâu trên báo có đưa tin một ngân hàng nước ngoài xếp hạng Việt Nam là 1 trong những nơi thân thiện với người nước ngoài. Tôi không biết cái ngân hàng đó đã làm 1 cuộc điều tra tìm hiểu về mức độ thân thiện của người Việt Nam với chính người Việt Nam hiện nay hay chưa nhưng xin được trích ra ở đây phát biểu rất đáng chú ý của ông Morris, Trưởng Đại diện Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia đã được VietNamNet trích dẫn rằng: “…các bạn thường dành cho người nước ngoài chúng tôi một sự tôn trọng dễ dàng, nhiều khi khác hẳn cách ứng xử giữa các bạn với nhau”.
Ông Morris nói như thế theo tôi là vẫn còn giới hạn ở mức độ xã giao. Sự ứng xử giữa người Việt với người Việt bây giờ nhiều lúc phải nói là tàn bạo, chẳng hạn như câu chuyện đang xôn xao dư luận về sự kiện người quản lý 1 trang trại ở Buôn Ma Thuột bị tố cáo là đã để mặc cho đàn chó béc giê của ông ta cắn xé đến chết 1 bà già. Nếu sự việc đúng như những gì người ta tố cáo thì có thể coi đây là 1 ví dụ nữa trong nhiều ví dụ điển hình về sự vô cảm và tàn bạo trong ứng xử giữa người và người ở nước ta hiện nay.
Có thể có người lại nói nước nào mà chẳng có những hiện tượng tiêu cực.

Đằng sau sự vui vẻ là những lo âuOK, nhưng có ở đâu mà người ta hay “nhìn đểu” nhau rồi giết nhau chỉ vì “nhìn đểu” như thế không? Ở đâu mà hơi va chạm 1 tý ngoài đường là người ta cũng có thể nhảy xổ vào nhau rồi nện nhau bằng những đòn thù hung hãn nhất và sẵn sàng tước đoạt mạng sống của nhau như thế không?
Vâng, thỉnh thoảng ở Mỹ, Đức, Hà Lan hay ở nước nào đó cũng có 1 vài kẻ mắc bệnh tâm thần xả súng giết người hàng loạt ở chốn học đường hay nơi công cộng. Nhưng đó là những kẻ bị bệnh tâm thần và vì thỉnh thoảng mới xảy ra 1 vụ nên những sự kiện như thế mới làm chấn động cả đất nước của họ. Bọn “đầu trọc” ở Nga thì cũng chỉ thù địch với những người châu Á. Còn ở ta, theo thống kê chưa đầy đủ như các ví dụ ở trên thì trung bình cứ 2 tháng lại có 1 vụ người Việt giết nhau vì va chạm giao thông. Và con số đáng báo động về những vụ người Việt “nhìn đểu” nhau (do ghét nhau?) và giết nhau vì “nhìn đểu” có phải là “chuyện thường ngày ở huyện” nên chẳng ai thấy phải động lòng?
Đấy là chưa kể đến việc người ta giết nhau dần dần bằng cách tàn phá môi trường, hủy hoại môi sinh, cho nhau ăn những hoa quả được tiêm hóa chất độc hại, chân gà thối, hành phi bằng dầu bẩn…
Những gì xảy ra ngoài đường, trong đó có câu chuyện anh bạn tôi đề cập ở trên về những kẻ bất lương giả vờ hỏi đường để móc túi hay cướp giật, đã làm cho những bài học mà các thầy cô giáo dạy cho con trẻ về sự sẵn sàng thăm hỏi giúp đỡ người khác lại có thể mang đến những mối nguy hiểm tiềm ẩn đến nỗi các ông bố bà mẹ phải dạy con mình làm ngược lại là tránh xa những người lạ khi ra đường trong cái thời buổi “Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều” này.
Chẳng trách mà dân ta cứ mang tiếng là “vô cảm” khi làm ngơ không dám can thiệp vào những chuyện bất công ở ngoài đường.
Người ta thường đổ lỗi cho lớp trẻ, cho nền giáo dục của nước nhà là đã tạo ra cái môi trường như vậy. Còn anh bạn tôi thì bảo, trong hoàn cảnh này, khó nhất là dạy bảo trẻ con.

Trong 1 môi trường như vậy, nói những chuyện to tát như lý tưởng, đạo đức, lẽ sống, dân chủ, công bằng, văn minh… để cho người ta tin, để mà không ngượng mồm, quả là điều rất khó. Và người VN thiếu độ tin cậy lẫn nhau đến mức nếu có ai nói ra những điều tốt đẹp ấy thì rất dễ bị người khác bĩu môi, ông này thì bảo ông kia là cao đạo, là lên gân, là đạo đức giả, là nói một đằng làm một nẻo…, đến lượt ông kia lại bảo ông này là “cơ hội chính trị”, là có động cơ mờ ám gì ở đằng sau…
Tôi thì cố gắng nghĩ những gì mình viết ở trên chỉ xảy ra ở một khúc quanh trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc có truyền thống “nhiễu điều phủ lấy giá gương…” nhưng cũng buồn vì cái “khúc quanh” ấy lại chứa trong nó cả cuộc đời của mình, thế mới đau!
Rất có thể nhiều người cũng sẽ bĩu môi khi đọc đến những dòng này.
Đúng là vào cái thời buổi này nói nhiều viết nhiều cũng khó ai tin.
Vậy thì xin dừng lại ở đây. Không nói nữa thì hát vậy.
Bạn nào thích thì hát theo tôi bài hát “Mùa Xuân Đầu Tiên” của nhạc sỹ thiên tài Văn Cao nhé. Hát lên cho nó nhẹ lòng, để đón chào 1 Mùa Xuân Mới thực sự, hoặc chỉ đơn giản là để mơ mộng tiếp:
Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về...

Bài viết nêu quan điểm riêng của tác giả.

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.