Tất cả chúng ta đều
muốn hoà nhập vào môi trường xung quanh.
Chuyện này không phải
khó khi bạn là sinh viên đại học và bạn có thể chọn bạn mà chơi, nhưng môi trường
công sở là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Thậm chí còn khó hơn
nữa khi bạn đã vững vàng nghề nghiệp và có những mối ưu tiên hoàn toàn khác.
Chuyện gì sẽ xảy ra
nếu bạn phải làm một công việc đòi hỏi hợp tác với các đồng nghiệp mọi lúc mọi
nơi? Làm sao để tìm một văn hoá công sở phù hợp với bản thân?
Kim trong đống rơm
"Không có văn
hoá công ty nào là phù hợp với tất cả mọi người, và không có văn hoá công ty
nào là phù hợp với bạn trong suốt cả sự nghiệp," Tom Gimbel, giám đốc điều
hành của hãng tuyển dụng LaSalle Network, nói trong một email.
Ông viết rằng
"những điều mà bạn phát triển trong công việc sẽ thay đổi", những điều
đem lại cho bạn động lực làm việc sẽ thay đổi, đồng nghĩa với việc văn hoá làm
việc mà bạn tìm kiếm cũng sẽ thay đổi.
Tiền không phải tất
cả
Vậy làm sao để bạn
có thể quyết định môi trường làm việc nào là phù hợp với mình?
Dù tiền từng là một
trong các yếu tố quyết định đối với nhiều ứng viên, giờ đây, họ lại có xu hướng
chú trọng vào văn hoá công sở và những giá trị mà các tổ chức theo đuổi, theo
Tiến sĩ Shoshana Dobrow Riza từ Đại học LSE ở London.
"Người ta tập
trung hơn vào những điều mang lại ý nghĩa cho công việc của họ - và chọn văn
hoá công sở giúp họ hiểu được những ý nghĩa đó," bà nói.
Ưu tiên
Để hiểu được những
gì sẽ giúp bạn đi lên trong một tổ chức, bạn cần hiểu điều gì là quan trọng với
mình, điều gì sẽ mang lại động lực cho bạn, và môi trường nào là phù hợp với bạn,
Gimble nói.
Ông khuyên nên
tìm hiểu các nhân vật có tầm ảnh hưởng trong quá khứ đối với bạn, những người
đã có thể giúp bạn có được hiệu quả tốt nhất.
Đó có thể là một
giáo sư, thầy giáo hỗ trợ công việc nghiên cứu của bạn, hoặc một huấn luyện
viên. Những người này có những đặc điểm gì?
Sau đó, hãy nhờ người hướng dẫn của bạn miêu tả phong cách viên quản lý sẽ phụ trách mình và
xem liệu người này và những người dẫn dắt bạn trước đó có những điểm chung gì.
Lo ngại về môi trường
Ở đại học, bạn có phải
là một trong những người xuất sắc nhất khi làm việc theo nhóm? Hay bạn thích
làm việc độc lập, theo lịch trình riêng? Bạn có nhất thiết thấy cần phải làm việc
ở một góc yên tĩnh trong thư viện, hay bạn ưa làm việc trong một quán cà phê bận
rộn?
"Câu trả lời của
bạn trước những câu hỏi này sẽ giúp bạn biết được môi trường nào là phù hợp cho
bạn," Gimble nói.
"Nếu bạn cần sự
yên tĩnh để làm việc hiệu quả, một văn phòng theo dạng mở có thể sẽ không phù hợp
với bạn."
Thay đổi văn hoá
Bên cạnh đó, hãy
nghĩ về những gì bạn đã học được trong từ các việc thực tập, Tiến sĩ Kat Cohen,
CEO của công ty tư vấn giáo dục IvyWise đóng tại New York, nói.
Liệu có một công ty
nào đó mà bạn tin rằng là phù hợp với bạn và bạn đã gây dựng được một số quan hệ
ở đó? Hoặc liệu bạn không thích những việc thực tập ngay từ đầu do thời gian
quá ngắn?
"Điều quan trọng
là các ứng viên cần xác định xem văn hoá công ty nào sẽ giúp họ thành công và cần
tìm kiếm kỹ lưỡng để tìm những công ty đề cao các giá trị đó," Cohen nói
trong một email.
Hãy sử dụng những mạng
lưới bạn bè, gia đình hay từ trường đại học và các trang web tìm kiếm việc làm
như Glassdoor để xác định công ty nào sẽ phù hợp với năng lực và yêu cầu về văn
hoá làm việc của bạn.
"Việc nói chuyện
với thật nhiều người luôn là điều tốt," bà nói.
Không phải khi nào
cũng phù hợp
Trong một thế giới
hoàn hảo, bạn sẽ tìm được nơi hoàn toàn phù hợp và cảm thấy thích nghi ngay lập
tức. Nhưng hầu hết thời gian bạn sẽ không có cơ hội để thực sự kén chọn về văn
hoá công sở ngay khi ra trường, Cohen nói.
"Hầu hết các
sinh viên vừa tốt nghiệp chỉ mong kiếm được việc làm và trả được nợ học phí.
Bên cạnh đó, xin được việc làm cũng ngày càng khó khăn hơn," bà nói.
"Các công ty
đang cá cược khi họ tuyển dụng một người nào đó hoàn toàn mới mẻ với môi trường
làm việc, và các ứng viên có thể nhận một việc nào đó ở công ty vốn không phải
là sự lựa chọn đầu tiên của họ, hoặc không có những đặc điểm mà họ tìm kiếm lúc
đầu."
Nhưng Cohen nói đó
không phải là điều đáng lo ngại.
"Hãy tỏ rõ giá
trị của mình. Việc tìm kiếm kinh nghiệm là điều vô cùng quan trọng."
Ngay cả khi một vị
trí nào đó không phải là điều phù hợp hoàn toàn với bạn, bạn vẫn có thể học về
một lĩnh vực nào đó, các chương trình được thiết lập ra sao, và hiểu cặn kẽ về những
kỹ năng và công cụ cần thiết để đưa mình đến với thành công.
Thay đổi về ưu tiên
Trong lúc mỗi người
tiến tới giữa đoạn đường sự nghiệp của mình, nhu cầu về trách nhiệm trong công
việc hoặc những gì mà công việc có thể mang lại sẽ thay đổi.
"Hãy đánh giá
điều gì là quan trọng với bạn," Gimbel nói.
Bạn muốn được linh
hoạt hơn về thời gian? Nhiều quyền tự quyết hơn? Bạn muốn được thăng chức hay
đã an phận? Bạn muốn vị thế được nâng cao, hay đã hài lòng với hiện nay?
"Một khi bạn hiểu
mình đang muốn tìm kiếm gì, bạn sẽ dễ nhận ra mình có phù hợp với văn hoá làm
việc của một công ty hay không," ông nói.
Bên cạnh đó, khi bạn
đã tiến tới cuối con đường sự nghiệp, bạn cần phải nhìn lại những ưu tiên này.
"Ban có muốn được
vây quanh bởi những đồng nghiệp trẻ tuổi, hay bạn thích những người trạc tuổi
hơn? Bạn muốn được thách thức và học những điều mới, hay bạn chỉ muốn tìm một
nơi để hoàn thành sự nghiệp của mình trước khi nghỉ hưu?" Gimbel đặt câu hỏi.
Lên xuống trong sự
nghiệp
"Người ta hay bảo
rằng một khi bạn bắt đầu công việc, bạn sẽ chỉ đi lên và đi lên. Điều này không
đúng," Dobrow Riza nói.
"Thay vào đó,
chúng ta cần biết giới hạn những sự kỳ vọng của mình, và chấp nhận rằng công việc
sẽ có lúc lên lúc xuống."
"Chúng ta cần
chấp nhận sự thay đổi trong sự nghiệp của mình, thay vì chỉ kỳ vọng vào sự ổn định."
Và mặc dù những ưu
tiên của chúng ta sẽ thay đổi trong con đường sự nghiệp của mình, hầu hết chúng
ta đều đã muốn đi tới một cái đích nào đó ở cuối con đường, Shawn Murphy, giám
đốc điều hành của hãng tư vấn quản lý Switch and Shift, nói.
"Chúng ta đều
muốn được làm việc trong một môi trường mà mình được đối xử như những người trưởng
thành hữu dụng, có quyền tự quyết, làm việc với mục đích, có công việc và những
mối quan hệ nhiều ý nghĩa".
Elizabeth Garone