Bahasa Indonesia là ngôn ngữ chính thức ở Indonesia nhưng không mấy người nói thứ ngôn ngữ này theo đúng tiêu chuẩn của nó
Người phụ nữ đứng trong sạp hàng ven đường ở một khu vực yên tĩnh ở thành phố Yogyakarta của Indonesia.
Bà đang thái cà chua, đậu và rau cùng một trái ớt đỏ. Trộn tất cả mọi thứ cùng với sốt đậu phộng, bà đưa món rau trộn, trong tiếng Bahasa gọi là lotek, cho những khách hàng đang chờ trên xe gắn máy hay đang ngồi đợi trên những chiếc ghế nhựa màu xanh.
Bà tò mò về tôi, hỏi rất nhiều và tôi cũng có cảm giác đấy đối với bà.
Chính là vì muốn tán chuyện với những người như bà ấy mà tôi đã chuyển đến Indonesia và đăng ký học lớp ngoại ngữ tăng cường. Ấy vậy mà sau hàng trăm giờ lên lớp, tôi vẫn không hiểu được bà ấy muốn nói gì.
Bắt nguồn từ tiếng Malay
Tất cả những gì mà bà ấy nói tôi nghe giống như là chỉ có nửa âm tiết.
Tôi có thể nhận ra những từ quen thuộc, nhưng lâu lâu mới nhận ra được một từ.
Tôi tự hỏi cuộc sống của bà ấy ở đây như thế nào, bà ấy cảm thấy gì về căng thẳng chính trị và văn hóa đang leo thang ở nền dân chủ non trẻ này đồng thời là quốc gia đông dân số Hồi giáo nhất trên thế giới. Nhưng tôi sẽ không tìm thấy câu trả lời.
Bà đưa cho tôi phần ăn được gói trong giấy báo mà phần chữ in trên đó tôi có thể hiểu được. 'Bahasa Indonesia baku', tôi tự nhủ - giáo trình tiếng Bahasa Indonesia.
Các giáo viên của tôi trong lớp đã gọi ngôn ngữ này là 'baku' hay có nghĩa là 'chuẩn mực' với ý nhấn mạnh rằng chúng tôi đang học phiên bản chuẩn của tiếng Bahasa, ngôn ngữ chính thức của Indonesia.
Phần phụ lục không khiến tôi thấy nó quá quan trọng, nhưng lẽ ra nó nên khiến tôi thấy thế.
Tiền thân của tiếng Bahasa Indonesia, tiếng Malay, đã phát triển và lan truyền trong thiên niên kỷ vừa qua do nhu cầu của khu vực đảo Đông Nam Á - nơi mà ngày nay hàng trăm ngôn ngữ vẫn đang được sử dụng trên hàng ngàn hòn đảo vốn tạo thành các quốc gia hiện đại Indonesia, Malaysia và Singapore - để trở thành một ngôn ngữ chính thức để giao thương và các trao đổi khác.
Tiếng Malay được xem là có ngữ pháp dễ, không phân chia ngôi thứ và dễ học hơn các ngôn ngữ khác trong khu vực.
Đó là tiếng mẹ đẻ của một số ít người, nhưng khi người ta đi lại trên khắp khu vực thì ngôn ngữ này được chấp nhận như là một phương tiện giao tiếp.
Thúc đẩy sự thống nhất
Sau đó, vào đầu thế kỷ 20, những người Indonesia theo đường lối dân tộc chủ nghĩa trong lúc tìm cách giành độc lập từ sự cai trị thực dân của người Hà Lan đã đồng ý rằng một phiên bản cải cách của tiếng Malay, với từ vựng mở rộng và tên gọi mới - tiếng Bahasa Indonesia - sẽ trở thành ngôn ngữ chính thức của quốc gia sắp sửa giành được độc lập.
Tiếng Malay, theo học giả về Indonesia Benedict Anderson ở Đại học Cornell, là 'ngôn ngữ đủ đơn giản và linh hoạt để có thể nhanh chóng được phát triển thành một ngôn ngữ chính trị hiện đại'.
Tại Indonesia có tới hơn 300 loại phương ngữ được sử dụng
Mục tiêu của tiếng Bahasa Indonesia là phá vỡ những rào cản giao tiếp và thúc đẩy sự hội nhập của trên 300 cộng đồng sắc tộc ở quốc gia mới mà nền độc lập chỉ được chính thức công nhận vào năm 1949.
Bởi không có nhóm sắc tộc nào, tính luôn cả người Java (ngôn ngữ phức tạp của họ vào lúc đó được khoảng 40% dân số sử dụng), sẽ được công nhận tiếng mẹ đẻ của mình là ngôn ngữ chính thức, cho nên sẽ không có sự bất bình đẳng được tạo ra hay củng cố. Bahasa Indonesia sẽ giúp tạo được sự thống nhất trong đa dạng.
Nhưng trên thực tế, mọi thứ không hề đơn giản đến vậy.
Ngày nay, tiếng Bahasa Indonesia chuẩn, vốn không phát triển xa quá mức từ tiếng Malay, ít khi được sử dụng trong giao tiếp thông thường.
Mọi người cho rằng nó quá 'kaku', có nghĩa là 'cứng nhắc', Andini, cô giáo dạy tiếng Bahasa của tôi, nói với tôi sau khi tôi thừa nhận rằng mình gặp khó khăn trong việc giao tiếp với cô bán hàng ở ven đường.
Hơn nữa, đôi khi mọi người nhận thấy tiếng Bahasa Indonesia không đủ để họ diễn đạt những gì họ muốn.
Andini thừa nhận rằng cô cũng có sự thất vọng này khi cô muốn dùng những từ ngữ và cách diễn đạt từ một phương ngữ của tiếng Đông Java vốn là ngôn ngữ được sử dụng ở quê nhà của cô.
Ít từ vựng
Một phần nguyên nhân vấn đề nằm ở chính bản thân ngôn ngữ này: Bahasa Indonesia có ít từ vựng hơn đa số các ngôn ngữ.
Nhà báo Endy Bayuni của tờ The Jakarta Post đã từng viết rằng khi dịch ra tiếng nước ngoài thì tiểu thuyết của Indonesia sẽ trở nên hay hơn, trong khi bản dịch ra tiếng Indonesia của tiểu thuyết nước ngoài lại trở nên 'rất dài dòng và lặp đi lặp lại'.
Tuy nhiên, còn có khía cạnh chính trị nữa.
Do người dân Indonesia học tiếng Bahasa ở trường và khi lớn lên họ nghe thấy ngôn ngữ này trước hết trong các bài diễn văn chính trị, họ sẽ gắn kết tiếng Bahasa với tính đơn nhất, theo Nancy J Smith-Hefner, phó giáo sư về nhân chủng học tại Đại học Boston.
Nhiều người Indonesia sử dụng ngôn ngữ địa phương một phần vì họ muốn thể hiện niềm tự hào văn hóa
Điều này càng trở nên tệ hơn bởi vì tiếng Bahasa Indonesia được thúc đẩy quyết liệt dưới thời độc tài Suharto vốn cầm quyền ở đất nước này từ giữa những năm 1960 cho đến năm 1998 và bóp nghẹt nhiều hình thức diễn đạt văn hóa và cá nhân khác.
Do đó, những người nói tiếng Bahasa có nguy cơ trở thành 'diễn, giáo điều và khoa trương', Nelly Martin-Anatias thuộc Viện Văn hóa, Ngôn ngữ và Giao tiếp tại Đại học Công nghệ Auckland, giải thích.
Hóa ra là một ngôn ngữ được xem là một phương tiện để thống nhất đất nước Indonesia về mặt ngôn ngữ lại dựng nên một rào cản mới khiến cho việc giao tiếp ở mức độ sâu hơn thành trở ngại do tính chất giản đơn và cứng nhắc của nó - một trở ngại mà người dân Indonesia tìm cách né bằng cách sử dụng tiếng nói đặc thù của riêng họ vốn được điều chỉnh cho phù hợp với vùng miền, thế hệ và giai cấp xã hội của họ.
Những người bất mãn với tiếng Bahasa Indonesia có rất nhiều lựa chọn.
Có hàng trăm phương ngữ và thổ ngữ địa phương, đôi khi được sử dụng nguyên trạng, đôi khi được pha trộn với tiếng Bahasa Indonesia.
Ở Yogyakarta, nơi tôi ở - nằm ở trung tâm đảo Java và là cái nôi truyền thống của nền văn hóa Java - tiếng Java được sử dụng rộng rãi, một phần là để thể hiện lòng tự hào văn hóa.
Một người bán hàng rong đẩy chiếc xe gỗ dọc theo con đường nơi tôi ở mỗi buổi sáng bán món soto ayam (canh gà cay) thường xuyên chêm vào tiếng Java, khiến cho tôi khó theo dõi cuộc hội thoại của chúng tôi.
Mới đây thôi ông ấy phải hỏi đến ba lần tôi mới hiểu được.
Câu hỏi đó, khi tôi hiểu được, thể hiện niềm tự hào đối với di sản của ông ấy: "Anh có xem qua wayang kulit (múa rối bóng - tinh hoa trong văn hóa biểu diễn của người Java) chưa?"
Sáng tạo của giới trẻ
Trong khi đó, thanh niên Indonesia tiếp tục sáng tạo ra ngôn ngữ riêng của họ vốn 'chất' hơn.
Họ sung sướng thách thức đôi tai của người lớn tuổi, với Internet trở thành giới hạn mới của tiếng Bahasa Indonesia thông dụng.
Quốc gia này gần như là có quyền ngôn luận tự do nhất ở châu Á, và những thanh niên Indonesia là những fan hâm mộ nhiệt thành của Twitter, Facebook, WhatsApp và Instagram.
Họ sử dụng những trang mạng xã hội này để phát triển ngôn ngữ của riêng mình với những từ vựng mới được vay mượn.
Thanh niên Indonesia tiếp tục sáng tạo ra ngôn ngữ riêng của họ, 'chất' hơn nhưng cũng khó hiểu hơn cho người lớn tuổi
Trong khi Andini và tôi kéo xuống những dòng tin trên Twitter Indonesia một ngày nọ trong lớp học, những chỗ trúc trắc dùng tiếng lóng khiến tôi bị khựng lại thường xuyên.
Martin-Anatias giải thích với tôi rằng với việc bổ sung nhiều cách nói vùng miền và thông tục, những thanh niên Indonesia 'tạo nên sự thân mật và bản sắc' trong giao tiếp, nhờ vào đó mà họ có thể diễn đạt tình cảm, bày tỏ nhu cầu và nói đùa một cách chính xác hơn.
Tuy nhiên, ngôn ngữ Indonesia chuẩn - Bahasa Indonesia baku - vẫn là cách tốt nhất để tôi có thể giao tiếp ở đây, và đối với tôi thì ngôn ngữ này đảm bảo được mục đích ban đầu của nó.
Khi tôi sử dụng tiếng Bahasa Indonesia, tôi mừng khi thấy nhiều người vui lòng gặp gỡ tôi.
Khi có ai đó nói chuyện với tôi bằng một cách mà tôi có thể hiểu được dễ dàng, tôi hiểu được ý nghĩa của hành động đó và biết rằng họ đang điều chỉnh ngôn ngữ đó cho phù hợp với tôi, họ thích nghi với hoàn cảnh, họ bóc tách mọi thứ ra để kéo tôi lại gần đến với họ.
Điều đó đã xảy ra khi tôi bắt xe ôm từ lớp học về nhà.
Tôi nghe hiểu anh lái xe ôm gần như hoàn hảo. Các câu hỏi của anh được cấu trúc rất đơn giản: "Thời tiết ở nước anh hiện đang là mùa gì?", "Ở nước anh có ứng dụng gọi xe không?"
Còn đối với những câu hỏi của tôi thì anh trả lời một cách rõ ràng nhất có thể.
Tôi vụng về nói một số tiếng lóng vừa mới học thuộc và anh ấy giơ ngón trỏ lên khen ngợi.
Biết được khi nào thì dùng cách nói phức tạp khi nào thì dùng ngôn ngữ giản dị và làm sao để cân bằng được giữa những cơn bốc đồng khác nhau trước sự nhất quán và sự đa dạng - đó chính là thách thức của tiếng Bahasa Indonesia và của quốc gia này.
David Fettling
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.