Với một thứ có hình dạng như chiếc chảo ăng ten TV thò ra phía sau và một khẩu súng trường treo trên vai, Glenn Seeholzer trông lạc lõng giữa rừng già.
Ông đang đuổi theo một loài chim rất khó thấy vốn có những tập quán vào sáng sớm và giọng hót chói tai. Cho đến giờ, ông vẫn chưa tìm ra nó.
Tiếng hót kỳ bí
Ông đã dành hai tuần vừa qua để thăm dò những cánh rừng gần Medina, một thị trấn nhỏ gần Công viên Quốc gia Chingaza ở miền trung Colombia.
Cùng với 59 nhà nghiên cứu khác, ông là thành viên của đoàn thám hiểm Sinh học Colombia - một chuyến thám hiểm kéo dài hai tuần với sứ mạng tìm hiểu về đa dạng sinh học của nơi này.
Seeholzer, một nhà nghiên cứu hậu tiến sĩ tại Viện Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ ở New York đồng thời cũng là một cộng tác viên của Viện Alexander von Humboldt ở Colombia, muốn ghi lại giọng hót của một loài chim bắt ruồi có chóp đầu tối màu (tên khoa học là Myiarchus tuberculifer) và sau đó truy tìm cho ra loài chim mà ông đã thu âm. Đó là một sứ mạng vốn sẽ giúp trả lời những câu hỏi về một trong những bí ẩn lớn nhất của khoa học tiến hóa: điều gì sẽ dẫn đến việc tạo thành những giống loài mới?
Ông thức dậy trước lúc bình minh, đeo vào đôi giày đi bộ và leo lên những con dốc hướng về phía khu rừng với những bước đi nóng vội. Ông chỉ có 30 phút để chứng kiến khoảnh khắc đó: loài chim này hót 'bài ca bình minh', tiếng kêu đặc trưng nhất của nó, chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi là trước khi màn đêm kết thúc và một ngày mới bắt đầu.
Giống như có ai đó bật công tắc trong người ông vậy, ông chuyển sang chế độ âm thầm khi lần đầu tiên ông nghe thấy tiếng hót của loài chim này.
Ông bắt đầu đi theo tiếng hót mà không gây ra bất cứ tiếng động nào, chỉ bước đi và thở nhẹ hết mức có thể. Những bụi thấp, những chỗ bùn lầy lỗ chỗ và những tảng đá nhọn của rừng già khiến mọi việc trở nên khó khăn; tai phải bị điếc của ông khiến mọi việc càng trở nên tệ hơn.
Tiếng chim hót vang lên lần nữa, và Glen hướng ăng ten về phía nó. Đó là một chiếc micro hình parabol có thể giúp tách riêng tiếng chim ra khỏi âm thanh của khu rừng. Sau đó, ông đợi cho nó hót một lần nữa - nhưng nó đã bay đi.
'Mù, điếc, câm'
Một vài năm trước, đi bộ xung quanh khu rừng này vào sáng sớm mà mang theo súng trường và một chiếc ba lô cũ có thể là hành vi tự sát. Các chiến binh du kích của quân đội cách mạng cánh tả Farc ở Colombia không cần biết là bạn đang đi nghiên cứu khoa học gì hết.
"Tôi đã từng khuyên các sinh viên của mình phải nhớ ca khúc của ca sĩ Shakira có tựa đề Ciega, Sordomuda," ông Jhon Cesar Neita nói vào một đêm. Đó là quy tắc sinh tồn quan trọng nhất: tựa đề bài hát này dịch ra là 'mù, điếc và câm'.
Neita là một nhà côn trùng học kỳ cựu vốn đã học cách đối phó với cuộc xung đột ở Colombia để làm công việc nghiên cứu trên thực địa.
Ông nghiên cứu về loài bọ hung vốn chuyên ăn chất thải của các loài động vật khác. Đuổi theo chúng trong những cánh rừng già của khu vực Thái Bình Dương của Colombia có nghĩa rằng ông phải thường xuyên chạm trán mặt đối mặt với quân du kích hay lực lượng bán quân sự.
Các nhà tự nhiên học tham khảo sách giáo khoa mỗi khi họ phát hiện ra được một giống loài mới
Đó là câu chuyện cũng thường nghe thấy ở các nhà sinh vật học Colombia. Trong hàng chục năm, thủ tục nhất thiết cần phải có để đi thực địa là phải xin phép lực lượng quân đội đang kiểm soát khu vực. Tuân thủ những mệnh lệnh thường xuyên thay đổi, có chỗ cho binh sĩ của quân du kích hay lực lượng bán quân sự trong đội nghiên cứu và tránh những khu vực mà họ không muốn có cặp mắt theo dõi bên ngoài là tất cả những gì quyết định giữa sự sống và cái chết.
Nếu tư lệnh địa phương nói rằng đã hết thời gian đi thực địa thì tất cả mọi người phải gói ghém hành lý và phải đi khỏi trước khi trời tối. Nếu vị tư lệnh có câu hỏi muốn hỏi thì nhóm nghiên cứu bị bắt lại cho đến khi họ có câu trả lời, đôi khi họ bị giữ lại trong vài ngày. Nếu như câu trả lời không được như ý thì sẽ có người phải bỏ mạng.
Cơ hội mở ra
Khi quân du kích Farc ký hiệp định hòa bình với chính phủ Colombia hồi năm 2016, tình trạng bạo lực ở nhiều khu vực nông thôn đã giảm đáng kể. Chiến tranh kết thúc không chỉ có nghĩa là tiếng thở phào nhẹ nhõm vốn được chờ đợi từ lâu đối với hàng triệu người dân sống ở những vùng xa xôi của đất nước mà còn có nghĩa là các nhà sinh học và các nhà nghiên cứu giờ đây có thể thám hiểm những vùng rừng rậm, sông ngòi và núi non của quốc gia này.
Họ đã nhanh chóng nắm lấy cơ hội đó. Colombia được xem là quốc gia có hệ sinh thái đa dạng thứ hai trên thế giới, nhưng hệ động vật và thực vật ở đây đã không được tìm hiểu do chiến tranh. Chính phủ giờ đây đã khởi động chương trình Sinh học Colombia vốn tài trợ cho 20 chuyến thám hiểm đến những khu vực xa xôi mà việc nghiên cứu đã bị hạn chế bởi chiến sự.
Những mẫu phẩm là các con vật đã chết đều được lau chùi cẩn thận, nếu không chúng sẽ bị lũ kiến ăn mất
Mục tiêu căn bản của những chuyến thám hiểm này là tìm hiểu về sự đa dạng sinh học của Colombia. Nhưng cũng có câu hỏi về việc các nhà khoa học sẽ nên làm với sự đa dạng sinh học này.
"Đa dạng sinh học là câu trả lời cho nhiều nhu cầu của con người. Đa phần thuốc men đều từ đa dạng sinh học mà ra. Nó được dùng trong thực phẩm, y tế và mỹ phẩm," Hernando Garcia, phó giám đốc Viện Humboldt, giải thích.
Chính phủ Colombia muốn những chuyến thám hiểm này là bước đi đầu tiên để hướng tới hình thành những doanh nghiệp mới dựa trên tài nguyên động vật và thực vật của đất nước, từ việc ngắm chim cho đến nghiên cứu dược.
Trong những chuyến thám hiểm này, các nhà nghiên cứu phải đi sâu vào những khu vực xa xôi, thường xuyên là đi bộ hàng giờ trong môi trường khắc nghiệt để lấy mẫu cây cỏ và động vật. Tất cả những thông tin này sẽ được nhập vào Hệ thống thông tin Sinh học Colombia, và nhiều mẫu phẩm nguyên con cùng các bộ phận cơ thể được bảo tồn sẽ được giữ trong bộ sưu tập của Viện Humboldt để các nhà nghiên cứu khác có thể tiếp cận chúng trong tương lai.
Hành trình gian khổ
Medina và Vườn quốc gia Chingaza từng là căn cứ của phiến quân Farc. Vào năm 2002, họ đã cho nổ tung một đập nước ở đó vốn nằm trong hệ thống cung cấp nước cho thủ đô Bogota.
Họ giấu con tin ở giữa rừng và những dấu vết nơi họ dựng căn cứ vẫn còn đó. Không xa nơi các nhà nghiên cứu ngủ qua đêm là mấy là một căn nhà gỗ bị bỏ hoang vốn từng là căn cứ của quân Farc.
Đó là một nơi thú vị để khảo sát đối với các nhà nghiên cứu. "Ba thế giới xung đột nhau ở đây: những đồng cỏ phát xuất từ sông Orinoco, rừng rậm Andes và một số đặc trưng của rừng Amazon," Andres Cuervo, một nhà sinh học cấp cao ở Viện Humboldt, giải thích.
Chuyến thám hiểm khu vực gần đây nhất là vào năm 1997, và nó không thu thập được nhiều thông tin cho lắm.
Đi đến đó rất khó khăn. Anh sẽ phải đi xe buýt nhỏ từ Bogota đến Medina. Sau đó anh phải thuê xe để chạy đến một ngôi làng nhỏ nằm ở chân núi. Từ đó anh sẽ phải lội bộ, tuy nhiên thiết bị và thực phẩm phải dùng lừa để chuyên chở.
Hành trình leo núi kéo dài một tiếng đồng hồ sẽ đưa anh đến địa điểm cắm trại đầu tiên. Điểm cắm trại thứ hai nằm cách đó hai tiếng rưỡi trên lối mòn xuyên qua rừng rậm và có độ dốc như một dãy các bậc thang vậy.
Các nhà sinh vật học phải chuẩn bị xử lý mẫu phẩm tại chỗ, trước khi đem chúng về các bảo tàng hay viện nghiên cứu
Không có gì ngạc nhiên quân du kích muốn kiểm soát khu vực này. Đó là nơi lý tưởng để ẩn nấp.
Chiến tranh có giúp giữ gìn cho thế giới tự nhiên ở Colombia khỏi bị tàn phá hay không? Khó mà biết được. Quân du kích và lực lượng bán quân sự có thể giữ cho những cánh rừng tránh khỏi bàn tay phá rừng và khai thác của con người, nhưng 'có rất nhiều những tác động môi trường khốc liệt,' García nói.
Việc phá hoại những đường ống dẫn dầu đã làm nhiễm độc các nguồn nơi ở nhiều nơi trên đất nước, trong khi những bãi bom mìn có thể giết chết những động vật lớn như gấu và báo. Đến nay, tác động của cuộc chiến đối với hệ sinh thái địa phương vẫn còn chưa đánh giá được.
Loài ếch bé xíu
Đó là lý do tại sao mà Andrés Acosta lại vui mừng như vậy khi tìm thấy loài ếch bé xíu có màu vàng nhạt này, Rhaebo glaberrimus.
"Chúng chỉ đẻ trứng trong môi trường nước đáp ứng được một số điều kiện cụ thể, và cần có môi trường sống được bảo tồn tốt, chẳng hạn như rừng rậm nhiệt đới," ông nói khi cầm con ếch trên tay. Tìm được nó là dấu hiệu cho thấy khu rừng đang trong tình trạng tốt.
Acosta và nhóm của ông ra ngoài vào buổi tối khi âm thanh của rừng rậm trở nên nhộn nhịp hơn và khu rừng cũng trở nên tối hơn.
Không có nguồn ánh sáng nào khác ngoài chiếc đèn pin đeo trên đầu, họ di chuyển phần lớn qua những bãi bùn hẹp và những hòn đá trơn trượt nhờ vào đôi tai.
Họ dừng lại bất cứ khi nào họ nghe thấy tiếng kêu ộp ộp - một âm thanh lanh lảnh khó mà phân biệt với tiếng dế gáy.
Bất thình lình, có người chộp lấy một con ếch từ một chiếc lá và bỏ nó vào một túi vải màu trắng. Họ làm như thế cả chục lần suốt đêm. Nó luôn trông giống như là một phép thần thông: những con ếch đó không biết từ đâu mà bỗng dưng xuất hiện.
Buổi sáng hôm sau, Erick Higuita và Mariana Cruz đi bộ xuyên khu rừng đó. Họ tìm kiếm những sọc vải màu cam để đánh dấu nơi đặt bẫy chuột. Họ đặt chúng bên cạnh những cái cây to, nơi lũ chuột nhiều khả năng đến để tìm kiếm trái cây rớt xuống. Mồi nhử là một hỗn hợp nhầy trộn giữa chuối, bơ đậu phộng, vanilla và mật ong. "Mùi ngọt sẽ thu hút những loài gặm nhấm," Cruz nói.
Ngày đó họ không thu hoạch được nhiều lắm: họ chỉ bắt được một con chuột nâu sẫm mà có vẻ như là thuộc về cống rãnh ở thành phố hơn là sống ở rừng.
Higuita bắt đầu nghiên cứu nó. Trước hết, ông ấy lấy hết nội tạng ra và lau sạch bộ lông thật kỹ: nếu ông chỉ để lại một mẩu thịt thì kiến sẽ bu lại. Sau đó, ông nhét vải vào và dùng một cọng dây kẽm để kéo thẳng bàn chân nó, cẩn trọng để giữ cho chúng nguyên vẹn - "bàn chân giúp cho việc nhận dạng con vật," ông giải thích.
Bốn tiếng sau, con chuột sẽ khô lại dưới ánh nắng mặt trời. Giờ đây nó là một con thú nhồi. Higuita đã sẵn sàng cho một vật trưng bày tồn tại mãi với thời đằng sau cửa kính của bào tàng.
Kho tàng DNA
Các nhà tự nhiên học trải qua hàng tuần lễ trong rừng để thu thập càng nhiều càng tốt các thông tin, mẫu phẩm ở nơi hầu như chưa bị con người đụng đến này
Ở bàn kế bên, Acosta đang sẵn sàng để làm công việc của riêng mình. Ông bắt đầu với việc đặt các con ếch, từng con một, vào trong một chiếc hộp sáng chụp ảnh.
Sau đó, ông ghi chú và chụp một vài tấm ảnh. Sau khi chụp ảnh xong xuôi, ông đổ một chút thuốc mê lên một cây tăm bông và chà nó lên mình những con ếch. Chưa đầy một phút sau, con ếch chết mà không đau đớn gì. Cơ thể nó nhão ra, da nó sáng bóng.
Vốn đã theo đuổi công việc bắt ếch từ khi còn nhỏ cho đến giờ khi tóc đã bạc, Acosta biết tất cả mọi mẹo vặt. Ông có thể cho biết tên loài ếch nhanh như là một người mẹ nói tên của con mình. Ông dùng một cây bút mực đời cũ bởi vì mực sẽ không bị phai đi nếu quyển sổ tay rơi xuống sông. Ông ấy đem theo dụng cụ, chất cồn và phoóc môn của riêng mình bởi vì 'anh không bao giờ biết được những thứ mà người khác mua'.
Ông chuẩn bị và giết chết những con ếch theo đúng quy trình khi ông bắt chúng, bởi vì ông ấy phải giữ mọi việc theo đúng trình tự.
Bước cuối cùng là đặt một chiếc kim lên lửa của một chiếc lò cho đến khi nó nóng đỏ, rồi dùng cây kim đó xuyên qua người con ếch, lấy ra một số mô thịt nhầy và để nó vào trong một hộp đựng có hơi nước chứa đầy ni tơ lỏng: DNA của nó sẽ được quét.
Những mẫu vật được tìm thấy ở đây sẽ được nhập vào hệ thống dữ liệu toàn cầu các mã vạch DNA vốn đặt mục tiêu trở thành dữ liệu đa dạng sinh học lớn nhất từng được xây dựng. DNA có thể cho biết tình trạng cộng đồng của một loài bất kỳ ổn định ở mức nào và mức độ chúng có thể bị tấn công bởi một dịch bệnh tiềm tàng.
Những con ếch được xử lý nhanh chóng bằng thuốc mê - chúng chết trong vòng chưa tới một phút mà không cảm thấy đau đớn gì
DNA cũng là lý do khiến Seeholzer truy tìm loài chim bí ẩn này.
Có điều gì đó đã xảy ra trên hành trình di cư hàng năm của loài chim bắt ruồi này.
Dãy núi Andes đoạn chạy qua lãnh thổ Peru quá cao để cho chúng bay qua, cho nên đàn chim bị tách ra. Nửa đàn bay về phía đông của dãy núi, nửa còn lại ở sườn tây. Sau này chúng gặp lại nhau, nhưng đến một ngày nào đó giữa hai đàn này không thể giao phối được với nhau nữa.
Xét trên hầu hết các tiêu chuẩn, chúng sẽ trở thành những loài riêng biệt. Tuy nhiên vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều. "Chúng dường như là hai loài riêng biệt, nhưng đồng thời, chúng lại cùng một loài," ông giải thích.
Mục tiêu của ông là nghiên cứu quá trình chuyên biệt hóa này khi nó diễn ra. Nghiên cứu của ông là về liệu tiếng hót của chúng có vai trò gì không trong quá trình này. "Để làm điều này, điều thật sự quan trọng là có mẫu di truyền gắn với mẫu tiếng hót và cách duy nhất để làm điều này là thu âm lại tiếng hót của loài chim này và thu thập chúng."
Jose Luis Penarredonda
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.