Tuesday, May 31, 2011

Vẫn có em bên đời...

image
Linh, Huyền, và bé Tiến


BaoMai
Huyền đẹp. Không phải tôi khen, mà nhiều anh bảo thế. Huyền mặn mà. Không phải tôi nịnh, mà vì nàng là gái một con. Huyền dễ thương. Không phải tôi cho là vậy, mà do giọng nói nàng ẩn chút gì đó nét hồn nhiên...

Linh có duyên. Không phải tôi khen, mà nhiều cô bảo thế. Linh phong độ. Không phải tôi nịnh, mà vì chàng mang dáng dấp của một công tử đại gia. Linh thông minh. Không phải tôi cho là vậy, mà do kiến thức về nhiều lĩnh vực qua cách nói chuyện của anh...

Đôi bạn trẻ gặp nhau. Tình yêu chắp cánh. Hôn lễ thật ấm cúng với họ hàng hai họ. Ai cũng khen “Cứ y như đại gia lấy hoa hậu chân dài”. Với hai trái tim, họ nắm tay nhau bắt đầu xây lâu đài tình ái...

Nàng tập lái, chàng quẹo cua

Huyền chớp mắt kể: “Năm năm trước, em qua Cali với ba mẹ. Ai cũng khuyên một trong những việc đầu tiên phải làm khi đặt chân đến Mỹ là phải đi học lái xe. Có người giới thiệu, em ghi tên học ở văn phòng của anh Linh . Em nhát lắm, nên tập lái xe mà cứ run tay hoài, nhất là những lúc quẹo cua. Anh Linh la em hoài đó chứ. Nào là lúc quẹo cua, em phải thế này, thế nọ. Vậy mà...” - Huyền cười tinh nghịch – “Ảnh ‘quẹo’ hay quá nên ‘cua em dính’ hồi nào hổng biết nữa”.

image
Huyền và Linh đẹp đôi trong ngày cưới

Huyền tiếp: “Chúng em nghèo nhưng hạnh phúc lắm, nhất là sau khi bé Tiến ra đời. Thời gian đó công việc ở văn phòng anh Linh khá lắm, người học lái xe khá đông, công việc làm không kịp. Còn em thì làm nail, kiếm cũng khá nhiều tiền. Tụi em mua chiếc xe hơi mới toanh, anh Linh bảo em chở ảnh lái một vòng Bolsa lấy le cho vui. Ảnh còn nói:

‘Quẹo cua mà không xong là anh chấm rớt đó nhe’”.

Hạnh phúc tưởng chừng như mãi mãi...

Có ai học được chữ Ngờ...

“Ngày hôm ấy, em nhớ mãi” - giọng Huyền trầm hẳn xuống. “Gửi con cho Má, hai vợ chồng kéo nhau ra Mile Square Park cắm trại. Tự dưng nổi hứng, em thách anh Linh chạy đua. Ảnh chấp em chạy trước. Em cắm đầu chạy thục mạng, vậy mà chưa gì đã nghe tiếng ảnh rượt kịp sau lưng, và rồi bỗng dưng, em nghe một tiếng ‘rầm’. Anh Linh vượt qua mặt em, thì chúi cổ nằm sóng soài
trên bãi cỏ. Em tỉnh queo, vì em biết tính ảnh hay làm bộ để bà xã năn nỉ. Nhưng thấy ảnh nằm hơi lâu, và hình như có tiếng rên. Em bước tới nói to: ‘Dậy đi ông, làm bộ hoài’. Bỗng dưng anh Linh thều thào: ‘Kêu cấp cứu! Anh gãy cổ rồi, đau quá’. Em hoảng hồn bấm 911, và lát sau chúng em có mặt tại bệnh viện...”.

Một quyết định - một cuộc đời

“Má và em chờ đợi trong thấp thỏm lo âu. Bác sĩ bước ra và cho biết là ‘Bệnh nhân bị gãy hai xương cột sống ở nơi cổ, cần phải mổ, nếu không sẽ chết’. Em lo lắm, nên ký giấy đồng ý mổ. Cả hai gia đình em và ảnh chỉ biết ngồi ngoài, khóc và cầu nguyện. Ca mổ không thành công. Bác sĩ bảo: ‘Bệnh nhân sẽ bị liệt cả toàn thân vĩnh viễn’. Em nghe như đất trời sụp đổ. Em khóc không thành tiếng. Tại sao ông Trời lại bất công đến vậy?

Họ chuyển anh qua khu vật lý trị liệu. Ngày nào em cũng ở cạnh anh, vừa dìu tập cho anh đi, tìm chuyện nói cho anh vui, vừa ráng nuốt ngược nước mắt vào trong. Hễ giây phút nào một mình là em khóc, và cầu nguyện. Hơn một năm thì nơi ấy gọi em lên, bảo em phải chọn một trong hai quyết định: ‘Một là đưa anh Linh vào viện dưỡng bệnh (nursing home), hai là đem về nhà, vì chính phủ không chi trả cho các trường hợp không còn hy vọng nữa’. Nhìn vào đôi mắt anh buồn vời vợi,  không hồn, vô vọng, nên em đã không hề ngần ngại mà chọn ngay giải pháp thứ hai, vì ‘Một ngày, một buổi cũng là tình nghĩa vợ chồng’”.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức

“Khổ lắm chị ơi” - Huyền nói. “Anh Linh không tự làm được một việc gì, dù nhỏ nhặt nhất, như là tự lăn người, hay đi tiểu tiện. Cứ hai tiếng đồng hồ là em phải xoay người anh ấy, nếu không thì sẽ bị hầm và lở loét lưng. Tắm rửa, gội đầu, hốt phân, thay tã, cũng chỉ một mình em.
Chị nhìn xem” - Huyền giơ cao cho tôi xem bắp tay với “con chuột” mà các thanh niên thường tự hào gồng người khoe, và nói: “Trước kia anh Linh nặng 225 pound, vậy mà sau tai nạn thì sụt ký kinh khủng, nay chỉ còn 170 pound, mà em phải lăn qua lại như vậy 10 lần mỗi ngày, rồi còn đỡ ngồi lên, nằm xuống, nên bây giờ tay em thành lực sĩ rồi”.  Huyền cười buồn...

Linh chợt kêu ngứa đầu. Huyền lật đật lấy cây lược đến chải đầu cho chồng. Linh cứ luôn miệng bảo: “Em ấn mạnh lên, mạnh nữa, ngứa quá. Em cào bên phải nè, rồi sau ót...”. Huyền làm theo như cái máy. Vừa làm cô vừa kể: “Cứ hai ngày là em phải gội đầu và tắm rửa cho ảnh. Chị nghĩ xem làm sao có thể xoay trở mà tắm?”. Tôi lắc đầu chịu thua.
Huyền chỉ tôi xem một dụng cụ để ngoài sân, trông từa tựa như chiếc cần cẩu. Huyền tiếp: “Em phải câu ảnh từ giường qua ghế ngồi”. Tôi thắc mắc: “Sức Huyền sao làm nổi?”. Huyền giải thích: “Em xoay người ảnh dựa lưng lên, phủ lên người ảnh cái áo đặc biệt này”. Huyền đưa tôi xem chiếc áo chằng chịt những dây, “xong móc một đầu cần cẩu vào chỗ đây, rồi bơm cái thanh sắt  này, thì cần cẩu sẽ kéo ảnh lên cao, rồi sau đó em thả tay từ từ để cần cẩu hạ ảnh xuống ghế ngồi”.

image
Dụng cụ cần cẩu đặc biệt để đưa Linh lên xuống xe lăn

Linh tiếp: “Lần đầu tiên khi bị câu như vầy, em khóc nức nở. Vừa buồn, vừa tủi, vừa nhục, cái cảm giác như mình là một con thú khiến em chỉ muốn được chết mà thôi. Em ráng cắn chặt môi mà nước mắt từ đâu cứ tự động lăn dài. Là người, ai cũng ráng bám víu để mà sống, dù cuộc đời có bất hạnh đến đâu. Chỉ
riêng em, thì em lại cầu mong được chết”.

Cái đau của bệnh nhân

Huyền đang nói thì bỗng dưng tay chân Linh co giật liên hồi. Tôi hơi sợ, vì lần đầu tiên nhìn thấy, nhưng Huyền bình tĩnh bước tới vịn tay chồng, như muốn truyền thêm can đảm cho anh đang trong cơn đau đớn.
Linh cất tiếng: “Đau lắm. Một ngày tay chân giựt như vậy không biết bao nhiêu lần, em không sao làm chủ được. Bất lực!”. Linh thở dài tuyệt vọng: “Nhiều lúc em chỉ ước mình được chết cho xong...”.
Huyền lại tiếp: “Sáng nào em cũng phải nhét vô hậu môn ảnh một viên thuốc để giúp làm mềm phân. Rồi chừng vài tiếng đồng hồ sau thì thọt ngón tay trỏ vào, ngoáy vài vòng cho phân mềm đều, rồi móc ra đem đổ. Hôi thúi mấy em cũng chịu. Mà chưa hết đâu, ảnh không đi tiểu được, nên một ngày chừng hai, ba lần,  em phải dùng que thọt giúp ảnh”. Thấy tôi có vẻ không hiểu, Huyền đưa tôi xem một bộ dụng cụ đặc biệt. Cô giảng giải: “Em lấy cái ống này nè” - Huyền giơ lên một ống dài rỗng như cây hút (sinh tố) vậy, “đâm vô đầu bộ phận sinh dục, đẩy
từ từ cho đến khi nào ống đụng bọng đái, khi đó em ấn thêm nữa thì nước tiểu xịt ra theo đường ống, vô túi nylon này, em gói lại mang đi đổ”. Linh tiếp lời vợ: “Đau kinh khủng, mỗi lần phải đi tiểu, đi tiêu là cực hình với em. Tù nhân có bị tra tấn cũng đến vậy là cùng. Lần nào em cũng cắn răng chịu trận, mà ngày ba bốn cữ như vậy, chịu không nổi nữa, khổ lắm”.

Nỗi khổ của người chăm sóc

Huyền nói: “Mà chưa phải hết đâu, có những lúc cơ thể anh Linh lại tự đại tiện một mình, không sao biết trước được. Ban ngày ảnh mang tã, tối lạnh thì mặc quần. Có lúc ảnh đang nằm bỗng dưng phân xịt ra ướt tèm nhẹp hết quần, dính cả lên giường. Thời gian đầu em còn cho ảnh mặc quần, mỗi lần vậy là em quăng luôn cái quần, nhưng rồi tiền đâu mà mua quần xoành xoạch, nên  em đành phải mang quần ra giặt tay, rồi phơi lên cho mau khô. Tủi thân lắm, cứ giặt quần là em nhớ Má, cả đời em chưa một lần giặt đồ cho Má, bây giờ thì mỗi ngày giặt quần phân cho chồng, vậy mà không dám than, không dám khóc, sợ ảnh buồn. Nghĩ lại mà thương Má em. Bà cứ an ủi, động viên em. Chưa bao giờ Má bảo em bỏ cuộc. Má hay nói: ‘Đã là vợ chồng, sướng khổ có nhau, còn nước còn tát, hai con đừng tuyệt vọng’”.

Rồi Huyền khóc: “Năm ngoái Má em mất vì bệnh ung thư. Trước khi ra đi,
Má nắm tay em căn dặn, ‘Má đi trước nhe hai con. Con ráng mà lo cho thằng Linh . Má ra đi vì căn bệnh nan y, nhưng vẫn còn sướng hơn nó, thôi vợ chồng con ở lại ráng đùm bọc lẫn nhau’. Chỉ có Má là người hiểu nỗi khổ của em nhất”.

Huyền lại nói: “Gần bốn năm nay, chưa đêm nào em ngủ được một giấc đầy. Cứ hai, ba tiếng là thức dậy, chạy qua phòng xoay người ảnh. Có lúc mệt quá, em ngủ vùi, không nghe tiếng ảnh gọi em qua vì đau quá. Chị nhìn mắt em nè, lúc nào cũng sưng húp, quầng thâm, em chỉ sợ một ngày nào đó thì sẽ bị mù luôn. Bao nhiêu ngày tháng nuôi chồng, là bấy nhiêu đêm nước mắt chung tình em rơi”.

Nguyện cầu

Huyền chỉ tôi xem tờ giấy “Cảm tạ công đức” treo trên tường, và nói:
“Tụi em đâu giàu có gì, vậy mà hễ có ai về Việt Nam là em ráng dồn hết tiền đang có nhờ họ đem về cúng chùa. Mà em ghi tên ảnh không hà, mong ảnh được phước mà mau hết khổ. Nhiều lúc chỉ cúng dường có 1, 2 đồng, em cũng khấn cầu có phép lạ nào giúp chồng bớt khổ, chứ nhìn ảnh đau đớn mỗi ngày, em không chịu nổi nữa. Đã hơn ba năm rồi, nhiều lúc khổ quá em muốn quăng bỏ hết mọi thứ, tự tử cho xong, nhưng nhìn bé Tiến lại thương. Gần bốn tuổi, nó nào được đến trường, cứ quanh quẩn ở nhà vì nếu đi học thì ai chở đi ai đón về, em phải túc trực bên chồng 24 trên 24. Ai cũng bảo đó là nghiệp của em và của ảnh, chính vì vậy mà nghèo đói cách mấy tụi em cũng ráng giúp làm từ thiện chỉ mong mau hết nghiệp.
Ai chỉ gì tụi em cũng làm, tụng kinh Dược Sư, Chú Đại Bi, niệm Phật. Nhưng giờ thì...”. Huyền im lặng. Chừng một phút sau, cô nói tiếp với giọng yếu ớt hẳn đi: “Mỏi mệt, tuyệt vọng và chỉ muốn buông xuôi. Đúng thật đời là bể khổ...”.

Kinh nghiệm chia sẻ

Linh lên tiếng nhờ vợ giúp trở mình, rồi sau đó anh bảo Huyền đỡ dùm lên để anh dựa lưng vào thành giường. Anh ngồi đó, trân trân nhìn lên tường, không nói một tiếng. Tôi đến bên Linh , bắt chuyện: “Nằm thế này hơn ba năm rồi, chắc Linh có nhiều thời gian ngẫm nghĩ về mọi chuyện, Linh có thể chia sẻ chút được không?”. Linh nhếch miệng khó nhọc: “Buồn, khổ, nhục, uất, hận... trăm ngàn cảm xúc khác nhau. Ba năm, đủ dài phải không chị? Nhưng vẫn còn quá ngắn với cả cuộc đời bại liệt còn đăng đẳng trước mặt. Giờ thì hết rồi, không có cảm xúc, cũng chẳng phiền trách gì. Chỉ chấp nhận, vậy thôi...”. Tôi im lặng. Linh tiếp:
“Em cũng muốn nói vài điều như thế này: Em tuy liệt cả toàn thân nhưng đầu em rất tỉnh táo. Em xem tivi để giết thời gian, nên em biết là kinh tế đang xuống dốc thê thảm. Nhưng tất cả những ai đang mất việc, mất nhà, khai phá sản..., kể cả những ai từng bị stroke và nếu chẳng may bị bán thân bất toại, hãy bảo họ đến gặp em, để họ hiểu ra rằng họ vẫn còn may mắn hơn em nhiều lắm. Đã rất
nhiều lần em có ý nghĩ tự tử, nhưng không sao thực hiện nổi vì tay chân mình không tự cử động gì cả thì còn làm gì được. Em ước gì có ai đó giúp dùm cho em chết đi, thì em sẽ mang ơn họ. Có những buổi sáng, mở mắt ra em đã khóc, chỉ vì tại sao mình lại tiếp tục sống, tại sao ông trời không thương mà cho em ngủ một giấc ngàn thu. Khi tai nạn xảy ra, em mới hơn ba mươi, còn sung sức lắm. Em chơi tennis, sức voi ăn no quậy mạnh, nên em rất ỷ y về sức khỏe. Nhiều năm trước em nhận thấy mình hay bị chứng hụt hơi, hễ mà làm gì hơi nặng hay quá sức là phải thở hổn hển, có lúc phải ngừng hẳn lại để thở, nhưng em cứ cho là không sao đâu, nên không bao giờ có ý đi khám bác sĩ. Hôm đó ở Mile Square Park chạy đua với Huyền, khi cố vượt qua vợ, em bị hụt hơi, nhưng không lẽ chịu thua mà ngừng lại sao. Thế là em cố ráng chạy vượt qua mặt Huyền. Vừa xẹt qua thì em không thở được nữa, trời đất tối sầm, em té chúi nhủi đâm đầu xuống bãi cỏ, chỉ kịp nghe tiếng ‘rắc’. Chừng lát sau mở mắt ra thì thấy đau nhức nhối từ chỗ ót đi xuống dọc theo cột sống rồi đến cả bàn chân, không sao nhúc
nhích gì được nữa. Em ú ớ kêu Huyền gọi cấp cứu. Giờ nhớ lại hối hận lắm thì đã muộn quá rồi...”.

Nỗi lòng biết tỏ cùng ai?

Giọng Linh bỗng dưng nghẹn lại: “Chị hỏi thì cho em nói. Có lẽ lời em
nói ra đây cũng không ai thèm để ý. Em tức và buồn lắm...”. “Chuyện gì
vậy Linh ?”. Tôi nhỏ nhẹ hỏi.

“Khi được chở vào bệnh viện cấp cứu, em gần như bị liệt cả người , kể từ cổ trở xuống rồi, vì không sao cử động được gì hết cả, nhưng chỉ trừ cái đầu. Lúc đó em vẫn còn tỉnh táo. Em hỏi bác sĩ về bệnh trạng mình. Ổng bảo: ‘Cậu cần mổ gấp. Nếu không mổ cậu chắc chắn chết, còn mổ thì hy vọng sống’. Hỏi chị, nếu chị là em thì chị chọn cái nào?”.
Tôi đáp ngay: “Dĩ nhiên là chọn mổ để được sống”. Huyền xen vô: “Sao
anh cứ nói hoài chuyện này vậy? Thôi chị đừng nghe nữa...”. Tôi vừa thắc mắc vừa tò mò: “Chuyện gì vậy Huyền? Để Linh nói hết đi đã”.

Tự dưng Huyền quay sang chồng: “Anh à, hôm đó bác sĩ có cho em và Má
biết về hiện trạng của anh, và em đã quyết định, chứ đâu phải bác sĩ quyết định cho anh đâu mà anh cứ nói hoài...”. Linh  vặn lại vợ: “Thế bác sĩ nói với em và Má sao đâu, em nhắc lại cho anh nghe đi”. Huyền nói rõ từng câu: “Bác sĩ bảo em với Má là anh bị gãy xương cổ C4 và C5, cần phải mổ gấp, nếu không thì anh chết, nếu mổ thì xác suất 80 hay 90% sẽ cứu được anh”. Linh la lên: “Đó đó, chị nghe rõ chưa? Nói chuyện với một cô gái trẻ trình độ trung học như vợ em và một bà già như Má, mà bác sĩ nói C4, C5 thì ai hiểu là gì? Tại sao không giải
thích cho rõ ràng là C4, C5 nằm ở đâu trên cột sống từ cổ trở xuống, và hai đốt xương này có vai trò quan trọng như thế nào? Rồi tại sao lại chỉ nhấn mạnh ở chỗ ‘Mổ thì sống 80, 90%, còn không mổ thì chắc chắn là chết’? Bác sĩ lẽ ra phải
nói cho bệnh nhân và gia đình hiểu rõ là ‘Nếu ca mổ không thành công, thì người bệnh sẽ bị như thế nào? Tàn tật ra sao và mức độ tàn tật như thế nào, kéo dài bao lâu?’. Nếu biết trước là mổ không thành công mà phải sống dở chết dở như thế này thì em đã chọn được chết lúc đó rồi.
Còn nếu như vì ham sống mà em chọn mổ thì dầu có bị tàn phế em cũng chịu, vì đó là quyết định của mình, còn đằng này, cứ nói vậy mà hại cả đời em, thì ai chịu khổ dùm cho em?”.

image
Linh đang ăn sáng với sự giúp đỡ của nhân viên trị liệu

Tôi nhìn Linh , đôi mắt anh vừa đau xót pha lẫn chút trách hờn. Huyền nói vội vàng, có lẽ để giảm bớt phần nào không khí không vui: “Thôi mà anh, bác sĩ cũng đã hết lòng mổ giúp cho anh rồi, sao anh cứ trách hoài vậy?”. Linh ngắt lời vợ: “Giúp?”. Quay qua tôi, Linh nhẹ giọng:
“Mà thôi,  nói ra được với chị thì em cũng cảm thấy nhẹ nhõm phần nào
rồi...”.

Nói xong, Linh thở hắt ra rồi quay mặt vô vách. Huyền lật đật kéo tôi qua phòng bên: “Qua đây chơi chị, có chuyện đó mà ảnh cứ ấm ức nói hoài. Đây là phòng em với bé Tiến nè”. Tôi nhìn gian phòng nhỏ của hai mẹ con, đồ đạc vất lung tung. Huyền giả lả: “Thằng nhóc phá lắm, có một mình buồn nên nó cứ đòi Mẹ chơi chung, mà em làm gì có thời gian. Phòng này em cũng không có giờ dọn
dẹp nữa, cả ngày cứ quần quật, tối đến đặt lưng xuống là ngủ ngay vì đừ quá, nhưng hai, ba tiếng sau là em lại dậy, quen rồi, chạy qua xoay người cho ảnh”.

Kiếp hồng nhan

Tôi đứng tần ngần nhìn vài bức ảnh chụp lúc Huyền còn đi học, treo trên tường, gương mặt rất có nét với nụ cười thật tươi, cứ như một người mẫu. Tôi hỏi: “Có ai nói với Huyền là Huyền đẹp không?”. Cô bẽn lẽn: “Sao chị nói giống mấy đứa bạn em quá vậy? Hồi xưa đi học, các bạn cứ khen em hoài đó chứ”. Huyền có vẻ mắc cỡ. “Ai cũng chọc em là người mẫu chân dài. Tụi nó còn xúi em dự thi nữa. Mà em không dám, tại mình đâu biết khéo ăn nói để trả lời các câu hỏi đâu mà thi”. Tôi cười: “Chỉ cần cái tâm mình là được rồi, Huyền đẹp cả nết lẫn người, đó là điều rất quý”.
Giọng Huyền bỗng dưng tư lự: “Em còn nhớ, lúc ở Việt Nam , dì em hay nói, ‘Con gái mà xấu quá cũng khổ, nhưng đẹp cũng chưa hẳn là sướng’. Còn Má em thì lo lắm, bà cứ nói, ‘Hồng nhan thường bạc phận, đẹp chưa hẳn là hạnh phúc đâu con’”. Rồi mắt Huyền ươn ướt: “Chắc chị biết truyện Kiều chứ hả? Nếu giờ mà cho em được chọn, em sẽ chọn là Thúy Vân, vậy mà đời đỡ khổ...”.

Tôi hỏi: “Có bao giờ Huyền nghĩ đến việc mướn một người phụ lo cho Linh không?”. “Có chứ”, Huyền thở dài. “Nhưng tiền trợ cấp của chính phủ quá ít ỏi, nếu em tiếp tục làm nail thì khá giả hơn nhiều. Đằng này em ở nhà lo cho chồng, số tiền đó mà dùng hết để mướn người cũng không ai chịu làm, vì cực quá. Nói thật, có nhiều đêm quá mỏi mệt, em nằm khóc một mình, và cũng đã hơn một lần em nghĩ đến việc gửi anh Linh vào nursing home, nhưng...”. Huyền bỏ lửng
câu nói...

“Nhưng sao hở Huyền?”. Tôi hỏi.

“Chị có nghe bài nhạc này bao giờ chưa?”. Thế là Huyền ca nho nhỏ:

“... Vẫn thấy bên đời còn có em
 Tấm lòng em như lá kia còn xanh
 Rừng ơi hãy giữ cho bền nhé
 Những cánh hoa phai quá không đành...

Khi xưa em rất thích bài này. Giờ mỗi lần hát, em lại thấm vô cùng từng câu chữ, nhất là: ‘Những đóa hoa phai quá không đành’. Đã là vợ chồng, nên ‘phai quá không đành’, chị ạ...”.

Vẫn chỉ là mơ ước

“Em ơi!”.

Tiếng Linh gọi. Hai chúng tôi chạy sang. “Cho anh miếng nước, khát quá!”. Huyền mang ly nước cam, đưa tận miệng và cầm nghiêng cái ly cho chồng uống.

Tôi hỏi: “Hai em có mong ước gì không? Có bất mãn gì với cuộc sống hiện tại?”. Huyền nhỏ giọng: “Nhiều người nói em ngu, có người lại khen em là phụ nữ Việt Nam tuyệt vời, nhưng em không màng đến những danh từ đó. Thật lòng, em lo cho chồng chỉ vì chữ ‘nghĩa’. Nhưng cũng không biết mình sẽ gánh nổi trong bao lâu nữa. Chị nhìn hình em ngày xưa với em bây giờ, có phải là khác xa nhiều quá? Tóc em đã có nhiều sợi bạc, hai mắt quầng thâm, cả người phờ phạc. Mỏi mệt lắm chị ạ, vì đuối sức và mất ngủ kinh niên. Bé Tiến còn phải đi học, em sẽ phải đưa đón cháu. Đến một lúc nào đó mà sức em có hạn, thì em cũng phải buông xuôi thôi. Khi rời khu vật lý trị liệu, nhân viên trong đó có giới thiệu tụi em chiếc giường đặc biệt dành cho những bệnh nhân như anh Linh vậy. Mình vặn trước sẵn giờ giấc, cứ hai hay ba tiếng thì giường tự động nâng lên, xoay sang trái, rồi sang phải, trong mọi tư thế mà bệnh nhân và người chăm sóc không cần phải làm gì cả. Nhiều lúc em đuối sức quá, xoay ảnh không nổi, nên em có hỏi thăm thì được biết là cái giường này giá gần ba chục ngàn Mỹ kim, thế là tụi em không bao giờ dám mơ nghĩ tới nữa, bởi vì chiếc xe hơi mới mà em kể lúc nãy, sau khi anh Linh bệnh hơn một năm thì bị nhà băng kéo luôn rồi, tiền đâu mà trả”.

Huyền kể: “Tụi em cứ còn nước còn tát. Tiền dành dụm được bao nhiêu,
đem ra thử hết. Châm cứu, bấm huyệt, trị bằng nhân điện, gặp bác sĩ chỉnh hình, uống thuốc nam, thuốc bắc, ai chỉ gì cũng làm theo. Vậy mà sạch hết tiền mà bệnh vẫn vậy. Cái nghèo cứ đeo đuổi mãi. Giờ thì chính phủ gửi giấy báo là sẽ cắt tiền nữa, em không biết phải tính sao, thôi thì cứ để trời tính”.

Linh cười buồn bã: “Phần em, em chỉ hối hận vì đã không làm được hết những điều mình mong muốn. Tuổi ba mươi lúc ấy, em có nhiều mơ ước lắm. Trong mắt em, cuộc đời là một con đường phẳng lặng ngập ánh nắng hồng. Hơn ba năm nằm một chỗ,  ngẫm nghĩ lại mới thấm thía hai chữ “Vô thường”.

“Bạn bè, gia đình có đến thăm Linh thường không?”

“Lúc đầu cũng có một số người đến thăm, giờ thì chẳng còn ai. Người nào cũng bận mà, em hiểu. Chỉ còn mấy thằng homeless ngày xưa em giúp tụi nó, nên tụi nó thỉnh thoảng ghé thăm, nói chuyện này nọ cho em đỡ buồn. Chị biết đó, những đứa này bạc tiền thì không có, chỉ có dư dả thời gian và tấm lòng...”.

Với giọng đều đều, Linh bảo: “Em cũng đã xin ghi tên vô danh sách các bệnh nhân tình nguyện cho được thử nghiệm một phương pháp cấy ghép tế bào gốc (stem cell) mà công ty Gerone đang nghiên cứu, với hy vọng có thể tạo ra các tế bào mới để thay thế các tế bào nơi cột xương sống đã gãy. Em đã khẩn thiết xin được làm người thí nghiệm, bởi vì nếu thí nghiệm thành công, thì em còn hy vọng sống, dù vẫn biết là rất mong manh, còn nếu thất bại, thì em được chết. Với em, bây giờ, được chết lại là một hạnh phúc mà em ao ước...”.

“À, quên”. Linh tiếp. “Em đã quyết định là sau khi chết, em tình nguyện cho phép bệnh viện sử dụng tất cả những bộ phận trên cơ thể mình còn dùng được, hiến tặng hết cho những ai đang cần. Cả đời em đã làm khổ vợ con, là gánh nặng cho xã hội, nên chỉ mong lúc ra đi là cơ hội cho em được đền đáp những công ơn đó”.

Huyền nãy giờ loay hoay dưới bếp, cô bưng chén cháo nóng lên và múc từng muỗng đút cho chồng, nói nửa đùa nửa thật: “Hồi xưa Hàn Mặc Tử thời oanh liệt thì bao nhiêu cô bồ, đến chừng tật nguyền thì chỉ còn có mỗi một Mộng Cầm lo lắng. Ông này cũng vậy, giờ nằm một đống thì cũng chỉ mỗi Mộng Huyền này lãnh hết.
Thôi, cứ coi như là mình có duyên có nghiệp với nhau. Anh tụng Chú Đại Bi, em niệm Phật, mong Quan Thế Âm thương giúp tụi mình mau chuyển nghiệp, thôi còn sống thì mình phải ráng hy vọng, nhe anh...”.

Thấy Huyền vui, tôi nói: “Để xem, bài viết về hai em, mình lấy tựa đề là ‘Mãi có em bên đời’, được hôn?”.

“Đừng chị”. Linh ngắt ngang. “Bỏ chữ ‘Mãi’ đi. Cuộc đời này không có
gì là mãi mãi hết”.

“Anh này, sao mà kỳ quá!”. Huyền nhăn mặt nhìn chồng, rồi quay qua tôi: “Chị đừng để ý, ảnh giờ khó tính lắm”.

“Không sao”. Tôi đáp. “Vậy thôi ‘Vẫn có em bên đời’, được không Linh ?”.

Linh cười. Tôi thấy mấy đầu ngón tay anh run run. Huyền hiểu ý, để chén cháo lên bàn, bước đến nắm lấy bàn tay anh. Linh bảo: “Thôi vô thường đến lúc nào thì cứ đến. Nhưng giờ phút này, đã hơn ba năm, vẫn còn có em bên cạnh, thì đối với anh đã là một hạnh phúc. Cám ơn em”.

Huyền nhìn Linh , nhoẻn miệng cười. Tôi thấy ánh mắt cô lấp lánh niềm vui, dù chỉ là một niềm vui nhỏ, khi mỗi ngày sống bên cạnh một nỗi đau lớn trong lòng...

Được biết sinh nhật Huyền trùng với ngày Lễ Tình Yêu, bài viết này thân tặng Huyền - cô gái Việt Nam đẹp cả người lẫn nết. Món quà nhỏ, như một lời nhắn nhủ, rằng hai em “hãy khoan, đừng tuyệt vọng”:

Mỗi vết thương lành một nỗi vui
Hy vọng mong manh giữa khe bàn tay
Dù em khẽ khóc không thành tiếng
Vẫn ở trong anh nỗi đau dài...


Hoàng Thanh/Viễn Đông

Chú Thích:
Nếu ai biết được tin tức y học gì về chứng bệnh “spinal cord” hay phương pháp chữa trị mới về cấy ghép tế bào gốc (stem cell), xin vui lòng liên lạc:
Phạm Huyền (714) 737-3871. Rất mang ơn.

Vẫn Có Em Bên Đời - Khánh Ly

image


BaoMai

Bộ quần áo cũ

Sống chung với một ông bố chồng già yếu, bướng bỉnh là chuyện không dễ. Ông hay than phiền, hỏi những câu không đúng lúc và từ chối các món ăn cần thiết. Ông hãnh diện về thời trai trẻ, cứ kể đi kể lại các câu chuyện của thời vàng son. Hồi đó, là chỉ huy trong quân đội...ông luôn đặt lý trí lên trên tình cảm. Tôi biết ông là người tốt, nhưng có cảm giác ông sống vì khối óc chứ không vì con tim, thiếu sự thông cảm.
Hôm nay đưa ông đi lễ ở nhà thờ, một lần nữa ông lại mặc bộ đồ vest cũ sờn rách mang từ Việt Nam sang. Tôi nhẹ nhàng:

-Bố nên thay bộ đồ con mua hôm trước, bộ quần áo này cũ quá.

-Nhưng bố thích mặc bộ này!

Tôi bắt đầu cau có:
-Nhưng mặc như vậy đi chỗ đông người rất kỳ, người ta sẽ nghĩ tụi con bỏ bê không chăm sóc bố.

Ông già buồn rầu, lập lại:
-Bố thích bộ quần áo này lắm.

Tôi cũng cương quyết:
-Bố nên thay ngay kẻo trễ, con không thấy có lý do gì để bố thích nó.

Ông già trả lời rất gọn ghẽ, chân thành, lâu nay ít khi nào tôi thấy ông minh mẫn như vậy:
-Chính mẹ đã tặng bố bộ quần áo này để mặc ngày kỷ niệm thành hôn. Khi chồng con ra trường, bố cũng mặc bộ quần áo này. Ngày đưa mẹ con ra nghĩa trang, bố cũng mặc bộ đồ này, bố thấy thật vui và xúc động khi mặc nó.

Nước mắt ông già hoen trên mi, rơi xuống gò má nhăn nheo. Tôi hụt hẫng và hết sức bối rối. Bố chồng tôi sống tình cảm và có lý hơn tôi nghĩ.
Trước khi quyết đoán người nào đó khô khan không có trái tim, tôi nên xét lại trái tim mình đã.

Bệnh và Lười

Cũng như các bà vợ khác ở hải ngoại, vợ tui kỳ này làm biếng quá. Đi làm về là nằm trên giường xem phim bộ, chẳng chịu nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa gì ráo. Tôi có la, nó ấp úng trả lời:
-Em thấy mệt quá, chẳng làm gì được cả. Nằm nhưng không ngủ được nên mới bật máy xem phim, chứ không cố ý xem phim.

Con vợ tui chơi chữ ghê, xem mà không xem, nó biện hộ kiểu này ai nghe cho được.
Tui định bụng hôm nay về mà bếp núc lạnh tanh, sẽ đập tan cái TV ra cho biết mặt. Về nhà, quả nhiên cơm canh không có, đứa con nhỏ hoảng hốt:

-Ba ơi, anh Hai đưa má vào bệnh viện rồi, má bị xỉu phải cấp cứu.

Tui vội vã vào nhà thương. Người ta đã chẩn bệnh xong. Vợ tui có lẽ bị ung thư xương. Hèn chi mấy tuần nay nó đau nhức, than thở mà tui nghĩ nó giả bộ nên không thèm nghe, cũng chẳng đưa đi bác sĩ.
Bệnh ung thư phát mạnh quá, sau vài tuần, bác sĩ cho biết nó không còn ở với tui được bao lâu nữa. Ung thư ngực thì cắt vú, ung thư xương không biết cắt ở đâu! Phổi vợ tui cũng có vấn đề, vì bao năm qua phải hửi mùi thuốc lá tui hút. Tui không dám nói với nó tui đã nghĩ xấu và giận nó không chịu nấu cơm, dọn dẹp.

Cô vợ đầu ấp tay gối bao nhiều năm mà nó đau đớn, bịnh nặng tui cũng không biết. Vậy mà nó vẫn cố gắng đi làm kiếm tiền, chỉ khi về mới nằm liệt ra thôi. Tui hối hận quá chừng, trốn vào nhà vệ sinh của bệnh viện khóc rấm rứt. Thằng Tây đen nhìn tui ái ngại, hỏi tui có OK không. Tui không biết than thở cùng ai, nên dù tiếng Anh dở ẹt, cũng sổ một tràng. Nó có vẻ thông cảm nhưng chỉ phán được một tiếng “sorry” rồi đi ra.

Tui trở vào phòng thăm vợ. Mới mấy tuần mà nó ốm nhom xanh lè, tay chân dây rợ, kim chích chằng chịt. Nó thì thầm:

-Ở đây buồn và ồn quá, em muốn về nhà. Em sẽ nấu món giả cày mà anh thích đó.

Tui vỗ về:
-Em ráng lo nghỉ ngơi, đừng bận tâm.
Tui ráng nấu mấy món ngon đem vào nhà thương, nhưng nó không ăn được nữa. Tui lại khóc. Lạ ghê, trước giờ tui rất oai phong, la mắng vợ con mỗi ngày, uy quyền lắm mà bây giờ mít ướt quá sức …

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.