Wednesday, June 1, 2011

Đại dịch "Giả và Dỏm"

image

BaoMai


Nhật ký của Ngọc - Entry này có một tựa đề hơi bí hiểm. Nhưng những ai làm trong nghề y đều biết đó là viết tắt của Phó giáo sư – Tiến sĩ – Bác sĩ. Chỉ có ở nước Nam. Chỉ có ở nước Nam dưới thời XHCN. Nó là biểu hiện của căn bệnh mới phát sinh trong ngành y. Đó là bệnh hám danh. Bệnh hám danh đang làm tan nát hệ thống y khoa và đang biến hóa thành một đại dịch nguy hiểm cho người bệnh.


Có mấy ai còn nhớ đến thầy Phạm Biểu Tâm, thầy Trần Ngọc Ninh? Thầy Phạm Biểu Tâm có sống lại bây giờ không thể là hiệu trưởng trường y. Thầy Trần Ngọc Ninh có ở Việt Nam giờ này cũng không bao giờ thành khoa trưởng, chứ nói gì đến chức danh giáo sư. Cả hai thầy đều không có bằng tiến sĩ. Cái bằng tiến sĩ ngày nay ở đất nước này là một cái bùa hộ mệnh. Nó cũng là cái vé xe cho những chuyến xe đò thăng quan tiến chức. Nó là cái boarding pass cho những phi vụ làm trưởng khoa, làm hiệu trưởng trường y. Đó là luật chơi mới do những người cách mạng đặt ra. Người cách mạng không nhất thiết phải là người trong y giới, cũng chẳng cần làm khoa học. Ở đất nước này, chính trị thống lĩnh tất cả. Làm cách mạng là làm chính trị. Bởi vậy, người cách mạng chẳng cần phải có tấm bằng bác sĩ để đặt ra luật chơi mới cho ngành y. Họ đang hủy hoại nền y học.

Tuần rồi đi dự một hội thảo chuyên đề và gặp một anh bạn đồng môn trên bàn cà phê. “Ủa, ông chưa tiến sĩ hả? Sao không làm một cái”? Anh bạn tôi hỏi. Tôi ngạc nhiên về chuyện làm một cái. Tiến sĩ là một cái gì như đồ chơi. Tôi lắc đầu. Mình đã già. Mình không có khả năng làm nghiên cứu. Cũng chẳng có thầy đỡ đầu. Anh bạn tôi cười lớn nói: Ông mà già gì, đâu cần khả năng làm nghiên cứu, cũng không cần thầy hướng dẫn, chỉ cần bỏ tiền ra mua thôi. Tôi cám ơn tấm lòng của bạn cũ và vẫn thấy mình vui với việc giúp người mà không có những râu ria trước tên mình. Bạn cũ tôi bây giờ là một PGS-TS-BS.

image

TS-BS bây giờ nhan nhản trong các bệnh viện. Thử dạo một vòng các phòng trong bệnh viện ngoài Hà Nội, sẽ thấy trước cửa phòng ai cũng có danh xưng TS-BS in ngay chính giữa cửa phòng. Bảng hiệu đó cho chúng ta biết người đang ngự trị hoặc chiếm lĩnh căn phòng là một bác sĩ và có bằng tiến sĩ. Bằng tiến sĩ là học vị cao nhất trong thế giới khoa bảng. Tôi không có con số thống kê để nói, nhưng tôi cảm thấy số bác sĩ có danh hiệu TS-BS nhiều hơn bác sĩ trong các bệnh viện Hà Nội. Sài Gòn đang đuổi theo Hà Nội, sắp đến đích nay mai. Với đà này, một ngày không xa bệnh nhân sẽ không còn gặp bác sĩ nữa, họ chỉ gặp TS-BS.


PGS-TS-BS xuất hiện ngày càng dày đặt trong các hội thảo. Nhìn lên bàn chủ tọa chúng ta thấy gì? Có hoa tươi. Có chai nước lọc. Có laptop. Có microphone. Và, có tấm bảng nền trắng chữ đen in những từ viết tắt như PGS-TS-BS. Hoa tươi để làm màu mè. Chai nước lọc vì trí thức không quen uống nước máy sợ nhiễm khuẩn. Laptop để nói rằng ta đây có trình độ IT. Microphone để truyền bá lời vàng ý ngọc. Danh hiệu PGS-TS-BS để khoe thành tựu miệt mài làm khoa học. Một bức tranh đầy hoa sắc, màu mè. Có phần phần cứng (IT, microphone) lẫn phần mềm (hoa, trí lực, bằng cấp).


Danh và thực lúc nào cũng là hai khía cạnh nhức nhối trong y giới. Bao nhiêu tiến sĩ của nước ta là do thực tài, bao nhiêu là giả, dỏm. Không ai biết được, nhưng xã hội biết. Xã hội đã từ lâu phong danh tước “tiến sĩ giấy” cho những kẻ bất tài, hám danh, mua quan bán tước. Cụm từ “Tiến sĩ giấy” ngày càng xuất hiện nhiều trên báo chí, trong những câu chuyện thường ngày. Tức là xã hội biết rằng ngày nay chúng ta có nhiều tiến sĩ dỏm hơn là tiến sĩ thực.


Dỏm có nghĩa là những bằng cấp được mua bán, tiền trao cháo múc.


image

Anh bạn tôi vừa đề cập trên đây không ngần ngại nói rằng để có cái bằng tiến sĩ, anh phải chi ra nhiều tiền. Hỏi bao nhiêu, anh chỉ cười. Nhưng xã hội biết. Những cái giá 5.000 USD, 10.000 USD, 20.000 USD đã được đề cập đến. 100 triệu đồng. 200 trăm triệu đồng. 400 triệu đồng. Có khi 500 triệu. Có nhiều lò sản xuất văn bằng tiến sĩ và mỗi lò có biểu giá riêng. Quân y nổi tiếng là một trong những lò đào tạo đắt tiền. Các trường y thì rẻ hơn nhưng không rẻ bao nhiêu. Nhiều đồng nghiệp tôi mua bằng như thế. Đó là những con số chóng mặt cho bệnh nhân nghèo. Ai trả tiền? Xin thưa không phải bác sĩ, mà là bệnh nhân. Họ sẽ ăn tiền các hãng dược. Hãng dược nâng giá thuốc. Bệnh nhân là người cuối cùng trong vòng tròn này. Bệnh nhân lãnh đủ. Vì thế, mua bán bằng cấp là một trong những yếu tố làm cho giá thuốc cao đến mức “cắt cổ” như ở nước ta.

Những kẻ hám danh và bất tài xem chuyện mua bằng tiến sĩ là một đầu tư.

image

Họ có thể chi ra vài trăm triệu hôm nay, nhưng nay mai thì sẽ được chức quyền. Trường khoa. Giám đốc bệnh viện. Hiệu trưởng. Tất cả đều mua, đều chạy. Một khi đã ngồi vào vị trí quyền lực, họ ra sức vơ vét tiền của người dân để trả lại chi phí mua bằng, mua chức vụ. Người dân cũng chính là đối tượng sau cùng trong đường dây này. Đừng trách tại sao dân mình nghèo vẫn hoàn nghèo. Cái cơ chế này làm cho họ nghèo. Đã nghèo thì thường chịu phận hèn. Cái cơ chế này làm cho người dân vừa nghèo và vừa hèn.

Dỏm có nghĩa là làm nghiên cứu ma, giả tạo số liệu.

Báo chí đã nêu nhiều vấn đề đạo văn. Nhưng báo chí không hề biết những chuyện động trời hơn đạo văn. Đó là chuyện giả tạo số liệu. Những tiến sĩ dỏm chẳng bao giờ làm nghiên cứu cho tốn công. Họ chỉ ngồi đâu đó giả tạo ra số liệu. Có người làm nghiên cứu nghiêm túc, nhưng khi kết quả không đúng ý, họ sửa số liệu. Chẳng ai hay biết. Thầy cô hướng dẫn chỉ là những người mù vì bất tài, hoặc giả mù vì họ đã ăn tiền. Giả tạo số liệu xong, họ mướn một người nào đó làm phân tích thống kê. Giá phân tích cũng không rẻ chút nào, từ 500 USD đến 2000 USD. Có cậu nọ nay làm chức cao trong trường y từng làm phân tích mướn như thế. Chẳng cần biết đúng sai vì chính người làm mướn cũng mù mờ mà cũng chẳng quan tâm. Phân tích xong, họ mướn người viết luận án. Giá viết cũng từ 500 USD đến 2000 USD. Người viết chỉ cần có bằng cử nhân cũng viết được. “Viết” ở đây có nghĩa là cắt và dán. Hỏi google, dịch, cắt, dán. Vâng, luận án là dịch-cắt-dán. Thế là xong luận án. Thầy dỏm thì làm sao biết được đó là luận án thật hay dỏm. Có thể nói rằng đại đa số những nghiên cứu khoa học ở nước ta hiện nay đều làm theo quy trình như thế. Không có đạo đức khoa học. Không có tinh thần khoa học. Đừng nói đến văn hóa khoa học. Đọc những lời tâm huyết có khi mang tính hô hào của Gs Tuấn về nghiên cứu khoa học mà tôi thấy tội nghiệp cho ông. Ông đâu biết rằng ở trong nước người ta đâu có quan tâm đến nghiên cứu, những lời ông nói ra chỉ là nước đổ đầu vị mà thôi, chẳng ai nghe đâu.
Dỏm có nghĩa là làm nghiên cứu chất lượng còn thấp hơn luận văn cử nhân của các thầy trước 1975.


image

Nếu có dịp đọc những luận án tiến sĩ của các bác sĩ, người có kiến thức không biết nên cười hay nên khóc. Cười vì những đề tài nghiên cứu như là đề tài của sinh viên học làm nghiên cứu. Khóc vì trình độ thấp đến mức thê thảm. Những đề tài nghiên cứu kinh điển mà thế giới đã làm từ ngày tôi còn ngồi trong trường y cũng được biến hóa thành đề tài tiến sĩ. Có đề tài đánh giá phẫu thuật nội soi mà người đánh giá cũng chính là người thực hiện. Không có cái gì là mới. Không có cái gì để gọi là khoa học. Số liệu đã giả thì làm sao có kết quả thật được.
Còn luận án thì thế nào? Cũng công thức nhập đề – thân bài – kết luận như ai. Nhưng đọc kỹ thì không khỏi phì cười. Phần nhập đề thí sinh hay nói đúng hơn là người viết mướn tha hồ dịch-cắt-dán từ các nguồn trên internet, có khi đem cả kiến thức từ sách giáo khoa thế kỷ 19, những mớ thông tin chẳng liên quan gì đến đề tài. Dân gia có câu “nói dai, nói dài, nói dở” thật là thích hợp cho luận án tiến sĩ. Phần phương pháp thì chẳng có gì để đọc, vì họ chủ yếu là ngụy tạo. Ngụy tạo số liệu thì làm sao dám viết chi tiết phương pháp được. Vả lại, người viết mướn cũng đâu có trình độ chuyên môn để đi chuyên sâu vào phương pháp.

image

Đến phần kết quả là khôi hài nhất. Một chuỗi bảng số liệu. Một chuỗi đồ thị. Điều khôi hài là đồ thị làm từ bảng số liệu. Hai cách trình bày một thông tin! Chưa hết, thí sinh còn bồi thêm câu diễn giải dưới bảng số hay đồ thị. Tức là 3 cách trình bày chỉ nói lên một thông tin. Người ta cần số trang sao cho đủ nên phải làm như thế. Thừa thải? Không thành vấn đề. Vấn đề là làm cho đủ số trang theo quy định của Bộ. Sai sót? Đây đâu phải là công trình khoa học mà quan tâm đến sai sót. Đến phần bàn luận là một tràng từ ngữ bay múa, những ý tưởng hỗn độn, chẳng đâu vào đâu. Những gì Gs Tuấn chỉ cách viết bài báo khoa học không áp dụng ở đây. Không cần đến logic luận. Nó y như là cái thùng lẩu thập cẩm. Có lẽ vài bạn đọc chưa quen sẽ nói tôi cường điệu hóa vấn đề. Các bạn hãy vào thư viện trường y mà đọc xem các luận án tiến sĩ có xứng đáng cái danh xưng cao quý đó hay không. Người ta xem đó là những “luận án tiến sĩ” có mã số, có bìa đỏ, được lưu giữ cẩn thận. Nhưng tôi xem đó là những chứng cứ hùng hồn nhất cho một thời đại nhiễu nhương trong học thuật. Những kẻ đã, đang và sẽ có bằng tiến sĩ từ những cách học dỏm đó sẽ đi vào lịch sử nước nhà như là những tiến sĩ giấy, những con vi khuẩn làm ô uế nền học thuật nước nhà.

Dỏm có nghĩa là người thầy hướng dẫn cũng dỏm.

image

Sự suy thoái của giáo dục y khoa là một chu kỳ bắt đầu từ người thầy. Sự suy đồi của người thầy bắt đầu từ những ông quan cách mạng. Dưới mắt của quan cách mạng, hồng quan trọng hơn chuyên, đảng viên quan trọng hơn người ngoài đảng. Vì thế chúng ta không ngạc nhiên sau 1975 có những vị mang danh “giáo sư” mà kiến thức còn thua cả bác sĩ gia đình, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy có “giáo sư” đi tuyên truyền cho xuyên tâm liên trị bá bệnh, bo bo bổ dưỡng hơn gạo. Ngày nay, kẻ bất tài nhưng có đảng tịch thì vẫn được cất nhắc làm thầy, được “tạo điều kiện” làm tiến sĩ. Có người được “cơ cấu” (một danh từ mới) chức trưởng khoa, giám đốc bệnh viện rồi, “tổ chức” (cũng là một từ mới) sẽ tìm cho họ cái bằng tiến sĩ.  Bằn tiếng sĩ vừa là phương tiện, vừa là cứu cánh trong cái nền học thuật nhếch nhác hiện nay. Bằng tiến sĩ nó tầm thường đến nỗi người ta nhạo báng ra đường gặp tiến sĩ. Nó rẻ tiền vì chúng ta biết rằng bằng tiến sĩ của Việt Nam chỉ là bằng dỏm, không bao giờ xứng đáng với danh vị đó. Thế là chúng ta có thầy dỏm. Thầy dỏm đào tạo ra trò dỏm. Trò dỏm đào tạo tiếp trò dỏm. Sẽ không lâu chúng ta sẽ có nhiều thế hệ tiến sĩ dỏm, giáo sư dỏm. Và chúng ta sẽ phải trả giá cho những cái dỏm đó. Thực ra, bệnh nhâm đang trả giá cho cái dỏm.

image

Cái giá mà bệnh nhân phải trả cho hệ thống y khoa hám danh này là cái chết. Nhiệm vụ của người bác sĩ lâm sàng trước hết là chữa trị bệnh nhân. Nhiệm vụ đó đòi hỏi kỹ năng lâm sàng tốt. Ngoài ra, còn có sự cảm thông, chia sẻ với bệnh nhân. Nhưng bác sĩ hám danh ngày nay chỉ chạy theo bằng cấp dỏm, làm nghiên cứu dỏm, gây tác hại cho bệnh nhân. Họ không trao dồi kỹ năng lâm sàng. Họ không có thì giờ để đọc sách. Họ thừa thì giờ đi nhậu để làm “ngoại giao”. Thiếu kiến thức lâm sàng. Chẩn đoán sai. Làm xét nghiệm không cần thiết. Đối diện với bệnh nhân thì chỉ hách dịch ra lệnh chứ không biết nói. Hậu quả là chẩn đoán sai, điều trị sai, bệnh nhân chết. Nếu còn sống thì gặp biến chứng, hoặc thương tật suốt đời. Dỏm trong các ngành khác như khoa học xã hội thì có thể không gây tác hại nguy hiểm, nhưng dỏm trong y khoa thì hậu quả khôn lường. Rất tiếc là các quan cách mạng không nhìn thấy hay không nhìn thấy điều hiển nhiên đó để cho sự hám danh và dỏm lên ngôi. Họ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử nước nhà.

Bệnh hám danh trong y giới ngày nay đã trở thành đại dịch.

Có lần trong một hội thảo chuyên môn, một anh kia tên là D, học y trước 1975 nhưng ra trường sau 1975, thuộc thành phần răng đen mã tấu – “cách mạng 75″ như người Sài Gòn vẫn nói, được người ta giới thiệu anh ta là TS, nhưng khi anh ta lên bục giảng câu đầu tiên anh ta nói là chỉnh người giới thiệu, rằng chức danh của anh ta bây giờ là PGS. Chính xác hơn là PGS-TS-BS. Cả hội trường có phần sững sờ trước sự khoe khoang hợm hĩnh. Tôi cũng ngạc nhiên khi biết anh ta có bằng tiến sĩ và càng sững sờ khi biết anh ta là PGS. Hỏi đồng nghiệp làm cùng bệnh viện với anh ta, ai cũng cười. Đã có nhiều bệnh nhân thành nạn nhân của anh ta. Thế là biết. Tất cả chỉ là mua bán. Thế mới biết cái cơ chế có khả năng nhào nặn một con người có tư cách thành một kẻ háu danh hợm hĩnh. Và chỉ trong một thời gian ngắn. Nhưng trường hợp của anh D chỉ là một hạt cát trong sa mạc y giới. Ngày nay có hàng chục ngàn người như thế. Nó đã thành một đại dịch. Dịch hám danh. Dịch hám bằng cấp. Đại dịch hám danh và hám bằng cấp còn nguy hiểm đến bệnh nhân hơn các đại dịch H1N1 nhiều.

image

Đại dịch hám danh không chỉ trong y giới mà còn lan tràn ra các địa hạt khác ngoài xã hội. Ai cũng cố gắng tạo cho mình một cái danh xưng trước tên. Ngày nào xã hội biết đến bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ, thạc sĩ, giáo sư … nhưng ngày nay người ta còn gắn CN và Master trước tên mình. CN là cử nhân. Master là cao học. Chưa bao giờ tôi thấy một sự háu danh quái đản như hiện nay. Trong y giới, người ta còn gắn thêm TS-BS, hoặc PGS-TS-BS. Nếu có danh xưng gì khác như thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú, người ta cũng gắn vào luôn. Nếu một người nông dân không có bằng cử nhân thì họ được gọi là gì. Không là gì cả. Do đó, đại dịch dịch hám danh nó phân chia xã hội thành những người có và những người không có. Nó dẫn đến nạn kỳ thị. Kẻ có danh xem thường người không có danh. Vì thế người ta phải chạy theo danh, phải mua danh bán tước. Đại dịch hám danh tạo ra một thị trường mua bán tước danh, bằng cấp. Từ cấp trung ương đến địa phương, hiện tượng mua bán bằng cấp xảy ra hàng ngày. Mua bán tước danh và bằng cấp là hành động xem thường kỷ cương phép tắt trong học thuật. Vì thế dịch hám danh không chỉ làm phân hóa, kỳ thị xã hội, mà còn làm hủy hoại nền học thuật quốc gia.

Sau khi gặp bạn tôi gặp trong hội thảo tuần qua làm tôi có cảm hứng viết entry này tôi lên taxi về nhà. Trên đường về nhà bị kẹt xe, anh tài xế phải vất vả nhích từng cm. Mưa càng lúc càng nặng hạt. Đường xá ngập nước như trong cơn bão lụt. Ngay giữa thành phố có thời mang danh Hòn ngọc viễn đông. Anh tài xế cùng độ tuổi tôi lắc đầu ngao ngán. Anh nhìn tôi ái ngại vì quá trễ giờ. Chúng tôi nói chuyện đời. Anh chỉ vào con đường ngập nước và nói họ đang phá nát thành phố này. Tôi đồng ý. Nhưng tôi muốn thêm rằng họ cũng đang hủy hoại nền học thuật nước nhà bằng cách tạo ra một đại dịch PGS-TS-BS.



bsngoc

Xin đừng bịp bợm thế hệ trẻ chúng tôi nữa!

image

Tôi là: Một công dân Việt Nam, 30 tuổi, Đảng viên, Sỹ quan quân đội, Bí thư Đoàn và là một Nhà giáo. Thế hệ trẻ chúng tôi mặc dù được tuyên truyền, giáo dục, thậm chí là nhồi sọ rằng mình đang được sống ở một xứ sở thiên đường, một nơi mà nền dân chủ được phát huy cao độ cũng như vô vàn những điều tốt đẹp khác nhưng những gì chúng tôi nhìn thấy đang chứng minh điều ngược lại.
Như vậy, chúng tôi đang bị bịp bợm một cách trắng trợn bởi những kẻ dốt nát về trí tuệ nhưng ma giáo về chính trị. Tôi viết thư này mong muốn Dân luận đăng tải để những kẻ đó, nếu có đọc (và chắc chắn sẽ đọc, rất kỹ là đằng khác) biết rằng chúng tôi không phải là những con lừa để các vị dắt mũi đi theo con đường nào cũng được. Chúng tôi là những thanh niên tràn đầy nhiệt huyết, có học, có bản lĩnh… và chúng tôi mong muốn được đối xử xứng đáng hơn, chí ít là không bị bịp bợm. Và cũng chỉ bằng cách đó, các vị mới có cơ may kêu gọi được thanh niên chúng tôi trở thành một lực lượng hùng hậu, là “cánh tay đắc lực” theo đúng nghĩa của nó, góp sức được nhiều hơn cho Tổ quốc, cho Nhân dân (tôi không muốn nói “cho Đảng” ở đây mặc dù là một Đảng viên, vì chỉ khi nào Đảng thật sự xứng đáng, tôi mới cống hiến hết mình cho Đảng).
Sau đây, tôi muốn trình bày những gì mà các vị đã, đang, và sẽ còn (âm mưu) tiếp tục bịp bợm chúng tôi:

1. Về chính trị, tư tưởng:

- Các phương tiện thông tin đại chúng suốt ngày ra rả rằng Việt Nam là một quốc gia có nền dân chủ đầy đủ, có một Nhà nước pháp quyền đúng nghĩa. Chúng tôi hiểu rằng một nền dân chủ đầy đủ phải đảm bảo những quyền tự do cơ bản cho con người: quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do tụ họp, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng – tôn giáo, tự do về cư trú, di dân,… Nhưng thực tế thì ngược lại, tôi chẳng thấy một quyền nào được đảm bảo đầy đủ, thậm chí có những quyền bị chà đạp nghiêm trọng. Có lẽ không cần nêu những ví dụ ra đây để minh chứng cho điều đó vì các vị là những người biết nhiều hơn cả. Còn Nhà nước pháp quyền đúng nghĩa phải có Tam quyền phân lập, nhưng ở Việt Nam tồn tại một thực trạng là Đảng đứng trên cả 3 cơ quan Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp – vô hình trung trở thành một thế lực siêu nhà nước. Chính vì thế mà có những việc đáng ra không phải của mình thì Đảng lại tự nhận, còn những việc thuộc chức năng của mình thì làm không đến nơi đến chốn. Điều này dẫn đến sự chồng chéo, kém hiệu quả trong quản lý và điều hành, gây hậu quả nặng nề và hết sức tai hại cho sự phát triển của đất nước. Chúng tôi cay đắng nhận ra rằng Tổ quốc mình đang đi thụt lùi so với bạn bè quốc tế mà nguyên nhân cơ bản không phải do Nhân dân tôi ngu dốt (ngược lại IQ rất cao!?). Các vị giải thích thế nào cho thực trạng này?
Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng tôi được giáo dục về chủ nghĩa Mác – Lênin, về phương hướng phấn đấu vươn lên trở thành Đoàn viên rồi Đảng viên Cộng sản, tin theo lý tưởng “Suốt đời phấn đấu – hi sinh vì chủ nghĩa Cộng sản”. Tôi nghĩ rằng đây là sự bịp bợm lớn nhất mà các vị dành cho thế hệ chúng tôi. Kể cả bây giờ, chứng kiến rất nhiều lễ kết nạp Đảng viên mới, tôi vẫn thấy các anh, các chị, các bạn đọc những đơn xin vào Đảng giống nhau, đều thề thốt trung thành với cái mà mình không biết là gì. Vậy tại sao các vị vẫn tiếp tục duy trì tình trạng này? Nếu không chỉ cho chúng tôi biết CNXH hay CNCS là cái gì thì mong các vị hãy đừng bắt chúng tôi đi theo những chủ thuyết đó, hãy thay thế bằng những mục tiêu, lý tưởng gần gũi mà nhân văn hơn, như các nước tiên tiến
– bạn bè của chúng ta – đang thực hiện theo chẳng hạn. Hay gần nhất với chúng ta là những luận điểm trong tư tưởng và đạo đức Bác Hồ cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Lại nói về tư tưởng và đạo đức Bác Hồ, Trung ương Đảng mà trực tiếp là Ban Tuyên giáo Trung ương phát động một cuộc vận động học tập và làm theo vô cùng rầm rộ. Đây lại là một sự bịp bợm rất lớn. Sở dĩ tôi nói thẳng đây là một cuộc vận động bịp bợm vì nó hết sức hao tiền tốn của mà không mang lại hiệu quả gì, hoàn toàn mang tính hình thức. Nhiều người trong số các tấm gương được tôn vinh trong giai đoạn thứ nhất của cuộc vận động (gọi là giai đoạn học tập) là những “tấm gương” mờ, thậm chí là những con người vô đạo đức. Chỉ riêng giai đoạn này đã ngốn không biết bao nhiêu tiền của, giấy mực, thời gian cho hội nghị, hội thảo, tuyên truyền, giáo dục, sơ tổng kết, viết bài thu hoạch,… mà nếu các vị có dịp chứng kiến có những đơn vị sau đợt sơ tổng kết đã bán giấy vụn các bài thu hoạch đóng hàng thùng lớn thì các vị mới hiểu, mình đã xúc phạm Bác Hồ kính yêu đến mức như thế nào.

2. Về giáo dục, đào tạo:

Có thể nói thẳng về tình trạng giáo dục nước nhà trong hơn 20 năm trở lại đây, xuất phát từ chính trải nghiệm của bản thân, là một nền giáo dục bịp bợm. Điều này thể hiện ở sự nhộm nhoạm, hỗn loạn, vô tổ chức vô kỷ luật, thầy không ra thầy, trò càng không ra trò, bất chấp cả những nguyên tắc cơ bản nhất của một nền giáo dục lành mạnh. Và kết quả: sản phẩm của nền giáo dục XHCN của nước nhà đa phần là những người bất tài (đến giờ phút này, đau đớn thay tôi nhận ra mình cũng là kẻ nằm trong số đó), vô dụng, cơ hội, lưu manh,… số khá hơn thì tìm mọi cách để được “tỵ nạn giáo dục” ở những nước phát triển.
Các vị có thấy tình cảnh này không? Tôi biết chắc là có, nhưng các vị vẫn để như thế dù về hình thức đang tiến hành những biện pháp cải cách tào lao, lòng vòng, tiếp tục tiêu tiền của Nhân dân cho những dự án giáo dục vô bổ. Và tôi có cảm giác, các vị đang cố gắng khuấy cho vũng nước giáo dục ngày càng đục lên để các vị, bạn bè và người thân các vị dễ dàng trục lợi. Còn con cháu các vị, không có gì phải lo cả vì chúng đã được cha mẹ, ông bà cho đi “tỵ nạn” cả rồi.
Có đau lòng không khi những kẻ vô học đi tuyển sinh những người có học (không tin, các vị cứ đến các trung tâm tuyển sinh mà hỏi, có kẻ nào làm công tác tuyển sinh mà không nhà lầu xe hơi, sống xa hoa trên sự đóng góp của thí sinh và gia đình họ trong khi không có trình độ tối thiểu để hiểu được chuyên ngành mình tuyển sinh đào tạo về cái gì, để rồi sau tuyển sinh, họ thực hiện phương châm “đem con bỏ chợ”, “sống chết mặc bay”). Có đau lòng không khi sinh viên tốt nghiệp ra trường, đa phần thất nghiệp hoặc không làm đúng chuyên môn. Có đau lòng không khi đi tuyển dụng, các doanh nghiệp thờ ơ với những người có bằng cấp cao vì theo họ không thể trả lương cao cho những kẻ chỉ có bằng cấp. Có đau lòng không khi có những thầy cô giáo hết lòng vì học trò thì bị bạc đãi, tích cực đấu tranh với tiêu cực thì bị vùi dập để phải từ bỏ niềm vinh quang được đứng trên bục giảng. Tôi gọi đây là một nền giáo dục bịp bợm chắc vẫn đang còn nhẹ vì nhiều người đã gọi đây là nền giáo dục vô nhân đạo.

3. Về kinh tế – xã hội và khoa học công nghệ:

Không được học nhiều về kinh tế nhưng tôi biết thực trạng kinh tế nước nhà không giống như những gì hay được xem, được nghe trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống. Các số liệu đẹp đẽ được đưa ra không đủ để khỏa lấp nỗi lo lắng ngày càng tăng của Nhân dân khi lạm phát vào bão giá như con bạch tuộc giơ những chiếc vòi gớm ghiếc vào tận bữa cơm của những gia đình nghèo. Tôi có cảm tưởng sự điều hành của các cơ quan Nhà nước không hề có vai trò gì ở đây, nếu có cũng chỉ là ngụy biện, bịp bợm cho tình trạng ngày càng tồi tệ của nền kinh tế. Các vị đừng lấy bối cảnh của vài chục năm trước ra so sánh với bây giờ để kết luận chúng tôi sướng hơn thế hệ cha anh bởi ai trong chúng tôi cũng hiểu, mức sống cao hơn không có nghĩa là chúng ta sống tốt hơn. Mà ngược lại, với cách điều hành nền kinh tế “tài ba” như hiện nay, các vị đang làm cho đất nước này từ chỗ “rừng vàng biển bạc” trở nên cạn kiệt tài nguyên (tức là không còn gì cho con cháu), ô nhiễm môi trường trầm trọng, phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ nét, xã hội hỗn loạn với đủ các loại tội phạm, thiên tai dịch bệnh hoành hành, tai nạn giao thông trở thành vấn đề thường nhật, y tế và các dịch vụ công thì trì trệ, đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng, tình cảm tốt đẹp giữa người với người đang dần bị thay thế bằng mối quan hệ dựa trên đồng tiền, không ít người dân và gia đình của họ bị bần cùng hóa do chính sách đất đai và hướng nghiệp, biến thành những tên Chí Phèo thời hiện đại… Có người đã nói không ngoa rằng sống ở Việt Nam không khác gì đem số mệnh của mình ra để đánh bạc. Vậy những gì các vị đang tuyên truyền tích cực nào là “kinh tế phát triển nhanh và bền vững”, “xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” hay “tình hình trong nước ổn định, yên bình”,… không phải là sự bịp bợm thì là gì?

Cũng chính nhờ những chính sách điều hành của các vị mà chúng tôi đang được sống trong một đất nước có nền Khoa học – Công nghệ ở hàng dưới đáy của nhân loại mặc dù trí tuệ con người Việt Nam chắc chắn không phải là kém. Tôi từng xấu hổ vô cùng khi phải nói với học trò của mình rằng nền Khoa học kỹ thuật của nước nhà không chế tạo được sản phẩm nào ra hồn, rằng chúng ta đang đi sau chính những nước trong khu vực tới hàng chục năm, còn đi sau những nước phát triển không biết bao nhiêu năm nữa. Bằng chính sách giáo dục như trên đã nói, tôi không hiểu rồi đến bao giờ chúng ta mới có được một nền khoa học – công nghệ và kỹ thuật đủ sức cạnh tranh với họ. Vậy những điều các vị rêu rao về “đi tắt đón đầu”, “đi thẳng vào hiện đại”,… không là bịp bợm thì là gì?

4. Về quốc phòng – an ninh

Là sỹ quan quân đội, tôi có đủ cơ sở để kết luận rằng những chủ trương, chính sách của các vị về quốc phòng – an ninh phần lớn là những chủ trương, chính sách mang tính bịp bợm.
Bịp bợm trước hết là bịp bợm về kẻ thù. Trong những năm gần đây, chúng tôi công nhận là với xu hướng hội nhập, chúng ta đang ngày càng thêm bạn bớt thù. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta đã hết kẻ thù. Việc xác định bạn – thù là một vấn đề hết sức trọng đại, mang tính sống còn để từ đó, xây dựng được chiến lược quốc phòng – an ninh đúng đắn, xác định được mục tiêu của công tác huấn luyện bộ đội cho phù hợp với đặc trưng của đối tượng tác chiến. Thế nhưng, hiện nay các vị đang tính bịp bợm chúng tôi rằng “anh bạn” láng giềng phương Bắc – một “anh bạn” được tô vẽ với những “4 tốt” và “16 chữ vàng” – là một anh bạn đúng nghĩa “môi hở răng lạnh”. Nhưng với những gì mà Trung Quốc đang làm mà tôi có thể liệt kê ra đây:

+ Luôn âm mưu xâm chiếm lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam,
+ Bắt bớ, giam cầm, tra tấn, đòi tiền chuộc (không khác gì cướp biển) đối với ngư dân của ta trên lãnh hải của ta,
+ Luôn âm mưu phá hoại nền kinh tế của ta,
+ Âm mưu đồng hóa văn hóa và làm thui chột giống nòi của ta,
+ Âm mưu bòn rút cạn kiệt tài nguyên của ta,
+ Can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Đảng và Nhà nước ta thì chúng tôi có đủ cơ sở để khẳng định, chính Trung Quốc chứ không phải ai khác đang là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất đối với nền quốc phòng – an ninh của ta. Vì vậy, các vị đừng cố tình bịp bợm những người lính chúng tôi về vấn đề này nữa.

Bịp bợm tiếp theo là bịp bợm về chính sách đãi ngộ đối với quân nhân. Các vị cho xây dựng trụ sở làm việc hoành tráng (đương nhiên bằng tiền của Nhân dân), phong quân hàm sỹ quan cao cấp búa xua, vô nguyên tắc (chính sách thay đổi xoành xoạch hàng năm) nhằm ru vỗ chúng tôi. Nhưng thực tế thì trụ sở làm việc hoành tráng nhưng lãng phí, vô dụng, không góp phần nâng cao chất lượng công tác mọi mặt trong quân đội. Việc phong quân hàm cho tướng tá không làm cho đời sống của đại đa số sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan chiến sỹ khá hơn mà chủ yếu tạo ra kẽ hở cho việc tham nhũng, chạy chức chạy quyền tràn lan ngay trong một môi trường được xem là kỷ luật nghiêm minh. Đời sống của cán bộ chiến sỹ khó khăn cộng với công tác tuyển dụng, công tác cán bộ – quân lực, công tác đào tạo nhiều bất cập dẫn đến ngày càng có nhiều cán bộ chiến sỹ tha hóa, biến chất, tham gia các tệ nạn xã hội thậm chí trở thành tội phạm nghiêm trọng mà báo chí gần đây đã đưa tin. Đại đa số chiến sỹ sau khi hết nghĩa vụ quân sự trở thành thất nghiệp, lông bông, thậm chí trở thành xã hội đen, tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn của quá trình bần cùng hóa, biến thành những tên Chí Phèo phá hại làng xóm. Các vị còn muốn bịp bợm chúng tôi đến bao giờ nữa?

Cuối cùng, việc bịp bợm không chỉ dừng lại ở đó. Thời gian gần đây, các vị đang thực hiện một âm mưu mà tôi cho là độc ác và bạo tàn. Đó là các vị đang muốn biến những người lính của Quân đội Nhân dân anh hùng trở thành những công cụ bạo lực, quay mũi súng chống lại chính đồng bào thân yêu của mình, nhằm phục vụ những mưu đồ ăn cướp của các vị. Tôi xin nói để các vị rõ, chúng tôi từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu. Lý tưởng cao đẹp nhất của chúng tôi là phụng sự Tổ quốc, hiếu thảo với Nhân dân. Lời thề cao nhất mà cán bộ chiến sỹ chúng tôi tâm niệm, cao hơn nhiều so với 10 lời thề chúng tôi vẫn đọc khi chào cờ, đó là: tự bản thân mình, chúng tôi sẽ không làm tổn thương bất kỳ ai. Nhưng nếu có kẻ nào, thế lực nào âm mưu xâm hại đến Tổ quốc của chúng tôi, xâm hại đến Nhân dân chúng tôi thì chúng tôi sẵn sàng bắn thẳng vào đầu chúng mà không bao giờ phải ân hận vì điều đó. Vậy các vị có còn muốn bịp bợm chúng tôi nữa hay thôi? Nếu các vị vẫn còn âm mưu những điều đen tối chống lại Tổ quốc, chống lại Nhân dân, chúng tôi sẽ không ngần ngại quay mũi súng về chính các vị. Nhân dân và Lịch sử sẽ luôn đứng bên chúng tôi.
Với tất cả những gì đã nói ở trên, một lần nữa, tôi mong các vị hãy đừng cố gắng bịp bợm chúng tôi thêm nữa. Chúng tôi đã quá rõ bộ mặt thật của các vị rồi và chúng tôi không muốn mình được dắt đi bởi những kẻ vừa MÙ, vừa ĐIẾC mà nhất là lại VÔ LƯƠNG TÂM. Đừng coi thường thế hệ trẻ chúng tôi!

(Một bạn đọc xin được giấu tên vì nhiều lý do nhậy cảm).


Muốn coi dĩa lậu “ây si a”
Đi tù đừng oán, công an tới nhà

image
"tê tê & tê dế"

Ơ hay “độc lập tư ro”
Ba gờ (3G) coi trộm biết mò đường mu?

image
Phó thường dân




No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.