Monday, June 6, 2011

Dư âm cuộc phản đối TQ ở Asean

image
Giới trẻ Việt Nam tuần hành phản đối Trung Quốc tại Sài Gòn

Trong lúc dư âm của hai cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc chưa lắng với các câu hỏi cho nội tình Việt Nam, bình luận bên ngoài đã bắt đầu đánh giá ván cờ mới ở Đông Nam Á.
Lần đầu tiên, một quan chức quốc phòng cao cấp của Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nói rằng để thành công, các nước Asean phải "đoàn kết" trong chủ đề Biển Đông.
Đó cũng là điều các nước trong bộ ba Việt Nam, Indonesia và Philippines đang cố gắng làm để ngăn ngừa kế hoạch kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc.
Nhưng thành công nhờ đoàn kết lại chính là điều khối dư luận người Việt trong và ngoài nước đã đạt được để có cuộc biểu tình hiếm có một cách hợp pháp tại Hà Nội và TPHCM hôm qua 5/6.

Tuy thế, cũng chưa rõ sự hội tụ của các nhóm vận động dư luận khác nhau, gồm cả những trí thức trong và ngoài hệ thống của Nhà nước Việt Nam, giới trẻ nhiệt huyết và cả một số hội đoàn ủng hộ dân chủ và phản đối Đảng Cộng sản qua khẩu hiệu chống Trung Quốc, sẽ kéo dài được bao lâu.
Điều quan trọng là không rõ làn sóng vận động dư luận này có lan sang các chủ đề khác hay chỉ gói gọn ở phạm vi được bật đèn xanh là "Trung Quốc, biển, đảo và lãnh thổ"?

Ba kiểu khác nhau
Còn với bên ngoài, sự kiện hội nghị Shangri-La và hai cuộc biểu tình ở Việt Nam sẽ còn đặt ra nhiều câu hỏi cho báo chí.
Như bình luận của Austin Ramzy hôm nay 6/6 trên trang Time, giới quân sự Trung Quốc qua lời Tướng Lương Quang Liệt khi đến dự họp ở Singapore, cũng "cố gắng trấn an các nước láng giềng".
Và thông điệp đó còn được Trung Quốc muốn gửi tới Hoa Kỳ chứ không chỉ Asean.
Mới tháng trước, Tướng Trần Bính Đức của Trung Quốc đã đọc một bài diễn văn "đầy tính hòa bình" ở Washington, nói họ không muốn thách thức Hoa Kỳ.

Có thể cũng vì thế mà Bộ trưởng Robert Gates yên tâm đến Singapore tuần qua để gặp đối tác Trung Quốc trong thái độ hạ nhiệt ở Biển Đông.
Hoa Kỳ cũng biết rằng sau khi tuyên bố có "quyền lợi cốt lõi" trong an ninh hàng hải Đông Nam Á, họ cũng không thể làm nhiều hơn với cục diện Asean bản thân chưa đoàn kết toàn bộ - như mong muốn của Tướng Nguyễn Chí Vịnh - trước sức mạnh Trung Quốc.
Vì đứng trước Trung Quốc, chỉ có ba nước Indonesia, Philippines và Việt Nam và kiên quyết lên tiếng hơn cả.

Trang Nation/Asia News ở Thái Lan cũng hôm nay 6/6 có bài cho rằng bên cạnh Việt Nam, có Philippines là nước gần đây nhất cử phi cơ ra đuổi tàu Trung Quốc sau một vụ họ cho là "xâm phạm" của phía Trung Quốc tại vùng Trường Sa.
Các nước Thái Lan, Singapore và Malaysia vì các lý do khác nhau đang đắn đo và muốn kiếm lợi hơn là làm tổn hại quan hệ với Trung Quốc.
Ba nước Campuchia, Lào và Miến Điện thì bị bài báo này coi là gần gũi và chịu ảnh hưởng mạnh của Trung Quốc.
Chính quyền Miến Điện được sự ủng hộ mật thiết từ chính giới tại Bắc Kinh trong bối cảnh bị Phương Tây cô lập.
Tại Lào, các dự án không lồ về cơ sở hạ tầng đều do Trung Quốc chi tiền và một cộng đồng di dân Trung Quốc ở đây đang ngày càng lớn mạnh.
Thủ tướng Hun Sen của Campuchia thì đã làm thân với Trung Quốc ngay sau khi Campuchia vào Asean.

image

Philippines đã phản đối mạnh mẽ vụ họ cho là Trung Quốc "xâm phạm" tại Trường Sa
Quan hệ quốc phòng của Phnom Penh với Bắc Kinh cũng khá mật thiết.
Nhưng công bằng mà nói, ba nước này không hề có liên hệ gì đến cuộc tranh chấp ngoài Biển Đông nên Hà Nội, Jakarta và Manila khó mong họ ủng hộ mình.
Trong các nước có tranh chấp biển, thái độ của Malaysia hiện bị cho là muốn kiếm lợi bằng cách làm thân với Trung Quốc, theo bài báo.
Đặc biệt, Malaysia hiện đang có các dự án riêng để cùng Trung Quốc khai thác khí đốt ở Biển Đông, theo như tin tức của hãng Bernama từ Kuala Lumpur thời gian qua.

Đều cần thận trọng
Nhưng bài báo trên The Nation/Asia News còn nhắc đến lý do vì sao cả ba nước Malaysia, Singapore và Thái Lan đều không thể quá làm căng với Trung Quốc.
Không thể Singapore có đa số dân gốc Hoa, tại Thái Lan và Malaysia, cộng đồng gốc Hoa có vị trí quan trọng trong kinh tế và tác động đến chính giới, khiến ảnh hưởng của Trung Quốc là không thể bỏ qua.
Ngược lại, Trung Quốc cũng không thể quá tự tin trong việc tác động đến các nước Asean chịu ảnh hưởng của họ.
Tại chính Malaysia, Thủ tướng Najib Razak đang đồng thời mạnh mẽ kết nối với Hoa Kỳ, và chính nhờ sự tự tin đến từ quan hệ đó, ông đang "chơi lá bài Trung Quốc - Mỹ" rất tốt.
Lãnh đạo Singapore từ lâu nay tự cho mình vai trò là người diễn giải các vấn đề của Trung Quốc cho toàn thế giới.
Nhưng với Trung Quốc lớn mạnh trên toàn cầu, vai trò đó đã giảm dần đi và Singapore luôn biết sức mạnh của họ đến từ tính thực tiễn chứ không phải là nhờ đứng hẳn về bên nào.
Ngay cả với Miến Điện, nước từng có vấn đề do các nhóm phiến quân gốc Hoa gây ra, lãnh đạo Miến sẽ tìm cách đa dạng hóa quan hệ để giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc.
Bài báo cũng cho rằng trong quan hệ Trung Quốc - Asean, vai trò điều hòa của Indonesia hiện rất quan trọng.
Là nước Hồi giáo đông dân nhất thế giới, tiếng nói của Jakarta ngày càng có uy tín trên toàn cầu.
Chính thái độ ôn hòa của lãnh đạo Indonesia sẽ quyết định việc thế giới bên ngoài đánh giá Trung Quốc ra sao.
Năm tới là năm Campuchia sẽ làm chủ tịch Asean và sẽ đóng một vai trò "tế nhị" trong việc điều khiển hướng đi của quan hệ Trung Quốc với Asean.
Trong lúc Asean không ngừng cân nhắc những bước đi của mình, sẽ không có gì lạ khi Hoa Kỳ vẫn giữ tiếng nói "điều hòa" trong cả khu vực, và đây cũng là điều các nước trong vùng mong Washington tiếp tục làm.

image
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Robert Gates tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La tháng 6/2011 ở Singapore

'Mong TQ thực hiện những gì đã tuyên bố'

image

Tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Philippines đã lên tiếng mạnh mẽ về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có tiếng nói cứng rắn về Trung Quốc như vậy tại một diễn đàn quốc tế công khai.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đọc bài diễn văn khá ngắn gọn trong khuôn khổ tham luận chung với chủ đề 'Đối phó với các thách thức an ninh hàng hải mới' cùng bộ trưởng quốc phòng Malaysia và Philippines.
Bài phát biểu của ông Thanh chỉ sau bài diễn văn của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt chừng nửa tiếng, và trong khi ông đại tướng trình bày tới cử tọa quốc tế quan điểm của Việt Nam, thì tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các cuộc tuần hành phản đối chính sách của Trung Quốc vẫn còn đang tiếp tục.
Bộ trưởng Lương, người từng dẫn đầu đoàn quân tiến vào quảng trường Thiên An Môn đúng 22 năm trước, nhấn mạnh trong phát biểu của mình về các nguyên tắc chỉ đạo chính sách quốc phòng Trung Quốc.
Nguyên tắc đầu tiên, theo ông Lương Quang Liệt, là bảo vệ 'lợi ích cốt lõi' của Trung Quốc, mà ông diễn giải là những gì liên quan tới chủ quyền lãnh thổ và ổn định chính trị của nước này.
Không coi trọng lợi ích cốt lõi của nhau, ông Lương cảnh báo, thì "cũng không thể có mức độ hòa bình tối thiểu".
Đã không chỉ một lần giới chức Trung Quốc đề cập tới vấn đề chủ quyền Biển Đông, nói đây là một trong các 'lợi ích cốt lõi' của Trung Quốc.
Bộ trưởng Lương Quang Liệt khẳng định Trung Quốc luôn cam kết giữ gìn an ninh ổn định ở Biển Đông, và "nhìn chung tình hình tại đây khá ổn định".

Hà Nội và Manila phản pháo
Sau khi ông Lương Quang Liệt rời diễn đài, bộ trưởng quốc phòng ba nước Asean là Malaysia, Việt Nam và Philippines đăng đàn.
Đại tướng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Voltaire Gazmin của Philippines đều mạnh dạn đề cập tới các trường hợp mà họ gọi là "các vụ việc gây bất ổn trên Biển Đông".

image
Bộ trưởng Lương Quang Liệt nói Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực

Bộ trưởng Thanh nói về vụ tàu hải giám gây hấn với tàu khảo sát Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí PetroVietnam. Sau đó trong phần trả lời câu hỏi, ông còn nhắc tới vụ việc hồi năm 2010, khi Việt Nam khảo sát để lập hồ sơ trình Liên Hiệp Quốc về thềm lục địa mở rộng, thì cũng bị tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò.
Về phần mình, Bộ trưởng Gazmin nhắc tới các sự kiện gần đây khi tàu của Philippines cũng bị tàu Trung Quốc uy hiếp, và đáng lo ngại nhất là vụ Trung Quốc dựng cột sắt và đổ vật liệu xây dựng xuống rặng Amy Douglas Bank của Philippines hôm 21/05-24/05.
Ông Gazmin nói các hành động trên khiến người dân Philippines 'hết sức lo ngại'.
Đại tướng Phùng Quang Thanh thì bày tỏ: "Chúng tôi mong muốn Trung Quốc thực hiện đúng những gì họ tuyên bố công khai với thế giới" và kêu gọi "hai bên phải hết sức kiềm chế, giải quyết các vấn đề một cách hòa bình".
Phần trả lời câu hỏi của ông bộ trưởng quốc phòng Việt Nam đã được cử tọa, bao gồm nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, bình luận là "thẳng thắn và mạnh mẽ một cách hiếm thấy".
Thí dụ, ông nói về đàm phán lãnh thổ tại Biển Đông, và khẳng định quan điểm của Việt Nam là "chỗ nào liên quan hai nước thì đàm phán song phương, nhưng chỗ nào liên quan nhiều nước thì phải đàm phán đa phương".
"Quần đảo Trường Sa và đường yêu sách chín đoạn liên quan tới nhiều nước, thì phải đàm phán đa phương."
Ông Phùng Quang Thanh cũng đề cập tới lệnh cấm đánh bắt hàng năm mà Trung Quốc đưa ra, rằng lệnh này Trung Quốc tuyên bố áp dụng cho cả những vùng biển của Việt Nam.
"Chúng tôi không đồng tình với việc này, và đã phản đối qua con đường ngoại giao. Các tuyên bố đưa ra cần thể theo luật pháp quốc tế."

Cảnh báo
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh thừa nhận đã có một số vụ ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển của nước ngoài, "nhưng cũng có những vụ ngư dân nước ngoài vi phạm vùng biển của Việt Nam".
Xây dựng quân đội mạnh để bảo vệ hòa bình, để ai đó có ý đồ xâm chiếm Việt Nam cần để ý tới yếu tố này.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh
"Để xử lý, chúng ta cần ứng xử bằng luật pháp quốc tế, một cách láng giềng, hữu nghị và nhân đạo, không xâm phạm thân thể và vật chất của ngư dân."
Trả lời câu hỏi về các động thái hiện đại hóa quốc phòng, đặc biệt là việc mua sáu tàu ngầm hạng Kilo của Nga, ông Thanh nói: "Đúng là chúng tôi đã ký hợp đồng mua sáu tàu ngầm Kilo 636 của Nga, và việc này hoàn toàn công khai minh bạch".
Ông khẳng định "đây là việc làm bình thường" phục vụ mục tiêu xây dựng và bảo vệ đất nước.
"Xây dựng quân đội mạnh để bảo vệ hòa bình, để ai đó có ý đồ xâm chiếm Việt Nam cần để ý tới yếu tố này."
Bình luận về các phát biểu của hai bộ trưởng Việt Nam và Philippines, giới quan sát nước ngoài cho rằng "các căng thẳng mới ở Biển Đông đã trào lên bàn hội nghị" Shangri-La.
Một nhà ngoại giao Nam Hàn, đề nghị giấu tên, nói "Việt Nam đã tỏ thái độ không khoan nhượng".
Tiến sỹ Ian Storey, chuyên gia về an ninh Biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nói độ nghiêm trọng của các vụ việc mới xảy ra đã khiến các nước như Philippines và Việt Nam không thể tiếp tục nhẹ giọng.
"Nếu quả những gì cáo buộc là sự thực, nhất là việc Trung Quốc được nói đã xây cất tại khu bãi cạn của Philippines, thì đây là các vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên (DOC 2002) mà Asean đã ký với Trung Quốc."
"Nói cách khác, DOC đã thất bại không cứu vãn nổi."

Hàng trăm người biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam
   Chủ nhật, 05 tháng 6 2011

image
Người dân Việt Nam biểu tình chống trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội,

Hàng trăm người biểu tình hôm nay tập trung trước tòa đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội, yêu cầu Trung Quốc tránh xa các vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Công an đã để cho đám đông, đa số là giới trẻ, biểu tình ôn hòa một lúc trước khi giải tán họ.

Một thanh niên tham gia cuộc biểu tình ở Hà Nội ngày 5/6 cho đài VOA Việt Ngữ biết thêm chi tiết:
“Khoảng 8 giờ sáng, rất đông sinh viên và bà con tập trung trước khu vực vườn hoa đối diện đại sứ quán Trung Quốc. Lực lượng an ninh cũng rất đông, khoảng 400, 500 người, cũng tương đương với số người biểu tình. Chừng 8:30, lực lượng an ninh bắt đầu ép người biểu tình đi ra khỏi vườn hoa, và họ cứ ép dần dần. Đoàn biểu tình lúc đó tách ra thành những nhóm nhỏ. Một nhóm rất lớn đi về phía bờ hồ. Một số vẫn đứng lại rải rác. Sau đó, mọi người tập trung tới chỗ một nhóm sinh viên cầm băng-rôn lớn. Năm mười phút sau, lực lượng cơ động lại ra, ép bà con đi. Thế là chúng tôi tuần hành dọc theo đường Trần Phú hướng về phía đường Tràng Thi. Trên đường đi, mọi người cứ tham gia và đoàn tuần hành lớn dần lên tới hàng trăm người, đi rất lâu. Khi đi tuần hành như thế, chúng tôi không thấy có người bị bắt giữ. Công an có chặn đường, bảo là đường này không đi được, thì chúng tôi lại rẽ vào các đường nhỏ chúng tôi đi. Khi đoàn chúng tôi gặp đoàn tuần hành từ bờ hồ đi lại, chúng tôi cùng nhập chung quay trở lại phía đại sứ quán Trung Quốc. Đến 11:15 mọi người dần dần giải tán. Tôi không thấy có vụ việc nào đáng tiếc xảy ra.”

Trong khi đó, nhiều người trẻ tại miền Nam cũng tập trung trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Sài Gòn để khẳng định tuyên bố Trường Sa-Hoàng Sa là của Việt Nam. Một bạn trẻ có mặt trong đoàn biểu tình thuật lại với Ban Việt Ngữ đài VOA:
“Đầu tiên có một nhóm vô được trước lãnh sự quán thì bị cô lập. Một nhóm khác vô được tới gần lãnh sự quán bị đẩy ra thì quay ra tuần hành. Chúng tôi tuần hành qua đường Pasteur, nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành, công viên Tao Đàn, và vòng ngược lại lãnh sự quán Trung Quốc. Đoàn này đi cả ngàn người. Những người xung quanh khu vực bị phong tỏa, đứng ở ngoài, cũng rất đông. Còn nhóm chính đứng trước lãnh sự quán khoảng 300 người. Lực lượng an ninh rất nhiều. Không xảy ra chuyện đáng tiếc, an ninh chỉ có ngăn cản không cho chúng tôi băng qua những hàng rào thôi, chứ không có sự việc gây hấn với người biểu tình. Tới khoảng 12 giờ trưa, mọi người bắt đầu tan hàng, nhưng nhóm tuần hành vẫn đi tiếp. Nói chung không khí rất sôi động. Những người đi đường nhìn thấy, họ cũng rất phấn khởi. Có nhiều người chảy nước mắt vì những hành động bày tỏ lòng yêu nước của thanh niên Việt Nam.”

Cuộc biểu tình hiếm hoi ở Việt Nam diễn ra sau khi giới hữu trách Việt Nam tố cáo một tàu hải giám Trung Quốc cố ý cắt dây cáp thăm dò của tàu dầu khí thuộc Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam hồi tháng rồi khi con tàu đang tiến hành các cuộc khảo sát trong lãnh hải tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa mà Việt Nam gọi là Biển Ðông.

Các cuộc biểu tình này đáp lại lời kêu gọi của cư dân mạng được loan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội như Facebook, tin nhắn điện thoại, và nhật ký điện tử.

VN kiên quyết giữ vững lập trường trong vụ tranh chấp Biển Đông
   Thứ Hai, 06 tháng 6 2011

image
Tàu thăm dò dầu khí Bình Minh 02 của Việt Nam bị tàu Trung Quốc cắt dây cáp, phá hoại thiết bị thăm dò

Hãng thông tấn Đức DPA ngày 6/6 trích lời giới hữu trách Việt Nam khẳng định giữ lập trường trong vụ tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông và quyết định tiếp tục cho tàu thăm dò địa chấn tại vùng biển mà Hà Nội nói thuộc khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Ông Đỗ Văn Hậu, Phó Tổng giám đốc PetroVietnam, cho biết tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia đã ra khơi hôm Chủ nhật 5/6 tiếp tục công tác sau khi được tu dưỡng bảo trì sau vụ tàu hải giám Trung Quốc phá hoại thiết bị thăm dò ngày 26/5.

Tàu Bình Minh 02 đang hoạt động gần quần đảo Trường Sa.

Ngày 5/6, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, khẳng định tàu thăm dò dầu khí Việt Nam không hoạt động trong khu vực có tranh chấp mà đó là vùng hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam.

Bản tin điện tử Platts cho biết ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ, nói rằng Việt Nam quyết tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và cam kết đảm bảo an toàn cho giới đầu tư khi hợp tác thăm dò dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng cho hay Việt Nam tăng cường số tàu hải quân tháp tùng tàu Bình Minh 2 từ 3 chiếc trước đây lên thành 8 chiếc.

Nguồn: DPA, Platts
TQ trấn an các nước láng giềng có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông
Thứ Hai, 06 tháng 6 2011

image
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt nhấn mạnh Bắc Kinh không theo đuổi mục tiêu mà ông gọi là quyền bá chủ và không bao giờ đe dọa bất kỳ quốc gia nào

Theo tin Bloomberg ngày 6/6, Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt của Trung Quốc khẳng định Trung Quốc giữ vững cam kết duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Nam Trung Hoa (mà Việt Nam gọi là Biển Ðông) và các kênh liên lạc giao tiếp với các nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền ở khu vực này vẫn không có gì trở ngại.

Vẫn theo lời người đứng đầu ngành Quốc phòng của Trung Quốc, nhiều người tin rằng cùng với sự phát triển kinh tế của Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ trở thành một mối đe dọa quân sự nhưng đây không phải là một sự lựa chọn của Trung Quốc.

Ông Lương Quang Liệt nhấn mạnh Bắc Kinh không theo đuổi mục tiêu mà ông gọi là quyền bá chủ và không bao giờ đe dọa bất kỳ quốc gia nào. Ông Lương nói rằng hoạt động củng cố quân sự của Trung Quốc là nhằm phục vụ nhu cầu tự vệ chính đáng.

Liên quan lời phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về các vấn đề Việt Nam thuộc đại học New South Wales ở Australia nhận xét:
“Trung Quốc lặp đi lặp lại những lời phát biểu rằng khu vực tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa thuộc chủ quyền không thể chối cãi của họ, các tàu của họ phản ứng một cách bình thường, họ không vi phạm luật quốc tế, và rằng họ muốn giải quyết mọi việc trong hòa bình, nhưng thực tế họ không làm gì để giải quyết các vấn đề gây căng thẳng mà ngược lại còn có những hành động đơn phương như cấm đánh bắt cá ở khu vực này.”
Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc bên lề Cuộc đối thoại Shangri La lần thứ 10 diễn ra ở Singapore cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh nhấn mạnh sự cố xảy ra với tàu Bình Minh 02 đã gây phẫn nộ tại Việt Nam và đề nghị hai bên không nên để những vụ việc tương tự tái diễn.

Đáp lại, Bộ trưởng Lương Quang Liệt khẳng định hải quân Trung Quốc không can dự vào vụ việc ngày 26/5.

Nguồn: Bloomberg, The Manila Standard Today, VOA's Interview
'Việt Nam sẽ làm tất cả để bảo vệ chủ quyền'
"Việt Nam yêu chuộng hòa bình, nhưng khi đứng trước nguy cơ mất chủ quyền thì nhân dân Việt Nam sẽ làm tất cả để bảo vệ nó", Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh trả lời VnExpress ngay sau khi trở về từ Hội nghị An ninh châu Á.
- Trong phát biểu chính thức tại Hội nghị An ninh châu Á vừa qua, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã đề cập đến vụ Bình Minh 02 như là một ví dụ cho thấy những phức tạp mới nảy sinh trên biển Đông. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
- Hội nghị An ninh Châu Á lần này có sự tham dự của một Tổng thống, 2 Thủ tướng, 28 Bộ trưởng Quốc phòng và gần 2.000 quan chức quốc phòng, học giả… Tại diễn đàn, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã có bài phát biểu ở phiên thứ 5 về “Đối phó thách thức an ninh mới trên biển”. Dư luận đánh giá đây là bài phát biểu tốt, ở tầm cao chiến lược và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển, ổn định của khu vực.
Vụ tàu Bình Minh 02 đã được đưa vào phát biểu chính thức tại Hội nghị. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng trả lời câu hỏi của nhiều đại biểu, khẳng định sự sai trái của Trung Quốc trong sự việc này. Việc tàu hải giám của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vào sâu tới hơn 80 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế là điều không chấp nhận được trong bất cứ văn bản luật pháp nào. Đồng thời, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nhắc lại chủ trương Việt Nam trên biển Đông là kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế và công khai minh bạch để cộng đồng thế giới phân biệt đúng sai.

image
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

- Đáp lại phản ứng của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, phía Trung Quốc cho rằng, đây là hoạt động chấp pháp bình thường và quân đội Trung Quốc không hề tham gia. Ông bình luận gì về phản ứng này?
- Tôi muốn khẳng định, vụ tàu hải giám Trung Quốc vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam là hành động xâm phạm trắng trợn. Đó là vụ hành xử bằng bạo lực, hành động bạo lực khoác áo dân sự. Hành động này của phía Trung Quốc chứng tỏ một điều chính người gây hấn cũng không có cơ sở pháp lý để giải quyết mà phải sử dụng đến bạo lực để phá hoại một hoạt động lao động hoà bình trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Sự việc này lại diễn ra sau một loạt hoạt động ngoại giao quan trọng của Trung Quốc, ngay trước thềm Hội nghị An ninh châu Á. Vì thế, đây còn là sự thách thức dư luận quốc tế. Cộng đồng quốc tế phải có trách nhiệm bảo vệ chân lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, không cho ai xé rào khỏi luật pháp.
- Thưa ông, những đối thoại và phát biểu chính thức tại Shangri La của các nước không thấy đề cập đến vụ việc tàu Bình Minh 02. Tại sao các nước ASEAN chưa nhìn nhận đây là vấn đề khu vực, chứ không chỉ là vấn đề Trung Quốc - Việt Nam?
- Đối với Việt Nam, hành động gây hấn vừa rồi của Trung Quốc là xâm phạm chủ quyền. Nhưng đối với quốc tế thì cần phải hiểu hành động này là phép thử để Trung Quốc biến cái gọi “đường 9 khúc” thành hiện thực. Và nếu các nước làm ngơ thì lợi ích của họ cũng sẽ bị xâm phạm. Nếu không làm cho phía Trung Quốc chấm dứt ý định đó, thì có thể những sự việc tương tự sẽ tiếp tục xảy ra. Vấn đề sẽ là sự việc xảy ra ở đâu, vào lúc nào, với ai, ở mức độ nào thôi.
Theo nhìn nhận của tôi, có lẽ đến thời điểm diễn ra Hội nghị, sự việc còn quá mới, các đại biểu chưa nắm đầy đủ thông tin, chưa hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Tôi tin rằng, sau những thông điệp của phía Việt Nam, các nước nhất là trong khối ASEAN sẽ nhìn nhận vấn đề này đúng bản chất hơn: Xuất hiện một nguy cơ là Trung Quốc đang đặt ra khuôn phép mới, cách hành xử mới với các nước trong khu vực để hiện thực hoá cái gọi là “yêu sách về đường 9 khúc”. Hôm nay là Việt Nam thì ngày mai sẽ là nước khác. Tôi cho rằng, các nước trong khu vực phải xem xét lại đúng hay sai với tư cách là đối tượng trong tương lai.
- Trong bối cảnh các nước còn đang phân tán trong đánh giá, với tư cách là tướng quân đội, Việt Nam sẽ làm gì để sự việc Bình Minh 02 không tái diễn, thưa ông?
- Chúng ta sẽ áp dụng mọi biện pháp để duy trì sự ổn định và giữ chủ quyền, trong đó biện pháp nhất quán, cơ bản, lâu dài là giải quyết trong hoà bình. Chiến tranh là điều không ai muốn, tuy nhiên khi sự việc leo thang thì chúng ta cũng sẽ hành động chứ không thể ngồi im.
Hôm qua, tàu Bình Minh 02 tiếp tục ra khơi làm nhiệm vụ và việc chúng ta tăng cường đến 8 tàu bảo vệ cũng là một hành động cụ thể để ngăn chặn những hành vi xâm phạm khu đặc quyền kinh tế. Quân đội không trực tiếp tham gia. Tuy nhiên sẽ quân đội sẽ theo dõi sát sao để tránh xảy ra xung đột. Nếu đến mức xảy ra xung đột vũ trang thì nhất quyết quân đội tham gia để bảo vệ chủ quyền đất nước.
Chúng ta không nói suông, không thụ động ngồi im, nhưng cũng không bảo vệ chủ quyền một cách thiếu khôn ngoan mà phải dựa vào sức mạnh thời đại, đó là niềm tin, sự ủng hộ vào chân lý và khát vọng hoà bình của tất cả các nước, tất cả các dân tộc trong thế giới ngày nay. Ngay cả nhân dân Trung Quốc cũng vậy, họ rất yêu chuộng hoà bình và cũng mong muốn một hình ảnh tốt đẹp cho đất nước mình. Chúng ta sẽ sử dụng đúng luật pháp quốc tế và bảo vệ bằng được chủ quyền lãnh thổ, tài sản quốc gia. Với những cố gắng của chúng ta trong tuyên truyền, đấu tranh ngoại giao, đối thoại với Trung Quốc và tăng sức mạnh bảo vệ thì tôi tin sẽ không tái diễn sự kiện 26/5 lần nữa.
- Theo báo chí Trung Quốc, Hà Nội tự tin hơn sau phát biểu của Ngoại trưởng Hillary Clinton năm ngoái là Mỹ có lợi ích lâu dài tại biển Đông. Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại hội nghị Shangri La cũng tiếp tục khẳng định Mỹ không buông biển Đông. Theo ông, trong bối cảnh này, Việt Nam có lợi ích gì trong chiến lược này của Mỹ?
- Tôi có thể tự tin nói rằng, Việt Nam đủ khả năng để bảo vệ chủ quyền mà không dựa vào sức mạnh của một bên thứ ba. Chủ quyền là thiêng liêng không được phép đánh đổi. Chúng ta không để các nước lớn thỏa hiệp trên lưng mình.
- Ở bên cạnh một nước lớn như Trung Quốc“thường có hành động trái với tuyên bố” điều e ngại nhất của ông là gì?
- Tại Đối thoại Shangri La 10 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã có bài phát biểu rất hay, có tính xây dựng cao và được chuẩn bị kỹ lưỡng. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã đánh giá cao về nội dung bài phát biểu này. Tuy nhiên ngay trong Hội nghị, một số đại biểu đã bày tỏ sự băn khoăn về khoảng cách giữa lời nói và việc làm trên thực tế của Trung Quốc, đặc biệt là đặt nó bên cạnh một số vụ việc vừa qua. Chúng ta hy vọng, chờ đợi và ủng hộ những hành động sắp tới đây của Trung Quốc sẽ phù hợp với những tuyên bố tốt đẹp của Bộ trưởng Lương Quang Liệt.
Còn về sức mạnh của Trung Quốc - rõ ràng họ là một nước lớn, vừa qua đã đạt được những bước phát triển to lớn, toàn diện, trong đó có lĩnh vực quân sự. Chúng ta tôn trọng và ủng hộ sự phát triển ấy nếu nó đem lại sự phát triển hoà bình ổn định trong khu vực, củng cố tình hữu nghị đoàn kết giữa các nước. Còn trong trường hợp một thế lực nào sử dụng sức mạnh vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ thì chúng ta không thể khoanh tay, im lặng. Chúng ta kiên trì bằng biện pháp hòa bình, công khai minh bạch để dư luận nhân dân thế giới, trong đó có cả người dân Trung Quốc hiểu được Việt Nam là nước yêu chuộng hòa bình. Nhưng khi đứng trước nguy cơ mất chủ quyền thì nhân dân Việt Nam sẽ làm tất cả để bảo vệ nó. Đó là điều bất biến.
Năm 1945, khi các nước lớn ngồi phân chia lại thế giới sau Thế chiến thứ hai, hồi đó Mỹ cho rằng, đối thủ đáng gờm trong tương lai của Mỹ sẽ là Liên Xô và Trung Quốc. Nhưng có nhà tiên tri nào biết được rằng, hơn 30 năm sau, Mỹ đã thất bại trong cuộc chiến tranh với một nước nhỏ, lạc hậu và khi đó còn chưa có tên trên bản đồ thế giới? Việt Nam thắng Mỹ, một lý do vô cùng quan trọng là nhờ nhân dân Mỹ đã đứng lên phản đối cuộc chiến tranh xâm lược, phi nghĩa đó.
Sức mạnh của chúng ta là chính nghĩa, là tinh thần yêu chuộng hoà bình của nhân dân thế giới, và lòng yêu nước, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.

Phạm Hiếu - Nguyễn Hưng

Trung Quốc khó thuyết phục láng giềng
Tại Đối thoại Shangri-la, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt nói nhiều đến hợp tác và trấn an các nước láng giềng, nhưng các nước này vẫn phải nhắc lại yêu cầu Bắc Kinh 'biến lời nói thành việc làm" cụ thể.

Tạp chí Foreign Policy bình luận về cách tiếp cận của Trung Quốc đối với tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông tại hội nghị an ninh châu Á vừa rồi ở Singapore, như sau:
Lần đầu tiên dẫn một phái đoàn lớn đến Singapore, ông Lương Quang Liệt muốn khẳng định với cộng đồng quốc tế về một nước Trung Quốc đang mạnh lên nhưng ôn hòa, không đe dọa ai, và muốn đóng một vai trò tích cực hơn trong môi trường an ninh ở Đông Nam Á. Nhưng những câu từ to tát cộng với việc phủ nhận toàn bộ các hành động trong thời gian gần đây của Trung Quốc đối với các quốc gia nhỏ láng giềng, khiến các đại biểu, các chuyên gia và quan chức chính phủ cảm thấy không thuyết phục.
Ông Lương có bài phát biểu dài 45 phút, nói về các chính sách của Quân Giải phóng PLA đối với các vấn đề khu vực, trong đó có biển Đông; công cuộc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc; hợp tác an ninh trong vùng. Ông cũng nhận và trả lời câu hỏi của báo chí, tỏ ra rất vui mừng trước mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.
"Hơn ai hết, Trung Quốc muốn có ổn định và hòa bình trong khu vực. Chúng tôi phản đối bất kỳ hành động nào có thể dẫn đến bất ổn khu vực hoặc làm giảm lòng tin giữa các nước láng giềng. Trung Quốc theo đuổi chính sách xây dựng tình hữu nghị và đối tác với các nước láng giềng", ông Lương nói.

image
Một tàu ngầm của Trung Quốc gần căn cứ tàu ngầm ở đảo Hải Nam. Vị trí của căn cứ tàu ngầm

Tuy thế ông Lương không công nhận bất kỳ hành động nào trong thời gian gần đây mà Trung Quốc đã thực hiện đối với các nước Đông Nam Á, khiến cử tọa gồm các quan chức quân sự và chuyên gia cao cấp đến từ 35 đoàn thất vọng. Hai bộ trưởng quốc phòng Việt NamPhilippines, phát biểu ngay sau ông Lương, đã đưa ra những phản bác công khai và sắc bén đối với thái độ của Trung Quốc.
"Chúng tôi luôn luôn trông đợi Trung Quốc tôn trọng các chính sách mà họ đã công bố với thế giới, chúng tôi mong rằng những lời tuyên bố đó sẽ được biến thành sự thực", Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh nói. Ông đề cập việc tàu của Việt Nam hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam bị tàu Trung Quốc cắt cáp.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Tuvera Gazmin thậm chí còn mạnh mẽ hơn nhiều, và kêu gọi sự hiện diện quân sự mạnh hơn của Mỹ trong khu vực. Gazmin tố cáo Trung Quốc nhiều lần có hành động đe dọa các thuyền đánh cá của Philippines ở gần các đảo mà Manila tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa.
"Những hành động đó gây bất an không chỉ cho chính phủ, mà còn quấy rối những người dân thường, những người vốn phải dựa vào môi trường biển để mưu sinh", Gazmin nói.
Trung Quốc đang cố làm dịu hình ảnh của mình ở Đông Nam Á, sau sự thoái trào trong mối quan hệ gây ra bởi lập trường cứng rắn của Bắc Kinh đối với các vấn đề khu vực, chẳng hạn như các tuyên bố "đường lưỡi bò" hay "lợi ích cốt lõi".
"Đó là sự lấy lòng. Mục tiêu của ông Lương là tránh tấn công hay chiến đấu với bất cứ ai và cố xóa đi những dấu vết của thái độ mạnh bạo trong hai năm qua. Họ đã nhận ra rằng cách thức đó không có lợi cho họ", một đại biểu Mỹ nói.
Tuy nhiên các hành động trên thực địa lại khiến người ta khó tin rằng Trung Quốc đang dành sự quan tâm hoàn toàn cho việc thương thảo tìm giải pháp.
"Tôi không cho là bài phát biểu đó trấn an được ai. Nó không giải đáp được những câu hỏi và mối quan ngại mà các nước láng giềng đang đặt ra trước thái độ của Trung Quốc", đại biểu nói trên bình luận.
Trong Đối thoại lần này, cả Mỹ và Trung Quốc dùng những lời lẽ nồng ấm, không đả động đến chuyện gây bất đồng đôi bên là vấn đề Đài Loan. Hai thế lực quân sự lớn nhất ở châu Á Thái bình dương đã hết sức tránh không để mếch lòng nhau.
"Thông điệp của ông Lương nhấn mạnh quyết tâm đi theo con đường phát triển hòa bình và sẵn sàng ủng hộ an ninh khu vực", Bonnie Glaser, nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế nhận xét.
"Tất cả những lời to tát trong bài phát biểu của ông Lương là nhằm trấn an khu vực", một đại biểu khác của Mỹ nói. "Nhưng, theo dõi việc hỏi đáp, thì thấy có một số câu hỏi không được giải đáp và điều đó gây quan ngại, nó cho thấy khoảng cách giữa lời nói với việc làm trong thái độ của Trung Quốc ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và quá trình hiện đại hóa quân đội của họ".

Mai Trang

Toàn cảnh vụ Trung Quốc xâm phạm Việt Nam
Vụ tàu Trung Quốc phá hoại sâu bên trong khu vực chủ quyền của Việt Nam ngày 26/5 đang bị phản đối kịch liệt, trong khi thái độ leo thang gây hấn của Bắc Kinh trên Biển Đông được coi là không phải vấn đề của riêng Việt Nam.

image
Một trong 3 chiếc tàu hải giám của Trung Quốc đã tấn công tàu thăm dò của Việt Nam.
Trung Quốc ngang ngược xâm phạm
Lúc 5h5 sáng 26/5, nhóm 3 tàu hải giám của Trung Quốc bất ngờ xuất hiện để tấn công tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), đang làm việc tại lô 148 trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Tọa độ tàu Việt Nam bị tấn công ở vị trí 12 độ 48 phút 25 giây bắc và 111 độ 26 phút 48 giây đông.
Các tàu hải giám Trung Quốc đã chạy thẳng vào khu vực khảo sát của tàu Bình Minh 02 mà không hề có cảnh báo. Ông Đỗ Văn Hậu, Phó tổng giám đốc PVN, cho biết tàu của Việt Nam đã liên lạc nhưng không được phía tàu Trung Quốc đáp lại. Nhóm tàu hải giám này sau đó chủ động chạy qua khu vực thả dây cáp nhằm cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02.
Vị trí mà ba tàu hải giám Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 02 chỉ cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không liên quan đến bất cứ tranh chấp nào. Các tàu Trung Quốc sau đó liên tiếp có hành động uy hiếp tàu Bình Minh 02 và thông báo là tàu Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.
Sau nhiều tiếng quấy nhiễu, nhóm 3 tàu hải giám Trung Quốc mới chịu rút khỏi khu vực khảo sát của tàu Bình Minh 02 lúc 9h sáng cùng ngày. Trong khi đó, tàu Bình Minh 02 và các tàu bảo vệ đã phải dừng công việc trong cả ngày 26/5 và thu lại các thiết bị bị hỏng để sửa chữa. Tới 6h sáng ngày hôm sau, tàu Bình Minh 02 tiếp tục trở lại hoạt động.
Kịch liệt lên án Trung Quốc
Ngay trong ngày 27/5, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm yêu cầu Trung Quốc chấm dứt những hành động vi phạm chủ quyền đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đồng thời Việt Nam yêu cầu Trung Quốc phải bồi thường thiệt hại cho tàu Bình Minh 02.
Nội dung công hàm nêu rõ hành động của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền Việt Nam đối với thềm lục địa của mình, vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc về việc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.
Nhưng trong cuộc họp báo hôm 28/5, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du lại đưa ra một tuyên bố cho rằng Việt Nam thăm dò dầu khí tại vùng biển do Trung Quốc quản lý và việc các cơ quan hữu quan nước này thực hiện là tuân thủ luật biển và hoạt động giám sát trên vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc. Bắc Kinh còn khẳng định họ luôn nỗ lực duy trì hoà bình trên Biển Đông.
Ngày 29/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức cuộc họp báo về sự kiện tàu Trung Quốc phá hoại. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga tuyên bố: "Quan điểm của Việt Nam về vấn đề này là hết sức rõ ràng. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động của phía Trung Quốc phá hoại, cản trở hoạt động thăm dò, khảo sát bình thường của Việt Nam trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam".
Bà Nga cũng nhắc lại những yêu cầu đối với phía Trung Quốc như trong công hàm đã trao cho đại diện ngoại giao của Bắc Kinh, đồng thời bác bỏ tuyên bố ngày 28/5 của phía Trung Quốc và khẳng định khu vực mà Việt Nam tiến hành thăm dò hoàn toàn nằm trong khu vực vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước Luật Biển 1982, không phải khu vực tranh chấp hay do Trung Quốc quản lý.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng Trung Quốc đang cố tình đánh lừa dư luận bằng cách làm cho dư luận hiểu nhầm khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp. "Trung Quốc kêu gọi giải quyết các tranh chấp liên quan bằng các biện pháp hòa bình nhưng chính các hành động của Trung Quốc đang làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông", bà Nguyễn Phương Nga nói thêm.
Trong khi đó, chiều 31/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du một lần nữa đưa ra tuyên bố ngang ngược: "Tàu hải giám Trung Quốc đã thực thi hành động chấp pháp đối với tàu Việt Nam đang hoạt động phi pháp trên vùng biển của Trung Quốc, hành động của Trung Quốc là hoàn toàn chính đáng. Chúng tôi yêu cầu phía Việt Nam lập tức dừng mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền lãnh hải, không được tạo ra những vụ tranh chấp mới trong vùng biển của Trung Quốc".
Đây là diễn biến mới nhất về thái độ của Trung Quốc luôn tìm cách rêu rao đòi chủ quyền vùng biển hoàn toàn thuộc Việt Nam, trong khi Bắc Kinh không hề có bất cứ cơ sở pháp lý nào. Trung tâm trong chính sách gây tranh cãi của Trung Quốc ở Biển Đông là yêu sách về "đường lưỡi bò" bị nhiều nước trong khu vực phản đối.

image
Tàu Bình Minh 02 của Việt Nam.

Trung Quốc leo thang gây hấn
Sự kiện ngày 26/5 được coi là hành động leo thang trong chuỗi các động thái xâm phạm của Trung Quốc đối với Việt Nam, từ bắt giữ, đánh đập, đòi tiền chuộc các ngư dân Việt Nam đánh bắt xa bờ tại Hoàng Sa, Trường Sa, đến tấn công tàu khảo sát địa chấn nằm hoàn toàn bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, hành động trái với các thỏa thuận của phía Trung Quốc như trên thực chất là một phép thử đối với yêu sách đường lưỡi bò vô lý của nước này. Theo đó, nếu gặp phải sự phản ứng kiên quyết của Việt Nam và ASEAN thì họ sẽ tính toán khác, còn ngược lại họ sẽ thành công.
Chuyên gia nổi tiếng về Biển Đông Carl Thayer đến từ Học viện Quốc phòng Australia bình luận trên tờ Finacial Times rằng việc tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp của tàu khảo sát của Việt Nam là sự thể hiện mức độ gây hấn ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với Việt Nam nói riêng và vùng Biển Đông nói chung.
"Trung Quốc ngang nhiên khẳng định chủ quyền bằng những hành động như vậy. Vụ chạm trán hôm 26/5 sẽ làm tăng sự bất an của những nước gần Trung Quốc tại Đông Nam Á, đối với các hành vi gây hấn ngày càng tăng trong vùng biển khu vực", chuyên giá Carl Thayer nói.
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam Đỗ Văn Hậu hôm 29/5 cũng nhấn mạnh rằng, đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc quấy nhiễu hoạt động thăm dò của PVN trên vùng biển Việt Nam. "Các hoạt động của PVN gồm khảo sát địa chấn, khảo sát công trình, khoan và rất nhiều hoạt động này đã bị các tàu Trung Quốc đến gần hoặc cho máy bay khảo sát quấy nhiễu. Đã từng có trường hợp họ cắt cáp".
Trước hành động trắng trợn của Trung Quốc, giới phân tích cho rằng Việt Nam cần phản ứng về ngoại giao ở cấp cao nhất tầm quốc tế như Liên Hợp Quốc. Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TP HCM, trong cuộc trao đổi với VnExpress thì cho rằng, có thể đưa vụ Trung Quốc xâm phạm Việt Nam ra Toà án quốc tế vì hành động này vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế.

image

Vị trí các tàu hải giám Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam và cắt cáp của tàu Bình Minh 02.

Trung Quốc gây căng thẳng cho cả khu vực
Các hãng tin lớn trên thế giới như Financial Times, AP, AFP, BBC, Bloomberg và báo chí trong khu vực đều đưa tin về sự kiện tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam và thái độ phản đối kịch liệt của Hà Nội. Truyền thông quốc tế phân tích rằng đây không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà có liên quan đến nhiều nước khác trong vùng Biển Đông.
Việc Trung Quốc đang ngày càng thể hiện sức mạnh trên Biển Đông đã gây căng thẳng với các nước láng giềng cũng như với Mỹ. AFP dẫn lời Tổng thống Aquino của Philippines nói về những vụ va chạm với Trung Quốc: "Khi những vụ việc như thế này xảy ra, chúng châm ngòi chạy đua vũ trang trong khu vực. Và khi chạy đua vũ trang tăng lên, liệu đó có phải là mối nguy cơ đưa đến xung đột tăng lên?".
Hôm 5/4 vừa qua, Philippines cũng gửi kháng thư ngoại giao lên Liên Hợp Quốc để phản đối yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc đòi kiểm soát tới 80% Biển Đông và khẳng định rằng yêu cầu của Bắc Kinh "không có cơ sở trên phương diện luật pháp quốc tế".
Quan điểm về "đường lưỡi bò" của Philippines cũng giống Việt Nam. Phó chủ nhiệm Uỷ ban Biên giới Quốc gia Việt Nam Nguyễn Duy Chiến hôm 29/5 nhấn mạnh: "Yêu sách đường lưỡi bò hoàn toàn không có cơ sở pháp lý quốc tế nào cả. Nó trái với Công ước Luật Biển 1982 mà Trung Quốc là một thành viên. Yêu sách này đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nhiều nước trong khu vực, trong đó có VN và đã bị nhiều nước phản đối".
Báo chí khu vực Đông Nam Á cũng liên tục đưa ra các bài viết và bình luận sau khi Việt Nam bác bỏ quan điểm của Trung Quốc trong sự kiện ngày 26/5. Tờ The Nation của Thái Lan cho rằng các nước ASEAN và Trung Quốc "đã mệt mỏi vì không đạt được tiến triển cũng như một cơ chế phát triển chung, sau 15 năm ngoại giao lặng lẽ và kiên nhẫn trong vấn đề tranh chấp trên Biển Đông".
Tờ Daily Inquirer của Philippines thì cho biết giới chức quốc phòng nước này đang họp bàn cách tăng cường lực lượng quân sự trước những hành động mới đây của Trung Quốc trên Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin nói, ông muốn ASEAN có sự tham gia nhiều hơn nữa trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.
Một tờ báo khác của Philippines là Philstar hôm 30/5 còn dẫn tuyên bố của Thượng nghị sĩ nước này là Miriam Defensor-Santiago cho rằng Trung Quốc đang cố chèn ép Philippines và các nước khác ở khu vực Đông Nam Á nhằm kiểm soát nguồn tài nguyên khổng lồ ở Biển Đông.
Bangkok Post của Thái Lan thì nhận định "những cơn gió mới lại đang quét qua chính trị Biển Đông sau một thời gian yên tĩnh. Theo đó cần có sự hợp tác xuyên biên giới, và cả may mắn nữa, để tránh xảy ra xung đột.

Đình Nguyễn

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.