Friday, June 17, 2011

Father’s Day: 100 độ F

image


Tác giả là một nhà báo tại Dallas,  từng trong nhóm chủ biên tuần báo Trẻ và phụ trách mục "Chuyện Vỉa Hè" cho Ca Dao Magazine.  Phan đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận Giải Danh Dự 2007 Viết Về Nước Mỹ. Bài viết của Phan sau đây có thể coi là một trong những chuyện kể xúc động nhất cho mùa Father’s Day 2011.

***

Ông Việt Nam móc cái dây xích chó vô cổ con Lyli để cho nó đi lấy thơ với ông. Con chó mừng quýnh vì được đi ra park. Nhưng vừa mở cửa đã muốn bật vô nhà vì trời nóng kinh khủng. Sự thay đổi khí hậu đã ảnh hưởng xấu đến nhiều nơi trên thế giới và riêng nước Mỹ - bão tố hoành hành những tiểu bang miền bắc cũng thiệt hại nặng nề. Riêng Dallas được hưởng những ngày đầu hè mát mẻ do ảnh hưởng bão ở miền bắc. Những ngày thoải mái trên nỗi tang thương của người khác nên vui sướng cũng không trọn vẹn; và những ngày ngắn ngủi ấy cũng chóng qua. Hôm nay là ngày đầu tiên trên màn hình computer cho biết nhiệt độ Dallas đã lên tới con số tròn trĩnh là 100 độ F.
Ngoài park trước cửa nhà,  những người Mễ vẫn kiên nhẫn cắt cỏ trong cái nắng và oi bức của thời tiết khắc nghiệt. Họ đã đổ bộ từ sớm,  tiếng máy cắt cỏ,  máy xén cỏ… đánh thức sự yên lặng vĩnh hằng của cái xóm mừng như trúng số khi thấy một bóng người qua đường. Ông không hiểu nhiều về những gia đình hàng xóm,  dù gia đình ông đã dọn đến đây khá lâu.
Hình như bọn trẻ trang lứa với con ông cũng đã lớn như con trai ông; bọn trẻ đã đi đại học, ra trường… và đang tiếp tục theo học bậc cao học hay đi làm ở những thành phố nào đó. Nói một cách nào thì cũng không ngoài việc ở đây hầu như chỉ có một lớp trẻ con đó thôi. Chúng đã lớn và bay đi như những cánh chim rời tổ mẹ hiền. Những bậc cha mẹ trẻ trung,  tương xứng với khu nhà 20 năm trước-giờ đã cũ nên họ cũng đã già. Những cái lò nướng BBQ lan toả trong không gian hè mùi thịt nướng,  làn khói trắng xanh bay lên tàn cây, những cooler màu sắc chứa bia ướp lạnh,  những đường ống nước dã chiến kéo qua đường - ra park cho con nít chơi nước… là những hình ảnh đã biến mất khỏi khu nhà và cái park này từ mùa hè nào nhỉ!...

image

Anh chàng Mỹ trắng,  tên Robert Brown,  người  lái xe Ford truck F-350,  tới 6 bánh xe và hay kéo tàu ra hồ 30,  kéo về nhà,  đậu trước cửa làm choán hết một đoạn đường. Nhìn anh trẻ trung,  phong độ như một nhà thể thao. Thật khó tin ông già đeo kính lão,  đi lấy thơ ngoài thùng thơ chung của cả xóm ngoài park,  người đàn ông từ tốn ngồi xuống băng ghế công viên,  đọc những lá thơ,  báo chí mà ông vừa lấy ra từ hộc thơ của gia đình ông trong thùng thơ chung của cả xóm. Ông ấy đẹp lão hơn cả người đàn ông trẻ trung,  có phong độ của một nhà thể thao 20 năm trước. Chỉ có thời gian không thay đổi,  một ngày như mọi ngày qua đây. Một hôm nào không thấy ông già đẹp lão ngồi đọc báo ngoài ghế công viên nữa. Nhà thể thao của 40 năm trước đã vào viện dưỡng lão…
Một người Việt nam duy nhất ở xóm nhà này,  mấy lần định bỏ đôi giày đá banh của mình vô thùng rác vì những đứa trẻ thích thú những động tác kỹ thuật trong môn túc cầu mà ông thường biểu diễn cho chúng xem đã không còn ở đây nữa. Người nghệ sĩ sân cỏ đã hết khán giả,  xách đôi giày đá banh ra park với ý định trao cho một chú bé nào đó. Nhưng đã nói là hầu như ở đây chỉ có một lớp trẻ,  chúng đã bay xa theo tiếng gọi tương lai… người nghệ sĩ sân cỏ treo đôi giày đá banh lên cành cây ngoài park - cho ai cần thì xài. Vì người nhạc sĩ không thể bỏ cây đàn của mình vô thùng rác dù những ngón tay đã bất tuân lệnh chủ; người nghệ sĩ sân cỏ cũng không đành lòng bỏ đôi giày đá banh vô thùng rác khi nó đã trở thành gánh nặng của đôi chân.

image
Hình minh họa 
Đôi giày treo ở đó,  đôi giày mà ông tưởng sẽ mang suốt đời vì ông mê đá banh từ nhỏ. Đôi giày treo trên một nhánh cây nước Mỹ nên không có ai lấy. Ở đây,  người ta chỉ mua mới (trong tiện bán đồ thể thao) hay mua lại (garage sale) chứ không ai cắp nhặt của ai nên đôi giày treo trên nhánh cây cứ ở hoài đó,  làm phiền nhánh cây hơn là trang điểm cho cái park đã từng diễn ra những trận cầu liên hợp quốc vì con nít đa sắc tộc.
Lại nhớ đến những đứa trẻ đã bay xa theo tương lai của chúng… nhớ thằng nhóc Ấn Độ ốm đến có thể gãy làm hai khi đụng chạm trong lúc đá banh; thế mà nó dai dẳng,  bền bỉ trong suốt những trận banh của thời thơ ấu nó. Thằng nhóc thật kiên cường,  chuyện về nó cũng là một chuyện vui: Mấy đứa nhóc Mỹ và cả con ông là Việt Nam đã xúi nó,  mày ốm quá vì không ăn thịt bò,  nên khi đụng tụi tao là mày té chỏng cẳng. Mày ăn thử một miếng sườn bò nướng này đi,  mày sẽ chạy nhanh hơn,  đụng không té… nó cự tuyện vì ba tao cấm ăn thịt bò.
Nhưng sườn bò nướng là một món thượng đế cũng hay lén vợ đi ăn riêng - thằng nhóc Ấn khó cầm lòng! Nó nói,  tụi bay đè tao xuống cỏ,  nhét vô miệng tao… thì ba tao không phạt tao tội ăn thịt bò được.
Những người Mỹ và cả ông Việt Nam làm lơ như không thấy một cuộc hành hung. Họ uống bia,  ăn sườn bò nướng với những nụ cười mỉm mỉm vì trong mắt họ không nhịn được cười khi những đứa trẻ Mỹ tròn quay xúm nhau đè một thằng nhóc Ấn Độ ốm nhách xuống cỏ, nhét những miếng thịt bò ngọt tới trong mơ vô miệng nó… kẻ bị hành hung không kêu la mà ra vẻ phiêu diêu… Nghe nói,  ba nó đánh nó tới thừa chết thiếu sống; nhưng thằng nhóc kiên cường vẫn chơi Hamburger nhân thịt bò từ đó tới ba nó chịu thua. Hèn gì,  sau này nó lớn con tới nhìn không ra…
Và kìa,  Nancy cũng dắt chó đi lấy thơ. Thấy bà lại nhớ đến cây phong 10 gallon được trồng xuống sân nhà bà hồi bà mới đến đây. Dáng cây thanh mảnh,  thiệt đẹp như bà ngày ấy. Bây giờ,  cây phong cổ thụ biết đi. Không,  Nancy đó chớ,  bà đi lấy thơ. Thì ra ông Việt Nam cũng khác ngày ấy dữ lắm rồi,  mới tháo cái kính ra giây lát vì mỏi mắt,  đã lầm bà Nancy với cây phong cổ thụ.

image
Hình minh họa 
Ông Việt Nam định kêu chó để trở vô nhà vì trời nóng dữ rồi,  nhưng anh Mễ xén cỏ ngưng tay,  anh đến hỏi thăm ông về đôi giày đá banh treo trên nhánh cây.
"Ông có biết đôi giày trên trên cây kia của ai không? Tôi định xin về cho con tôi."
"Anh cứ lấy đi,  của tôi đó. Tôi treo ở đó cho ai cần thì xài… vì không nỡ giục vô thùng rác."
"Ông yêu bóng đá lắm hả?"
"Tôi thấy anh hình như cũng vậy…"
Họ cười thể thao với nhau. Nụ cười thể thao không mang những màu sắc thấy ghét trên đời như màu da,  chủng tộc… nụ cười nguyên thủy của con người khi bản đồ chưa ra đời và chưa có những đường biên giới. Bây giờ thì hai người giống nhau trên nước Mỹ là cùng là di dân. Nhưng một người có quốc tịch và một người là di dân lậu… Sự đời khó giải thích ngọn ngành… ông Việt Nam này lơ mơ lắm. Chẳng nghe câu hỏi của người đối diện,  ông hỏi lại,  "anh nói gì?"; người Mễ nói:
"Hồi còn nhỏ,  chắc ông chơi đá banh hay lắm?"
"Tôi nghĩ anh cũng vậy!"
"Phải,  chỉ cần một trái banh là chơi được tới cả mấy chục đứa nhỏ. Môn thể thao của trẻ em nghèo."
Ông Việt Nam như bị chích mũi kim vào ký ức,  "Ở Việt Nam chúng tôi cũng thế,  lúc nhỏ ở quê nhà,  chúng tôi chơi banh ở sân trường học ngày này qua ngày khác vì không có gì khác hơn để chơi. Anh nói đúng là môn thể thao của trẻ em nghèo."
"Nhưng bây giờ thì ông ngon lành rồi!"
"Tôi đang thua anh một việc làm. Tôi đang không có việc."
"Nhưng ông có nhà ở,  có xe riêng,  không phải làm công việc không giấy tờ như tôi."
"Người Việt tôi thường nói: không có nghề hèn chỉ có người hèn. Anh có việc làm là quý rồi… Anh qua đây đã lâu chưa,  tôi thấy anh nói tiếng Anh rất giỏi."
"Cảm ơn ông,  tôi qua đây đã mười lăm năm."
"Gia đình anh ở đây hết chứ?"
"Không,  tôi qua đây một mình. Gia đình tôi còn bên Mễ."
"Anh nói gia đình là cha mẹ và anh chị em của anh hay gia đình là vợ con anh?"
"Cả hai… năm tôi 16 tuổi,  tôi có con với bạn gái. Tôi nói cô ấy ráng sanh con cho tôi,  tôi đi qua Mỹ làm thuê và sẽ đem tiền về làm đám cưới…"
Người đàn ông rắn chắc nhưng không rắn rỏi này như mủi lòng,  anh ấy nhìn ra xa để người Việt Nam đối diện không thấy anh xúc động. Dường như hai người còn chưa biết tên nhau nhưng có một sự thông cảm dạt dào. Người Việt Nam không tò mò nhưng muốn chia sẻ phần nào những xúc động mà ông vừa bắt gặp trên gương mặt người bạn Mễ… "Rồi anh có trở về làm đám cưới với vợ anh không? Con anh đã sang Mỹ chưa?"
Ngươì Mễ thôi cầm được xúc động,  anh ấy nói trong nước mắt,  "Vợ tôi gạt tôi,  cô ấy cứ nói tôi ráng ở lại Mỹ để kiếm tiền gởi về cho cô ấy nuôi con tôi và giúp đỡ mẹ tôi… Nhưng từ khi mẹ tôi biết được cô ấy có con với người khác,  mẹ tôi bắt cháu về nuôi và báo cho tôi biết đừng gởi tiền cho cô ấy nữa…"
"Vậy anh vẫn gởi tiền về cho mẹ anh nuôi con anh?"
"Nhưng mẹ tôi đã chết. Con trai tôi đã chết…" Người Mễ ngước lên trời thống thiết,  không có ông chúa ông phật nào ngó xuống hết trơn… chỉ có mặt trời 100 độ F làm chứng cho một di dân lậu. Mắt người Việt Nam kia bỗng cay xè như ai xát muối ớt,  hoang mang rồi lại hoang mang vì không hiểu đầu đuôi câu chuyện. Ông ta không đại diện cho ai mà đại diện cho ai đủ để chia sẻ với người Mễ này. Chỉ thấy họ ôm nhau,  vỗ vai… để truyền bớt khổ đau.
Người Mễ cột đôi giày đá banh vào ngọn cây xén cỏ,  anh ta vác cây xén cỏ lên vai như người thợ săn vác cây súng dài,  đi như người không hồn về phía chiếc xe truck lớn có kéo trailer. Những người Mễ khác như hiểu được tâm trạng nên không hối thúc… Ông Việt Nam còn đứng bàng hoàng,  cô độc… nhìn theo. Cố sắp xếp lại những chi tiết trong đầu cho mạch lạc để cầu nguyện cho người Mễ này bớt khổ đau! Một người thiếu niên Mễ 16 tuổi,  thuộc gia đình lao động nghèo; có con với bạn gái cùng lớp học trong trường trung học nào đó bên Mễ. Anh ta bỏ học,  vượt biên sang Mỹ để làm thuê,  kiếm tiền về làm đám cưới với người yêu,  xây dựng gia đình,  cùng nuôi dạy con cái với cô ấy...

image
Hình minh họa

Anh làm thuê cho người chủ Mễ thầu cắt cỏ đã nhiều năm. Nhưng cũng không đủ tiền cho vợ nuôi con,  giúp đỡ mẹ anh đã già và hay bệnh hoạn. Đó cũng là lý do anh không về vì về bên Mễ đâu có kiếm được 80 đô la/ ngày. Trừ ăn ở còn 6 chục đô la. Nhưng qua mùa cỏ là khổ hơn vì đứng ở chợ người được chăng hay chớ. Hôm có người mướn làm tạp dịch,  hôm không… Suốt mùa đông chỉ đủ nuôi thân và đủ tiền mua thuốc cảm lạnh là mừng,  không có tiền gởi về nhà đâu.
Rồi con anh 10 tuổi,  mẹ anh mới phát hiện ra con dâu đã có con với người đàn ông khác từ lâu. Đến 3 đứa: một 6 tuổi,  một 4 tuổi và một đang mang bầu - của người đàn ông khác nữa… 10 năm qua,  cháu nội của bà bị ngược đãi mà bà đâu có biết! Bây giờ biết thì đói nghèo bệnh tật cách mấy cũng phải đưa cháu về nuôi. Phải bù đắp cho con trai,  phải xin lỗi con trai vì 10 năm qua bà giận nó quên mẹ già; không thương mẹ già… trong khi nó không có tệ bạc như thế,  chỉ vì vợ nó lường gạt. Nói là giúp mẹ,  nuôi con để lấy hết tiền nó nhưng có làm như thế đâu!
Rồi từ ngày anh thôi gởi tiền cho vợ thì gởi cho mẹ để thuốc thang và nuôi con cho anh. Nhưng bệnh tình của mẹ đã lâu và không được chữa trị từ đầu nên nan giải lắm. 5 năm nay anh gởi hết tiền kiếm được về cho mẹ cũng không đủ thuốc thang. Mẹ anh theo Chúa,  bỏ lại con anh mồ côi bà. Người chị duy nhất đã có chồng con và chưa bao giờ giàu thử một lần trong đời cho biết. Chị chôn cất mẹ bằng tiền anh vay mượn bên Mỹ,  tiền mượn trước rồi trừ lương sau. Ông chủ thầu cắt cỏ này nhơn đức kém,  cho thợ của mình vay để giữ chân thợ giỏi nhưng cũng tính tiền lời không nhẹ. Và người Mễ tội nghiệp kia khi đã lâm vào nợ nần,  càng quẫn trí. Anh hối thúc người anh rể bên quê nhà phải thu xếp cho con anh vượt biên càng sớm càng tốt. Chính lòng thương con côi cút ngay trên quê nhà đã làm anh lún sâu thêm vô nợ nần bên Mỹ vì anh rể và chị dâu bên quê anh là những người chưa bao giờ giàu có thử một lần trong đời cho biết,  nên họ càng dễ trở thành con mồi ngon cho những người lường gạt. Những người lường gạt lấy tiền trước mới chịu đưa người vượt biên vì tình hình biên giới bây giờ khó,  đã dìm người cha Mễ này dấn thân vô nợ nần tự nguyện đến hết lối thoát…
Người đưa người vượt biên thứ ba,  sau khi nhận tiền từ anh rể và chị ruột của anh để đưa con anh sang Mỹ không cướp tiền trắng trợn như hai người trước; nhưng lường gạt cách khác là nhận tiền đưa thằng bé vượt biên đường bộ (cao hơn,  mắc hơn) nhưng đưa thằng bé vượt biên đường thủy. Và sóng gió đã làm mất vĩnh viễn đứa con trai 15 tuổi - chưa thấy mặt cha từ ngày sinh ra…
Anh ấy hứa với con là sang Mỹ,  ba sẽ mua cho con đôi giày đá banh mà con thích. Nhưng thằng bé đã không có cơ hội sung sướng tới chảy nước mắt như cha nó; như ông Việt Nam khi được sỏ chân vô đôi giày đá banh mơ ước lần đầu trong đời. Nó mất trong hạnh phúc; trên đường đi gặp cha… để mặc giày đá banh adidas. Giờ chỉ còn người cha tội nghiệp trên đời,  vừa xin một đôi giày đá banh còn tốt cho con mình vì tưởng nó đang ở nhà; đang gói quà Father's Day đầu tiên - mừng cha con gặp nhau…

image 
Hình minh họa

Người cha hoang tưởng cột đôi giày đá banh trên cây xén cỏ đã đi theo hướng gió. Người Việt Nam kể nốt câu chuyện người di dân với mặt trời 100 độ F đứng bơ vơ. Gió. Gió như gió lào từ Trường Sơn thổi xuống. Lần đầu tiên trong 20 năm sống ở đây,  lần ông đi lấy thơ lâu nhất. Trời nóng 100 độ F,  gặp một người Mễ đi về hướng gió với đôi giày đá banh cột trên cây xén cỏ,  người cha Mễ đã xin cho con trai chưa từng và cũng không bao giờ thấy mặt… Xin mặt trời bớt giận,  bớt nóng cháy da người vì người Mễ kia còn đi xén cỏ ở những cái park khác nữa; anh đi xén cỏ tới hết đời cũng không trả hết nợ vượt biên của con trai… người Việt Nam cầu nguyện xong,  mặt trời vẫn không bớt nóng. Ánh nắng chói lòa hàng chữ Happy Father's Day trên báo quảng cáo thật dị hợm…


Phan


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.