Saturday, June 11, 2011

Mùa từ thiện

image


Ðọc xong rất nhiều bài ý kiến qua lại trên báo Người Việt về việc làm từ thiện tại Việt Nam, tôi xin đóng góp hai câu chuyện. Một chuyện xảy ra ở nước Vệ, một chuyện xảy ra ở nước Việt. Chuyện thứ nhất là chuyện cứu trợ, như vầy:

Ở xứ Vệ có một bọn cướp. Chúng xông vào Sài Gia Trang bắt hết dân chúng trong đó làm con tin. Của cải chúng vơ vét hết, ngay cả lương thực chúng cũng dồn hết vào kho khóa lại để riêng bọn chúng dùng.

Trong Sài Gia Trang có một số người trốn thoát được. Họ chạy qua nước Mỳ, sau nhiều năm làm ăn vất vả cũng dành dụm được chút tiền, chút lương thực. Có một số người mua súng ống lăm le về bắn bọn cướp, nhưng cuối cùng thất bại.
Trong khi đó, dân Sài Gia Trang bị bọn cướp trấn lột thường xuyên nên nạn nghèo đói lan rộng. Tất nhiên, cũng có người hợp tác với chúng nên giàu to. Lại cũng có người không hợp tác với chúng nhưng biết “sống với lũ” nên cũng làm ăn được. Nhưng nói chung là người nghèo rất là nhiều.

Từ nước Mỳ, một số dân nước Vệ cũ, gởi lương tiền về cứu trợ dân nghèo ở Sài Gia Trang.
Bọn cướp thấy tiền, thấy lương thì sáng mắt lên. Nhưng chúng biết là nếu tịch thu hết thì nguồn lương tiền kia sẽ cạn ngay lập tức. Chúng bèn cho phép dân nước Mỳ được gởi lương tiền cứu trợ, nhưng chúng xẻo bớt một phần làm của riêng.
Một số người dân nước Mỳ có đường dây riêng, gởi lương tiền cứu trợ không bị ăn bớt. Nhưng hầu hết đều bị lấy bớt phần nào. Ít thì bọn cướp mười phần cắt mất một hai. Nhiều thì chúng xẻo quá một nửa.
Có một số người cắn răng tiếp tục gởi tiền từ thiện giúp dân Vệ, dù biết rằng bị xén bớt. Lại có một số người thà không gởi một cắc, còn hơn là để cho bọn cướp được hưởng dù là một xu.
Hết một chuyện.

***

Chuyện thứ nhì là chuyện nước Việt Nam, như này:
Sau 1975, Việt Cộng lừa bắt sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa đi “học tập cải tạo” hàng loạt. Trong trại, họ bị hành hạ thể xác lẫn tinh thần. Nhưng riêng về phần bị bỏ đói thì có giảm được phần nào vì hầu hết có gia đình “thăm nuôi,” mang thức ăn lên cung cấp cho.
Nói là “hầu hết” vì có một ông đại úy nọ suốt mấy năm trời không một lần nào được thăm nuôi. Mặc dù vợ con ông vẫn còn ở Việt Nam, mà theo lời ông được nghe kể thì sống tuy có chật vật nhưng cũng không chật vật hơn bao nhiêu gia đình khác. Và cũng chẳng cần phải được thuật lại mới biết, chính vợ ông vẫn thường xuyên gởi thư cho ông, kể chi tiết chuyện ở nhà, và thăm hỏi ông tận tình. Nhưng chỉ có “thăm hỏi” chứ “thăm nuôi” thì không.
Sau khoảng đâu sáu bảy năm, ông được thả. Về nhà, ông trách vợ sao để ông gần chết đói trong tù.

Bà đại úy trả lời, “Tôi cũng thương ông lắm, tội nghiệp ông bị đói khổ lắm. Nhưng nếu tôi đi thăm nuôi, thì phải hối lộ công an phường lấy giấy giới thiệu đi đường. Từ đây lên đến trại, qua cửa nào là phải hối lộ cửa đó. Mà đem đến trại, có chắc đâu nó cho ông nhận hết. Lỡ có ăn bớt của ông mất mấy phần thì sao?”
Bà nói tiếp, “Bọn Việt Cộng cai trị ông thì chúng có nhiệm vụ phải nuôi ông ăn. Chúng nó giàu, chúng nó ăn sung mặc sướng, tại sao tôi lại phải thay mặt chúng nó cứu trợ cho ông? Hơn nữa, tôi thương ông thì có, nhưng nếu vì phải thăm nuôi ông mà tôi lại hối lộ tức là nuôi sống chế độ Việt Cộng, thì nhất định tôi không làm.”
Hết chuyện thứ nhì.

***

Hỏi: Người Mỳ gốc Vệ, dù có gởi tiền từ thiện hay không gởi tiền từ thiện, họ có thương dân nghèo ở Sài Gia Trang không? Trả lời: Có. Hỏi tiếp: Họ có ghét bọn cướp không? Trả lời: Cũng có.
Nếu vậy, tại sao có người gởi tiền từ thiện, có người không?
Quay sang chuyện ông đại úy. Hỏi: Các bà vợ sĩ quan, dù có thăm nuôi hay không thăm nuôi, họ có thương chồng không? Có. Hỏi: Họ có ghét Việt Cộng không? Trả lời: Cũng có.
Nếu vậy, tại sao có người thăm nuôi, có người không?
Câu trả lời chung, là ở mức độ thương, và mức độ ghét. Những người Mỳ gốc Vệ, nếu người ta thương dân hơn ghét bọn cướp, thì họ cắn răng chịu đựng mà gởi tiền cứu trợ. Còn những người ghét bọn cướp hơn là thương dân, họ thà không gởi, còn hơn để cho bọn cướp được hưởng. Bà đại úy kia cũng thế. Bà thương chồng chứ chả phải không, nhưng bà còn ghét Việt Cộng hơn thế nữa. Vì vậy nên bà thà không thăm nuôi còn hơn phải cho tiền công an, cho tiền cán bộ, để hàng thăm nuôi tới được tay chồng mình.
Bà đại úy không thăm nuôi chồng không đáng trách, mà các bà vợ sĩ quan khác nếu có hối lộ Việt Cộng để được đi thăm nuôi chồng, cũng không đáng trách. Vì vậy, tôi xin các vị đang tranh cãi chuyện từ thiện, xin hiểu cho là không ai đáng trách hết.

Xin đừng tấn công nhau quá.


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.