Thursday, June 9, 2011

Việt Nam và Việt Kiều

image

Tôi xa Việt Nam năm 20 tuổi, thoáng chốc đã 1/4 thế kỷ sống nơi xứ người. Năm đầu sang Mỹ, đêm nào cũng khóc, nhớ bạn bè, nhớ con hẻm nhỏ, nhớ người bán hàng rong. Ngày ấy người Việt Nam ở Mỹ còn ít, không có báo điện tử, không có Internet liên lạc dễ dàng như bây giờ, nên nỗi nhớ càng da diết.

Buổi sáng trong nhà ăn của khu nội trú đại học, nhìn bát cháo mạch lỏng bỏng, xám xịt, nhớ quay quắt đĩa bánh cuốn nóng với những khoanh chả trắng muốt điểm mấy nhúm hành phi vàng ruộm. Buổi trưa nhai miếng hambuger khô khan thèm bát phở tái chín thơm lừng. Buổi tối ánh đèn vàng leo lắt nhớ ánh điện neon sáng xanh mát mắt. Nhìn xung quanh nhà cửa lúc nào cũng đóng cửa im ỉm, nhớ Việt Nam hàng xóm đông đúc chạy qua, chạy lại lúc tối lửa tắt đèn. Cái gì cũng làm cho tôi nhớ và khóc.

Năm thứ hai, tiếng Anh đã khá hơn nhiều, bài vở cũng nhiều hơn, thêm việc làm part-time nên về đến nhà là ngủ say như chết. Nỗi nhớ Việt Nam vẫn còn đó nhưng không còn nhiều thì giờ để nghĩ đến nữa.

Năm thứ tư, thứ năm... mỗi năm một trôi qua, công việc cứ ngày càng nhiều, cuộc sống như một vòng xoay khổng lồ, con người cũng quay tròn. Bên cạnh đó, tình yêu đến và gia đình, con cái tiếp theo. Ngày tháng trôi nhanh như chớp mắt, thoáng chốc đã 25 năm trời.

image

Vừa rồi tôi cùng gia đình về thăm lại Việt Nam lần đầu tiên. Cái cảm giác đầu tiên là Sài Gòn đông đúc, náo nhiệt và giàu mạnh hơn ngày xưa rất nhiều. Về lại con phố xưa, tôi ngỡ ngàng nhìn không ra, không biết đâu là nhà cũ của mình. Nhà nào cũng xây mới, cao ngất nghểu, sơn phết đủ màu sắc theo ý thích của mỗi chủ nhà. Những con đường ngập lá me bay của một thời mơ mộng giờ tràn đầy hàng quán ồn ào, nhộn nhịp. Sài Gòn bây giờ có nhiều tòa nhà thương mại tràn ngập các mặt hàng cao cấp, xe hơi nườm nượp trên đường.  Có nhiều cái đẹp hơn, tốt hơn, nhưng cũng có nhiều thứ xấu hơn, tệ hơn. Tôi như lạc lõng giữa Sài Gòn, 25 năm một thời gian khá dài cho một đời người và cho một thành phố đầy sức sống như Sài Gòn.

image

Ở Việt Nam ba tuần lễ đầu vui vẻ, nhưng dần dần tôi cảm thấy nhớ nhà, nhớ cuộc sống êm đềm sáng lái xe đưa con đi học. Chiều tan sở về hai vợ chồng cùng nhau nấu cơm, cho con cái ăn uống, làm bài tập xong đi ngủ. Nhớ ngày nào khóc vì thèm nghe tiếng rao hàng, tiếng xe cộ buổi sáng ở Việt Nam, giờ lại khó chịu vì sự ồn ào. Nhớ buổi sáng thức sớm thật yên tĩnh bên Mỹ, xung quanh không có tiếng động ngoài mấy con chim hót ríu rít trên cao, hai vợ chồng làm cà phê, soạn bữa ăn sáng, coi tin tức rồi đưa con đi học, mình đi làm.  Cuộc sống có vẻ tẻ nhạt, đơn điệu so với người Sài Gòn có nhiều bạn bè đông vui, náo nhiệt. Nhà cửa ở Việt Nam san sát nhau lúc xưa thấy vui, giờ thấy thèm một khoảng không gian xanh, một mảnh vườn nhỏ như Mỹ.

Ở Mỹ gia đình là chủ yếu, ngoài giờ làm việc, mọi người về thẳng nhà ít có người nào phải đi xã giao, quan hệ công việc làm ăn. Hợp đồng ít khi được ký kết trên bàn tiệc nên không có việc ngoài giờ làm ra còn phải đi ăn nhậu. Có những người đi làm thêm hai công việc hay làm ngoài giờ, nhưng đó là làm việc thật sự và có trả lương (double nếu overtime). Bạn bè không tự động đến nhà, rủ rê nhau đi chơi nhất là trong ngày làm việc. Vợ chồng phải giúp đỡ lẫn nhau, người nấu cơm thì người rửa bát, dọn dẹp. Các ông chồng ở đây rất giỏi việc nhà, cơm nước, lo lắng cho các con không thua gì một phụ nữ.  Ở đây cũng hiếm người mướn Osin nên mọi việc đều san sẻ với nhau. Về Việt Nam thấy cảnh chiều nào quán ăn, quán nhậu cũng đông nghẹt người, nhất là các ông. Tôi tự hỏi giờ đó vợ con của quý ông ở đâu mà sao ông chồng không về dùng cơm tối với gia đình?

image

Về Việt Nam 4 tuần lễ, tôi mới cảm nhận những sự việc trước giờ thấy rất bình thường trong đời sống hằng ngày của Mỹ mà mình không để ý: xếp hàng, nhường đường cho người đi bộ, không xả rác bừa bãi nơi công cộng, giữ cửa cho người đi sau, nói lời cảm ơn và xin lỗi... bỗng nhiên thành quan trọng. Thiếu những cái đó mình cảm thấy bực bội và khó chịu, cứ tự hỏi tại sao những việc rất nhỏ, đơn giản mà không ai chịu làm.

25 năm sống ở xứ người, giờ về lại xứ ta để hiểu rõ lại mình. Thì ra thời gian sống ở Mỹ đã dài hơn ở Việt Nam, hội nhập và hòa tan đã khiến mình thay đổi lúc nào không hay.

Quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn chỉ có một, nhưng hạnh phúc thì ở nơi nào mình tìm thấy niềm vui và sự yên bình trong tâm hồn.

image

Một Việt Kiều



Làm trong sáng tiếng Việt "Ai phụ trách khâu ẩm thực?"

Câu ấy nghe được trong cuộc họp của các thầy cô giáo ở một trường dạy tiếng Việt cho trẻ em, bàn về việc tổ chức buổi picnic cho thầy cô và phụ huynh học sinh…. Xin mạn phép có một hai ý như thế này:

Thứ nhất, câu ấy có sáu chữ thì hết bốn chữ là tiếng Hán-Việt (“phụ trách”, “ ẩm thực”).

Thứ hai, ba chữ cuối ở trong câu (“khâu”, “ẩm thực”) là những chữ “mới”, du nhập “từ Bắc vô Nam” sau năm 1975. Giá dụ học sinh nghe được câu ấy bèn giơ tay hỏi cô giáo ở trong lớp:

- “Ẩm thực” là gì thưa Cô?

- “Ẩm” là uống, “thực” là ăn. “Ẩm thực” là tiếng Hán-Việt, có nghĩa là “ăn uống”.

- Tiếng Hán-Việt là tiếng gì vậy Cô?

- Là tiếng Hán, tức là tiếng Trung Quốc, đọc theo âm Việt.

- Vậy sao mình không nói “ăn uống”, là tiếng của mình, mà lại nói “ẩm thực” thưa Cô?

Cô giáo chắc cũng hơi bối rối, và cũng hơi khó trả lời, không lẽ lại nói là “Cô cũng không rõ, nhưng nhiều người đều… nói vậy”. Em học sinh ấy nói đúng. Tại sao người Việt ở trong nước, và cả ở ngoài nước, vẫn thích nói “ẩm thực” mà không chịu nói “ăn uống”? Có phải vì nói “ăn uống” nghe phàm tục, nói “ẩm thực” nghe thanh tao và “trí tuệ” (1) hơn chăng? Trước năm 1975, người Việt ở miền Nam Việt Nam không nói “Ai phụ trách khâu ẩm thực?” mà có nhiều cách nói đơn giản hơn và dễ hiểu hơn, chẳng hạn: “Ai lo vụ ăn uống?”, hoặc “Chuyện ăn uống ai lo?”, hoặc “Thức ăn, thức uống ai lo?”…

Nếu cứ phải vay mượn tiếng Hán-Việt hoặc tiếng nước ngoài trong sinh hoạt hàng ngày, trong lúc kho tàng tiếng Việt của chúng ta không hề thiếu thốn những chữ ấy thì thật khó mà thuyết phục các em tin được rằng “tiếng Việt giàu và đẹp” như chúng ta vẫn tự hào (đã gọi là “giàu” thì tại sao lại phải đi vay, đi mượn?!?). Những tiếng Hán-Việt nặng nề và tối tăm ấy hoàn toàn không giúp gì được cho việc “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” mà những người làm công tác giáo dục ở trong nước vẫn hô hào, như là một khẩu hiệu trong số rất nhiều khẩu hiệu thuộc loại “nói mà không làm”, hoặc “nói một đàng làm một nẻo”, hoặc… “nói vậy mà không phải vậy”.

Những chữ nghĩa kiểu ấy khá phổ biến. Bên dưới là một ít ví dụ, và các đề nghị nói thế nào cho đúng, rõ nghĩa, dễ hiểu và “Việt ngữ” hơn (chỉ là câu mẫu, người đọc có thể cho những câu khác tốt hơn):

- Thay vì nói: “Cô giáo Mỹ Linh đứng lớp Năm”, nên nói: “Cô giáo Mỹ Linh dạy lớp Năm” (không có… đứng, ngồi, nằm, quỳ chi cả)

- Thay vì nói: “Giáo viên cần soạn giáo án trước khi lên lớp”, nên nói: “Thầy cô cần soạn bài giảng trước giờ dạy” (không có… lên, xuống, ra, vào chi cả)

- Thay vì nói: “Phụ huynh đăng ký cho con em học Việt ngữ”, nên nói: “Phụ huynh ghi tên (hay ghi danh) cho con em học tiếng Việt”

- Thay vì nói: “Các em tiếp thu tương đối chậm”, nên nói: “Các em hiểu chậm”.

- Thay vì nói: “Học sinh đi tham quan một xí nghiệp”, nên nói: “Học sinh đi thăm một nhà máy”.

- Thay vì nói: “Ban văn nghệ sẽ tham gia biểu diễn (2) một tiết mục”, nên nói: “Ban văn nghệ sẽ đóng góp một màn diễn”

- Thay vì nói: “Ban giảng huấn sẽ dự giờ đột xuất các lớp học của giáo viên”, nên nói: “Ban giảng huấn sẽ vào lớp xem thầy cô giảng dạy mà không báo trước”.

- Thay vì nói: “Lớp Vỡ Lòng chủ yếu tập trung vào khâu đánh vần”, nên nói: “Lớp Vỡ Lòng cần dạy các em biết đánh vần”.

- Thay vì nói: “Cô giáo phát hiện em Nga có năng khiếu về môn Văn”, nên nói: “Cô giáo nhận thấy em Nga có khiếu về môn Văn”.

- Thay vì nói: “Các em về nhà tranh thủ ôn tập”, nên nói: “Các em về nhà cố gắng ôn bài”.

- Thay vì nói: “Tuyệt đại đa số các em tiếp thu tốt”, nên nói: “Hầu hết các em hiểu bài”.

- Thay vì nói: “Cần nâng cao chất lượng (3) trong công tác giảng dạy”, nên nói: “Cần dạy sao để các em mau tiến bộ”.

- Thay vì nói: "Ai là phụ giáo?", nên nói: "Ai là phụ tá".

“Tiếng Việt còn, nước Việt còn” hoặc “Tiếng Việt còn, người Việt còn”, ở đâu ta cũng nghe những câu ấy, nhưng chắc không phải là thứ “tiếng Việt” kỳ quái hoặc nửa Hán nửa Việt, nửa Tàu nửa ta, chẳng thấy “giàu” cũng chẳng thấy “đẹp”, chẳng thấy “trong” cũng chẳng thấy “sáng” (chỉ thấy… tối mò mò)

5 comments:

  1. hi,
    Doc bai nay thay tham thia qua, dong y mot tram phan tram.
    Cheer

    ReplyDelete
  2. Trước hết xin cám ơn Bảo Mai: tôi đọc những bài blogs rất hay, và có nhiều thông tin giá trị.
    Xin có vài ý kiến:
    1/
    Về khác biệt giữa cuộc sống bên Mỹ và bên Việt Nam, tôi thấy là chuyện dĩ nhiên; Việt Nam sau cuộc chiến tàn phá hơn 20 năm, lại bị sai lầm trong phát triển ( nhà nước CHXHCN Việt Nam đổ lỗi do chính sách bao cấp)cùng với sự tham nhũng từ trên xuống dưới, thêm vào đó là dân số tăng gia nên đời sống khó khăn. Con người phải lo cái ăn trước nên làm sao có lối sống văn minh của thời kỳ Sài Gòn - Hòn Ngọc Viễn Đông. Ngoài ra nhà trường chỉ dạy dỗ " đạo đức cách mạng v.v.".
    Ngược lại khi người Việt di tản đến Mỹ, Pháp...thì đươc nhập vào một nền kinh tế đã phát triển cả trăm năm nên " phú quý sinh lễ nghĩa" cũng dề hiểu. Tuy nhiên lối giáo dục trẻ em của Mỹ ( tôi không dám nói về các nước khác)không cho phép roi vọt phần nào đóng góp vào sự kiện con cái không sợ cha mẹ, không chịu học hành, dễ hư hỏng, dễ bị tù tội.

    2/ Về mặt ngôn ngữ, năm 1975, những người còn ở lại miền Nam, được tiếp xúc với những từ ngữ rất quê mùa như là nhà nước, máy bay lên thẳng, lính thủy đánh bộ v.v..đặc trưng cho một tầng lớp công nông đổi đời, đè bẹp tầng lớp trí thức và tiểu tư sản.
    Nay bộ đồ ka ki cứt ngựa, đôi dép râu, chiếc khăn rằn không còn hợp thời, thì ngôn ngữ cũng phải thay đổi theo, phản ảnh tư duy nghèo nàn, phải vay mượn thật nhiều từ Hán Việt. Chúng ta ở Ngoại quốc vô hình trung giữ lại Tiếng Việt pre 75, mong rằng một ngày người Viêt lại có một ngôn ngữ giàu đẹp có bản sắc riêng, không vay mượn.

    Người Việt Houston

    ReplyDelete
  3. Trong bài "Làm trong sáng tiếng Việt", rất đúng, tiếng Việt giàu và đẹp, nên sử dụng. Nhưng tôi nghĩ, việc sử dụng những từ Hán - Việt hay những từ nước ngoài thì có gì là không đúng.
    Nói thật, tôi là một người khá trẻ, hiểu biết cũng còn nông cạn và đang sống ở Việt Nam, nhưng tôi nghĩ việc sử dụng những từ đó không có gì đáng phải phê phán dữ như thế. Công nhận đó là những từ đi mượn, đi vay của nước ngoài nhưng chúng ta đã viết dưới dạng chữ Việt Nam thì có thể hay không chuyện xem đó là những từ của người Việt mình?! Không ít những nước khác cũng phải mượn những từ của nước khác mà và đôi khi những chữ đó được giữ nguyên, không được đổi cách viết và cách phát âm nữa kìa, như "Bon appétit" = "Chúc ăn ngon" của người Pháp vẫn được người Mỹ hay người Anh dùng trước bữa ăn hay từ "weekend" vẫn được người Pháp sử dụng phổ biến.
    Trong khi đó, chúng ta sử dụng những từ đi mượn, đi vay và biến đổi chúng thành từ tiếng Việt (thế nên mới có chữ Hán - Việt --> vì chỉ là mượn thôi chứ kết quả cuối cùng là từ Việt, đố bạn tìm ra được những chữ này trong từ điển của ngôn ngữ gốc mà tìm ra được nghĩa đấy, ngoại trừ bạn là người Việt Nam). Người Việt Nam ta từ xưa đến nay rất sáng tạo, học hỏi những cái hay cái tốt và cố gắng loại bỏ những điều chưa hay, vậy có nên chăng xem những từ đi vay đi mượn đó cũng là một phần của kho tàng từ ngữ Việt Nam???
    Đó chỉ là ý kiến của tôi và xin lỗi nếu nói sai nhé!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Từ 1975 về trước,tiếng Việt đã rất phong phú.Văn chương không thiếu chữ nghĩa để sử dụng.Chúng ta cũng không nề hà du nhặp những danh từ khác .Nhưng kể từ khi Vc chiếm được miền Nam và đốt sách vở,hủy hoại văn hóa đương thời kiểu quân Minh khi xâm lăng nước ta ngày xưa để tạo ra cái văn hóa CS thì rõ ràng ngôn ngữ thay đổi rất nhiều.Nhiều tiếng Tàu được dùng thay tiếng Việt một cách không cần thiết:khẩn trương thay vì nhanh lên ,lẹ,maulênnhất trí thay vì đồng ỷ...Đây có lẽ do những cán bộ được gửi đi học bên Tàu về.Những cán bộ này đều thuôc loại không có học thức,khi về nước phải xổ nho cho oai,đám dốt thời đó bắt chước cho có vẻ học thức!Cỏn một kiểu nưa là dùng những chữ thô tục sống sượng để khoe cái gốc bần cố cho đung với chủ trương 3 đời vô sản vô giáo dục:xưởng đẻ,nhà i..thay cho nhà cầu,nổi cộm ...

      Delete
  4. Ta chỉ đi vay mượn chữ của người khi mình không có chữ để diễn tả. Nếu bỏ chữ của mình mà dùng chữ của người thì là Nô-Lệ!
    Có biết là tụi cộng sản đã ký mật ước đến 2020 là giao quê hương Việt-Nam cho Tàu không?
    Trong khoảng 1975-1990 thì dùng tiếng việt như xưởng đẻ, cái nồi ngồi trên cái cốc.
    Sau 1990 với hội nghị Thành-Đô, người Việt bắt đầu phải dùng từ Hán thay từ Việt!
    Đừng mê ngủ nữa.

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.