Wednesday, June 29, 2011

Về quê thăm nông trại

image

Mùa hè, mời bạn về quê thăm nông trại
Mùa hè là thời gian để các địa điểm du lịch đón tiếp một số lượng đông đảo khách vãng lai. Tại Hoa Kỳ, ngoài những nơi nổi tiếng đã có từ lâu, mấy năm trở lại đây, một số các chủ nông trại nhỏ hoặc cỡ trung đã bắt đầu mở cửa đón tiếp khách du lịch hầu kiếm thêm lợi tức bù đắp cho những chi phí trong nông trại vào thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay. Lan Phương trong Câu Chuyện Nước Mỹ tuần này mời quí vị theo dõi bài viết sau đây dựa trên những chi tiết trích thuật từ báo chí Hoa Kỳ.

Lan Phương - VOA

image
Hình: AP

Các nhà tiểu nông hoặc các chủ trại cỡ trung tại Hoa Kỳ phải đương đầu với nhiều khó khăn như sự cạnh tranh của những tổ hợp nông nghiệp lớn, chi phí lên cao vì vật giá leo thang trong khi giá nông phẩm lại thấp. Họ khó có thể giật gấu vá vai duy trì được nông trại nếu không tìm cách kiếm thêm thu nhập bằng những việc làm ở ngoài nông trại.

Tờ The New York Times số ra ngày 10 tháng Sáu cho biết càng ngày càng có nhiều nông trại trồng tỉa hay chăn nuôi thu được thêm lợi tức nhờ mở các dịch vụ du lịch, tiếng Anh gọi là agritourism. Một số chủ nhân đã mở dịch vụ gọi là bed-and-breakfasts, hay farm stays, đón những khách du lịch muốn được tận mắt chứng kiến đời sống ở ruộng vườn. Khách trả tiền để được ngủ đêm trong một căn phòng trong nông trại và ăn bữa sáng, sau đó đi xem các sinh hoạt, chẳng hạn như xem vắt sữa bò, xem cách nhà nông làm phô ma và xem cách chăm sóc mục súc hay đi ngoạn cảnh trên những cánh đồng trồng cây ăn trái, trồng hoa hoặc các loại rau cỏ và xem nhà nông trồng cấy hay chăm bón đồng ruộng của họ ra sao. Nhiều nông trại lại thiết kế những "mê lộ" trên các ruộng bắp hay ruộng lúa mì của họ để khách đến chơi giải trí, thường thì với toàn thể gia đình.

image

Tờ báo thuật lại trường hợp của hai ông bà chủ trại Jim Maguire và Christine Maguire tại Santa Margarita, bang California. Sáng sớm thức dậy, ông Jim Maguire cho heo ăn, vắt sữa bò và sữa dê, xong xuôi ông chuẩn bị đến sở. Ông làm việc với chính phủ ở quận hạt gần đấy. Trong khi đó vợ ông ở nhà lo sản xuất phô ma và chăm nom đàn mục súc. Nhưng từ khi mở dịch vụ bed-and-breakfast, với 2 phòng ngủ dành cho khách, bà phải đảm đương thêm việc quét dọn phòng, thay chăn mền và lo bữa sáng cho khách nữa. Khoản thu nhập mà dịch vụ này đem về giúp cho ông bà trang trải tiền thức ăn cho gia súc, một trong những khoản nặng nhất của chi phí nông trại.

image

Theo thống kê công bố 5 năm một lần của bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ, vào năm 2007, có chừng 23.000 nông trại tại Mỹ cung ứng dịch vụ du lịch agritourism. Cũng theo thống kê này trung bình mỗi nông trại thu về được chừng 24.300 đô la mỗi năm.

image
Christine Maguire, and her husband, Jim

California, tiểu bang nông nghiệp lớn nhất nước, là một trong những nơi dẫn đầu về ngành du lịch nông trại với khoảng 700 nông trại đón khách du lịch. Thu nhập do dịch vụ này mang lại cho mỗi nông trại trung bình là 50 ngàn đô la một năm.

image
Simmons Farm In Christmas Florida

Florida, một tiểu bang thu hút đông đảo du khách, cũng có nền kinh tế dựa rất nhiều vào nông nghiệp. Theo tài liệu của Viện Khoa Học Nghiên Cứu Nông Nghiệp và Thực Phẩm thuộc đại học Florida, với những vườn cây trồng các loại cam chanh bưởi, các ruộng mía, những sản phẩm nông nghiệp, Florida cũng có tiềm năng lớn phối hợp nông nghiệp với du lịch.

Toàn thể 50 tiểu bang của Hoa Kỳ đều ít nhiều có những nơi du lịch như thế.

image

Tại Miami, bang Florida, 2 người Việt chủ vườn cây trồng những loại trái cây nhiệt đới như na, xoài, ổi, nhãn, vải cũng mở cửa đón khách tham quan vào mùa hè và có sạp hàng để bán sản phẩm cho khách. Chúng tôi đã có bài phỏng vấn hai chủ vườn cây này cũng trong mục Câu Chuyện Nước Mỹ cách nay hơn 1 năm.

Ngoài số thu nhập thêm cho các nông gia, ngành du lịch nông nghiệp còn đem lại những lợi ích khác cho nông gia và cộng đồng nữa. Du lịch nông nghiệp là cơ hội quí báu để giảng giải cho công chúng biết về nông nghiệp, về cách trồng trọt chăn nuôi theo phương pháp hữu cơ. Những trường học địa phương thường tổ chức những chuyến thăm các nông trại cho các em học sinh được nhìn tận mắt và nghe giảng về các hoạt động của một nông trại, để hiểu rõ nguồn gốc thức ăn mà các em vẫn được ăn hàng ngày và công việc nặng nhọc của nông gia. Nông gia cũng có thể bán thẳng các sản phẩm của họ cho khách và quảng cáo cho thị trường địa phương.

image
Trong vườn Ông Điệp Quách

Tuy nhiên ngành dịch vụ du lịch nông nghiệp cũng có những cái khó của nó. Các chủ trại thường than vãn về chi phí bảo hiểm mà họ phải trả khi mở dịch vụ này. Và khoản tiền bảo hiểm ngày càng tăng nếu khách đến nông trại của họ càng nhiều. Tại California, chi phí bảo hiểm có khi chiếm đến 10% thu nhập. Vài tiểu bang đã ban hành những luật lệ để giúp cho nông gia đỡ khổ vì chi phí bảo hiểm. Tại Indiana, một đạo luật mới sắp được ban hành để giảm bớt trách nhiệm cho chủ trại nếu như khách bị thương khi thăm viếng nông trại, và hy vọng nhờ vậy mà chi phí bảo hiểm sẽ bớt đi.
image

Ngoài ra, điều hành một nông trại với không biết bao nhiêu công việc nặng nhọc lại còn kèm thêm dịch vụ ăn ở và tiếp đãi khách du lịch, người chủ trại phải có tài giao tế, niềm nở với khách hàng trong mọi tình huống, bằng không thì chớ nên bước chân vào ngành dịch vụ này.

Tờ The New York Times cũng dẫn chứng trường hợp của bà Kim A.Rogers, chủ nông trại và vườn cây ăn trái, cùng với chồng mở dịch vụ bed-and-breakfast từ 7 năm nay. Công cuộc kinh doanh của hai ông bà rất khấm khá. Tuy nhiên công việc đồng áng làm họ mệt đừ trong lúc dịch vụ du lịch nông trại của họ ngày càng phát đạt. Vì thế, vào một ngày đẹp trời năm ngoái, hai ông bà cho đốn hết 700 gốc cây ăn quả, trở thành chủ nhà trọ toàn thời gian, với mấy căn nhà nhỏ cho thuê từ 150 đến 285 đô la mỗi ngày. Họ vẫn giữ lại mấy con cừu, đàn gà và một vườn rau lớn, đủ để duy trì không khí của một nông trại cho khách thưởng lãm mà thôi.

Mùa hè năm nay, du khách nào muốn thăm vườn cây ăn trái của người Việt tại Miami, bang Florida xin mời vào đường dẫn Thăm vườn cây ăn trái nhiệt đới của người Việt ở Mỹ.

image

Và nếu ai muốn tìm nơi du lịch tại các nông trại tại Hoa Kỳ xin mời vào web site sau đây: Farm Stay U.S.


Thăm vườn cây ăn trái nhiệt đới của người Việt ở Mỹ
Lan Phương  

Florida, một bang nằm ở mỏm đông nam Hoa Kỳ, đã nổi tiếng từ lâu trên thế giới về các loại trái cây như cam, quít, chanh, bưởi nhờ khí hậu nóng ấm và thổ nhưỡng thích hợp. Nhiều năm gần đây, một số người gốc Việt ở bang này đã lập ra một số nông trại trồng các loại rau trái nhiệt đới như xoài, nhãn, vải, vú sữa hay khổ qua (mướp đắng). Lan Phương, trong câu chuyện nước Mỹ hôm nay, sẽ gửi đến quí thính giả một số hình ảnh và chi tiết về vài nông trại do người Việt làm chủ tại Miami, bang Florida.

Trong số những loại trái cây nhiệt đới và những thứ như rau thơm và các loại rau mà người Á đông thường mua tại các tiệm thực phẩm, chắc chắn là có những nông phẩm thu hoạch được từ các nông trại của người Việt tại bang này. Chúng tôi đã liên lạc với ông Quách Điệp, chủ một nông trại nhỏ khoảng 5 hecta đất, trong đó ông trồng đủ các loại trái cây nhiệt đới như na (mãng cầu), vú sữa, xoài, chuối, thanh long.

Ông Điệp Quách đã đến nước Mỹ năm 1982, và đã đi làm trong các hãng xưởng như mọi người khác. Nhưng vì trước kia tại Việt Nam ông đã trồng vườn cây ăn trái nên nỗi nhớ quê khiến ông có ý định mở trại trồng những thứ cây trái quen thuộc với ông từ thuở nhỏ.

Với vườn cây chỉ có 5 hecta đất, ông không sản xuất được nhiều, chỉ cung cấp ở địa phương. Trước đây ông cũng gửi sản phẩm bán cho những ai thèm cây trái quê hương ở những nơi xa đặt mua, nhưng ông đã ngưng dịch vụ đó.

Ông giải thích: 'Tôi có gửi đi mấy lần nhưng khi tới chỗ, trái cây bị hư hao, khách nhận được không vui, thành thử chúng tôi không muốn gửi tiếp nữa. Thí dụ như trái nhãn gửi đi thì dễ dàng hơn, còn như mãng cầu thì không thể gửi mất hai ba ngày được, mãng cầu phải gửi trong vòng một ngày thì tới nơi còn đẹp, còn ăn được'.

Nhưng nếu gửi một ngày thì tiền cước phí rất cao, mới đây ông có gửi sang California một thùng mãng cầu 33 pound (khoảng 15 kilo) tiền cước mất 120 đô la. Nếu gửi ít hơn thì tiền cước còn cao hơn nữa.  Bởi vậy khi các bà nội trợ mua mãng cầu ở những tiệm thực phẩm Á đông chớ nên ngạc nhiên tại sao nó lại bán với giá đắt như vậy.

Ông Điệp Quách cho biết với một nông trại nhỏ bé chỉ 5 mẫu như vậy, thu nhập cũng chỉ đủ chi dùng cho gia đình, và như mọi nông gia khác, mức thu nhập cũng còn tùy vào thời tiết, có năm được mùa, có năm chỉ trung bình và có năm bão hay khô hạn thì coi như mất hết. Cũng may là vợ ông là nhân viên bưu điện, công chức của chính phủ nên gia đình có đồng lương đều đặn.

Một nông trại khác nữa tại Miami cũng do người Việt, ông Chính Nguyễn, làm chủ. Ông Chính cho biết diện tích vườn trái cây của ông chỉ rộng có 3 mẫu, trên đó ông trồng các loại cây ăn trái quen thuộc như ở quê nhà, nhưng phần còn lại rộng đến 70 hecta ông dành để trồng khổ qua (mướp đắng) và húng quế. 

Ông cung cấp khổ qua và húng quế cho các đại lý để họ phân phối đi khắp nơi như New York, Canada, Chicago hay Texas. Trung bình nếu mưa thuận gió hòa, số thu hoạch của ông khoảng 1,000 đến 1,500 thùng mỗi tháng.  Một thùng nặng chừng 35 pounds. Ông cũng cho hay trồng khổ qua không phải dễ, vì nó đòi hỏi thời tiết ấm và không mưa nhiều, độ ẩm nhiều thì cây dễ bị nấm, không được tốt.

Riêng về vườn trái cây, ông Chính cho biết khách gốc Việt thường đến xem vườn vì một số lý do: 'Thường thường khách đến đây thứ nhất là muốn tìm tới nhìn ngắm, thưởng thức lại trái cây Việt Nam, chụp hình, du lịch, xong rồi thì mùa nào thức đó, họ hái xong đem ra cân tính tiền. Đó là một sở thích cuối tuần, hoặc là những khách phương xa nghe giới thiệu tìm đến để tìm hiểu về cây trái, vì có những người đã từng sống ở Việt Nam nhưng chưa bao giờ thấy những cây ăn trái đó bao giờ'. 

Trong số những người khách đến thăm đã phát biểu cảm nghĩ mà giờ đây ông Chính vẫn còn nhớ và thuật lại như sau: 'Đến đây gặp vườn chú Chính rồi thì chắc không về Việt nam nữa đâu tại vì ở đây cái gì chú cũng có hết. Thì tôi cũng cám ơn đó, nhưng phải nói thật là 3 mẫu này đâu có so sánh với hình chữ S của Việt Nam được, cho nên tôi thấy họ nói như vậy là để quên cái gì mà mình không có thôi. Chứ nghĩ lại thì Việt Nam là hơn hết, vì bên đó đầy đủ hơn'.

Trước khi đến Mỹ năm 1975 ông Chính là một quân nhân của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Định cư tại Mỹ từ năm 1975, ông cư ngụ tại Louisiana, làm việc cho hãng đóng tàu ở New Orleans, sau đó việc kinh doanh của hãng xuống, ông qua chơi Florida, đi vào ngành buôn bán các loại rau Á đông, và rồi cuối cùng ông mua đất lập trại luôn tại Florida.

Khi được hỏi là trước đó ông không có kinh ngiệm về nghề nông thì làm sao ông có thể lập trại và biết cách trồng trọt, ông Chính trả lời: 'Ở xứ Mỹ có cái hay ở chỗ những sở nông nghiệp có những lớp đêm để chỉ cho những người mới làm nông trại về cách sử dụng phân bón, dạy cách sử dụng thuốc xịt rầy, rồi họ cho biết có những thứ nào có thể xịt được cho loại cây nào, loại rau nào thôi chứ không phải các thứ đều dùng cho mọi loại cây được hết'.

Ông còn cho biết thêm là nhà nông phải qua các lớp học đó rồi mới được cấp giấy phép để mua các loại thuốc xịt nào đó, vì chính phủ muốn bảo vệ sức khỏe cho giới tiêu thụ nên nhà trồng tỉa sản xuất nông phẩm phải hiểu biết tường tận cách sử dụng các loại phân bón và thuốc xịt sâu rầy sao cho an toàn. 
Ðịa chỉ vườn cây của ông Ðiệp Quách:
18100 SW 136th St, Miami, Florida, 33196

Số điện thoại: (305)259-7693

Ðịa chỉ vườn trái cây của ông Chính Nguyễn:
12880 SW 208th St, Miami, Florida, 33177

Số điện thoại: (305)310-6294
 

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.