Thursday, June 9, 2011

Hạ "cờ tây"

image


Người Việt Trì tự hào về thú ẩm thực rất dân dã của đất mình và chắc chắn đến Việt Trì một lần bạn sẽ được những tấm lòng hiếu khách khoản đãi món ngon này. Phố Đoàn Kết là trung tâm của thịt chó Việt Trì với gần 20 cửa hàng lớn nhỏ. Những cửa hàng này đều đã có trên dưới chục năm nay nhưng vẫn mang vẻ bình dị, dân dã vốn có bởi theo những chủ cửa hàng ở đây thì phòng ốc bóng nhoáng, bàn ghế sang trọng sẽ không còn là thịt chó Việt Trì.

image

image
Làng mổ chó

Hàng chục lồng đựng chó xếp chồng lên nhau, tiếng sủa inh ỏi và những chiếc xe tải gầm rú lùi lại để mấy thanh niên choai choai bốc lô hàng gồm hàng trăm con chó từ Hà Tĩnh về. Đó là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi về làng Cao Xá (Đức Giang, Hoài Đức, Hà Tây).

   image

Mỗi ngày 1.000 con chó “lên thớt”
“Chú đặt bao nhiêu con, ưng con nào thì cứ chọn thoải mái. Hàng xịn từ miền núi Hà Tĩnh vừa về hôm qua đó”, vừa nói, ông T. vừa lấy chiếc cùi sắt thúc mấy con chó dậy cho khách xem.
Trên chiếc lồng sắt có một tờ giấy ghi chi chít. Ngày 30/7, cao điểm nhất mổ 104 con, rồi xuống 80, 75... và chốt lại là con số 30.
Giải thích thắc mắc của chúng tôi, ông T. nói: “Nếu các chú không tin thì cứ nhìn các nhà hàng và số điện thoại trên mà hỏi”.
Chưa kịp dứt lời thì chiếc điện thoại bên hông ông T. reo vang: “Alô! 50 con sáng mai 4h lấy. Ok, yên tâm đi hàng xịn cả”.
“Đấy làm ăn quen với nhau rồi nên giờ có việc gì họ cứ việc alô là xong”, ông T. giải thích.

image

Thấy khách tỏ vẻ không ưng hàng thì ông T. khẳng khái: “Nếu không ưng thì các anh cứ đi hết cái làng này thử hỏi có hàng ai chất lượng hơn nhà T. này không”.
Vừa thoát được thứ mùi nhức đầu từ những đống phân chó lâu ngày không dọn, PV bị kẹt ngay ở cổng nhà ông T. vì chiếc xe công nông chở rơm cho nhà bà Phong quá khổ không thể lách được vì con đường quá chật.
Ở cái làng Cao Xá này, bà Phong được coi là “Vua cầy” vì theo như nhiều người, nhà bà chuyên nghề mổ chó rất nhiều năm.
Trong căn nhà ba tầng khang trang sạch sẽ khác hẳn với nhiều ngôi nhà trong làng, bà Phong kể: “Ngày xưa ông nhà tôi còn sống, mỗi sáng đưa lên thớt hơn một trăm con chó là chuyện thường. Nhưng nay các cháu nó đi học hết nên mỗi sáng chỉ làm vài chục cho có lệ thôi”.
Đến nhà bà N.T.V., người được coi là mối hàng lớn của nhiều nhà hàng và quán ăn ở Hà Nội hiện nay.
“Hàng nhà tôi luôn được khách đánh giá cao vì không làm ăn theo kiểu “gom hàng” như nhiều nhà khác trong làng”, bà V. khoe.. Theo giới làm thịt chó của làng, ngoài “nguồn hàng” trong nước, bà V. còn lặn lội sang tận Lào và Thái Lan lấy hàng.
Bà V. khoe: “Nhà tôi làm ăn với hơn 30 quán nhậu của Hà Nội và có hẳn một quán ở phố cổ để chuyên giới thiệu và cung cấp hàng cho các quán mỗi khi cần nhanh”.
Theo những người chuyên làm chó của làng Cao Xá, bình quân vào ngày cao điểm, cả làng đưa lên thớt cả nghìn con chó. Khi khách hỏi chó đã được kiểm dịch bệnh chưa, họ chỉ trả lời một cách vu vơ: “Đã có ai ăn chó thịt chúng tôi mà chết đâu”.
Chiêu “nâng cấp” thịt cầy

image

Mặc dù đã giải nghệ từ lâu nhưng ông Q. có biệt danh là Q. "Cầy” luôn được những thành viên trong hội làm thịt chó kính nể vì luôn hướng dẫn cho họ những chiêu độc để biến những chú “cẩu” gầy thành béo, thịt ươn thành tươi.
Dù đã có của ăn của để nhưng ông Q. vẫn làm một cái quán nước ven đường để ngày ngày tụ họp anh em.
Ông Q. bảo: “Có gì đâu, những món này ngày xưa cha ông tôi dạy cho cả mà. Có điều mình phải làm chừng mực để lấy phúc cho con cháu sau này”. “Các chú đi ăn thịt chó chớ có tham thấy thịt hồng, béo mà coi đó là chó ngon”, ông Q. cảnh báo.
Theo ông, các nhà làm chó ngoài có những chiếc lồng sắt đặt trước sân thì sau nhà bao giờ cũng một không gian “cấm cửa”. Nếu sân sau này mà khách nhìn thấy thì coi như mất mối.
“Chú xem gom hàng từ các tỉnh đã mấy ngày mà đâu phải tất cả đều là chó đàng hoàng được nuôi và có kiểm tra gì đâu, có nhiều chó thu mua của bọn ăn cắp và chó bị đánh bả”, ông Q. thổ lộ.
Sau khi bốc hàng, những con đang còn thở và khỏe mạnh được các ông chủ nhốt vào trong lồng để “đánh bóng” với khách hàng.
Sau khi khách chọn được những chú “cẩu” ưng ý rồi, họ yên tâm ra về sáng hôm sau đến lấy hàng mà không biết hàng này có khi có lẫn những con chó đã được “hóa kiếp” cách đó đôi ngày.
Khi thấy khách ngỡ ngàng thắc mắc tại sao “về bên kia” một đôi ngày rồi mà thịt chó vẫn tươi ngon. Ông Q cười nhẹ: “Các chú nếu nghe xong thì đừng có bảo ông già này bịa. Thật một trăm phần trăm đó”.

image

Theo ông, sau khi bốc hàng những ông chủ ở đây thường “lược” ra những con gầy còm nhất đưa về sân đằng sau nhà. Con nào chết thì được đưa xuống hố đất đào sâu khoảng 1,2m. Còn những con gầy thì tống vào bao tải nhỏ vứt xuống ao.
Đó chính là “công nghệ” biến chó gầy thành béo, ươn thành tươi… Khi đó thịt những con chó này lại khiến khách hàng ưng ý hơn vì trông béo lên và nhìn rất ngon.
Theo ông Q. thì nhiều gia đình do quá tham nên cứ áp dụng chiêu này nên đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc do ăn thịt chó.
Ông Q. cho biết làng chó Cao Xá có nguồn gốc từ những năm 20 của thế kỷ XX. “Ngày xưa các cụ cao niên trong làng thường xuyên nhắc nhở với lớp con cháu chúng tôi là làm ăn gì thì cũng phải có cái tâm. Mong muốn của các cụ là được công nhận một làng nghề. Nhưng nhiều người tham nên làm liều thôi”, ông Q. tâm sự.
Nghề nào cũng có sướng có nhục. Nhiều ông chủ làm thịt chó trong làng bị đánh vì chuyên mua chó của những người đi ăn trộm nên bị người dân các vùng lân cận đến bắt quả tang và kéo đến tận nhà để bắt đền.

image

Làng xóm giờ vẫn nhắc đến chuyện hai nhà ông C. và bà U. Bà U. đã nhiều lần nhắc nhở vì ông C thịt chó làm mất vệ sinh trong thôn xóm nhưng ông cứ lờ đi. Chịu không nổi U. và một số người đã lôi nhau đến nói chuyện bằng tay với ông C. gây náo động cả làng.
Mười năm về trước làng Cao Xá chỉ có một nghề là làm thịt chó. “Nhiều nhà cao tầng cũ ven đường đều được xây từ thời đó cả. Nhưng giờ thì nhiều người không trụ được với cái nghề này nữa rồi”, ông Q. kể.
Vừa đứng dậy chào ông Q., PV thấy hai thanh niên đi trên chiếc xe Wave đỗ xịch ngay trước quán gườm gườm nhìn và quát: “Hỏi lắm thế. Léng phéng mà viết cái gì thì cứ liệu hồn”.


Theo Tiền Phong


LÀM THỊT CHÓ

image

image
  
image

image

image


CÁC MÓN ĐÃ ĐƯỢC CHẾ BIẾN HẤP DẪN

image

image

image

image

image

image

image

THỊT CHÓ PHỐ NHẬT TÂN HÀ NỘI

  image

image


Đi tìm cái nôi hạ cờ tây

Trên thế giới, ngoài Việt Nam thì quốc gia tiêu thụ thịt cầy mạnh nhất phải nhắc ngay đến Hàn Quốc. 92% đàn ông và 68% phụ nữ Hàn Quốc khi được phỏng vấn đã cho rằng thịt chó là món ăn ngon nhất đối với họ.

Theo thống kê, thịt chó là món ăn được sử dụng thứ tư tại Hàn Quốc sau thịt lợn, thịt bò và thịt gà. Do vậy, trên đất nước này có đến hơn 6.000 cửa hàng bán thịt chó, và thịt loại động vật này được các bác sĩ chỉ định như một món ăn bổ dưỡng cho các bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo.

Đó là chuyện bên xứ Hàn, còn ở xứ Việt, thịt cầy cũng có một bề dầy lịch sử không kém. Có quán đề bảng Cờ Tây, nói lái của cầy tơ; nơi thì Mộc Tồn, diễn nôm na là cây còn tức con cầy; chỗ lại ghi Lá Mơ, một thứ lá không thể thiếu khi ăn thịt chó... Thịt chó đã đi vào cả ca dao, thơ văn của người Việt Nam như:

"Sống trên đời ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ hỏi có hay không?".

Hoặc:

"Ăn rồi xách nón ra về
Thấy hàng chả chó lại lê chân vào
Chả này bà bán làm sao?
Ba đồng một gắp lẽ nào chẳng không
Dối rằng lại nghĩ đến chồng
Gần đến cánh đồng ngả nón ra ăn”.

Vài chục năm trước, nhà văn Vũ Bằng trong bài Thịt cầy đã viết rằng: "Đã định không nói, nhưng không nói thì không chịu được. Ca tụng thịt cầy mà mang tiếng là thiếu văn minh thì mình cũng đành chịu cái tiếng thiếu văn minh vậy, chớ nói đến miếng ngon Hà Nội mà không nói đến thịt cầy, người ta quả là thấy thiếu thốn rất nhiều. Chỉ thiếu một người, vũ trụ bao la hiu quạnh... Huống chi lại thiếu thịt cầy thì còn vui sống làm sao?".

Cầy tơ có mặt trong khá nhiều tiệc cưới ở nhiều địa phương Bắc bộ như Hà Tây, Nghệ An, Nam Định... Thậm chí có những nơi như Vân Đình (Hà Tây) thì "phi thịt chó bất thành tiệc cưới". Trong đợt khảo sát đánh giá thực phẩm địa phương nổi tiếng tại Việt Nam có tiềm năng lớn về chỉ dẫn địa lý được Liên minh Thị trường Nông nghiệp châu Á tiến hành cho thấy có 265 loại thực phẩm địa phương, trong đó có 75 loại thực phẩm được đánh giá cao và nhắc đến nhiều nhất thì thịt chó được nhắc đến 2 lần!

Các "tín đồ... cầy tơ" rất tự hào khi nghe câu chuyện về ông Trần Hữu Triệu là người Việt Nam đầu tiên sang Triều Tiên những năm 1960 nấu những món thịt chó phục vụ chủ tịch CHDCND Triều Tiên - Kim Nhật Thành. Ông Triệu có "ngón nghề" độc đáo trong việc chế biến thịt cầy quay và thịt om cực ngon. Ông Triệu sang Bình Nhưỡng gần 2 năm, ăn ở đều được biệt đãi để tập trung hướng dẫn món “cẩu nhục”.
Từ câu chuyện này, nhiều "tín đồ... cầy tơ" Việt Nam quả quyết, món thịt chó phải xuất phát từ Việt Nam vì nếu dân Triều Tiên thích ăn thịt chó từ lâu thì sẽ không cần đầu bếp Việt Nam sang hướng dẫn? Những người bảo vệ ý kiến này còn chứng minh thêm rằng, dù thịt chó cũng là món "hẩu xực" của người Trung Quốc mà họ xưng tụng là "hương nhục" nhưng so ra lượng người ăn thịt chó không nhiều và cũng chỉ chủ yếu có một món chính là chó tần với 4-5 vị thuốc bổ.

Vậy là chưa thể so bì với các quán "Liên hiệp xí nghiệp thịt chó" trên đê Nhật Tân với thực đơn 7, 9 món cầy tơ hảo hạng! Khoảng những năm 1993, khu vực đê Nhật Tân (Hà Nội) có đến gần 50 nhà hàng, tiệm thịt chó, mỗi ngày tiêu thụ đến trên 5 tấn thịt. Hàng loạt nhà hàng thịt chó cất theo kiểu nhà sàn lợp mái cọ, ngồi trên chiếu trải trên sàn nhà trông na ná nhau và đau đầu nhất vẫn là "hệ thống" nhà hàng mang tên Anh Tú. Nào là Anh Tú Béo, Anh Tú Xịn, Anh Tú Nhà Kính, Anh Tú Nhà Sàn, Anh Tú Rởm, Anh Tú Thật...

Chủ tiệm nào cũng bảo mình mở quán đầu tiên và cam đoan tên khai sinh là Anh Tú. Nhắc đến những vùng đất trứ danh nhất về thịt cầy ở Việt Nam thì có thể kể ra như cầy tơ Nam Định, cầy tơ Việt Trì, cầy tơ Vân Đình...
Nhưng có điều khi hỏi 9/10 người "nghiện" và "sành" thịt chó thì đều quả quyết với tôi rằng, thịt cầy Vân Đình vẫn là ngon nhất. Hiện nay, chỉ riêng thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa, Hà Tây) có khoảng trên dưới 40 quán thịt chó, và một đội ngũ khoảng 200 người thợ chuyên đi làm cỗ thịt chó thuê ở khắp mọi nơi.
Ông Đào Văn Tâm, chủ quán thịt chó Tâm Úc nổi tiếng ở Vân Đình cho biết, "menu" thịt chó ở đây đã lên tới "tuyệt đỉnh công phu" với 14 món. Ngoài những món nguyên thủy căn bản là dồi, rựa mận, luộc, nướng thì thịt cầy Vân Đình có thêm các món rất "độc chiêu" như chả bọc, giả chuột, giả chim, giả ba ba, giả trâu...

Chẳng biết Vân Đình có phải đích thực là "thủ phủ" của cầy tơ hay chưa, nhưng hôm về chơi Vân Đình, nhiều chú bé mới 9, 10 tuổi ở đây vừa nhai thịt chó ngồm ngoàm vừa nói rất sành điệu về "đẳng cấp" thịt chó.
Nào là “nhất bạch, nhị vàng, tam khoang, tứ đốm” và còn khẳng định chỉ tính riêng tiệm Tâm Úc ở cái thị trấn nhỏ này mỗi ngày đã "giải quyết" 40, 50 con chó là xoàng thôi. Khách đi ôtô con từ Hà Đông (Hà Nội) đổ về đặt hàng, thưởng thức, có cả khách Việt kiều, người Hàn Quốc vừa xuống sân bay Nội Bài lại đón taxi đi thẳng về Vân Đình để... xơi thịt chó.

NGUYỄN VĂN HAI MƠ

Hôm qua vừa làm 1 bữa xong, sáng nay dậy vẫn còn thèm....
Nói đến món ăn miền Bắc, ngoài cái công việc “nghi lễ và cách thức ăn uống” phải kể đến yếu tố hoàn cảnh, không gian lẫn thời gian. Thật vậy, không có gì bằng buổi trưa nóng hừng hực, một mâm gỏi cá với những đĩa rau lá xếp gọn gàng thứ tự, bát giấm nóng thơm phức, nhâm nhi vài ly rượu đế thì thực là cõi tiên! Rồi những buổi mưa tầm tã, hưởng mùi ngai ngái của hơi đất ẩm nồng, mùi nụ mướp đơm hoa, cà vừa chớm nụ mà trước mặt mình ngổn ngang “11 món thịt cầy”!

image
“Nắng gỏi mưa cầy” là vậy đó.
Ai đã từng thưởng thức món “Hạ cờ tây” cũng đều phải ca tụng rằng :
“ Sống ở trên đời, ăn miếng dồi chó,
Chết xuống âm phủ, biết có hay không?”


Gạt ngoài vấn đề phong tục tập quán, ở đây chúng ta chỉ bàn về món ăn “độc nhất vô nhị” này. Thật ra, không chỉ món cầy là riêng của người miền Bắc, hầu như trên khắp thế giới, không nơi nào lại không có “khuynh hướng giả cầy”.
Vào thời kỳ chiến tranh, dân chúng thường thấy một vật rất đắc lực cho mình, bỗng trở nên một “gánh nặng”. Đó là mấy anh “cà bông” nhông nhông suốt ngày, người chiến binh đang thiếu thực phẩm, người thôn quê hiện chẳng thức ăn, bỗng chốc nghĩ ra rằng : Mấy anh khuyển…có vẻ “vô duyên” quá! Các sách kiếm hiệp Tàu, đôi khi cũng nhắc đến món cầy trong bước đường giang hồ của các tay võ lâm cự phách một cách tự nhiên.
Tuy vậy, lại có người xem chó như một động vật có tư tưởng cho nên nuôi nấng một cách “đường hoàng” cho đến khi “khuyển lão” yên giấc ngủ ngàn thu. Thay vì bỏ vào lò luyện món trường sinh bất tử lại làm một màn tiễn đưa đầy thương tiếc.
Những tay hạ cầy lại có một lối lý luận rất ư là vững chắc. Họ quan niệm rằng, cái nhiệm vụ tự nhiên của chó là giữ nhà coi cửa, những cử chỉ thân thiện là do thói quen cố hữu, còn ngoài ra “hắn ta” vẫn là một trong muôn ngàn động vật của “Trời cho”, vậy việc gì mà ta không ngả cầy cho đúng với định luật bất di bất dịch đó.
Người ta không thể không công nhận rằng, yếu tố ăn uống là một nhu cầu tối quan trọng của người phàm. Lại có người tỏ ra e dè hoặc mặc cảm.

Xin kể một câu chuyện : Anh Phó Đảm, người miền bể Nam Định, cưới cô Hai Huệ miền Cửu Long Giang bát ngát, những tưởng êm ấm vì tình Bắc duyên Nam. Cô Hai Huệ dù hết sức cưng chiều anh Phó Đảm cũng không tránh khỏi cái cảnh cơm không lành canh không ngọt, mặc dầu với canh chua cá lóc, anh Phó Đảm hết sức là hoà đồng, thưởng thức một cách tuyệt vời món canh chua quê vợ. Tuy nhiên, anh ta cũng không bao giờ quên được những mùi vị miền quê hương yêu dấu, mà phải do cô vợ hiền tự tay nấu nướng nó mới thật chân tình. Vì thế, anh Phó Đảm thường hay vắng nhà để đi dốc bầu tâm sự với quán cầy. Báo hại cô Hai Huệ phải chịu khó mon men đến nhờ một Bà Bắc hàng xóm học hỏi về món “thần sầu” để giữ chồng. Và chỉ sau một thời gian, cả hai vợ chồng đều hoà đồng với cái món Mộc Tồn.
Đấy là vì người ta nhận thấy một sự quan trọng đầy tế nhị trong vấn đề ăn uống. Yêu nhau chẳng phải “cởi áo cho nhau”, về nhà mẹ hỏi lại phải nói dối “qua cầu gió bay” mà còn phải mang niềm vui cho người phối ngẫu trong vấn đề “thích khẩu”.
Chắc rằng, trước đây cô Hai Huệ đâu có rõ những cái thích của trai miền Bắc :
“Đàn ông biết đánh tổ tôm
Biết ăn thịt chó, xem nôm Thuý Kiều”.


Có thể nói, món thịt cầy là một món thông dụng trên khắp miền thôn quê Trung Châu, Bắc Việt, nhất là các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định… Không nhà nào mà không nuôi chó. Nghèo thì dăm ba con, giàu thì mươi mười lăm con. Nuôi chó vừa có tác dụng giữ nhà vừa để khi trong nhà có việc giỗ chạp, đình đám, lễ lạc, tuỳ theo số thực khách tham dự nhiều ít mà ngả cầy từ một đến hai con. Trong một xóm, mấy ông bợm nhậu thỉnh thoảng lại rủ nhau “đánh đụng” chia hai hoặc chia tư một con cầy.
Làm thịt cầy cũng được chọn lựa kỹ càng, không những về tuổi tác mà còn cả về màu sắc lông, cho nên chó cũng được liệt kê thứ bậc : “nhất bạch, nhì vàng, tam khoan, tứ đốm”. Chó bạch được xếp loại thịt ngon, ít mỡ, nạc mềm. Loại chó này rất hiếm. Còn loại chó mực ít người dùng vì cho là hãm tài.
Chó nuôi từ một năm đến một năm rưỡi là ăn thịt được, còn như trên hai, ba năm thì thịt cứng và dai. Người kén ăn thường chọn chó vàng, nhất là chó đang độ “đi tơ”. Vì thế có câu : “Gà lọt dậu, chó xáo xác”. Gà thì lớn vừa luồn khe dậu, còn chó xáo xác có nghĩa là loại chó đang trong thời kỳ nẩy nở toàn diện, chạy đôn chạy đáo đi tìm nguồn…yêu đương.
Phần đông các chợ miền Bắc đều có một hay hai hàng bán thịt cầy. Các quán này đặt ngay trong nhà lồng chợ, không những thu hút bợm nhậu mà khi mùi vị của món chả nướng từ trên bếp than hồng toả ra thơm phức quyện theo làn không khí bay thoảng vào khứu giác thì ngay cả quý bà quý cô…cũng phải…lần vào :
“Cô kia đi chợ đồng quê
Thấy hàng chả chó liền…lê tôn vào
Cặp này anh lấy bằng nao
Ba đồng một cặp lẽ nào lại không
Nói dối là mua cho chồng
Đi qua quãng đồng ngả nón…liền ăn”


Ngày nay, sau cuộc di cư vĩ đại vào miền Nam, món cầy cũng được đồng bào Bắc du nhập. Đảo qua vài vòng trong các thành phố lớn nhỏ, xuất hiện những quán mang tên “Hạ Cờ Tây”, “Mộc Tồn”, “Cây Còn”…Nhưng có quán thì tấp nập khách ăn, có quán lại vắng vẻ đìu hiu. Nguyên nhân chính là cách thức làm cầy mỗi nơi mỗi khác, gia vị không thích khẩu, cho nên không vừa ý người sành ăn.
Nói đến gia vị, cũng là một phần quan trọng trong các món thịt cầy. Bạn sẽ khó chịu khi thấy trên bàn tiệc, thiếu đĩa rau húng quế hoặc bạn phải nằng nặc đòi cho được ít lá mơ tam thể. Đối với các loại rau, vấn đề vệ sinh được đặt lên hàng đầu. Cho nên, rau phải được rửa kỹ lưỡng bằng thuốc tím, lựa nhặt từng lá rau, rảy cho ráo nước, dùng khăn sạch lau khô, nhất là lá mơ, và xếp thành từng loại,xén đầu xén đuôi, đặt trên đĩa.
Riềng, mắm tôm, mẻ, một trong ba thứ gia vị này mà thiếu thì xin bạn đừng “ngả cầy”. Phải có đủ mới thưởng thức đúng mùi vị của nó, và mới cảm thấy ngon. Món ăn nào gia vị đó, cho nên :
“Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng”.


Ngoài việc phải giã nát riềng để tra vào các món, riềng còn được thái mỏng để “đưa cay” như rau rợ. Bạn cứ thử tưởng tượng : Hớp một ngụm rượu, gắp một miếng thịt luộc đưa lên miệng sau khi chấm mắm tôm chanh, đồng thời cắn một miếng riềng nhai cùng với lá mơ, lá quế…thì ôi thôi! Ngon ơi là ngon!
Mẻ có mùi vị chua, muốn “nuôi mẻ” cần phải gây “cái mẻ”. Nấu cháo hoa đặc sệt, để nguội rồi đổ vào hũ mẻ cái, để càng lâu càng ngon, càng để lâu mẻ càng dậy chua.
Một con cầy cần đến một bát mẻ. Nghiền tan như bột, cho vào chiếc rá nhỏ, lấy thìa xát kỹ xuống nan rá. Nếu không lược kỹ, mẻ ít tan ngấm vào thịt dù rằng nhào bóp mạnh. Không nên nuôi mẻ bằng cơm nguội, vì mẻ sẽ ngả màu vàng úa, hột cứng lâu tan.
Mắm tôm là một thứ mắm làm bằng tôm rảo, tôm phải thật tươi mắm mới thơm ngon. Nếu nhà làm được thì tốt nhất, sạch sẽ. Thường thường mắm tôm mua ở chợ có cấn và sạn, vì họ làm nhiều để bán nên cẩu thả, tôm uwown, không đậy kỹ khi phơi nên ruồi nhặng bâu bám, màu đen và mùi vị không thơm.


1 comment:

  1. Hi Bao Mai,
    I am a dog lover. These photos are horrible, i wonder that there is any commend a bout these photos and what are people think about these?

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.